Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
07:59 (GMT +7)

Chuyện buồn ở xóm Ba Luồng

VNTN - Tại xóm Ba Luồng, xã Yên Ninh (Phú Lương) đã từng xảy ra một cuộc họp lạ lùng. Cán bộ xóm cho họp dân, lấy biểu quyết đuổi một số hộ ra khỏi cộng đồng. Nghĩa là không cho tham gia vào các hoạt động chung của xóm và cho rằng đó là làm theo lệ làng. Cũng tại xã này, có một người không làm chứng minh nhân dân, lấy vợ hơn 10 năm không nhập khẩu, 2 con đã lớp 5, lớp 6 chưa có giấy khai sinh... Họ cũng bị xóm khai trừ từ 4 năm về trước. Tìm hiểu về họ, khiến tôi liên tưởng đến hình phạt thả rọ trôi sông ở các ngôi làng trong thời kỳ tăm tối, mông muội cách đây lâu lắm lắm rồi.


 

“Hồn nhiên” vi phạm quy chế dân chủ

Câu chuyện bắt đầu khi xóm Ba Luồng có chủ trương đổ bê tông tuyến đường trục chính dài 1,6km vào cuối năm 2014. Mong mỏi có con đường rộng, đẹp đã lâu nên khi xóm triển khai việc đối ứng, người dân đều vui mừng hưởng ứng. Các gia đình có vườn bãi 2 bên đường sẵn sàng hiến đất và đối ứng 20% giá trị (tương ứng số tiền 1,26 triệu đồng/khẩu). Một tổ giám sát đầu tư cộng đồng của xóm được thành lập. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các thành viên trong tổ phát hiện đơn vị thi công đã không làm theo đúng thiết kế công bố trước dân. Họ đi hỏi mượn cán bộ xóm, xã bản thiết kế để đối chiếu nhưng không được cung cấp. Bà Nguyễn Thị Phương, thành viên Tổ giám sát bức xúc: “Lúc công bố thiết kế làm đường trước dân, người ta đọc 1 trang thì bỏ qua 5 - 7 trang. Chúng tôi thắc mắc thì họ bảo có đọc hết các bác cũng không hiểu được. Đúng là chúng tôi không thể hiểu hết nhưng vẫn kịp nhớ nhiều nội dung trong đó. Ví như bản thiết kế có nói đường được rải 5cm cát vàng làm nền trước khi đổ bê tông, nhưng khi thực hiện lại không hề có ly cát vàng nào. Đổ bê tông thì cùng 1 đoạn đường dài như nhau chỗ 5 bao, chỗ 10 bao xi măng. Thắc mắc thì họ bảo, tý nữa xe đi rung sẽ đều. Đi hỏi bản thiết kế thì xóm chỉ lên xã, xã chỉ xuống xóm, chẳng ai cho. Ròng rã 3 tháng trời chúng tôi chỉ biết đi “xem” người ta đổ đường”. Đường làm xong từ cuối tháng 4/2015 nhưng đến tháng 9/2015 các thành viên trong tổ giám sát mới được cầm bản thiết kế.

Giống như bà Phương, ông Nguyễn Xuân Ngọt, Phó Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Yên Ninh, Tổ trưởng Tổ giám sát công trình đường bê tông Ba Luồng chỉ ra các sai phạm trong quá trình làm đường: Có 3 sai phạm chính, đó là cán bộ giấu tài liệu liên quan đến công trình; không giải phóng mặt bằng trước khi làm đường và thu tiền của các đối tượng lẽ ra phải được miễn giảm. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công đã để mấy trăm tấn xi măng ngoài trời không che đậy, khiến chất lượng bị ảnh hưởng. Chất lượng tuyến đường vì thế không đảm bảo, đến nay nhiều vị trí đã gãy hỏng, lề đường thì chỗ có, chỗ không.

Trước những nghi vấn có sai phạm trong quá trình thi công, một số hộ dân đã yêu cầu được giải thích. Nếu thỏa đáng họ sẽ nộp tiền. Nhưng thay bằng việc tiếp thu ý kiến để xem xét, giải thích cho người dân hiểu, cán bộ xóm Ba Luồng lại chọn cách “trừng phạt” họ. Ngày 7/8/2015, cán bộ xóm đã điều hành một cuộc họp lạ lùng với nội dung lấy biểu quyết đuổi 5 hộ dân ra khỏi cộng đồng. Các hộ dân bị đuổi gồm: Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Văn Trung, Ma Thị Chiên, Khuông Văn Luyến và Nguyễn Thị Sinh.

Bị đuổi, nghĩa là 5 hộ kể trên không được tham gia việc xóm. Không được mời hội họp, đám hiếu đến góp theo lệ làng Ban tổ chức tang lễ (Trưởng ban là cán bộ xóm) không nhận. Dịp Tết Trung thu, xóm cử người đi thu tiền của các gia đình tổ chức liên hoan cho trẻ em trong xóm, họ cũng chừa 5 hộ bị đuổi ra. Bế con nhỏ trên tay, giọng anh Nguyễn Văn Trung nghèn nghẹn: Kiểu này, nếu nhà chúng tôi có cha già, mẹ héo thì phải tự khiêng đi mà chôn thôi. Dù làng xóm vẫn đến với nhau nhưng cũng chỉ là tư cách cá nhân, còn xóm sẽ không đứng ra tổ chức tang lễ. Mấy đứa nhỏ, chúng có tội tình gì đâu mà xóm phân biệt đối xử như vậy. Thương con, thương cháu, chúng tôi chỉ còn biết 5 hộ rủ nhau góp tiền làm Trung thu cho các cháu.

Ông Nguyễn Văn Biện (bố anh Trung) uất ức: Sống ở đâu cũng cần có làng, có xóm, không sinh hoạt gì với tập thể thì còn gọi gì là cuộc sống nữa. Cứ thế này chắc tôi không thể chịu được thêm. Cảm giác “không chịu được thêm” mà ông nói được minh chứng bằng dòng chữ “Bán nhà và hoa màu” ông viết to tướng tại bức tường ngoài cổng. Cực chẳng đã người ta mới quyết định rời nơi chôn nhau cắt rốn để đi như thế!

Bố mẹ ông Lý Văn Kẻn đều đã trên 90 tuổi. Mẹ ông bị suy tim, nằm liệt nhiều năm cũng có tên trong danh sách đóng tiền đối ứng làm đường. Ông Kẻn phải đi vay ngân hàng để có số tiền hơn 7 triệu đồng đóng cho xóm.

Ông Khuông Văn Do bị tàn tật mấy chục năm không ra khỏi nhà

nhưng vẫn có tên trong danh sách đóng tiền làm đường của xóm.

Sai rồi... ông cán bộ ơi!

Đến gặp trưởng xóm Khuông Văn Học, những mong nhận được ánh mắt ngẫm ngợi hay câu gì đó đại loại như lấy làm tiếc vì việc đã xảy ra... Nhưng trái ngược với những gì chúng tôi tưởng tượng, ông trưởng xóm dõng dạc nói rằng đó là ý kiến của nhân dân trong xóm và ông phải làm theo. Và rằng, đó là vì các hộ này đã vi phạm hương ước xóm nên mới bị thế. Các quyết định của xóm đều là từ ý kiến của nhân dân...

Như trưởng xóm quả quyết, trộm nghĩ việc điều hành biểu quyết đuổi dân rõ ràng là sai. Nhưng nếu lý do là vì trong mọi việc, cán bộ xóm nhất mực tôn trọng ý kiến của đông đảo bà con thì có lẽ phần nào dễ thông cảm cho cái sai này hơn. Người chúng tôi tìm đến để trao đổi đầu tiên là một đảng viên 35 năm tuổi Đảng. Khi nghe hỏi, ông có đồng tình với quyết định của xóm không? Ông lắc đầu, giọng chắc nịch: Làm thế là sai đấy, là vi phạm quyền dân chủ. Tôi đã phát biểu trong nhiều cuộc họp chi bộ rằng không được làm thế nhưng họ không nghe. Không phải ý kiến của chúng tôi không được tôn trọng chỉ trong chuyện đuổi dân đâu. Ngay chuyện làm đường, xóm bắt tất cả già sắp chết hay trẻ vừa chào đời, tàn tật, lấy chồng xa, nằm liệt giường cũng phải đóng tiền đối ứng như nhau là không hợp lý. Họp chúng tôi cũng có ý kiến, phân tích thiệt hơn nhưng bị gạt đi hết.

Theo danh sách những người phải đối ứng làm đường, chúng tôi tới nhà ông Khuông Văn Do. Ông bị tàn tật hiện đang được nhận hỗ trợ hàng tháng. Vì không thể đứng, chỉ ngồi và lê từng bước chân nên đã mấy chục năm ông không đặt chân ra đường. Ông Khuông Văn Kim (em trai ông Do) bày tỏ: Anh tôi một bước chân ra đường cũng không, sao lại bắt đóng tiền làm đường. Tôi đã vay ngân hàng về đóng cho các khẩu trong nhà, nhưng riêng suất của anh Do tôi không đóng.

Chung nỗi niềm với ông Kim, ông Lý Văn Kẻn dù đã phải vay ngân hàng để nộp số tiền đối ứng làm đường hơn 12 triệu đồng cũng không tránh khỏi bất bình: Ông bà nhà tôi đều hơn 90 tuổi hết rồi. Bà còn bị suy tim đã nằm liệt giường nhiều năm thế mà các ông ấy vẫn cho vào danh sách phải nộp tiền.

Chưa mãn tang chồng, chị Trịnh Thị Điệp rầu rĩ: Nhà tôi là hộ nghèo. Chồng tôi bị ung thư vòm họng. Lúc xóm phát động làm đường, chồng tôi đã được viện trả về, nhưng vẫn phải nộp tiền đối ứng như những người khác. Tôi vay hơn 5 triệu đồng nộp cho cả nhà, nhưng chẳng biết khi nào mới có để trả nợ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều người không đồng tình với cách tính đối ứng làm đường của cán bộ xóm, xong vì lý do khác nhau mà không ai lên tiếng đấu tranh. Còn các hộ dân bị “đuổi” là người trong tổ giám sát, được tận mắt thấy những việc họ cho là không đúng trong quá trình làm đường như bà Nguyễn Thị Phương; người sẵn sàng hiến đất nhưng chưa đồng ý hiến tài sản trên đất như bà Ma Thị Chiên; vì quá nghèo lại không vay được tiền ngân hàng như bà Nguyễn Thị Sinh... Họ lên tiếng, yêu cầu cán bộ giải thích, khi thông suốt sẽ chấp hành việc nộp tiền đầy đủ thì bị cán bộ xóm quyết định “khai trừ”.

Đây có thể là sự việc hi hữu ở Phú Lương nhưng đuổi dân ra khỏi cộng đồng đã có tiền lệ ở Ba Luồng. Cụ thể, vào năm 2012, khi mỗi hộ trong xóm phải đối ứng 400 nghìn đồng để xây nhà văn hóa, gia đình bà Nguyễn Thị Sinh vì quá nghèo nên mới nộp được một nửa cũng đã bị cán bộ xóm tuyên bố khai trừ khỏi cộng đồng, không được tham gia vào bất kỳ hoạt động gì của xóm. Đáng buồn hơn là cuộc họp lấy biểu quyết đuổi 5 hộ dân có cả 1 vị phó chủ tịch xã tham dự.

Xin hãy là công bộc của nhân dân

Lại nói đến gia đình bà Phạm Thị Sinh, đôi mắt bà đã bị mù. Bà ở cùng vợ chồng người con trai út là Phạm Đình Vũ và Hoàng Thị Chi. Cảnh nhà khốn khó, anh Vũ chưa một ngày được đến trường. Đầu tắt mặt tối ngày này qua tháng khác khiến bà Sinh không còn nhớ nổi đứa con út sinh ngày, tháng, năm nào. Giấy khai sinh cũng mất, trong sổ hộ khẩu gia đình chỉ ghi anh Phạm Đình Vũ sinh năm 1984. Đến tuổi trưởng thành, anh Vũ nên duyên chồng vợ với chị Hoàng Thị Chi, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Chị Chi cắt khẩu ở quê nhà theo chồng làm dâu tại xã Yên Ninh. Khổ nỗi, Sau 2 lần xuống UBND xã để làm thủ tục đăng ký kết hôn không gặp được cán bộ tư pháp, anh Vũ dẫn vợ về, giấy tờ cất tạm vào một chỗ rồi căm cụi lo mưu sinh. Nhà không có ruộng, 2 vợ chồng sáng sớm lên rừng đào củ, kiếm măng, tối đến lại cùng nhau đi soi cua, bắt ốc. Hết mùa măng thì ai thuê gì làm nấy. Tảo tần sớm khuya, thế nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Lần lượt 2 đứa con chào đời vào các năm 2004 và 2005 khiến kinh tế gia đình càng thêm túng bấn. Chị Chi cắt khẩu theo chồng nhưng do để quá lâu nên việc cũng thành dang dở. Hơn 10 năm sống tại Ba Luồng nhưng chị chưa được công nhận là công dân của xóm. Hệ lụy là 2 cháu nhỏ Phạm Thị Linh và Phạm Văn Lễ một lên lớp 6, một lớp 5 vẫn chưa có giấy khai sinh. Khốn khó như vậy nhưng khi thiếu 200 nghìn tiền đối ứng làm nhà văn hóa xóm, cả nhà anh Vũ vẫn bị cán bộ xóm tuyên bố khai trừ. Điều đáng nói là trường hợp éo le của gia đình anh Vũ không được cán bộ xóm báo cáo lên cấp trên. Hậu quả là phải hơn 10 năm sau sự việc mới “đến tai” cán bộ huyện, tỉnh. Sau khi xác minh sự việc là hoàn toàn có thật, Sở Tư pháp, huyện Phú Lương đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn khẩn trương làm thủ tục cấp giấy tờ chứng minh nhân thân cho anh Vũ.

Các hộ dân bị đuổi không muốn phải sống tách mình ra khỏi tập thể, sau khi gửi đơn đến xã, xã chỉ đạo nhiều lần nhưng chưa mang lại kết quả nên tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên huyện và ngành chức năng của tỉnh. Ngày 20/5/2016, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã ký văn bản giao cho huyện Phú Lương kiểm tra, giải quyết vụ việc. Trước đó, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã chuyển đơn của các hộ dân đến UBND xã Yên Ninh với nội dung: “Phản ánh việc cán bộ xóm Ba Luồng chưa thực hiện nội dung chỉ đạo của đồng chí Bí thư Huyện ủy Phú Lương trong việc kiểm điểm, xin lỗi các hộ dân bị đuổi ra khỏi cộng đồng, đề nghị xã xem xét, giải quyết trả lời công dân”. Ông Lâm Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh thừa nhận: Xã đã chỉ đạo cấp ủy chi bộ giải quyết việc mất dân chủ ở Ba Luồng, nhưng việc triển khai của chi bộ còn chậm. Về phía Huyện ủy Phú Lương cũng đã nhiều lần chỉ đạo cơ sở giải quyết, rút ra bài học kinh nghiệm từ sự việc này. Bà Nguyễn Thị Mai, Bí thư Huyện ủy Phú Lương thông tin: Khi có ý kiến của các hộ dân, Huyện ủy đã chỉ đạo Đảng ủy xã Yên Ninh và Chi bộ Ba Luồng kiểm điểm trách nhiệm. Việc biểu quyết đưa các hộ ra khỏi cộng đồng là sai, do vậy Chi bộ và Ban Công tác mặt trận phải kiểm điểm rút kinh nghiệm, đồng thời xin lỗi người dân. Sự việc ở Ba Luồng cũng được đưa ra rút kinh nghiệm trong cuộc họp tổng kết công tác Đảng năm 2015 của huyện để các xã, thị trấn lấy đó làm bài học và không mắc phải.

Theo đúng tinh thần công văn chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, UBND huyện Phú Lương đã có báo cáo UBND tỉnh về quá trình giải quyết và chỉ đạo giải quyết đơn thư của các hộ dân Ba Luồng. Tuy nhiên, theo các hộ dân bị đuổi cho biết, họ vẫn chưa hề nhận được lời xin lỗi nào của cán bộ xóm, mọi việc không có gì thay đổi so với gần một năm trước. Gần đây nhất là ngày 17/6, các hộ bị đuổi được mời đến nhà văn hóa xóm họp. Bà Phương cho biết: Sau 11 tháng 10 ngày bị đuổi, hôm 17/6 tôi mới lại được đến nhà văn hóa xóm để họp. Buổi họp có đồng chí Phó Chủ tịch HĐND và cán bộ tư pháp xã đến dự. Chúng tôi phát biểu là mong cán bộ xã sẽ đứng ra phân định cho chúng tôi đúng, sai như thế nào nhưng đồng chí cán bộ xã nói hôm nay chỉ đến dự không phát biểu. Trong buổi họp có nhắc đến sự việc mấy gia đình chúng tôi bị đuổi nhưng không có một lời xin lỗi dân nào được đưa ra mà họ chỉ nhắc chúng tôi phải tiếp tục đóng tiền làm đường.

Nguyên nhân sâu xa khiến sự việc chưa được giải quyết dứt điểm có lẽ tại nhận thức chưa đúng của cán bộ xóm. Họ sợ “mất mặt” nếu trực tiếp gặp và xin lỗi các hộ được đuổi. Nên thà không làm trưởng xóm chứ không chịu xin lỗi người dân. Với nhận thức như vậy thì bao giờ cán bộ mới trở thành công bộc được của dân?...

Trở lại việc làm đường giao thông ở xóm Ba Luồng hơn 1 năm nay, con đường bê tông của xóm mặc dù vừa nghiệm thu vào tháng 8/2016, nhưng trước đó đã xuống cấp thấy rõ. Bề mặt đường nhiều đoạn không còn kết dính tựa như những hộ gia đình bị đuổi kia buộc phải xa rời tập thể. Họ đã nói với chúng tôi chua xót thế này: Đi tù còn biết ngày về tái hòa nhập cộng đồng, con cháu ở nhà còn không bị “tước quyền” công dân. Còn chúng tôi đây biết đến ngày nào được trở lại cộng đồng?

Mặc dù mới đưa vào sử dụng được 1 năm nhưng con đường bê tông của xóm Ba Luồng nhiều đoạn đã xuống cấp trầm trọng.

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy