Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:10 (GMT +7)

Chuyện về cuốn sách đầu tiên của Hội

Tác giả (thứ 3 từ phải sang) tại buổi Gặp mặt truyền thống (năm 2012). Ảnh: Đào Tuấn

Vào khoảng cuối năm 1982, ngày ấy mới chỉ có Ban Vận động Thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chứ Hội chưa được chính thức ra mắt.

Một buổi trưa, ở trong văn phòng Ban Vận động, tôi đang đánh vật với chuyện nấu nướng bữa ăn thì một người đàn ông cỡ tuổi trung niên gõ cửa rồi bước vào. Người đó tự giới thiệu là Lê Thạc Ngạn - Giám đốc Nhà máy Điện Thái Nguyên.

Liếc nhìn cái bếp điện đặt lù lù ngay trên bàn làm việc cùng đống nồi niêu rếch rác, tôi tái mặt tưởng Nhà máy Điện đến để lập biên bản việc sử dụng điện trái phép (ngày ấy nấu bằng bếp điện phải bí mật). Nhưng không phải vậy. Lê Thạc Ngạn cười thân thiện, mời tôi ra ngoài quán ăn trưa để trao đổi công việc. Tôi thấy không tiện nên từ chối và xin anh trao đổi công việc ngay tại văn phòng. Vậy là hôm ấy, chúng tôi ngồi bàn việc ngay cạnh cái bàn ngổn ngang nồi niêu, bát đĩa cùng sách vở, bản thảo…

Lê Thạc Ngạn bảo nghe người ta giới thiệu tôi là nhà văn, lại đang công tác tại Hội Văn học nghệ thuật (ngày ấy nhiều người đã quen gọi Ban vận động là Hội như vậy) nên đến để nhờ anh em văn nghệ sĩ Bắc Thái viết cho Nhà máy một cuốn sách nói về truyền thống nhân kỉ niệm 20 năm ngày thành lập.

Thực ra những năm tháng ấy, cánh viết lách trong tỉnh tuy cũng đã có nhiều tác phẩm được đăng tải trên báo chí ở trung ương, có người đã được giải trong các cuộc thi văn học nhưng chưa ai quen với việc làm loại sách này. Nhưng dù sao, như vậy là ông Giám đốc Lê Thạc Ngạn đã tìm đến đúng chỗ. Tôi nghĩ, phải là một người có tác phong bình dân và hiểu biết lắm thì ông ấy mới có cái quyết định đích thân đến gặp tôi, một người trong tay không hề có một chút quyền hành, không một xu dính túi, trong đầu chỉ có một đống chữ lộn xộn, nói chung là một người rất vô danh lúc bấy giờ.

Tôi nhận lời Giám đốc Ngạn rồi trao đổi với anh Hoàng Thể, Trưởng ban Vận động, đề nghị anh cho tổ chức và biên tập cuốn sách.

Thế là khoảng hai mươi cây bút chính được huy động vào việc làm sách. Gồm những “danh tướng” như Nguyễn Đức Thiện từ Nhà Văn hóa Gang Thép sang; Nguyễn Minh Sơn, Khánh Kiểm, Trần Văn Loa, Ba Luận, Mai Việt từ ngành giáo dục đến; Vi Hồng, Vũ Anh Tuấn, Hoàng Văn An từ Đại học Sư phạm tới; Ma Trường Nguyên, Nông Phúc Tước từ Sở Văn hóa góp mặt...

Ngày ấy còn có một “cô bé” mới tốt nghiệp đại học, nghe đâu là sinh viên giỏi được tuyển thẳng vào Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đội một chiếc mũ nan rộng vành đến với anh chị văn nghệ sĩ xứ Thái trong một cử chỉ rụt rè, e lệ. Cô bé ấy chính là nhà văn, nhà báo Minh Hằng bây giờ.

Khi bắt tay vào làm sách, ngoài đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh thì một vài cán bộ, công nhân của nhà máy cũng tham gia vào việc sáng tác. Trong đó phải kể đến Giám đốc Lê Thạc Ngạn và Bí thư Đảng ủy nhà máy Nguyễn Đình Ẩm (về sau, anh Ẩm trở thành hội viên sáng lập của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Thái).

Những ngày tìm hiểu thực tế để viết bài, anh Ngạn bận việc không có nhiều dịp ngồi với anh em nên chỉ có Bí thư Nguyễn Đình Ẩm hàng ngày theo sát để giúp đỡ mọi người cả về tinh thần lẫn vật chất. Điều làm chúng tôi vui và khâm phục nhất là các anh lãnh đạo nhà máy không hề chỉ đạo anh em viết để ca ngợi thành tích mà viết sao có thể lột tả được hình ảnh người công nhân lao động vất vả nhọc nhằn để làm ra ánh sáng cho đất nước. Điều này quả là hợp với tinh thần của người sáng tác.

Ngày ấy, anh Hoàng Thể là người rất có khả năng điều hành công việc và động viên người viết. Anh em văn nghệ sĩ rất sôi nổi, nhiệt tình, dành nhiều tâm huyết cho công việc. Chỉ trong vòng vài tháng bản thảo cuốn sách đã cơ bản hoàn thành. Mọi người đọc cho nhau, góp ý cho nhau từng chi tiết, từng câu từng chữ, không hề so đo tính toán, cốt sao tác phẩm hoàn thành tốt. Vì vậy, kết quả là đã có tới vài trăm trang bản thảo khổ A4. Tôi và anh Hoàng Thể “bò ra” để sửa chữa, biên tập.

Cũng trong dịp ấy, nhà máy cho mời một số nhạc sĩ ở trung ương như các anh Trần Chung, Vũ Thanh đến để sáng tác bài hát truyền thống cho nhà máy. Hai ca khúc nổi tiếng đã ra đời trong những năm tháng này: “Dòng điện quê hương” (Trần Chung), “Dòng điện nơi anh” (Vũ Thanh) cùng ca khúc “Hành khúc nhà máy tuổi hai mươi” của Thanh Hương, một nhạc sĩ trẻ của tỉnh.

Khoảng giữa năm 1983 thì cuốn sách ra đời. Sách khổ to 19 x 27cm, dày 132 trang, tương đương 300 trăm trang khổ bình thường, gồm đủ các thể loại truyện ngắn, kí, kịch, thơ, nhạc… Khi đưa cuốn sách vào nhà in, tôi biết, anh Hoàng thể phải “nịnh” phòng Kế hoạch lắm mới giành được loại giấy tốt nhất lúc bấy giờ. Chúng tôi cầm tập sách trên tay, lòng rưng rưng cảm động. Tuy nhuận bút lúc ấy trả theo chế độ, chẳng được là bao nhưng chúng tôi thấy rất vui. Vui nhất là từ đó, Nhà máy Điện trở nên thân thiết với chúng tôi như người nhà.

Tôi có thể cam đoan rằng đây là cuốn sách truyền thống, mang màu sắc văn học nghệ thuật đầu tiên trong tỉnh mà anh em văn nghệ sĩ Bắc Thái đã cùng Nhà máy Điện thực hiện. Đến nay tôi vẫn còn giữ được một cuốn duy nhất. Về hình thức, cuốn sách không thể so sánh với các cuốn sách hiện đại bây giờ, về nội dung cũng có nhiều chỗ hơi ngô nghê. Đến nay, nhiều tác giả trong cuốn sách đã qua đời như các anh Hoàng Thể, Nguyễn Đức Thiện, Khánh Kiểm… Một số đã chuyển đi nơi khác sinh sống như các anh: Trần Văn Loa, Ba Luận, Vũ Anh Tuấn… Những tác giả trong cuốn sách hiện đang sống và làm việc tại Thái Nguyên chỉ còn các anh: Nguyễn Đình Ẩm, Ma Trường Nguyên, Nguyễn Minh Sơn, Minh Hằng và tôi.

Ngày hôm nay, mỗi lần giở cuốn sách ra đọc lại, tôi luôn bồi hồi nhớ đến một thời con người sống với nhau thật đẹp đẽ, chân tình và tràn đầy yêu thương.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy