Chuyển tiếp yêu thương
VNTN - Cứ qua một mùa sinh nhật là mẹ lại ngồi sắp xếp tủ quần áo của con. Mỗi bộ váy, đôi giày, khăn quàng cổ, mũ đội mùa nóng hay mùa lạnh... đều gắn với một kỉ niệm nào đó được con ghi nhớ và vẫn thường kể lại mỗi lần dùng những đồ vật này.
Chiếc váy đỏ xếp nếp xòe rộng như một bông hồng nhung rực rỡ thêu hình chú mèo Kitty ngộ nghĩnh mà con mặc vào đêm Giáng sinh chính là trang phục yêu thích nhất của chị Na. Chị đã từng mặc nó để đi đón ông già Noel cùng các bạn lớp mẫu giáo, giờ chị lớn hơn nên mang tặng lại cho con. Bộ quần áo thể thao màu hồng in hình những bông hoa mai vàng rực con được nhận từ chị Bống, con hay mặc mỗi lần đi chơi ngoài trời dịp cuối tuần. “Sang chảnh” nhất chính là bộ đồ mùa đông với đầy đủ áo len, quần tất, áo choàng lông trắng muốt, mũ đính nơ và găng tay viền đăng ten nhiều màu của chị Nghé, con rất thích được mặc bộ này đi chúc tết ông bà vì nhiều người trầm trồ khen: “Con gái dễ thương quá!”. Khi trời bắt đầu chuyển từ mùa xuân sang hạ, những bộ đồ ấm áp được cất dần vào tủ, thay vào đó là váy áo khiến con mát mẻ dễ chịu. Con ngồi bên cạnh, cầm từng món đồ lên hỏi: “Mẹ ơi, áo này của chị nào? Váy này của chị nào cho con?” rồi con lần lượt ghi nhớ từng chiếc áo gắn với mỗi cái tên: áo chị Thỏ, váy chị Nhím, xăng đan chị Chíp...
Trong số con cái của bạn bè đồng trang lứa với mẹ, con là em bé ít tuổi nhất, vì thế mà các cô đều muốn tặng lại những bộ đồ còn lành lặn khi các chị mặc chật. Vào mỗi dịp đầu mùa con lại có những túi quần áo được các cô mang đến, cô nào cũng muốn con ướm thử ngay để xem có vừa không. Nhìn con thích thú xỏ tay vào áo đứng cạnh chiếc gương nghiêng đầu làm dáng, các cô cũng mỉm cười sung sướng khi thấy con mặc vừa vặn và thốt lên: “Ôi, trông giống chị (...) hồi xưa quá!”. Mẹ rất hạnh phúc vì con nhận được sự chia sẻ từ những người mẹ khác như thế. Bởi mỗi bà mẹ khi đi mua sắm bất cứ thứ gì cho con mình đều mang theo rất nhiều yêu thương và hồi hộp, đều chọn lựa rất kĩ càng để phù hợp với thói quen, ý thích của con. Rồi con lớn thêm lên, không còn mặc vừa bộ váy áo đó, bà mẹ vẫn nâng niu cất vào một góc tủ cho đến khi gặp được một em bé ở cỡ tuổi con vài năm trước mới mang tặng lại. Ngắm nhìn em bé khác mặc quần áo của con mình, trong lòng các bà mẹ lại tràn về bao cảm xúc gắn với kỉ niệm đã qua và như được thấy lại hình ảnh đáng yêu ngày đó, để thấy các con đang lớn lên mỗi ngày...
Xưa nay trong quan niệm của người Việt, những bộ quần áo cũ của trẻ con vẫn thường luân chuyển từ đứa lớn sang đứa nhỏ như một cách trao - nhận những điều tốt lành. Đặc biệt là đồ cũ của những em bé khỏe mạnh, sáng láng thông minh luôn được các bà mẹ có con nhỏ hơn đón nhận để mong con mình cũng có “khước” như thế. Cuộc sống thời nay khá giả hơn, điều kiện để mua sắm cho con cái những bộ đồ đẹp hay đắt tiền không phải là điều quá khó, nhưng các bà mẹ vẫn thích được trao đi và nhận về những niềm hạnh phúc nho nhỏ mà vô cùng ý nghĩa đó. Chiều nay con cùng mẹ ngồi gấp những bộ quần áo đã mặc chật, xếp vào chiếc túi đựng đồ mỗi lần về thăm quê để tặng lại em bé mới sinh của chú xe ôm dưới sân chung cư. Con vẫn háo hức kể tên chị Nhím, chị Na, chị Nghé... mỗi lần đưa cho mẹ một món đồ nhỏ. Con không đòi giữ khư khư những đồ cũ khi mẹ bảo: “Bây giờ chỉ có em bé nhà chú T. mới mặc vừa thôi, con mang tặng em nhé!”. Tặng lại những thứ mình đã từng yêu thích cho người phù hợp hơn cũng là cách mẹ dạy con biết san sẻ và sống tiết kiệm hơn.
Xách túi đồ xuống sân vừa lúc chú T. đi chở khách về, chú phải nghe một lúc mới hiểu được câu nói còn chưa đủ từ của con: “Chú mang đồ về em bé mặc cho xinh ơi là xinh...” Đưa bàn tay gân guốc sạm đen đón lấy chiếc túi, đôi mắt chú T. như ngân ngấn nước, chú cười thật hiền: “Chú xin. Chú cảm ơn bé nhé.” Con cười tít hai mắt, giơ tay vẫy vẫy tạm biệt khi chú vội vã quay xe tranh thủ chạy qua nhà để cất túi quần áo.
Rồi sau đây con sẽ tiếp tục nhận được những món đồ cũ từ các chị, và khi không còn dùng nữa con đã có nơi để tặng lại. Biết chuyển tiếp yêu thương, nghĩa là con đã lớn khôn thêm một chút rồi...
Tản văn. Phong Lan
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...