Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
23:30 (GMT +7)

Chùa Hang Kim Sơn Tự – một chốn đi về

VNTN - Giữa vùng đất bằng mênh mông tự dưng mọc lên 3 trái núi đá: trái giữa cao to, vững chãi có tên Huyền Vũ; các trái tả, hữu, nhỏ hơn có tên Thanh Long, Bạch Hổ. Các trái núi xếp hàng như một dải yên ngựa chạy dài hơn 1000m. Chân của cả 3 trái núi rộng 27.000m2... Từ hướng Tây nhìn lại, các ngọn núi xếp hình một chiếc ngai vàng, sang trọng, bề thế, vững chãi... Trong lòng núi có ngôi chùa cổ mà những hình tích còn đó cho ta biết về nghìn năm khói hương linh thiêng đã qua. Đó là Chùa Hang-Kim Sơn Tự (Chùa núi vàng), có từ thế kỷ XI, thời nhà Lý... 

 

Căn cứ các tư liệu lịch sử, các văn bia cổ trên vách đá trong và ngoài động thì Chùa Hang được xây dựng trong núi là do những cơ duyên hiển định và chùa gắn liền với những câu chuyện huyền thoại thấm đẫm mầu sắc dân gian cùng hiện thực vật chất là giếng Mắt Rồng là nơi các tiên nữ thường xuống dạo chơi, đánh cờ, tắm mát nên động trong núi còn được gọi là Tiên Lữ Động.

Về cái tên đẹp và mỹ miều này, có bậc hiền triết ngang qua ghi rằng: “Sơn bất tại cao hữu Tiên tắc danh/ Thủy bất tại thâm hữu Long tắc linh” (Núi chẳng phải cao to có tiên giáng thế ắt nổi danh; Sông chẳng phải sông có rồng ẩn, đó hẳn là linh thiêng).

Lại nữa, thần phả để lại: Một sáng xuân năm Nhâm Tuất vua Lý Thánh Tông chợt tỉnh sau cơn mơ dài, bèn kể lại cho vợ là Nguyên Phi Ỷ Lan rằng ngài được Đức Phật dát vàng đưa tới vùng đất đẹp Đồng Hỷ, bà lập tức kinh lý đến đây, thấy phong cảnh hữu tình, đúng như giấc mộng của chồng bèn sắc phong cho chùa là Kim Sơn Tự (Chùa núi vàng). Kim Sơn Tự chính thức được đặt tên cho chùa từ đấy. Năm Nhâm Tuất 1482, thầy địa lý nổi danh Tả Ao qua vùng đất này nhìn thấy ngôi chùa Kim Sơn được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp tuyệt vời mới dừng lại. Ông phát hiện một con suối ngầm chảy qua động về hướng Tây (Lẽ thường nước chảy về Đông, nay về hướng Tây đất Phật, chẳng phải ý trời Phật sao?) bèn đặt tên là Long Tuyền. Suối ngầm ấy lại có mạch phun thành ang nước to, tròn, quanh năm đầy nước mát nên đặt tên là giếng Mắt Rồng.

Vào năm Đinh Tỵ 1497 niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông có hai danh sỹ Vũ Quỳnh và Đặng Nghiệm, khi đến chiêm bái cảnh chùa, cảm kích mà viết lên vách đá 2 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của chốn linh thiêng. Đến năm 1859, danh sỹ Cao Bá Quát cũng đã đến Thái Nguyên du ngoạn, ông cũng đã viết bài thơ khắc lên vách đá trong động, các bài thơ trên hiện vẫn còn nguyên vẹn.

Sách dư địa chí của Nguyễn Trãi viết vào thế kỷ XV cũng đã ghi: “Núi đá Chùa Hang là núi Hóa Trung còn gọi là núi Nghiên”. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn nói: “Núi Chùa Hang gọi là núi Long Tuyền vì trong lòng hang có suối Long Tuyền chảy về hướng Tây có mạch phun lên tạo giếng Mắt Rồng”…

Ngót mười thế kỷ, Chùa Hang dần dần được khẳng định vị trí trong đạo Phật. Bước sang thế kỷ XX, ngoài là chốn tu hành, Chùa Hang còn ghi dấu tích và công lao trong Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ nhờ nuôi giấu cán bộ, nơi cất giữ vũ khí và đặt trạm thông tin. Sử sách chép năm 1923, hòa thượng Thích Tâm Lai, nhân vật kiệt xuất là một trong ba người đầu tiên kêu gọi và đưa ra chương trình trấn hưng Phật giáo. Sư cụ Tâm Lai là đệ tử của hòa thượng Nguyễn Ân ở chùa Phương Lăng (Hải Phòng). Năm 1923 được cử lên trụ trì Chùa Hang. Sách báo thuộc Pháp cũng đã có nhiều bài viết về nơi này. Báo Đông Pháp số ra ngày 14/11/1927 đăng bài kêu gọi trấn hưng phật giáo của nhà sư Tâm Lai trụ trì Chùa Hang thuộc đồn điền Đồng Bẩm, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Nhà sư đề nghị thành lập “Việt Nam Phật giáo hội” và đưa ra Chương trình trấn hưng Phật giáo. Sau khi có Đảng lãnh đạo, Chùa Hang là nơi đi về của nhiều cán bộ cách mạng.

Năm 1986, Phật tử và nhân dân đã thỉnh Ny trưởng Thích Đàm Hinh, vốn là cán bộ du kích, sau xuống tóc tu hành (1906 - 2009) về trụ trì. Cụ cùng nhân dân và phật tử dốc sức khôi phục lại ngôi chùa trong hang, duy trì và làm mới các hoạt động từ thiện, xã hội làm cho nơi đây vốn đã linh thiêng mà tên tuổi càng thêm lan rộng. Đời sống tâm linh của nhân dân các tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc có một phần đóng góp của Chùa Hang. Lễ hội chùa vào trung tuần tháng Giêng được gìn giữ qua nhiều đời, tới mức, có thơ rằng:

“Thượng Đu, Đuổm; Hạ Lục Đầu Giang

Nếu chưa trảy Hội Chùa Hang chưa về”

Một địa chỉ văn hóa tâm linh, một chốn đi về

Sự phát triển của Phật giáo, nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng luôn phát triển theo hướng phục vụ tận tâm cho nhu cầu con người. Chùa Hang có những chuyển động nhanh chóng nhờ kết hợp sinh hoạt tâm linh và sinh hoạt văn hóa; gắn ý chí nhà chùa với nguyện vọng hướng đạo của phật tử, nhân dân.

Năm 2009 sư cụ Thích Đàm Hinh viên tịch, di chúc lại cả bổn phận và cả niềm tin của mình cho học trò duy nhất là Tô Văn Sáng quê xã Khánh Thủy huyện Yên Khánh tỉnh Ninh Bình có Pháp danh Thích Nguyên Thanh. Đại đức Thích Nguyên Thanh là người học rộng và cơ bản, hiểu sâu đạo pháp, luân lý và văn hóa, bản tính vị tha, đôn hậu thanh liêm, có mối quan hệ xã hội rộng rãi. Đặc biệt nhà sư mang trong mình một hoài bão lớn là không những gìn giữ, bảo tồn mà còn phát triển Chùa Hang thành một trong những Trung tâm phật giáo và sinh hoạt văn hóa của địa phương theo hình mẫu là chùa gắn liền với một trung tâm văn hóa, đạo với đời song hành.

Lễ hội của chùa đồng thời là lễ hội của nhân dân. Tổ chức các hoạt động của Chùa Hang là chính quyền, nhà chùa là thành viên, tâm linh và văn hóa. Ý tưởng ấy được cấp ủy và chính quyền xã thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, các doanh nghiệp, phật tử và nhân dân trong và ngoài tỉnh hết lòng ủng hộ. Vào năm 2010 dự án quy hoạch mở rộng trùng tu di tích Chùa Hang do GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chủ trì thiết kế đã được triển khai. Ngày 27/6/2011, công trình đã được UBND tỉnh Thái Nguyên ra Quyết định số 1583/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 8,2ha gồm 27 hạng mục công trình lớn nhỏ, nguồn vốn do công đức và xã hội hóa. Ngày (11/11/2011), Đại lễ đặt đá khởi công trùng tu đã được tiến hành.

 

Đại đức Thích Nguyên Thanh tâm sự: “Thày biết đây là công việc cực kỳ lớn lao, mất nhiều công sức và thời gian nhưng nghĩ rằng được Sư cụ Thích Đàm Hinh tín nhiệm và giao phó qua di chúc, lại được Giáo hội các cấp, lãnh đạo các cấp, tăng ni phật tử nhiệt thành ủng hộ, dù khó khăn đến mấy cũng phải thực hiện cho được… đây vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự…”

Bảy năm, diện mạo Chùa Hang Kim Sơn Tự hoàn toàn thay đổi. Nhà Tổ, Tam bảo, Tam Quan, Nhà chuông, Nhà trống… đã hoàn thiện. Các pho tượng được tạc bằng gỗ quý, thếp vàng; các cột trụ, cầu phong li tô đều được tuyển lựa gỗ già, trạm trổ tinh xảo, nghệ thuật…Thực sự là công trình để lại cho nhiều đời sau. Ba quả núi được bảo tồn, hang động được chỉnh trang; khu từ thiện xã hội, khu nội viện chuyên tu cũng hoàn thành về cơ bản. Hiện đang gấp rút hoàn thiện trùng tu giếng Mắt Rồng… Nhà mẫu Tứ Phủ, khu vườn Tháp cũng sẽ triển khai thời gian tới… Bảy năm, đầu tư cả trăm tỷ đồng, bằng hảo tâm công đức của nhân và là nỗ lực của thầy Thích Nguyên. Song cái lớn lao mà người người cảm phục và ghi nhận là đóng góp to lớn của sư thầy Thích Nguyên Thanh cho quê hương, đất nước, cho một chốn đi về của phật tử, nhân dân.

 

Hữu Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy