Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
16:33 (GMT +7)

Dai dẳng “nỗi đau da cam”

VNTN - 60 năm trước, vào ngày 10/8/1961, trong cuộc chiến tại Việt Nam đế quốc Mỹ đã lần đầu tiên tiến hành phun, rải chất độc da cam/dioxin - một loại chất độc hóa học mạnh nhất mà loài người biết được đến nay. Mãi đến tận bây giờ, những hậu quả của nó để lại vẫn cực kì nhức nhối, là nỗi ám ảnh của hàng triệu người khiến họ bị lụi tàn sức khỏe, bị tra tấn tinh thần, cuộc sống cả gia đình lâm cảnh lầm than.


Anh Nguyễn Văn Tuân (1976), con nạn nhân CĐDC Nguyễn Văn Tạo (tổ 12 phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên ) 

Chất độc mạnh nhất

Màu da cam vốn là gam màu đặc trưng cho sự tươi trẻ, khỏe khoắn. Nhưng khi nó nằm trong cụm từ “chất độc màu da cam/dioxin” thì lại ngược lại hoàn toàn. Nó trở thành đại diện cho sự lụi tàn của sức khỏe con người, lụi tàn cả về vật chất và tinh thần. Mỗi chúng ta chắc hẳn ai cũng đã từng nghe đến chất độc hóa học trên, nhưng không nhiều người biết được rõ về tác hại khủng khiếp của nó.

Chất độc da cam (Agent Orange) là một loại chất độc hóa học không màu, không tan trong nước, tan trong dầu diezel và các dung môi hữu cơ, có tỷ trọng ở 25o C là 1,28 kg/lít. Loại chất độc này được các nhà sản xuất để trong các thùng phuy sơn một vạch màu da cam ở giữa để đánh dấu độ độc của loại hóa chất này nên được gọi là chất độc da cam (chất trắng được để trong các thùng phuy sơn vạch trắng, chất xanh được để trong thùng sơn vạch màu xanh…). Chất độc da cam (CĐDC) là tổng hợp 50/50 của hai hoại thuốc diệt cỏ 2.4-D và 2,4,5-T. Mặc dù là tổng hợp của 2 loại chất diệt cỏ, nhưng không thể gọi chất độc da cam là “chất diệt cỏ” hay “chất làm rụng lá” thông thường, vì trong quá trình tổng hợp 2 chất diệt cỏ trên, các nhà sản xuất đã tăng nhiệt lượng để rút ngắn thời gian sản xuất, làm phát sinh thêm thành phần dioxin.

Dioxin là tên gọi chung của một nhóm hàng trăm các hợp chất hóa học có tên khoa học là 2-3-7-8 tetra chloro diebenzo-dioxin, gọi tắt là 2,3,7,8 - TCDD. Tùy theo số nguyên tử Clo và vị trí không gian của những nguyên tử này, dioxin có 75 đồng phân PCDD và 135 đồng phân PCDF với độc tính khác nhau. Dioxin là chất độc mạnh nhất là loài người biết được cho đến nay. Các nhà hóa học tổng hợp được dioxin lần đầu tiên vào năm 1957. Người ta phát hiện dioxin có thể gây ung thư, các dị tất bẩm sinh trên các phôi với liều rất nhỏ. Với liều lượng cỡ 1 picogram (một phần ngàn tỉ gram) dioxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người; vài chục nanogram (một phần tỉ gram) dioxin có thể lập tức gây chết người. Cụm từ Chất độc da cam/dioxin là dùng để nhấn mạnh độc tính của chất độc da cam.

Một thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người

Từ xa xưa chất độc đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, chất độc hóa học đã được chế tạo và sử dụng như một loại vũ khí, được gọi là “vũ khí giết người hàng loạt”.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914 - 1918), quân đội đồng minh đã sử dụng các chất hóa học làm chảy nước mắt (bromure de benzyle), làm hắt hơi (các arsines), các chất gây ngạt thở (phosgene), các chất gây bỏng (yperites), các chất làm liệt thần kinh (axit cyanhydric, cacbon oxit…) để làm mất sức chiến đấu của lực lượng vũ trang đối phương. Ngày 22/4/1915, quân Đức đã sử dụng chất độc Clo làm nhiễm độc và chết hàng nghìn quân Anh, Pháp…

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939-1945), quân Nhật đã sử dụng chất độc Yperite tại Trung Quốc; quân Đức đã sử dụng chất Zyklon B đầu độc các tù nhân ở các trại tập trung. Chất độc hóa học cũng được Anh sử dụng trong chiến tranh chống quân du kích Malaysia. Các chất hóa học chủ yếu được sử dụng là một hỗn hợp các chất Na trichloro axetat (Sodium trichloro axetate STSA); 2,4-D (2,4 - dichloro phenoxy acetic acid) và 2,4,5-T (2,4,5- Trichloro phenoxy acetic acid).

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng.

Trước phong trào nổi dậy mãnh liệt của nhân dân miền Nam, năm 1961, Tổng thống Mỹ J. Kenedy chủ trương tiến hành đồng thời với cuộc chiến tranh nóng cổ điển một cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Các chỉ huy quân sự Anh, những người đã tiến hành rải chất độc hóa học ở Malaysia những năm 50 như Gerald Templer, Rob Lockhart, Robert Thomson… đã được mời làm cố vấn cho quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Khoảng 15 loại hóa chất được sử dụng với khối lượng lớn, nồng độ cao, biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc.

Quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều phương tiện, chủ yếu là máy bay C-123, UH-1 để phun rải trên các cánh rừng, các tuyến đường, các vùng đất canh tác và dùng các phương tiện cơ giới trên bộ, các loại lựu đạn, mìn, các máy bơm áp lực cao để phun rải xung quanh các căn cứ, các khu vực đóng quân của quân Mỹ và đồng minh, phun vào các hầm trú ẩn, địa đạo của Quân Giải phóng…

Ngày 10/8/1961, chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học dọc theo quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắk Tô do máy bay trực thăng H34 thực hiện. Đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam chứa 366kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ. Trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chỉ riêng khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, theo tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, khối lượng chất da cam rải xuống đây khoảng 434.812 gallon, với một lượng dioxin khoảng 11kg trong khoảng thời gian từ năm 1965 - 1970.

Máy bay Mỹ đang rải chất độc diệt lá xuống Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand. Ảnh: Mindfully.org

Để che giấu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng một biệt danh là Ranch Hand (Operation Ranhch Hand) và phổ biến trong quân đội Mỹ và nhân dân rằng: các chất hóa học được dùng là những chất diệt cỏ, chất làm rụng lá thông thường; mục tiêu là để phát quang các nơi trú ẩn, đóng quân của đối phương, làm giảm thương vong cho quân đội Mỹ và đồng minh. Các chất này không độc hại đối với sinh vật, không tác động đáng kể đến sức khỏe con người, không làm hại gì cho nam giới, chỉ tác động vào nữ giới và chỉ khu trú trong 2,3 tuần đầu của thời kỳ mang thai…

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng đó lại là một cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ đã châm ngòi và tiến hành ở Việt Nam. Và đó là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Những di chứng ám ảnh

Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn…

Hậu quả nặng nề nhất là chất độc da cam đã tác động lên con người và để lại hậu quả thảm khốc. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng triệu người Việt Nam đang phải hứng chịu. CĐDC đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. Họ là những người tiếp xúc và bị chất độc này xâm nhập vào cơ thể hoặc ở vùng có tồn lưu dioxin cao trong môi trường. Hơn 3 triệu người là nạn nhân, là những người bị bệnh tật, suy giảm khả năng lao động, vô sinh, hoặc có con cháu dị dạng, dị tật rồi sau đó con, cháu, chắt của họ cũng chịu hậu quả sinh học của sự phơi nhiễm đó.

Chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh. Ngoài ra, nó còn có vai trò quan trọng gây đột biến gien và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân CĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.

Đặc biệt, CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ, và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thế thứ 4. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4.

Chị Trần Thị Xuân bị nhiễm CĐDC từ người cha để lại. Hàng ngày, cha của chị thường xuyên phải bế chị di chuyển để chăm sóc ăn uống, tắm giặt…

Ở nhiều tỉnh, trong số nạn nhân có hơn một nửa là dân thường như ở tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tỉ lệ dân thường trong số nạn nhân là khoảng 70%. Trong đó, 85% số hộ có 2 nạn nhân trở lên, 3% số hộ có 5 nạn nhân trở lên.

Có thể nói: “Nạn nhân CĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát. Nhiều nạn nhân là dân thường không có khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số hộ nạn nhân thuộc hộ nghèo: tỉ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50 - 60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%. Nạn nhân và gia đình của họ vừa bị tra tấn về thể xác, vừa bị hành hạ về tinh thần. Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt xa khả năng thanh toán của gia đình…

Chung tay xoa dịu nỗi đau “da cam”

Từ những năm 1980 cho đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chính sách thiết thực để khắc phục hậu quả và xoa dịu nỗi đau do chất độc màu da cam/dioxin gây ra. Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC. Hiện, toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Đối với tỉnh Thái Nguyên, hiện nay có khoảng 15.000 người bị ảnh hưởng từ CĐDC, trong đó gần 10.000 người được hưởng các chính sách trợ cấp từ Nhà nước. Trong số những người bị ảnh hưởng bởi CĐDC thì tỉ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 50%, ở vùng sâu vùng xa tỉ lệ này lên đến 70%.

Nhằm tập hợp, giáo dục, động viên các nạn nhân chất độc da cam khắc phục mọi khó khăn về vật chất và nỗi đau về tinh thần, ngày 22/8/2006, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Nguyên đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đến nay, Hội đã hoàn thiện tổ chức hội ở 100% đơn vị hành chính các cấp trong tỉnh bao gồm: tỉnh hội, 9/9 hội huyện thị thành/ 178/178 hội xã phường thị trấn; 940 chi hội tổ dân phố thôn bản. Hội có 9.775 hội viên trong đó trực tiếp 8.873, số còn lại là nạn nhân gián tiếp, người bị phơi nhiễm chất độc trong chiến tranh.

Từ ngày thành lập đến nay, công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân luôn được các cấp hội quan tâm và tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau. Việc giúp đỡ đảm bảo đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh và kịp thời, giúp cho nạn nhân vươn lên hòa nhập với cộng đồng với số tiền và vật chất quy ra tiền trên 100 tỉ đồng.

Thượng tá, thầy thuốc ưu tú Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Nguyên (bên phải) trao hỗ trợ của Quỹ Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin cho nạn nhân

Thượng tá, thầy thuốc ưu tú Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Nguyên cho biết: khi mới thành lập Hội tiến hành khảo sát số người là nạn nhân của CĐDC là 25.000 người thì đến nay chỉ còn khoảng 15.000 người. Như vậy, tuổi thọ của họ kém xa so với người bình thường, chỉ khoảng 60 tuổi (người bình thường nam giới là 73 tuổi, nữ giới 75 tuổi).

Ông Đức chia sẻ: Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 300 trường hợp lây nhiễm ở thế hệ thứ 3 và đã xuất hiện những trường hợp lây nhiễm ở thế hệ thứ 4. Rất nhiều nạn nhân và gia đình có hoàn cảnh vô cùng éo le. Có thể kế đến trường hợp của bà Như (83 tuổi ở xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên) có chồng là nạn nhân CĐDC đã bị mất để lại 4 người con bị nhiễm. Trong đó có một chị con gái có nhan sắc nhưng đầu óc không bình thường. Không rõ quan hệ với ai mà sinh ra 3 đứa con thì có 2 cháu đang có dấu hiệu bị nhiễm CĐDC. Cũng có có những người quanh năm suốt tháng hầu như chỉ nằm yên trong nhà, không thấy ánh mặt trời như trường hợp anh Nguyễn Văn Tuân (40 tuổi, phường Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên), người cao vỏn vẹn không đầy 1 mét, đầu phình to, chân tay teo nhỏ, mọi sinh hoạt chỉ trên giường. Còn gia đình như bà Thi ở xã Quyết Thắng thành phố Thái Nguyên thì lại có đến 5 người con bị ảnh hưởng, mỗi người một triệu chứng nhưng đều không làm ăn, lao động được gì. Tất cả gia đình trên và nhiều trường hợp khác đều có hoàn cảnh rất khó khăn.

Nói về công tác Hội, ông Đức bộc bạch: Hội hiện chỉ có 2 biên chế là Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Chúng tôi phải hợp đồng thêm một Chánh Văn phòng và một kế toán. Sắp tới buộc phải “cắt” đi Chánh Văn phòng. Còn chị kế toán (cũng là nạn nhân CĐDC bị mất đi một mắt) thì cố giữ lại với mức lương 2,5 triệu đồng/ tháng. Lượng công việc nhiều: kêu gọi quyên góp ủng hộ, nắm bắt tình hình tâm lí hội viên, làm công tác tuyên truyền, giải quyết những trường hợp chưa được hưởng chính sách, hỗ trợ, kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… nên Hội mong muốn sẽ được sự quan tâm hơn nữa từ các cấp lãnh đạo, nhất là tạo điều kiện về mặt nhân lực. Đồng thời, mong muốn lớn nhất của tôi là mọi người sẽ có cái nhìn chính xác và cảm thông, chia sẻ với những nạn nhân CĐDC. Họ là những người đã chiến đấu anh dũng để giành độc lập cho đất nước. Vì vậy, những người con, cháu của họ khi sinh ra đã không may mắn phải chịu bất hạnh. Đó không phải lỗi của họ mà là do chiến tranh gây ra. Tôi mong rằng các đơn vị, cá nhân sẽ tiếp tục chung tay hỗ trợ, giúp đỡ cho các nạn nhân CĐDC vươn lên trong cuộc sống.

Hôm nay, ngày 10/8 là tròn 60 năm ngày đầu tiên đế quốc Mỹ tiến hành phun, rải chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Trong cuộc sống yên bình ngày này, đâu đó, vẫn còn có rất nhiều phận đời cơ cực, éo le do hậu quả của CĐDC để lại. Họ không có quyền lựa chọn số phận cho chính mình. Nếu có thể, tôi mong quý bạn đọc có thể cùng chung tay san sẻ phần nào nỗi bất hạnh đối với họ.

Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ về kinh phí vật chất có thể gửi Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ: Phố Quyết Tiến, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Hoặc chuyển khoản vào số tài khoản 8501201003063 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Nam Thái Nguyên. Số điện thoại liên hệ: 0985508763, bà Nguyễn Thị Bích Diệp.

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy