Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:53 (GMT +7)

Chuyện hai anh em nghệ sĩ trốn nhà lên ATK Việt Bắc đánh Tây

VNTN - Hồi ấy, được nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Khắc Hường, Trưởng phòng Ảnh, Báo Nhân Dân tiến cử, tôi trở thành học trò nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam, Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Đinh Quang Thành, Đỗ Huân, Hoàng Kim Đáng... của lớp nhiếp ảnh nâng cao khóa 1, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hà Nội, ở 19 Hàng Buồm. Là chỗ thân thuộc khi anh Hường là trung sĩ cầm súng và máy ảnh ở Bộ Chỉ huy quân sự Hà Giang, còn tôi là chiến sĩ thông tin và cầm bút, D42, E741, F326 bảo vệ biên giới Phong Thổ. Có hai lớp, học trong thời gian 6 tháng vào buổi tối và cuối tuần do anh Nguyễn Việt Hưng (sau là Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội) và nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Nhật ở Bảo tàng Biên phòng phụ trách. Tôi có tác phẩm ảnh triển lãm đầu tay: Mái trường Quốc Tử Giám (1076) trong Catalogue “Hà Nội trên đường đổi mới”.

 

Họa sĩ Tôn Đức Lượng (trái) và em trai là nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam. Ảnh chụp lại: Đồng Khắc Thọ.

Buổi tối, tôi từ ký túc xá Đại học Văn hóa ở 103 Đê La Thành đạp xe ra nhà thầy Mai Nam ở phố Tô Hiến Thành xem cách làm ảnh mầu bằng máy thủ công (do Hà Nội chưa có máy phóng MiniLab). Thầy tiết lộ: thời trẻ từng làm ảnh ở ATK Việt Bắc. Sau này, đến khi tôi về Bắc Thái làm ở Phòng Bảo tàng, Lịch sử (Sở Văn hóa - Thông tin) được Tổng Biên tập Dương Xuân Nam vời kiêm nhiệm đại diện cho tờ Tiền Phong tôi mới biết thầy Mai Nam là em họa sĩ Tôn Đức Lượng.

Anh em ruột sao mang họ khác nhau nhỉ? Tôi thắc mắc với Ths. Bùi Huy Toàn, Trưởng ban Quản lý Khu Di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa khi cùng đến nhà riêng họa sĩ Tôn Đức Lượng ở 128 Hàng Trống "vòi" lão họa sĩ tóc chấm vai kể chuyện năm 1947 đã rủ em trốn nhà lên Chiến khu Việt Bắc làm cán bộ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Ông tiết lộ: chuyện hai đoàn viên năm ấy trốn nhà lên rừng thẳm... đánh Tây là câu chuyện không thể nào quên của thời trai trẻ.

Mời chúng tôi nâng chén trà Tân Cương bốc khói, lão họa sĩ 96 tuổi, nét mặt phúc hậu như ông tiên, nhẩn nha tâm sự:

 

Chiếc đĩa sứ lưu niệm do Chính trị Cục, Quân đội Nhân dân Việt Nam tặng, kỷ vật của họa sĩ Tôn Đức Lượng về ATK Việt Bắc.

Bố tôi là Nguyễn Thiện Kế, phụ trách Canh nông tỉnh Bắc Ninh sống tại nhà riêng ở Hà Nội. Tuy có bố là quan lại, tôi vẫn căm uất bọn thực dân Pháp áp bức đè nén dân ta và thái độ xu nịnh, luồn cúi quan thầy của quan lại bản xứ. Tôi trả thù chúng... bằng cách chọn ra cái nghề nào mà bọn thực dân phải cần, phải lạy lục mình, hoặc bỏ tiền ra mua sản phẩm của mình để học. Tôi thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Trước đấy, tôi chỉ biết vẽ truyền thần. Giảng viên họa sĩ người Pháp ra đề: Trang trí một đường viền? Do chưa bao giờ học mỹ thuật cả, tôi có ý tưởng táo bạo là vẽ ba bông hồng. Khi thi vẽ đi vẽ lại. Lúc đó còn chưa biết cách hòa bột oát với keo vẽ lên giấy khỏi bay mầu. Thấy có 7 chén đặt các mầu xanh, đỏ, vàng cứ phết lên là vẽ. Thầy Tây thấy hay, lạ, chấm cho tôi đỗ.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, tôi học xong năm thứ nhất Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng lớp với họa sĩ Phan Kế An, Dương Bích Liên, Nguyễn Văn Thiên, Triệu Quốc Ân... đa số đều theo Lớp Mỹ thuật kháng chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân ở rừng Việt Bắc sau này. Tôi mới 20 tuổi, rất háo hức tham gia Việt Minh đánh Tây. Lúc ấy, mẹ cùng các anh tôi ở tại quê ngoại Chí Linh (Hải Dương). Còn ở quê làng Đại Trung, huyện Quế Võ, nay thuộc thành phố Bắc Ninh có tôi với em thứ 5 Nguyễn Hữu Thống và cậu em thứ 6. Tôi chơi thân với anh Nguyễn Hữu Chấn, vận động viên bóng bàn nổi tiếng Đông Dương. Anh được bạn học là Phạm Minh Chính, lãnh đạo Trung ương Đoàn Cứu quốc dìu dắt. Cơ quan Trung ương Đoàn từ Cống Thần, Chợ Đại (tỉnh Nam Định) đi qua cửa nhà tôi lên Chiến khu. Tôi giấu bố mẹ, gửi gắm em út cho hàng xóm rồi kéo em Thống theo anh Chấn vào cơ quan Trung ương Đoàn ở bản Dõn, xã Minh Thanh, An toàn khu (ATK) Sơn Dương. Ở "Thủ đô gió ngàn" phải mang bí danh để giữ bí mật, tôi (Nguyễn Hữu Linh) gọi là Tôn Đức Lượng (lấy theo tên của bác Tôn Đức Thắng). Cậu em tên thật là Nguyễn Hữu Thống lấy bí danh là Tôn Nghiêm Sơn, thường gọi là Tôn Sơn, sau hòa bình về Hà Nội mang nghệ danh Mai Nam - nghệ sĩ nhiếp ảnh, cùng công tác với tôi ở Báo Tiền Phong.

Lão họa sĩ dừng lại trước chiếc đĩa sứ lưu niệm gắn trên tường đề tựa “Chính trị Cục kính tặng họa sĩ Tôn Đức Lượng” nhìn chăm chắm, giọng lắng xuống: Tôi làm công tác tuyên truyền, vẽ tranh, khẩu hiệu, thông tin cổ động, khánh tiết. Tham gia sáng lập, làm biên tập, họa sĩ trình bày Báo Tiền Phong. Cậu em tham gia in ấn tài liệu Trung ương Đoàn gửi các Liên khu kháng chiến, gửi giao thông vào vùng địch hậu, làm ảnh đen trắng phục vụ triển lãm và Báo Tiền Phong, đi chiến dịch với TNXP,... và luôn nỗ lực thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. Kỷ niệm tôi nhớ mãi là làm Trưởng ban Khánh tiết Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (1952) tại ATK Việt Bắc.

Độ tháng 1, trước ba tháng diễn ra Đại hội, tôi được cử làm Trưởng ban Khánh tiết, biệt phái sang Văn phòng Chủ tịch phủ. Riêng phần khánh tiết, có 4 - 5 thanh niên người Thổ giúp tôi. Thi công các công việc: sửa đường, làm hội trường, nhà ăn, nhà vệ sinh, hầm hào tránh máy bay do dân công dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chí giúp. Hội trường rất đặc biệt: 2 tầng, 8 mái, cột gỗ, lợp cọ, vách nứa... ẩn dưới tán cây. Hàng trăm cây mọc từ trong hội trường, trổ qua mái cọ che máy bay địch. Đại hội xong, cảnh quan môi trường lại về nguyên trạng. Việc phòng gian, tránh máy bay, bảo vệ cây rừng, vệ sinh môi trường rất nghiêm theo chỉ đạo của Bác. Ngoài hành lang, tôi trưng bày ảnh cỡ 18cm x 24cm gồm các hình ảnh: dân công phục vụ chiến dịch, quân giới sản xuất vũ khí, bộ đội công đồn,... Tôi tạo tác bục phát biểu, chỗ ngồi Đoàn Chủ tịch, bố trí lối đi. Ghế ngồi được thanh niên dân tộc Thổ làm bằng tre chắc và đẹp. Băng rôn bằng vải diềm bâu dài cỡ 50m x 1m bồi giấy xanh, đỏ. Tôi vẽ chân dung Lênin, Stalin, Bác Hồ, Mao Trạch Đông để trưng bày.

Trước vài ngày, Bác Hồ dáng dong dỏng cao, gầy, mặc áo nâu, túi dết, khăn mặt che bộ râu, đi ngựa từ Tỉn Keo (xã Phú Đình, huyện Định Hóa) đến xóm Khuẩn Hấu, xã Trung Lương, huyện Định Hóa (nay là xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương) kiểm tra công tác Đại hội. Người thăm chỗ ăn, ở, ngủ nghỉ của anh em và công việc khánh tiết, trang trí. Bác hỏi anh trong Ban tổ chức bằng giọng đậm chất Nghệ ấm áp:

- Ai vẽ chân dung Hồ Chủ tịch?

Anh Lê Đức Chỉnh, Thường vụ Trung ương Đoàn (từ tháng 11/1959 - 6/1965 làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; từ năm 1971 làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục, thể thao) thưa với Bác:

- Họa sĩ Tôn Đức Lượng ạ!

Bác góp ý từ nội dung, phông nền, Đoàn Chủ tịch... rồi véo tai tôi:

- Bác ở ngoài trông giống hơn nhiều!

Tôi nhìn Bác, cúi xuống thưa:

- Cháu vừa có ảnh Bác bên Bộ Lao động chuyển cho làm mẫu. Chứ được gặp Bác trước cháu sẽ vẽ đẹp hơn ạ.

Bác giảng giải chân tình:

- Họa sĩ vẽ ba lãnh tụ ở xa là Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, nhưng còn thiếu lãnh tụ ở gần: Hoàng thân Xu Phanuvông và ông Sơn Ngọc Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng (1951) ở Chiêm Hóa, tuy đã tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành 3 Đảng Cộng sản của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, nhưng chúng ta vẫn cần nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế chống xâm lược.

Họa sĩ nhớ lại: Tôi vẽ ông Sơn Ngọc Minh bằng chì than dưới ánh điện máy phát. Từ 10 giờ đêm, điện tắt, vẽ chân dung ông Xuphanuvông dưới đèn dầu nên chưa thật sống động. Độ 10 giờ sáng hôm sau kiểm tra, Bác bảo:

- Chú vẽ ông Sơn Ngọc Minh thì được. Còn Hoàng thân Xuphanuvông xem tranh vẽ ông ấy thế này, ông sẽ "giã" cho đấy.

Mọi người cùng cười vì lời Bác góp ý hóm hỉnh.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, một nhãn quan chiến lược, Bác và Trung ương Đảng đã chỉ đạo: Phải đoàn kết để Đảng Cộng sản, nhân dân Campuchia và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, các bộ tộc Lào cùng kề vai, sát cánh với nhân dân Việt Nam chống ách xâm lược của bọn thực dân.

Ông Somsavat Lengsavath, nguyên Thư ký của Chủ tịch Cayxỏn (Kaysone Phomvihane), Phó Thủ tướng Lào được Chủ tịch Cayxỏn kể lại: Hồi đó, ông nhận được chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải đi xuống cơ sở gặp nhân dân, cùng sống với nhân dân xây dựng Căn cứ địa cách mạng. Lúc đầu bác Cayxỏn bảo là sẽ đi nói với Bác Hồ tại sao cử tôi đi học với nhân dân như thế, rất lạc hậu? Sau này mới biết, Bác Hồ hướng dẫn mình muốn làm cách mạng phải đi sâu vào quần chúng, nắm được nguyện vọng, tâm tư của nhân dân để lãnh đạo họ giải quyết vấn đề cuộc sống của họ, để đưa họ tiến lên. Vì thế, bác Cayxỏn đã đi đến tỉnh Huaphan để liên hệ với nhân dân xây dựng cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tôi chăm chú nghe người Đoàn viên, Trưởng ban Khánh tiết tuổi 20 có đóng góp đầy nỗ lực vào sự thành công của Đại hội Thi đua yêu nước, nay đã 96 tuổi chia sẻ: Khi đó, ông L.Phighe (Léo Figuères), Uỷ viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Tổng Thư ký Đoàn thanh niên Cộng hòa Pháp, Phó Chủ tịch Đoàn thanh niên Dân chủ quốc tế, Chủ nhiệm tờ Tiền Phong, Nghị sĩ Quốc hội Pháp đã tới Chiến khu Việt Bắc, tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Trại Tù binh Pháp (1950) và tuyên truyền chống cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Pháp ở Đông Dương. Bác còn gửi thư tới Đại hội thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (họp ngày 19/11/1950 tại Roòng Khoa, ATK Định Hóa), nói rõ: "Chúng ta đang chặt cái gốc chiến tranh đế quốc, đang giúp sức bảo vệ hòa bình. Nhiệm vụ của chúng ta là đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ toàn dân Việt Nam, để kháng chiến lâu dài, để đánh tan bọn Thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ"…

 

Tác giả và họa sĩ Tôn Đức Lượng.

Năm nay tròn 90 năm Ngày Thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021), cũng là 74 năm anh em tôi cống hiến cho công tác Đoàn và Báo Tiền Phong. Nhớ lại những ngày ở ATK Việt Bắc, được giúp sức cho cách mạng, đặc biệt là được gặp Bác Hồ và được Người trực tiếp chỉ bảo… tôi vẫn thấy rưng rưng xúc động.

Họa sĩ Tôn Nguyên, con trai họa sĩ Tôn Đức Lượng (bộ đội ra quân 1993) bấm giúp tôi pô ảnh. Lão họa sĩ hồ hởi: Đoàn viên thanh niên là lực lượng xung kích đưa khoa học, kỹ thuật vào phát triển kinh tế - xã hội với khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Nhưng cũng cần phải luôn ghi nhớ việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là trong tình hình hiện nay.

Đồng Khắc Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước