Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
23:22 (GMT +7)

Chuyện ở xứ sở nhân sâm

VNTN - Ấn tượng về đất nước Hàn Quốc với tôi không lưu bằng vô vàn file ảnh, video clip làm đầy thẻ nhớ như những chuyến đi khác. Nó đơn giản là tiếng “tít” dịu dàng báo hiệu vân tay của tôi được chấp nhận ở cửa nhập cảnh. Là vòm lá cuối thu đỏ rực như đám lửa. Là món mì lạnh trong veo và nụ cười sung sướng của đầu bếp khi thấy khách ăn hết nhẵn.

Đất nước kết nối

Khác với những lần ra nước ngoài trước, lần này chúng tôi tự làm mọi thủ tục để sang Hàn Quốc. Liên tiếp thông tin về người Việt sang Hàn Quốc bằng visa du lịch rồi trốn ở lại khiến nước bạn thắt chặt kiểm soát khiến chúng tôi lo lắng. Nhưng rồi cả việc xin visa, các khâu xuất cảnh từ Việt Nam và nhập cảnh vào Hàn Quốc của chúng tôi đều suôn sẻ.

 

Thăm Cung điện nhà vua

Xuống sân bay, tôi được “hòa” ngay vào mạng lưới giao thông công cộng khổng lồ của Hàn Quốc. Loại hình đầu tiên là xe buýt. Chỉ vài bước chân từ cửa sân bay quốc tế Incheon là chúng tôi đến bến xe buýt. “Bụng” xe mở ra, những chiếc va-li của khách được dán mã số và hai người đàn ông mặc đồng phục màu xanh nhanh chóng đưa vào gầm xe. Con gái tôi học thạc sĩ bên này đã hơn 2 năm. Cháu ghé tai bố mẹ hướng dẫn chớp nhoáng: “Xe đi đường dài nên không dừng đỗ ngang đường. Từ đây về chỗ con ở khoảng 2 tiếng nếu không tắc đường. Bố mẹ thắt dây an toàn, đeo khẩu trang này vào để nếu ngủ thì không nhìn thấy mồm há ra xấu xí (nó cười hi hi)”. Làm sao ngủ được dù cả đêm qua trên máy bay mắt tôi mở thao láo. Tôi háo hức ngắm đất nước cách Việt Nam 6 giờ bay. Thời tiết quá đẹp. Nắng mật ong và không nóng. Hoa hai bên đường phô diễn màu sắc rực rỡ. Cây xanh nhiều vô kể. Thành phố Incheon như một công viên khổng lồ, sạch tinh tươm. Trên xe có khoảng 20 khách, tuyệt nhiên không một tiếng nói chuyện. Người trẻ thì đeo tai nghe, mắt nhìn điện thoại. Người già thì nhắm mắt tranh thủ nghỉ ngơi. Tài xế mặc đồng phục trắng, tay đeo găng tay trắng, đội mũ trắng, lái xe rất nghiêm trang. Tôi đưa cho con chiếc bánh Pía sầu riêng mang từ quê nhà sang, nó nói nhỏ vào tai tôi: “Bánh có mùi không nên ăn trên xe mẹ ạ”. Ô hay, nó bị “nhiễm” cái tính lịch sự đến khắt khe của người Hàn Quốc mất rồi.

Sau bữa cơm đầu tiên có kim chi đỏ ớt cay xè và đũa sắt gắp cái gì cũng trơn tuồn tuột, chúng tôi nghỉ chừng một tiếng, tiếp tục đến căn nhà đã thuê.

Kéo đồ lề ra bến xe buýt, con tôi dặn: Giờ nhà mình đi tuyến ngắn nên không có chỗ để đồ riêng như tuyến dài sáng nay. Trên xe có ghế đơn dành cho người già, bố mẹ ngồi ở đó, nếu còn trống (hừm, nó liệt bố mẹ nó vào diện người già). Đợi chừng 5 phút thì xe đến. Lại tiếng “tít” máy đếm thời gian. 6 chiếc ghế đơn đặt hai bên ở phần thấp của xe dành cho người cao tuổi đã kín chỗ. Họ đều chạc trên 70 tuổi, đi giày thể thao, ba lô để dưới chân. Chúng tôi leo lên chỗ ngồi cho người trẻ, thích thú nhìn màn hình phía đầu xe phát đoạn hướng dẫn người đi xe buýt nên làm gì và không nên làm gì. Xe đỗ cho người lên và người xuống liên tục, mỗi lần dừng như thế khoảng 4 giây. Người xuống nhanh chóng di chuyển ra cửa giữa, áp thẻ vào máy tính tiền, tiếng “tít” và cửa mở. Tôi thắc mắc: Có người tranh thủ xuống không trả tiền thì sao con? - Thì ở lần đi sau họ sẽ bị trừ gấp đôi số tiền mình đã đi lần này. Mẹ không phải lo, trông thế thôi nhưng không lọt được đồng nào của họ đâu. Ở đất nước này khôn ngoan nhất là nên thật thà. Nó lại cười hì hì.

Căn nhà chúng tôi thuê ở Quận Gangnam. Những gì nhìn thấy ở đây khiến chúng tôi chóng mặt: Xe Mercedes, Audi, Maserati, Tesla, Range Rover chạy rợp đường. Những thương hiệu thời trang lừng danh như Gucii, Dior, Prada, Chanel… lộng lẫy phô diễn. Đặc biệt là các nhãn mỹ phẩm nổi tiếng như Ohui, Leneige, Missha, Espois, Mamode, Innisfree… “chạt” hai bên phố. Khí hậu Hàn Quốc cuối thu rất khô, nửa ngày ở đây da tôi đã mốc lên, trong khi da người sở tại vẫn mượt và căng bóng. Hình như thời tiết khắc nghiệt đã tạo ra nền công nghiệp mỹ phẩm mạnh nhất thế giới?

Ở Hàn Quốc, người ta truyền tai câu nói: “Tôi sinh ra ở Gangnam”. Vì nơi này được gọi là “tinh hoa” thẩm mỹ, hội tụ các “nhà ảo thuật” biến “vịt xấu xí” thành “thiên nga lộng lẫy”. Tôi liên tục gặp trong quán ăn, trên tàu điện những người bông băng chằng chịt trên mặt. Họ vẫn rất tự tin mua sắm, ăn uống và không ai nhìn họ với ánh mắt ngạc nhiên.

Tối đầu tiên ở Hàn Quốc, con tôi báo cáo lịch trình: - Mai nhà mình sẽ đi tàu đến đảo Nami. Ngoài ấy lạnh đấy, bố mẹ mặc thêm áo ấm. - Con biết cách đi không? - Con chưa đi tàu đến đấy lần nào, nhưng có “ông” Google map là con yên tâm.

Từ nhà, chúng tôi đi bộ mươi phút là đến bến tàu. Vài chục bậc đá dẫn xuống, lòng đất mở ra một thế giới lạ lẫm. Những chuyến tàu vi vút liên tục, siêu thị rực rỡ và chợ đêm sôi động. Tôi không nhớ bao nhiêu lần lên tàu, xuống tàu, chuyển ga để đến ga Gapyeong (gần đảo Nami). Tổng thời gian di chuyển cho gần 60km khoảng 40 phút. Đứng trong ga, nhìn bảng điện tử, tôi biết con tàu mình lên còn mấy phút nữa thì đến. Những con tàu đan như mạng nhện nhưng vô cùng an toàn vì hệ thống kính cường lực “ôm” trọn vẹn đường ray, chưa kể thêm một lần cửa của toa tầu. Thời gian tàu dừng, cửa mở, lên và xuống, cửa đóng, tàu chạy… chỉ vài giây. Nhanh, tiện và rẻ là sức hút của tàu điện ngầm với người dân Hàn Quốc. Nhà ga đông nghịt, quán ăn, quầy bán hàng tự động, nhà vệ sinh… lúc nào cũng tấp nập. Đứng đợi tàu, tôi cứ nghĩ vẩn vơ: Từng này con người mà đổ lên mặt đất thì Hàn Quốc sẽ ra sao nhỉ? Rồi tôi tự lý giải: Đất nước hơn 51 triệu dân (bằng 1/2 dân số Việt Nam) mà chỉ có hơn 700.000 km2 đất liền (gần bằng ¼ diện tích của Việt Nam) mà nhan nhản công viên mênh mông, nhan nhản rừng cây cổ thụ, nhan nhản hồ nước và đường đi bộ… là bởi vì họ đã khai thác rất tốt lòng đất của họ.

Con tôi giờ đã thành “chuyên gia” nhảy tàu xe. Nó bảo: Hệ thống giao thông ở đây kết nối cực kỳ tinh xảo, đứng ở bất cứ nơi nào cũng có thể tìm ra một ga tàu hay bến xe gần nhất. Đặc biệt những khu phố mua sắm như Myeongdong, địa điểm du lịch nổi tiếng như Cung điện Gyeongbokgung, Núi Palgongsan, Bảo tàng Bokcheon… thì đi tàu một chặp, “ngoi” lên mặt đất là đến nơi.

 

Cửa soát vé tàu điện ngầm

Còn tôi sau hai ngày ở đây rút ra nhận xét khác: Sự kết nối còn ở những tiểu tiết khôn ngoan. Ví như khách vào thăm cung điện Gyeongbokgung, nếu thuê trang phục vua chúa (ở bên ngoài cung điện) thì được miễn vé vào cửa. Vậy nên đa số khách du lịch mặc váy áo xúng xính, tạo nên khung cảnh rất cổ xưa, càng tôn lên giá trị di sản của Hàn Quốc.

Trở lại chuyện đi tàu, tôi ấn tượng văn hóa tham gia giao thông của người Hàn. Cũng như xe buýt, tầu dành ghế cho người già. Ở 4 góc của toa có tổng số 12 chiếc ghế, tàu đông đến mấy các bạn trẻ cũng không ngồi vào đấy, dù ghế còn trống. Đặc biệt hơn, 2 ghế ở cạnh cửa lên xuống, có lan can bảo vệ chắc chắn, là chỗ dành cho người mang thai hoặc bế con nhỏ, ghi chú chữ màu đỏ dưới sàn. Tàu rất đông thì người cao tuổi có thể ngồi vào chỗ ấy. Con tôi thì thầm hướng dẫn: Cái ghế của người vừa xuống mặc nhiên dành cho người đứng ở vị trí gần nhất. Nếu anh ở xa mà “lao” đến ngồi thì họ sẽ nhìn bằng ánh mắt rất kỳ dị.

 

Tác giả tranh thủ tập thể dục

Tôi nhớ mãi một chuyện cảm động chứng kiến trên chuyến tàu từ đảo Nami trở về Gangnam. Hôm ấy cuối tuần, tàu rất đông. Hành khách là người già chiếm đa số. Dễ nhận thấy là họ đi leo núi về ở chiếc ba lô căng phồng có gài cây gậy chống gấp gọn. Ai nấy đều đi giày thể thao, đội mũ, mặc quần áo gọn gàng khỏe khoắn. Tàu đông nên nhiều người già phải đứng. Ở góc xa xa, tôi bỗng nghe tiếng lao xao. Nhìn sang, tôi thấy mấy cụ ông cụ bà đứng cả dậy nhường chỗ cho một thiếu nữ có biểu hiện say xe. Dù cô gái xua tay từ chối nhưng họ kiên quyết bắt cô phải ngồi xuống và theo dõi cô với ánh mắt rất ái ngại. Tàu dừng, trước khi xuống các cụ còn “gửi gắm” những người ngồi lại phải quan tâm đến cô gái ấy.

Những ngày còn lại ở Hàn Quốc, chúng tôi di chuyển bằng tắc-xi, đắt hơn so với đi ô tô buýt và tàu điện, nhưng vô cùng tiện lợi. Trên đường, tắc-xi chạy nườm nượp. Con tôi giảng giải: “Mẹ để ý dòng chữ hiện trên kính xe kia: Xe đang đợi người, đi đón người hoặc xe đang cần khách. Xe màu trắng, bạc, cam là loại bình dân, khoảng 3.500w/km đầu tiên (70 nghìn VNĐ). Xe màu vàng là tài xế biết nói 3 thứ tiếng (Anh, Nhật, Trung), giá cao hơn. Xe màu đen viền vàng kia, là hạng sang, khoảng 7.000w/km. Con chọn xe bình dân thôi nhé? Nó đứng trên vỉa hè, vẫy tay, một “bác” 4 chỗ chạy tới (lái xe khoảng 70 tuổi). Lên xe, nó nói địa chỉ cần đến, tài xế đọc vào điện thoại, sau tiếng “tít”, hành trình hiện trên màn hình, số ki lô mét và ước lượng thời gian đi, giá tiền. Câu chuyện trên xe rôm rả, con tôi phiên dịch lại là họ thấy mình là người nước ngoài nên quảng bá về đất nước của họ. Xuống xe, chúng tôi thanh toán bằng thẻ và được trả hóa đơn minh bạch.

Đất nước vận động

Đến nơi này, tôi mới hiểu vì sao người Hàn Quốc hiện có chiều cao xếp thứ nhất châu Á với 1m74,9 của nam và 1m62,3 của nữ. Trong khi, trước năm 1950, chiều cao trung bình của người Hàn thấp nhất châu Á (nam 1m61, nữ 1m54). Trước nữa, khoảng năm 1900, Hàn Quốc là quốc gia lùn nhất thế giới.

Chiều cao đối với người Hàn quan trọng đến ám ảnh. Họ cho rằng cuộc đời thành công hay không phụ thuộc vào vóc dáng có cao lớn hay không. Các ông bố bà mẹ quan niệm: Giúp con cao thêm 10cm còn hơn để lại cho con 1 tỉ Won (khoảng 20 tỷ VNĐ). Vậy nên, cả đất nước Hàn Quốc coi trọng phát triển chiều cao. Không chỉ Chính phủ, mà mỗi người Hàn đều quan tâm đến dinh dưỡng và rèn luyện thể lực - hai yếu tố thiết yếu của phát triển chiều cao.

Trên vỉa hè thênh thang, tôi luôn gặp dòng người đi bộ thoăn thoắt. 8 ngày ở đây tôi không nhìn thấy một ai đi giày cao gót. Dưới những đôi chân rắn rỏi là giày thể thao hoặc giày da bệt. Cả trẻ con, người già có chung tác phong là nhanh nhẹn. Mà không nhanh không được, xe buýt, tàu hỏa thời gian dừng các bến chỉ tính bằng giây. Khoảng cách giữa các bến tàu bến xe đủ để làm một cuốc đi bộ.

Hàn Quốc rất nhiều công viên. Công viên to hay nhỏ cũng đặt cơ số dụng cụ thể dục cho người lớn, trẻ em; đường đi bộ phẳng lì dưới tán cây mát rượi và hồ nước mênh mông. Trong công viên, người đạp xe, người chạy, người tập tay, tập bụng, tập lưng. Ở một góc khác, người ta tổ chức thi đấm bốc nghiệp dư, trống chiêng cổ vũ tưng bừng. Tôi đi qua một trường tiểu học thấy các em tập bóng chuyền và tập cưỡi ngựa. Những em nhỏ mặt tươi như hoa, dướn người leo lên lưng ngựa và đập bóng rất vui.

Có lẽ vì họ vận động liên tục và từ bé nên ít người lùn tịt hoặc béo phì. Con gái tôi cao 1m64, 2 cô bạn cùng phòng cao 1m65 và 1m67 nhưng đi ngoài đường vẫn ít được “ngước nhìn”. Khỏe, nên tuổi lao động của người Hàn khá dài. Lái xe tắc-xi, phục vụ quán ăn, nhân viên siêu thị đều chạc 60 tuổi trở lên. “Các cụ” tính toán, thao tác trên máy móc nhanh và chính xác. Đất nước này đang tạo ra nền “kinh tế bạc” từ người cao tuổi.

Đất nước tôn trọng kỷ cương

Tôi rút ra nhận xét này qua trò chuyện với một số du học sinh.

Ở Hàn hơn 2 năm, con tôi “nhiễm” nhiều nét văn hóa nước bạn: Luôn nói cảm ơn và xin lỗi; cúi đầu cảm ơn người nhường đường; không gây ồn, gây chú ý nơi công cộng; ngồi vuông góc trên tàu điện; dọn cốc sau khi uống cà phê (ngoài quán); không đặt bát lên trên đĩa; rót rượu không để miệng chai chạm vào miệng ly; không viết tên bằng mực đỏ; không chụp ảnh trẻ em vv… Nó bảo, bên này thích nhất là không lo mất cắp. Đồ con mua online shipper để ở cửa, cả đêm cũng không mất; vào quán ăn túi ví để ơ hờ; mua đồ trong shop không lo tráo nhãn mác. Rất hiếm khi con nhìn thấy cảnh sát, nhưng nếu xảy ra chuyện gì thì chỉ “phút mốt” là họ xuất hiện. Lạ là nhìn mọi thứ nhìn bình thường thế, nhưng chỉ cần không phân loại rác hoặc để rác không đúng nơi quy định là có giấy phạt về nhà ngay.

Sinh viên Việt Nam sang bên này học đại học hoặc cao học như con tôi khá nhiều, hầu như tất cả đều phải làm thêm. Không ít cháu gia đình vay mượn vài trăm triệu đồng cho sang, nên ngoài giờ học phải đi làm nuôi thân và gửi về trả nợ. Theo quy định thì sinh viên học tiếng, cao đẳng, đại học tối đa làm thêm 20h/tuần; học cao học tối đa được làm thêm 30h/tuần. Nhưng trên thực tế nhiều cháu làm đến 50-60h/ tuần. “Tiếng là thu nhập 25-30 triệu VNĐ mỗi tháng nhưng cháu gửi gần hết về nhà trả nợ, chi tiêu bên này rất hạn hẹp” - bạn của con tôi tâm sự - “Thêm nữa, rủi ro luôn rình rập vì mình vi phạm quy định. Nếu bị phát hiện, người thuê cháu sẽ bị phạt 300 đến 400 triệu VNĐ. Khi làm visa gia hạn, họ cũng “soi” thẻ ngân hàng rất kỹ xem thu nhập từ nguồn nào, nếu phát hiện bất thường là không được cấp visa. Có bạn làm quá sức đã bị chết, có bạn mải làm thêm xao nhãng học hành nên mất luôn học bổng, thành ra “tham miếng bỏ bát”.

Chuyện học cũng không “lơ tơ mơ” được. Các chỗ ngồi trong lớp đều có máy điểm danh bằng vân tay, nếu nghỉ vượt quá quy định là được “mời” về nước. Khi nhận đề tài làm luận văn tốt nghiệp, không có chuyện giáo sư kè kè giúp đỡ, mà tự thân vận động là chính, nếu không đạt thì ít nhất 6 tháng sau mới được bảo vệ lại. Những “góc khuất” đó người ở nhà ít biết, cứ ngỡ con em đang “hái ra tiền, đi học như đi chơi” vô tình gây áp lực cho người thân của mình.

Tám ngày ở Hàn Quốc, những cảm nhận của tôi chỉ là những gì thấy trên bề mặt. Nhưng chỉ thế thôi, mà có lúc, tôi bất chợt nhớ đất nước này đến nao lòng.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước