Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
13:04 (GMT +7)

Chuyện về một gia đình với 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng

VNTN- Đó là gia đình ông Nguyễn Trường Tộ, ở tổ 7, phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên. Ba Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) được ông phụng dưỡng và thờ cúng gồm: Mẹ đẻ của ông là Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cộng (SN 1929) hiện còn khỏe mạnh và sống cùng ông; bà nội của ông là Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đoái (SN 1908) và bà Nguyễn Thị Tíu (SN 1927), chị dâu của Mẹ Cộng đồng thời là con dâu của Mẹ Đoái.

Chuyện về một gia đình với 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cộng

Clip: Tâm sự của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cộng và ông Nguyễn Trường Tộ

Khi tôi đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cộng, được ông Nguyễn Trường Tộ đón tiếp rất niềm nở, và điều bất ngờ đầu tiên đối với tôi, con trai của ông Tộ chính là một đồng nghiệp của tôi bấy lâu nay mà tôi không biết: anh Nguyễn Quốc Hữu, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy (nay được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Phú Lương).

Câu chuyện giữa tôi và ông Tộ trở nên thân tình, gần gũi, bởi ông cũng nhận ra: trước đây, khi còn làm bí thư chi bộ tổ dân phố, ông đã từng vài lần tiếp xúc với tôi khi tôi tới truyền đạt thời sự, nghị quyết ở địa phương.

Trước khi tới gặp gia đình Mẹ Cộng để lấy tư liệu viết bài, tôi vẫn yên tâm rằng mình có rất nhiều thông tin về Mẹ và các liệt sĩ trong gia đình. Bởi, năm 2017, với vai trò Trưởng phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tôi làm Thư kí Đề tài “Nghiên cứu, biên soạn cuốn sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Nguyên”. Ngày đó, để thu thập đầy đủ thông tin của 579 Bà mẹ VNAH tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi đã phải chia thành nhiều nhóm đến tận gia đình và địa phương nơi người nuôi dưỡng (hoặc người thờ cúng) sinh sống.

Trường hợp của Mẹ Nguyễn Thị Cộng có điểm đặc biệt khiến tôi vẫn nhớ, đó là liệt sĩ Nguyễn Duy Bộ (chồng của Mẹ) xuất hiện 2 lần trong cuốn sách. Khi biên tập sách, tôi giật mình, cứ ngỡ bộ phận biên soạn đưa nhầm dữ liệu, vì toàn bộ thông tin của liệt sĩ Nguyễn Duy Bộ trong trang giới thiệu Mẹ Nguyễn Thị Cộng trùng hợp hoàn toàn với liệt sĩ Nguyễn Duy Bộ trong trang giới thiệu Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đoái. Sau khi kiểm tra lại, tôi mới biết Mẹ Đoái có con dâu (vợ liệt sĩ Bộ) là Nguyễn Thị Cộng và cũng là Bà mẹ VNAH. Như vậy, gia đình này có 2 Bà mẹ VNAH là bà Nguyễn Thị Đoái và Nguyễn Thị Cộng. 

Vậy nhưng, nay đến nhà và chụp ảnh Bằng công nhận Bà mẹ VNAH treo trên tường, tôi hết sức bất ngờ: ông Tộ đang đồng thời là người thờ cúng một Bà mẹ VNAH nữa, đó là bà Nguyễn Thị Tíu, chị dâu của Mẹ Cộng đồng thời là con dâu của Mẹ Đoái! Bên cạnh đó, còn khá nhiều chi tiết chung quanh cuộc đời của Mẹ Cộng và gia đình Mẹ mà nay tôi mới được nghe kể.

Chuyện về một gia đình với 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Bìa cuốn sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Nguyên và trang sách ghi thông tin của Mẹ Nguyễn Thị Cộng

Tóm tắt thông tin của Mẹ Đoái và Mẹ Cộng trong cuốn sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Nguyên, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và xuất bản năm 2019 như sau: Mẹ Nguyễn Thị Đoái; Năm sinh: 1908; Năm mất: 1946; Quê quán: Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Mẹ có 02 con là liệt sĩ: (1) Nguyễn Duy Bộ, sinh năm 1926, nhập ngũ năm 1950, chức vụ: Tiểu đội trưởng, hy sinh ngày 15 tháng 7 năm 1952 tại Ninh Bình. (2) Nguyễn Duy Lại, nhập ngũ năm 1949, chức vụ: Trung đội trưởng, hy sinh ngày 01 tháng 11 năm 1953. Mẹ Nguyễn Thị Cộng; Năm sinh: 1929; Quê quán: Quỳnh Thọ, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Mẹ có chồng và 01 con là liệt sĩ: Chồng là liệt sĩ Nguyễn Duy Bộ, sinh năm 1926, nhập ngũ năm 1950, chức vụ: Tiểu đội trưởng, hy sinh ngày 15 tháng 7 năm 1952 tại Ninh Bình. Con là liệt sĩ Nguyễn Văn Huyền, sinh năm 1955, nhập ngũ năm 1973, chức vụ: Trung đội trưởng, hy sinh ngày 10 tháng 4 năm 1975 tại mặt trận phía Nam.

Như vậy, năm nay Mẹ Cộng đã 94 tuổi. Thật mừng là sức khỏe của Mẹ khá tốt, nhưng những câu chuyện của kí ức thì Mẹ ít kể và có đôi chút lẫn lộn. Tuy nhiên, từ khi còn minh mẫn, những câu chuyện đó đã được gia đình cung cấp cho một số tác giả ghi chép lại và lưu trữ.

Ông Tộ nói với tôi: anh hỏi bất ngờ thế này thì cụ chỉ kể mấy chuyện đó thôi. Phải có thời gian, ngồi rủ rỉ thì cụ mới dần dần kể thêm nhiều chuyện nữa. Như hôm Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đến thăm, tặng quà nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm ngoái, không biết Bí thư rủ rỉ thế nào mà cụ kể rất nhiều!

Chuyện về một gia đình với 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (ngoài cùng bên phải) đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cộng và chụp ảnh lưu niệm với gia đình, ngày 19/7/2022. Ảnh tư liệu gia đình.

“Gia đình tôi cũng nhiều lần vào các chiến trường xưa tìm kiếm, nhưng hiện tại vẫn chưa tìm thấy mộ của bố và em trai tôi. Tới đây, gia đình sẽ đưa mộ gió về nghĩa trang để tiện việc hương khói, thờ cúng” - ông Nguyễn Trường Tộ chia sẻ.

Về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Duy Bộ (bố của ông Tộ), sau này gia đình được đồng đội ông  kể lại: Trận đánh diễn ra ở Ninh Bình, vào ban đêm, rất ác liệt. Có 4 người cùng thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 738, Trung đoàn 64, Đại đoàn 320 hy sinh, còn một người sống sót là thương binh, bị mất đi một bên mắt, đó là ông Nguyễn Viết Trấp… Còn trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Văn Huyền (em trai ông Tộ), gia đình cũng chỉ nghe kể lại với những thông tin ít ỏi: đồng chí Huyền chiến đấu và hy sinh ở một cái hồ lớn thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Có một chi tiết khá đặc biệt: Ông Bộ nhập ngũ năm 1950, khi ấy anh trai của ông là Nguyễn Duy Lại đã nhập ngũ (năm 1949). Gia đình chỉ có hai người con trai nên ông Bộ thuộc diện được miễn, nhưng ông xung phong đi bộ đội và hy sinh năm 1952, trước cả người anh của mình (ông Lại hy sinh năm 1953). Cũng vì lý do này mà tên của liệt sĩ Bộ (là em) được đặt trước tên của liệt sĩ Lại (là anh) trong cuốn sách theo định dạng chung (liệt sĩ nào hy sinh trước thì ghi trước; nếu liệt sĩ có nhiều giấy báo tử thì lấy theo giấy báo tử sau cùng…).

Ngày bố hy sinh, ông Tộ mới 5 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ được những hình ảnh của gia đình. Ở vùng quê Quỳnh Phụ, Thái Bình khi ấy, giặc Pháp thường đi càn quét, đốt nhà, bắt bớ, đánh đập người dân. Chúng đánh đập, tra hỏi bà nội và ông nội của ông, bắt phải khai vì gia đình có người theo Việt Minh. Cuộc sống đói khổ, toàn phải ăn khoai ăn sắn thay cơm, bởi ngày phải trốn giặc càn, đêm mới làm để tìm được cái ăn. Để tránh giặc đi càn, mẹ ông cõng ông bơi qua sông, tối lại bơi về. Bà còn phải đi mò cua bắt ốc, nửa để ăn, nửa đem bán để nuôi 3 người con thơ dại (ông Tộ, em trai Nguyễn Văn Huyền và người em út là Nguyễn Thị Huề sinh cùng năm bố mất).

Chuyện về một gia đình với 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Ông Nguyễn Trường Tộ (trái) và tác giả (phải) bên Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cộng

Bà Nguyễn Thị Cộng ở vậy nuôi con và hăng hái tham gia hoạt động phụ nữ xã sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954). Thời kỳ đó, Thái Bình là nơi đất chật, người đông nên Nhà nước có chủ trương đưa dân lên miền núi để xây dựng kinh tế mới. Là gia đình chính sách không phải “đi kinh tế mới”, nhưng ông nội của ông đã xung phong đưa gia đình lên khai hoang ở xã Tân Thành huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (năm 1962).

Lúc theo ông nội lên Thái Nguyên, ông Tộ đã 15 tuổi và giúp được gia đình khai phá đồi bãi để trồng màu ngoài số ruộng được hợp tác xã cấp. Sau này ông trưởng thành và làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành (từ năm 1974 đến 1979, khi chưa lập gia đình riêng), rồi chuyển sang làm Thanh tra huyện, Thanh tra tỉnh và Ban Tiếp công dân của tỉnh cho đến lúc về hưu (2007). Năm 1982, sau khi chuyển công tác về tỉnh, ông mới chuyển gia đình về TP. Thái Nguyên sinh sống. Năm 2022, ông đã nhận Huy hiệu 55 tuổi Đảng. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Tuân cũng là giáo viên tiểu học rồi tham gia quân đội năm 1970 - 1972 và nay là hội viên của Hội Cựu chiến binh.

Hỏi về bà Nguyễn Thị Tíu - Bà mẹ VNAH thứ ba trong gia đình, tôi được biết: bà Tíu và bà Cộng ở cùng làng (đều là con dâu của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đoái như đã nói trên). Noi gương người cha, người chú của mình, anh Nguyễn Duy Lãi, con trai bà Tíu tiếp tục xông pha ra chiến trường. Thật đau xót, anh Nguyễn Duy Lãi nhập ngũ khi vừa xây dựng gia đình được 3 hôm, anh chưa kịp để lại một phần máu mủ để sau này thay anh phụng dưỡng mẹ già.

Trường hợp Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tíu là do địa phương Thái Bình làm hồ sơ đề nghị, nên là Bà mẹ VNAH của tỉnh Thái Bình. Nhưng do gia đình Mẹ Tíu không còn ai thờ cúng, nên ông Tộ đã thay mặt gia đình nhận trách nhiệm thờ cúng Mẹ.

Ông Tộ mới chuyển gia đình về sinh sống ở phường Túc Duyên (địa chỉ gia đình ghi trong sách là ở phường Phan Đình Phùng). Rẽ vào ngõ nhỏ và đi đến tận cuối đường, giáp bờ sông Cầu mới đến nhà ông. Căn nhà không đồ sộ, nhưng đủ rộng rãi, thoáng đãng và đặc biệt là chứa đựng trong đó một truyền thống cách mạng, của cả thế hệ ông bà, bố mẹ, cùng các bác, các anh và giờ là các con của ông.

 

Chuyện về một gia đình với 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Vợ chồng ông Tộ, bà Tuân trong căn phòng khách treo rất nhiều bằng Tổ quốc ghi công và Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Tạm biệt ông Tộ và gia đình, tôi vẫn cứ ám ảnh mãi câu nói của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cộng mà phải nghe kỹ mới hiểu ý “Giờ người ta đến chơi thế này, tôi nhìn chẳng có ai là vừa ý bằng như con tôi”. Mẹ vẫn nhớ con. Phải chăng nỗi đau, nỗi nhớ người con liệt sĩ mà mẹ cố nén sâu trong lòng bao năm, giờ bột phát ra gần như vô thức. Những người chồng, người con mà các Bà mẹ VNAH không giữ được cho mình, mãi mãi vẫn ở trong lòng của các Mẹ.

Trần Thép

4 đã tặng

0

1

3

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đón bạn về quê

Thơ 1 giờ trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 7 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 16 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 17 giờ trước

Mưa từ Ba Đình

Thơ 1 ngày trước

Người thành vô biên

Thơ 1 ngày trước