Cư dân Đồi Ba Vạ
Chẳng biết cái tên ấy có từ bao giờ nhưng ngay từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước, khi người lính Điện Biên là bố tôi, vì phải lòng một cô hàng xén ở góc chợ Thành Nam mà đã bỏ cái công việc “cả vạn người mê” lúc đó là quản lí thị trường để đưa cô ấy - là mẹ tôi, lên Thái Nguyên lập nghiệp. Đồi Ba Vạ, một ngọn đồi hình bát úp nằm chung chiêng giữa ngã ba giáp ranh của bốn xóm. “Một con gà gáy bốn xóm nghe tiếng” là vậy. Đấy là nơi tôi được sinh ra, và trưởng thành.
Bố tôi là một người đàn ông lãng tử, phong trần. Ấy là do tôi cảm nhận thấy vậy chứ cái quá khứ “hào hùng” của một chàng thanh niên con địa chủ gốc Xứ Thanh thì sau này tôi chỉ được nghe kể, qua những người bà con thân thiết ở quê, rằng bố tôi, mười bảy tuổi đã lén gia đình, bán cả đàn bò mười mấy con lấy tiền chia cho những người dân nghèo ở xã, rồi trốn nhà đi bộ đội. Rồi lại như là duyên nợ, người cựu chiến binh Điện Biên ấy lại gồng gánh cả vợ con, hành hương dạt xứ và neo lại ở cái khoảnh đồi có tên “đồi Ba Vạ” này.
Tôi sinh ra ở đấy. Cái xóm mang tên Gò Cao mà chẳng cao tẹo nào. Khác với đa phần dân trong xóm thuần làm nông, một dúm những gia đình ven đường quốc lộ 1B này đều sinh sống bằng nghề buôn bán nhỏ và sản xuất thủ công. Bà Thanh, bà Hồng bán quán nước, lèo tèo dăm cái bánh chưng, mấy gói kẹo lạc, kẹo “dồi chó”, vài ba bao thuốc lá Thăng Long hay “Con Gà” bày trong cái tủ kính nho nhỏ, trên chiếc chõng tre, xung quanh là những chiếc ghế dài ghép bằng những nửa thân tre úp lại, chân ghế được chôn thẳng xuống đất. Ghế trông đơn giản mà chắc chắn.
Ông Hồng có nghề làm bột sắn nên bọn trẻ con chúng tôi cứ gọi luôn là “ông Hồng sắn” cho thuận miệng. Xem ông “đạp sắn” cũng thích, nhưng không thích bằng ông quai mật, chế biến kẹo “dồi chó”. Đường được đun chảy rồi đổ ra khuôn lót lá chuối, bàn tay khéo léo của ông vo lại thành những thỏi dài, dẻo như kẹo kéo. Cứ thế, những thỏi kẹo kéo dài hàng mét được ông quật tới tấp vào một cành nhãn nhẵn thín, kéo ra rồi co lại. Cho đến khi chúng trắng bệch, ánh lên màu vàng nhạt, tươi như nắng đầu mùa, rồi chia thành từng dải nhỏ, cán phẳng, rải đều những hạt lạc rang thơm giòn, béo ngậy lên trên, dùng tay quấn lại, trông như những đoạn lòng chó loằng ngoẵng. Mỗi cái kẹo bằng đầu ngón tay cái, được cắt vát hai đầu trông không khác gì một miếng “dồi chó”. Mỗi tiếng tách tách vang lên, một viên kẹo rơi xuống nằm êm dịu trên chiếc mẹt đầy bột. Sau đó, kẹo được đóng thành gói, gấp mép ni lông hơ trên ngọn đèn dầu, dùng tay bóp nhẹ cho chúng dính liền vào nhau, vậy là thành phẩm. Kẹo dồi vừa ngọt, vừa giòn, lại thơm mùi mật, mùi lạc beo béo, nghĩ đến thôi là đã nhỏ nước miếng rồi.
Xế bên trái nhà tôi là nhà ông Năm Tầu, ông là người Hoa nên mọi người gọi luôn là “Tầu”, cho tiện thế thôi chứ có lẽ không hề hấn thù oán ghét bỏ gì. Cứ bảo “Tầu thâm” nhưng ông Năm thì hiền một cục. Nghề làm mì thanh, mì cuốn lúc đó ăn khách lắm. Với lại, đó cũng là một thứ món xa xỉ, không dễ mấy nhà có thể mua được. Ông bán ở đâu không rõ chứ dân xóm tôi chẳng mấy ai có tiền để mua. Hồi Bảy Tám (1978), ông về nước, nghe đâu anh Sáng, con ông sau này đi lính, làm chỉ điểm đánh ta trong chiến tranh biên giới, ngay từ mười bảy tháng hai, rồi chết trận. Ấy cũng lại nghe người lớn nói chuyện, chứ lũ trẻ chúng tôi hồi đó, cũng chưa có đứa nào biết mặt anh Sáng hay bất kì ai trong số khá nhiều người ở, người làm ở nhà ông.
Gọi là hàng xóm, nhưng mỗi nhà chúng tôi hồi đó chiếm cứ nguyên một mé đồi. bên phải là bác Giản, quê Thái Bình, người “Bỏ đất Thái lại tìm lên đất Thái/ Tuy cùng tên nhưng mỗi Thái một phương trời/ Đất Thái quê nhà có sóng bể trùng khơi/ Đất Thái tìm đến có xanh ngời núi biếc”. Bố tôi hay làm thơ, đối với mỗi con người, sự kiện gì đó liên quan đến cuộc sống của những người dân quanh quả đồi Ba Vạ này, là lại có thơ. Nhà bác Trình phía trước mặt người Nghệ An, nhà ông Vị phía sau lưng quê gốc Quảng Trị, tập kết ra Bắc rồi lấy vợ, sinh con, sau 1975 lại về lại miền Nam. Ông Vị có hai đứa con xấp tuổi tôi là thằng Dưỡng và cái Hường. Giờ không còn nhớ mặt nhưng ấn tượng chung là thằng Dưỡng điềm đạm, cái Hường khá dễ thương. Thế thôi.
Ngoài ra, còn ông Bưu lò rèn ở ngay trước cửa nhà tôi. Ông Bưu có anh Hưởng người siêu to khổng lồ, suốt ngày quai búa huỳnh huỵch, cơ bắp cuồn cuộn. Anh hơn tuổi bọn tôi nên không chơi cùng, giờ cũng chỉ nhớ vậy.
Khu đồi Ba Vạ hơn đứt dân trong xóm ở nhiều lẽ. Một là toàn những người buôn bán, lao động thủ công, nên cũng có đồng ra đồng vào, cho dù trăm thứ đều phải chi tiêu đến tiền, nhất là mua gạo, nhưng có vẻ cũng nhẹ nhàng. Hai là trẻ con ngoài này thường học tốt hơn trong xóm, có lẽ vì các gia đình trước đây, vốn dĩ đều xuất thân từ công nhân viên chức, nên cũng chú trọng hơn về con đường học hành cho con cái. Ba là các gia đình đều dựng nhà sát hai con lộ, một là đường quốc lộ, một là đường liên xã liên huyện, đại khái là dân “mặt đường”. Các cụ ngày xưa thường hay quan niệm dân “đầu đường xó chợ” là kiểu như dân ngụ cư nên chẳng mấy nhà thiết tha mặn nồng lắm với việc bám mặt đường. Vậy nên cư dân đồi Ba Vạ mới là dân tứ xứ, tha phương tụ hội mà thành. Chỉ biết rằng bám mặt đường có cái sướng, ít nhất là giao thông thuận tiện, lại được ngày đêm nghe tiếng còi xe rôm rả, cũng phần nào bớt cái thâm u.
Hồi năm Bảy Hai, lúc ấy tôi mới là một cậu bé lũn cũn, nhưng vẫn còn nhớ có dạo, cả đoàn xe nghìn nghịt chạy qua trước cửa nhà tôi, xe nào xe ấy đều có cái khung mái rùng rinh đua ra trùm kín nóc buồng lái, ken đầy lá ngụy trang. Có lần, họ còn dừng lại nấu ăn, nghỉ ngơi có đến non ngày rồi mới hành quân tiếp. Toàn bộ đội. Họ nghỉ nhờ sân nhà tôi, nấu nướng ngay quanh giếng. Những xoong nồi quân dụng to đùng, những chiếc chảo xèo xèo mỡ bơ, miếng nào miếng ấy to như cục bánh xà phòng. Họ còn cho nhà tôi nguyên một cặp lồng thứ mỡ ấy, cứ hơi quá lửa một chút là khét nồng, nhưng mà có được mỡ bơ hồi ấy đã là quí lắm. Bọn trẻ chúng tôi thích nhất là những phong lương khô 72, các chú thi thoảng cho một hai miếng, vuông thành sắc cạnh như những khối chữ nhật dày cỡ ngón út, rộng non nửa gang tay, ăn thơm ngon vô cùng. Giờ nhớ lại, vẫn cứ da diết muốn được một lần cái hương vị ấy, cho dù lương khô bây giờ, bán hàng thùng trên biên giới hay bất cứ một siêu thị nào, nhưng vẫn khác khác thế nào, chịu không đoán định.
Khác với những hộ dân ở trong xóm, cư dân đồi Ba Vạ không có cái cảnh ở liền kề theo kiểu “cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn” mà mỗi nhà một khoảnh, song vẫn quan tâm tới nhau khá chu đáo. Tôi còn nhớ mấy câu thơ bố tôi viết tặng vợ chồng bác Trình - Hà, có những câu: “Đi mô lâu rứa bác Hà ơi/ Vắng bác là y vắng tiếng cười/ Những lúc máy bay im tiếng, gọi/ Xóm làng biết bác vắng nhà thôi”. Bình thường nhà nào lo chuyện cơm áo gạo tiền của nhà ấy, đầu tắt mặt tối, nhưng cứ đến giáp Tết là không khí đổi khác ngay. Từ ngoài hai mươi âm lịch đã rộn ràng đón Tết. Thường thì trước đó, các gia đình đã thỏa thuận chung đụng thịt lợn với hàng xóm. Có điều kiện thì hai nhà một con, không thì ba bốn nhà. Tiếng lợn kêu eng éc vào những sớm tinh mơ se lạnh, mặt trời lên bằng đầu sào là các cụ đã xong xuôi món tiết canh với lòng nhắm rượu. Thịt lợn bày tràn trên những tàu lá chuối trải trên những chiếc mẹt, chiếc nia rộng, thậm chí trải luôn lá chuối trên mặt sân láng xi măng, rồi chia chác thành những phần cho các nhà. Nuôi hàng năm mới được con lợn ăn Tết, nên háo hức lắm.
Năm nào cũng vậy, cứ sáng mùng một Tết là bố tôi treo sẵn một dây pháo dài, treo từ cành ngọn cây nhãn trước cổng đến sát gần mặt đất. Dây pháo được nối kết từ hàng chục băng pháo “tép”, cứ mỗi đoạn non gang tay lại điểm một chiếc pháo “cối” to bằng ngón chân cái. Loại pháo Bình Đà nức tiếng được mẹ tôi mua từ phiên chợ 23 âm lịch, gói cẩn thận bằng giấy báo, cất kĩ trên gác bếp. Người đến xông nhà tôi sáng mùng Một Tết thường chỉ là chú Phú hoặc chú Hùng, đều ít tuổi hơn bố tôi. Chú Phú làm thợ may, nghề đó nhàn hạ mà lại kiếm tiền khá dễ vì cả vùng từ nhà tôi xuống đến tận chợ Chùa Hang, mới có duy nhất tiệm may nhà chú. Chú Hùng thì làm nghề dạy học, chú dạy cấp ba ở đâu đó, là nghe nói thế chứ khi ấy, tôi thấy chú chỉ ở nhà, quẩn quanh với khoảnh vườn nho nhỏ. Khách đến xông nhà tôi chẳng cần mang theo thứ gì, pháo đã treo toòng ten bên gốc nhãn, diêm thì bố tôi đã để sẵn ngay trên chạc cây, các chú xông nhà mãi đã quen. Cứ pháo đấy, diêm đấy mà đốt.
Tiếng pháo nổ giòn tan, liên hồi như tiếng súng máy bắn cấp tập trong những bộ phim về chiến tranh. Thi thoảng, lại có tiếng đùng, đoàng của pháo cối khiến lũ trẻ chúng tôi phải bịt tai lại, nhưng vẫn chạy loăng quăng trong mờ mịt của khói và mùi hăng nồng của thuốc pháo. Tiếng nổ cuối cùng bao giờ cũng đột ngột, tạo ra một dư âm vừa hả hê, vừa tiếc nuối. Chúng tôi nhào vào ngó nghiêng tìm pháo xịt. Những quả pháo tịt ngòi, còn nguyên vỏ. Thi thoảng lại vớ được những chiếc pháo tép vẫn còn ngòi đấy, nhưng bị tuột khỏi băng, rơi xuống. Cái ngòi dài xoăn tít ám một lớp khói. Tôi thường đặt những quả pháo “chiến lợi phẩm” ấy trên bậu tường có những xen hoa bằng xi măng, cạnh cây tường vi trước sân, rồi dùng mồi lửa đốt lại, cảm giác vừa thích thú, vừa hơi hơi sợ. Bọn trẻ con trong xóm thường thách nhau cầm nguyên quả pháo mà đốt. Quả pháo tép được hai đầu ngón tay cấu chặt, chỗ mép đuôi pháo, rồi giơ thẳng cánh tay ra phía trước cho xa người, tay còn lại châm mồi bằng một que củi rút từ trong bếp đang cháy, màu than đỏ hồng chừng cỡ đốt tay. Ngoảnh mặt sang hướng khác. Đoàng, một tiếng nổ nhỏ đi kèm với cái giật mình, vừa sợ hãi, vừa thích thú, kiêu hãnh.
Tết đến dường như có hẹn và lại ra đi thình lình, nhoáng nhoàng dăm hôm là hết Tết. Thế giới lại trở lại với cái khuôn định vĩnh hằng của nó. Chúng tôi chìm đi trong quỹ đạo tẻ nhạt: sáng đi học, chiều về lên đồi hái chè, nhổ cỏ, đi kiếm củi nấu cơm, cơm tối xong là ngồi học đến 9 giờ thì rậm rịch đi ngủ. Chỉ có thứ năm, cấp 1 được nghỉ, và ngày thứ bảy, chủ nhật là có chút thời gian buổi trưa, trốn ngủ để tụ tập chơi đùa. Trò chơi thì không bao giờ thiếu, cũng tuân theo mùa vụ đàng hoàng. Tết xong thì chơi đáo, chơi khăng, hè đến thì chơi bi, chơi “phốp”. Những ống nứa được lựa chọn cẩn thận, thuôn dài, cân đối hai đầu, to cỡ ngón út. Cái ống thẳng băng như thế là nòng súng, cán súng là chiếc que tre được gọt chuốt cẩn thận, có độ rộng vừa khít với nòng ống. Tay cầm là một đoạn ống nứa một đầu là mắt đốt, chúng tôi gọi là “đầu mấu”, một đầu dùng để cắm cán súng. Đạn là những quả cây “mần tang” trĩu trịt từng chùm. Ngắt rời từng quả, ấn vào đầu súng, một quả được đẩy từ đầu này tời đầu kia, quả khác lại được nạp, xong dùng que thông nòng đẩy mạnh, càng mạnh càng nhanh tiếng nổ càng giòn, đạn bắn ra càng xa. Phụp, phụp,… quả mần tang bắn vào người thường chỉ hơi ran rát, có một mùi hăng nồng. Chúng tôi chia bè để chiến đấu như những chiến binh thực sự. Hết mùa mần tang lại đến mùa chơi súng diêm, thường là lại cuối đông, gần Tết. Mùa chim làm tổ thì đi tìm bắt tổ chim. Những con chào mào, chích chòe vừa mọc lông ống được bắt về, chăm chút, nuôi nấng cẩn thận. Chào mào rất thích ăn chuối tiêu. Những cái đầu ngỏng lên, cặp mỏ ngoác ra hết cỡ, tiếng chít chít ríu rít liên tục đòi ăn.
Đứa trẻ nào đi chăn trâu, chăn bò cũng có chiếc lồng chim xách theo. Chủ nhân của nó treo lồng chim lên cái cành cây nào đó rồi thơ thẩn ra đồng bắt cào cào. Những con cào cào mảnh như lá lúa, đầu nhọn hoắt bị chúng tôi bắt nhốt vào một ống nứa, có khoét hai lỗ nhỏ dọc theo thân ống để chúng có thể thở được, một đầu ống được nút chặt bằng lá chuối. Bắt cào cào cũng phải biết cách. Vừa men theo những vệ cỏ vừa khua hai chân rộng ra hai bên như rẻ quạt để đánh động, những chú cào cào bay loạn cả lên, thường chỉ được một hai mét là lại phải sà xuống, bậu vào một ngọn cỏ, búi cây nào đó. Cẩn thận, khe khẽ bước lại và chộp. A lê hấp, chú cào cào đã nằm gọn trong lòng tay. Con thì bị nhốt vào ống nứa chờ xử trảm, là nguồn thức ăn dự trữ cho chim. Con thì bị ngắt cánh, ngắt chân, bẻ cổ, rút ra cái ruột dài lòng thòng, rồi dứ dứ vào cạnh lồng chim. Ngay lập tức, chú chim nhoài ra, cái mỏ dài ngoắc lấy một cách thành thạo, rồi há miệng, tớp tớp mấy cái, lắc lắc cái cổ, thế là xong. Cứ khoảng hai ba con cào cào là được một bữa thịnh soạn cho chú chim chào mào, chích chòe. Chúng tôi chỉ bắt và nuôi hai loại chim ấy, còn những con khác, nuôi đã khó mà lại không quen người. Chim rẻ quạt có cái đuôi xòe ra hàng gang, lúc hót thì cái đuôi xòe ấy vẩy cong lên, nom ngồ ngộ. Loại này nuôi không được, vì không chịu ăn và không bao giờ quen người. Chích chòe và chào mào thì khác, nuôi từ lúc đỏ hỏn, một hai năm sau là đã quấn lấy người, mở cửa lồng ra cũng chẳng chịu bay đi. Sáo, họa mi hoặc khướu thì chỉ người lớn mới bắt được. Bọn họ thường bắt và đem bán. Bọn trẻ con như tụi tôi thì chỉ bằng lòng với chim sâu, chích chòe với chào mào. Vừa dễ nuôi lại vừa dễ kiếm.
Ngẫm mới thấy trẻ con bây giờ chịu thiệt, chứ lúc ấy, chúng tôi có vô vàn trò chơi. Mùa nào món ấy, mùa hè thì chơi đáo chơi khăng, mùa đông chơi bắn súng diêm, ra Tết chơi bi chơi cù, rồi bắn chim bằng bật cao su… Cả một thế giới đồ chơi phong phú, toàn tự biên tự diễn hết. Trò chơi nào cũng lắm công phu, thậm chí còn mang tầm “nghệ thuật”. Chẳng hạn, chơi cù thì phải là cù nghiến. Cành nghiến tươi chỉ có trên đồi dốc Ông Sư, cách nhà tôi hơn hai cây số. Chặt cành nghiến to bằng cỡ bắp tay, đẽo thành con cù láng bóng, rồi tìm cái đinh 3 phân, đóng ngược vào cổ cù, phần nhọn như ngòi bút. Sau đó chặt phần mũ đinh, chỉ để lại non một phân, rồi mài cho bằng, cho nhẵn cái đầu kim loại ấy, dùng để “mổ”. Khi chơi, oẳn tù tì, ai thua thì phải “rải cù”, tức là quay con cù cho người khác bổ. Khi bổ xuống, cù không quay gọi là cù chết, là thua. Chiếc đinh mổ xuống con cù đang quay, tạo nên những vết hằn sâu vào thân cù, chủ nhân của nó đau xót lắm trong khi kẻ thắng thì hân hoan. Mà dây chơi cù không phải là loại dây thừng dây cói tầm thường, phải là dây “quạch”. Lên rừng lấy cây quạch về tước vỏ, ngâm nước rồi se thành dây, đầu có lỗ để đeo vào ngón áp úp, giúp cho khi chơi, dây không bị văng ra khỏi tay. Tùy kích cỡ con cù mà se độ dài ngắn của dây cho phù hợp. Phần đuôi dây phải để đuôi chuột, càng nhỏ dài càng tốt. Tết dây cù như tết tóc. Dây cù kết bằng vỏ cây quạch, sau khi ngâm nước có mầu nâu đỏ rất đẹp, quan trọng là dai tuyệt vời, khi chơi, mỗi phát bổ xuống, dây cù vung ra, cất lên những tiếng phù phù vào không khí, nghe phê lắm. Hết mùa chơi, cù được đem ngâm dưới ao, đắp bùn lên, năm sau đem ra dùng. Cù nghiến ngâm trong bùn có màu đen nhánh, khó có loại đinh nào bổ vào được, cùng lắm chỉ để lại trên thân cù một vết nhỏ nông và mờ, như vết chiếc răng sữa của đứa trẻ cắn vào tay người lớn vậy.
Chơi khăng cũng vậy, phải là dùi bằng gỗ “trẩn”, một loại gỗ thường mọc núi đá, rắn chắc như đinh, làm cho dùi nhỏ mà đủ nặng, đánh bay xa. Con khăng thì bằng một đoạn cây găng, dai và chắc. Chơi bật thì phải đi lùng hàng tuần, hàng tháng mới tìm được một cái ngạc tự nhiên, ưng ý, cân đối và cầm vừa tay. Dây bật thì được cắt ra từ mặt nạ phòng độc. Đây là món “đặc sản” mà không phải đứa trẻ ở vùng nào cũng được quyền sở hữu hay mơ đến. Phải là ở xóm tôi, nơi cách không xa là đơn vị bộ đội hóa học. Chỉ nỉ non một tí là xin được của các anh những chiếc mặt nạ cũ, đem về cắt ra được những bộ dây vừa đủ độ căng, độ nặng, vừa bền vĩnh cửu. Chưa thấy ai dùng bật dây mặt nạ mà đứt bao giờ. ..
Chúng tôi chơi những trò chơi trẻ con miệt mài cả thời thơ ấu. Chơi kĩ càng và đam mê. Mỗi món đồ chơi là một thành quả lao động công phu, nghiêm túc và bền bỉ. Thử tưởng tượng, một hòn đá (loại đá vôi xanh rất nhiều ở vùng quê tôi) được đẽo gọt sơ sài, to tầm hơn ngón chân cái, rồi hai cái vỏ ốc sên hay lọ “pê ni xi lin” châu đầu vào nhau, kẹp viên đá ở giữa, rồi ngoáy đều. Cứ thế, nhanh thì ba bốn ngày, chậm thì hàng tuần, hàng tháng, một viên bi đá ra đời. Tôi dám cam đoan rằng chỉ những ai bỏ công ra chế tác đồ chơi cho mình, mới cảm nhận được sự gắn bó sâu đậm, mật thiết với chúng. Bị vỡ, bị mất đều đau đứt ruột, thẫn thờ tiếc nuối đến mấy ngày.
Sau Bảy Lăm, cuộc sống của cư dân đồi Ba Vạ cũng dần đổi khác. Bác Vị cùng gia đình trở về miền Nam. Chúng tôi phải chia tay với thằng Dưỡng, cái Hường. Gia đình ông Năm Tầu cũng về lại quê hương bản quán ở bên kia biên giới. Ông Bưu lò rèn cũng không còn ở đấy nữa. Bà Hồng, bà Thanh không còn dọn hàng nước... Mỗi nhà có cách kiếm sống riêng của mình. Chúng tôi cũng lớn dần lên. Đi làm, đi học, rồi xây dựng gia đình. Mỗi người một nơi như những cánh chim bay đi từ đồi “Ba Vạ”. Bố mẹ tôi cũng dần khuất núi. Tôi đi làm xa, thi thoảng có dịp hồi quê. Nhịp sống bây giờ đã khác. Đồi “Ba Vạ” xưa giờ đã là một khu dân cư sầm uất. Cũng chẳng còn đứa trẻ nào chơi đáo, chơi khăng. Nhưng thật lạ, cứ mỗi lần ghé qua lại một lần kí ức tôi rung ngân cái tên: đồi “Ba Vạ”.
Nguyễn Kiến Thọ
3 đã tặng
1
2
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...