Cựu binh Pháp tại Đông Dương tặng tranh Bác Hồ cho Việt Nam
VNTN - Tôi gặp ông trong khuôn khổ đi tìm các nhân vật đã từng tham chiến tại Đông Dương và Điện Biên Phủ cho loạt phóng sự của mình nhân đợt kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong dịp này tôi đã gặp gỡ nhiều cựu chiến binh Pháp. Họ tiếp tôi rất tử tế. Họ đến Đông Dương theo những suy nghĩ và ý tưởng khác nhau, rời khỏi Đông Dương sau trận chiến Điện Biên Phủ cũng theo những cách thức khác nhau, và kể cho tôi nghe những ký ức của họ về Việt Nam cũng theo những luồng cảm xúc khác nhau…
Bức tranh chân dung Bác Hồ được ông Pierre Flamen giữ gìn suốt 70 năm qua.
Không thể nói họ rất vui khi kể cho tôi nghe những kỷ niệm của họ tại Đông Dương, nhưng quả là rất xúc động! Với một số người, trận chiến Điện Biên Phủ là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất họ đặt chân đến Đông Dương, nhưng với tất cả, hay chí ít là những người tôi gặp thì Đông Dương hay Việt Nam đều trở thành một nơi rất đáng nhớ và thân thiện, con người Việt Nam quả cảm thông minh và nồng hậu phóng khoáng. Nhớ vì yêu mến chứ không phải vì hận thù: “Tôi có thể đến sống ở đó, vì tôi đã hiểu đất nước và con người ở đó biết bao nhiêu! Họ thông minh, dũng cảm, tốt bụng và thân thiện…(Đại tá Allaire)”, hoặc “Năm 2018 tôi đã quay lại Việt Nam, tôi nhận thấy dẫu đa phần thế hệ trẻ Việt Nam không còn nói tiếng Pháp nữa, nhưng họ nói tiếng Pháp về mặt Văn hóa. Về mặt sâu xa, dân tộc Việt Nam đã giữ lại nước Pháp với mình! (Cựu binh Schilardi)”…
Và ông cũng vậy, ông rất yêu Việt Nam. Ông tên là Pierre Flamen.
Ông xuất thân từ vùng Dordogne, phía nam miền trung nước Pháp, một khu vực đồi núi khô cằn và có khí hậu khắc nghiệt, chuyên trồng nho và nuôi gia súc lấy sữa và sản xuất pho-mát nên con người ông cũng có vẻ thâm trầm và hơi huyền bí. Ông ít cười nhưng nói chuyện rất dí dỏm và đầy hài hước. Ông không tự kể chuyện nhưng luôn trả lời mọi câu hỏi của tôi, trừ những câu hỏi mà ông cho rằng “bí mật quân sự”. Ông đam mê hội họa nhưng có lẽ trí tò mò thích khám phá đã khiến ông tòng quân khi vừa đủ tuổi trưởng thành.
Tác giả và phu quân nghe ông Pierre Flamen giải thích về xuất xứ bức tranh
Tôi gặp ông có lẽ cũng do duyên. Tên khai sinh của ông là Pierre Flamen, nhưng bí danh của ông là Constant, trùng với tên của tôi. Cái tên này không thực sự thịnh hành tại Pháp nhưng lại mang một ý nghĩa rất hay, đó là “bất biến” “không đổi” “hằng số”. Tôi nhớ trong một sự kiện khá đông người, ai đó xướng tên “Constant”, tôi quay lại và cũng chợt nhận ra một ông già đứng lên và đến gặp người vừa gọi tên, và sau đó ông đã giải thích cho tôi biết rằng cái tên này được ông dùng trong quân đội.
Ông sang Đông Dương lần đầu tiên vào năm 1948, đi khắp miền bắc và đóng quân nhiều nhất tại vùng tây bắc Việt Nam, từ Yên Bái, Nghĩa Lộ đến Điện Biên và tham gia vào nhiều cuộc hành quân. Dù ông không nói, nhưng qua những mẩu chuyện và giai thoại ông kể, tôi đoán ông là lính trinh sát. Ông có một trí nhớ siêu phàm, vừa kể chuyện cho tôi nghe, ông vừa dùng bản đồ để chỉ cho tôi xem những địa điểm ông đã từng qua, từng đóng quân và tham gia vào các trận đánh và thậm chí những tổn thất của mỗi trận từ cả hai phía Việt Minh và Pháp mà tôi không muốn nêu ra trong bài viết này. Tôi đã đến Yên Bái và Nghĩa Lộ, thăm nơi đã diễn ra các trận chiến, tôi đã được nghe kể về những trận đánh tập kích chớp nhoáng nhưng đã để lại nhiều mất mát và tổn thất cho cả hai phía. Những con số tôi được xem trong sổ của ông ghi lại lớn hơn nhiều so với con số tôi được nghe kể. Nhưng những trận đột kích trong những năm 1950 và 1951 tại Nghĩa Lộ quả là kinh hoàng.
Ông kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện trong thời kỳ ông ở Đông Dương, những chuyện diễn ra trong trận đấu ác liệt 56 ngày đêm ở Điện Biên Phủ. Những thảm cảnh, những mất mát, những đồng đội bị trúng đạn chết ngay trước mắt ông. Rồi thời khắc vỡ òa khi ông nhận lệnh ngừng chiến. “Khi những chiến binh Việt Minh vào giao thông hào, chúng tôi cứ ngỡ có thể ôm hôn nhau! Toàn bộ cơ thể và tinh thần đều được thả lỏng ! Vì đã kết thúc, dù sao cũng đã kết thúc địa ngục trần gian!”
Ông Pierre Flamen và kỷ vật quý giá
Ông còn kể cho tôi nghe những lần ông bỏ trốn sau khi bị bắt. Ông đã bỏ trốn bốn lần và đều bị quân Việt Minh bắt lại. Tôi đề nghị ông kể lại một ký ức ấn tượng nhất, ông nói: “Tôi là người không bị ấn tượng. Là một người lính, tôi chỉ thực thi nhiệm vụ và thực hành quân lệnh”. Quả vậy, giọng ông cứ đều đều, kể chuyện mình mà như kể chuyện của ai đó, của một người khác. Những câu chuyện theo lời kể của ông vừa như đùa, vừa rất trữ tình và đầy tính tiểu thuyết. “Lần thứ nhất tôi bị bắt khi đi trinh sát trong đường giao thông hào của Việt Minh. Trời rất tối và không có đèn. Đang đi chúng tôi đụng phải một đội quân Việt Minh và họ bắt chúng tôi dẫn đi. Họ đi trước, chúng tôi đi sau. Trong giao thông hào có rất nhiều ngách, và đến một ngách thì tôi rẽ đại vào, cậu lính của tôi cũng có ý định ấy và rẽ vào nhưng lại nhầm tưởng tôi là Việt Minh nên đưa chân ngáng cho tôi ngã, tôi liền kêu lên khe khẽ và chúng tôi im bặt một lúc lâu, chẳng có ai quay lại tìm và chúng tôi lại lần tìm về chốt của mình!”
Lần thứ hai ông bỏ trốn là sau khi đã đình chiến và tất cả quân Pháp đã phải buông súng. Trong đám lính người bản xứ của ông có một người dân tộc Tày, nhà ở gần Điện Biên Phủ. Anh ta thông hiểu đường xá và cũng có ý định bỏ trốn như ông: “Chúng tôi tính sang Lào và tìm cách về Hà Nội, hoặc Hải Phòng hoặc Sài Gòn […] Người lính bảo tôi ngồi đợi bên bờ suối để anh ta về nhà kiếm cho tôi bộ y phục bản xứ để dễ bề đi đường. Chúng tôi chia tay nhau. Tôi ngồi đợi trong một bầu không gian rất yên tĩnh, thời tiết khá đẹp, nước suối chảy róc rách, chim hót đâu đó. Nhiều giờ trôi qua và anh ta đã quay lại… cùng với một đội quân Việt Minh…” Các lần bỏ trốn sau này của ông còn li kỳ hơn, nhưng đó sẽ là chủ đề cho một dự án viết khác của tôi.
Ông thời đó chỉ huy một trung đội gồm ba mươi lăm quân, gồm cả lính Tây và lính Đông Dương. Ông là sỹ quan Pháp duy nhất đã có lần đến sinh sống nhiều tuần liền trong một ngôi làng người bản xứ, ăn những thức ăn của họ và chứng kiến cảnh sinh hoạt của đồng bào Tày. Và chính trong một lần đi trinh sát địa hình, vào chừng năm 1949, ông đã gặp bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tranh đã thu hút ông bằng cả tính nghệ thuật và ý nghĩa của nó. “Tôi vốn say mê các tác phẩm nghệ thuật, tôi thấy bức tranh rất đẹp được họa bằng bút lông, chắc phải do một nghệ sỹ thực hiện. Hơn nữa, đó chính là hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, mình phải giữ lại.”
Bức tranh theo tôi được in rập trên giấy dó mỏng dính, được ông gọi là “giấy lá chuối” “Tôi đã phải gỡ rất cẩn thận để không làm rách, nó được dán trên một tấm phên làm bằng tre”, ông nói. “Với thời tiết khí hậu lúc đó, chỉ vài ngày là bức tranh có thể sẽ bị ẩm mốc và tự mủn đi”, - ông nói thêm. Bức tranh được ông tìm thấy trong một chiếc lán sơ sài lợp mái rơm nằm giữa một khu rừng nứa, không thuộc khu vực do Pháp quản lý, được dán cùng với vài tờ giấy khác mà ông không hiểu là viết gì. Ông đã đem bức tranh về đơn vị, cất giữ cẩn thận và tháng Bảy năm 1951, ông đã đem về Pháp nhân một chuyến nghỉ phép. “Và bức tranh ấy đã ở tại nhà tôi, không chuyển đi đâu nữa. Thi thoảng tôi mở ra xem để kiểm tra có bị mốc mọt không, nó vẫn gần như nguyên trạng kể từ khi tôi tìm được, và hiện giờ tôi rất hài lòng khi bức tranh được quay trở lại Việt Nam”. Vốn là người đam mê vẽ, ông đã vẽ lại nơi mà ông đã tìm thấy bức tranh ấy. “Cách đây chừng sáu hoặc bảy năm, - ông kể - có một đoàn cán bộ của Việt Nam gồm năm người sang Pháp thu thập thông tin và hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đến nhà và hỏi xin tôi bức tranh, nhưng khi đó tôi còn lưỡng lự chưa muốn dời xa bức tranh nghệ thuật này. Rồi sau đó Nhà Bảo tàng quân đội Pháp đề nghị tặng họ, nhưng tôi cũng không tặng. Giờ gặp cô thì tôi nghĩ đã đến lúc bức tranh Hồ Chủ tịch phải được trở về Việt Nam.”
Ông đã muốn qua tôi trao tặng bức tranh này cho Việt Nam. “Bức tranh xứng đáng một vị trí trong một nhà bảo tàng. Và cô làm ơn sao lại cho tôi một bản, tôi muốn giữ lại bản sao ấy làm kỷ niệm”. Đương nhiên là tôi đồng ý.
Nơi tìm thấy bức tranh Bác Hồ được ông Pierre Flamen vẽ lại theo trí nhớ
Thoạt đầu nghe ông nói sẽ trao tặng lại bức tranh cho Việt Nam và tôi là người đại diện nhận nó thì tôi đã hơi run! Tôi sợ mình sẽ không biết bảo quản, tôi sợ bức tranh quá mỏng manh, và có lẽ ông nên trao cho một đoàn cán bộ nào đó… Thế rồi tôi lại nghĩ đây không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một vinh dự đối với mỗi công dân Việt Nam. Qua sự kết nối của nhà báo Nguyễn Thúy Quỳnh -Tổng biên tập báo Văn nghệ Thái Nguyên, tôi đã làm quen với một nữ lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh - chị Phạm Thị Thanh Mai, Phó giám đốc. Tôi đã lấy được sự tự tin. Tôi đã đến nhà ông để nhận bức tranh.
Căn hộ nơi ông ở nằm trong một khu chung cư sang trọng, giữa một khu vườn rộng lớn cây cối um tùm và đầy hoa ở thành phố Montreuil, ngoại ô phía đông Paris. Đúng như lời ông kể, nhà ông rất nhiều đồ lưu niệm của châu Á và các quốc gia mà ông đã từng đi qua, chỉ có điều tôi tìm mãi mà không thấy chút bóng dáng gì của các đồ lưu niệm Việt Nam được bày hay treo trên tường. Như hiểu ý tôi, ông nói mà giọng vẫn đều đều: “Tôi đã rất thích một số đồ ở Hà Nội và đã để dành tiền để trước khi về Pháp sẽ mua! Nhưng số phận đã muốn khác đi, tôi bị bắt làm tù binh và đến khi quay về Pháp vào tháng 11 năm 1954 thì tôi đã chẳng còn gì…”
Kể từ năm đó ông đã không bao giờ quay lại Việt Nam! Do công việc, ông hành quân khắp nơi trên quả địa cầu “đến khi hồi hưu thì vợ tôi lại ốm rất nặng suốt nhiều năm liền, tôi phải ở bên bà ấy!” Đến khi vợ ông qua đời thì ông không còn tâm trí đi du lịch nữa. “Nhưng tôi vẫn rất yêu Việt Nam, cho dù thế nào, tôi luôn luôn giữ những hồi ức đẹp về con người và đất nước này. Tôi sẽ không bao giờ quên những con người đã giúp tôi trong những lúc tôi bị bắt làm tù binh…”
Hiện giờ, đã ngoài chín mươi tuổi, ông dành thời gian để vẽ. Ông vẽ theo trí nhớ, vẽ theo những bức ảnh cũ xưa, hoặc những tấm bưu thiếp.
Ông nói cho tôi toàn quyền thay mặt ông để trao tặng cho Nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh bức tranh Hồ Chủ tịch, thay ông viết đôi lời nào đó mà ông khẳng định rằng tôi sẽ biết cách làm nếu như Nhà Bảo tàng đề nghị.
Paris 19/06/2019
Hiệu Constant
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...