Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
23:03 (GMT +7)

Chiếc áo lính – Truyện ngắn. Đào Sỹ Quang

VNTN - Trở về sau chuyến tham quan Côn Đảo do Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức, linh tính mất chiếc áo, ông Tư què cuống cuồng đi tìm.

- Đứa nào lấy chiếc áo của tau?

- Chúng nó đi làm hết, mỗi tui ở nhà lẽ nào trộm vào lấy đi mỗi chiếc áo? - Vợ ông Tư què nói.

- Không lấy sao mà mất?

- Thế ông nghĩ chiếc áo của ông nó là vàng là bạc hay sao mà trộm lấy, hay là tui giấu nó đi? - Bà Năm nói xong liền câm miệng vì sợ chồng nổi khùng. Tính ông Tư què thì cả khu phố này biết, hiền thì rõ hiền, nhưng khi đã trái ý thì nóng như lửa.

Ông Tư què cứ thẫn thờ rồi lăn ra bệnh, gia đình phải đưa đi cấp cứu. Ra viện về nhà, ông vẫn không quên hỏi chiếc áo đâu? Hàng xóm biết chuyện, ai cũng phì cười! Bà Năm bấm máy gọi cho con:

- Thằng Hai về ngay, về ngay xem ba mầy thế nào!

- Ba sao hả má?

- Mầy có biết chiếc áo của ba mầy đâu không?

- Công ty đang diễn tập phòng cháy chữa cháy sao con về được. Mà áo nào?

Một cuộc tìm kiếm chiếc áo được tiến hành. Từ cái giỏ đi chợ của bà Năm cho tới gậm giường gậm tủ, nhà tắm, nhà bếp… đều được mọi người lục soát. Đến bộ đồ chơi của thằng Tý cháu nội cũng được lôi ra kiểm tra? Đúng là một mất mười ngờ, chiếc áo có thể chui vào trong tất cả các ngõ ngách?  May cho tay Lùng đạo chích nhà kế bên bữa nay không ghé chơi, nếu không thì dứt khoát chỉ có Lùng lấy. Bà Năm thì cứ như người mắc tội, vì trông nhà để mất của. Bà già rồi, đâu phải con nít mà bỏ nhà đi chơi. Vả lại, cái áo giờ đáng giá bao nhiêu mà trộm nó lấy. Bà Năm bóp đầu suy nghĩ: mấy bộ đồ tốt chồng mặc đi, đến cái Huy chương Chiến công chồng cũng đeo luôn trên ngực. Mà không biết mất chiếc áo nào?

Ông Tư què mệt ói cả ra chiếc gối đầu, con dâu phải đem đi xử lý. Rút cái lõi gối ra, con dâu liền kêu toáng: Đây rùi đây rùi, áo đây rùi! Mọi người đổ xô tới xem, tưởng áo gì, hóa ra chiếc áo lính đầy vết thủng.

- Xem trong túi có gì không nào?

- Chẳng có gì!

Bà Năm nhảy phốc lên giọng:

- Tui nhớ ra rùi, đúng là mất chiếc áo nầy thì ổng nhà tui chết thiệt! Chiếc áo hồi 75 đánh cầu Săn Máu…

Hóa ra ông Tư què sợ mất chiếc áo nên đã gấp nó lại vuông vức đệm thêm vào lõi gối đầu để ngày nào áo cũng được ở bên mình. Ông Tư què giật vội chiếc áo rồi lấy tay lần lần cái vạt… “Tưởng mất”. Mặt ông sáng dần. Lại một trận cười và tiếng thở phào cho mọi người…

*

Ông Tư què quyết định chuyến này ra Bắc.

- Ông già rồi, đi xa sao nổi? - Bà Năm can chồng.

- Tui đi được!

- Sao lúc trước không đi giờ sắp…

-Còn khỏe, còn lâu tui mới chết, ngày trước chưa có điều kiện đi.

Người con trai thấy không yên tâm:

- Để con đi cùng ba.

- Mầy cứ lo cho cái Công ty của mầy đi, cho ba cục tiền là tau đi được. - Ông Tư nói xong cười, để lộ hàm răng đã mất đi gần nửa.

- Mà bây giờ ba ra tìm người ta, lỡ người ta chuyển đâu rùi thì sao?

- Ra gặp bà con của người ta cũng được. Tau có giấy giới thiệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh, tới đâu chính quyền sở tại cũng phải lo giúp, sợ chi.

Biết tính khí đã nói là làm của ông nên vợ con đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để cho ông Tư què ra Bắc.

- Con mua vé máy bay cho ba?

- Khỏi! Ra ga Biên Hòa đi tàu Thống Nhất, vừa đi vừa ngắm cảnh.

Ông Tư què đã vào tuổi 64, thương binh hạng 3/4, trông còn tráng kiện. Ông là con thứ ba, trong gia đình có sáu chị em sinh ra ở đất Phú Lý huyện Vĩnh Cửu, mỗi mình ông là trai. Các chị các em đi lấy chồng, người còn, người mất. Cha ông hồi tham gia bộ đội ở chiến khu Đ đã mất tích, cho đến giờ cũng chưa biết mất tích kiểu gì. Nghe người ta đồn đoán thì cũng có thể ông bị cọp vồ. Cũng có thể bị địch bắn chết rồi ném xác xuống sông Đồng Nai đang mùa nước lũ. Hồi đó, như thế là chuyện thường. Cha ông Tư rất gan lì, mê cách đánh đặc công của ông Hai Cà. Mẹ ông không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con, bà về với đất đã hơn mười năm. Sau giải phóng 75 ông Tư trở về Phú Lý với dáng đi cà nhắc. Người ta gọi ông là Tư què. Rồi do mai mối ông đã kết hôn với cô Năm làm nghề bán cá ở chợ Biên Hòa. Thế là bỗng dưng từ quê ra phố ông chẳng mất đồng cắc tiền cò nào do sẵn sàng ở rể!

Hồi ở tiểu đoàn trinh sát, Tư đen (tức ông Tư què bây giờ) và Chiến Công (tức Trần Chiến Công, quê Bắc Thái), đang tuổi mười chín đôi mươi, thân nhau như hình với bóng. Chiến Công ngày đó đã kể cho Tư đen nghe câu chuyện tình của mình, lâm li lắm. Ngày Chiến Công lên đường nhập ngũ, anh mang theo mình kỷ niệm của người yêu để, em lúc nào cũng đi bên anh. Hồng, người yêu đã nói như thế trong đêm chia tay với Chiến Công bên bờ sông Công. Chiến Công kể một cách trọn vẹn và đầy cảm động đến nỗi làm cho Tư gan như cóc tía mà cũng phải chớp mắt liên hồi, ầng ậc trong cổ họng. Chiến Công nói với Tư đen rằng, nếu chẳng may tao hy sinh thì mày nhớ tìm về xóm T, xã B, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái, gặp Hồng và kể cho cô ấy nghe về câu chuyện chiến trường của chúng ta. Và nhớ nói với cô ấy rằng: Hãy vượt qua nỗi đau để xây dựng hạnh phúc mới!

Những năm sau giải phóng miền Nam, nhiều người Bắc vào Nam sinh sống, trong đó có dân Bắc Thái. Sau này chia tách tỉnh thành Bắc Kạn với Thái Nguyên, như vậy quê của Chiến Công giờ là ở Đại Từ, Thái Nguyên.

*

Ông Tư què được con tiễn ra ga xe lửa Biên Hòa vào một sớm mùa hè ồn ào tiếng ve ran. Sau gần 33 giờ chạy tàu, ông Tư đã có mặt ở thủ đô Hà Nội. Làm theo hướng dẫn của con trai in trong một tờ giấy. Ông Tư bắt taxi ra bến xe Mỹ Đình, rồi tiếp tục lên xe khách về thành phố Thái Nguyên. Đường xá, phương tiện giao thông giờ đi dễ ợt, chẳng phải chen lấn khổ sở như hồi sau giải phóng. Trên xe khách, ngồi cùng ghế với ông Tư là cô sinh viên trường Đại học Luật về quê nghỉ hè. Thật may, cô ấy người Đại Từ tính tình cởi mở khi ông Tư què hỏi chuyện.

- Thế thì ông đi cùng cháu, về tới thành phố, hai ông cháu mình đi tiếp xe khách lên Đại Từ. Ông già thế này mà một mình lặn lội từ Nam ra Bắc, thật là quý hóa!

- Thì đi bây giờ bằng cơ giới chứ đâu như ngày xưa, ông đi để cho biết miền Bắc nữa mà.

  Cảm giác đường đi trong ông Tư như ngắn lại nhiều. Ông Tư què cũng không ngờ ở tuổi gần thế giới bên kia mình lại được về thăm quê hương bạn hữu - Nơi chiến khu Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn - Nơi có biết bao nhà cách mạng, nhà quân sự lớn đi qua và hoạt động…

Cuối cuộc hành trình, cô sinh viên đã giúp ông Tư què tìm vào Ủy ban Nhân dân huyện. Họ chia tay nhau để lại một kỷ niệm nho nhỏ mà khó quên. Giờ hành chính đã hết tự bao giờ. Ủy ban vắng teo. Hỏi chuyện người bảo vệ có mái tóc pha sương, ông Tư mới hay xã Đ mà ông cần tìm chỉ mất một cuốc xe ôm. Thế là người bảo vệ gọi giúp ông một tài xế xe ôm. Tài xế xe ôm khi nghe ông Tư nói thì vui như gặp người thân:

- Con sẽ đưa ông tới tận nhà bà trẻ Hồng trong tíc tắc. Chừng mấy phút đồng hồ họ đã tới khuôn viên ngôi nhà xây cấp 4, chung quanh chè búp đang lên xanh tốt. Xe máy dừng trước cổng nhà, tài xế cất tiếng gọi:

- Bà trẻ Hồng có nhà không, ra đón khách này?

- Ai đấy? - Người đàn bà vừa nói vừa chạy từ trong nhà ra, rồi dừng lại, ngỡ ngàng...

- Tốn hả, chở ai vậy con?

- Thì lúc bà trẻ sẽ biết.

Ông Tư què rút ví trả tiền xe ôm, nhưng bị từ chối:

- Thôi ông, đáng bao nhiêu!

- Thằng cháu đấy, mời bác vào nhà đi! Bà Hồng đưa tay đỡ chiếc ba lô cho khách. Bà thắc mắc về ông khách lạ đi khập khiễng, nói giọng miền Nam mà chưa dám hỏi. Chiếc xe máy rồ ga định chạy đi thì bà Hồng gọi giật lại:

- Chết chết, bà quên, con giúp bà một việc này nhé, ghé qua nhà Thắng Mai nói bà có khách trong Nam mới ra chơi, vợ chồng con cái sang đây ngay giúp bà làm cơm, rõ chưa?

- Dạ, con nhớ rồi. Chiếc xe Dream lao đi tức thì…

Bà Hồng ở với vợ chồng người con trai út. Nó đi làm xây dựng ở dưới thành phố, cả tháng mới về nhà một lần. Hai cháu nội, đứa cấp 1 đứa cấp 2, mẹ nó là giáo viên tiểu học, sáng nay ba mẹ con về thăm nhà ngoại ở tận Phú Lương, cuối tuần mới về.

Nhìn căn nhà cũng biết được, đây là một gia đình căn cơ. Chồng bà Hồng vào Đắk Nông chơi với vợ chồng người con trai cả. Nghe đâu con trai bà làm ăn được lắm. Anh ta đang có ý định chuyển cả gia đình và anh em vào đó định cư. Bà Hồng chỉ có hai người con trai. Ngày xưa chắc bà đẹp lắm, ở tuổi lục tuần mà trông bà còn tươi tắn, nhanh nhẹn, quần áo gọn gàng tươm tất. Tóc chưa một sợi bạc. Trộm nghĩ, chỉ cần gia công khuôn mặt bằng chút phấn son, ra đường chắc chắn lắm ông nhà ta ngắm người đẹp về nhà dễ chán cơm. Nhưng dưới ánh mắt của người từng trải sẽ nhìn thấy trong khóe mắt người đàn bà ấy khắc một nỗi buồn thâm sâu!

Bữa cơm tối quê mùa với gia chủ và người thân, ông Tư què cảm thấy thật ngon miệng bởi nó được thêm gia vị - tình cảm tràn đầy, ấm cúng. Mấy người hàng xóm thân cận, nghe tin bà Hồng có khách cũng ghé chơi. Bà Hồng giới thiệu với mọi người về người khách lạ nơi cuối chân trời đất nước. Tất cả im lặng như các con chiên ngoan đạo chuẩn bị nghe cha giao giảng giáo lý…

Ông Tư què bắt đầu kể về câu chuyện chiến đấu, hy sinh của Trần Chiến Công, có lúc tưởng như ông bật khóc…

Trận đánh ở Suối Đỉa hằn sâu trong tâm can Tư què. Nhiệm vụ Tiểu đoàn 4 là phải chặn đứng chiến đoàn xe tăng, thiết giáp của địch từ Tam Hiệp, đồng thời phản công lữ đoàn lính thủy đánh bộ ở khu vực Hố Nai để địch không thể chặn được quân ta trên hướng đường số 1 ở Suối Đỉa. Tình thế hết sức căng thẳng. Các trận địa pháo của địch dồn dập trút đạn vào khu vực ta. Tiếng đạn nổ chát chúa, trận địa mịt mù khói lửa. Hình như còn bao nhiêu đạn địch đều tập trung trút tất cả vào dốc Suối Đỉa.

Tiểu đoàn 4 được tăng cường xe tăng để đột phá vào tuyến phòng thủ Hố Nai, mở đường cho sư đoàn vượt cầu Đồng Nai tiến vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Xạ thủ B40 Trần Chiến Công xuất hiện kịp thời dập tắt ngay khẩu trọng liên của địch. Bộ binh chớp thời cơ, đánh thốc vào cứ điểm địch. Địch đưa xe tăng ra cản phá. Chiến Công trúng nhiều mảnh đạn M79, Tư đen nhào tới để băng bó cho bạn. Vết thương quá nặng, Chiến Công tắt thở. Trước khi ngừng thở anh vẫn còn kịp nói với Tư đen hai từ: Nhớ nhé. Tư đen nhanh như chớp đổi chiếc áo lành cho bạn, rồi tiếp tục chiến đấu. Đang trườn mình về phía địch, Tư đen dính luôn mấy viên AR15 vào cẳng chân, đồng đội phải đưa ra tuyến sau.

Ông Tư què lấy ra từ ba lô chiếc áo lính…

- Đây, chiếc áo của Chiến Công lúc hi sinh, tui vẫn giữ từ hồi đó!

Bà Hồng như người mất hồn, khi nhìn thấy tấm áo của người yêu xưa. Tấm áo trổ nhiều vết rách. Anh ấy bị nhiều vết thương quá! - Người đàn bà rân rấn nước mắt. Ông Tư què lấy ra từ vạt áo cái túi ni lông đã đi qua hơn 40 mùa mưa nắng. Bà Hồng như đã đoán ra …

Đó là một túi ni lông nhỏ kích thước chừng 2 x 2 cm, bên trong là một sợi tóc dài nút thành nhiều vòng nhỏ. Chính tay cô Hồng ngày đó đã thiết kế. Cô đã dặn dò người yêu: Anh hãy rạch một vết ở vạt áo cho em nằm trong đó, để em theo anh suốt chặng đường chiến đấu! 

Bà Hồng òa khóc rồi ôm chặt lấy ông Tư què kêu toáng: “Ới anh Công ơi…”, làm mọi người hết sức ngạc nhiên và sợ hãi, có những tiếng khóc thắt lòng… Người thân của Chiến Công cũng có mặt khi trăng xanh đã qua đỉnh đầu. Tiếc thay, cha mẹ của Chiến Công đã qua đời, chỉ còn lại hai em gái lấy chồng làng. Lúc Chiến Công đi bộ đội các em còn nhỏ, chỉ mang máng nhớ hình dáng anh mình thư sinh.

Thế là qua một đêm, cả xóm T hình như không ai ngủ được, họ chuyện trò, bàn luận xôn xao...

Chính quyền xã hay tin đã tới nhà bà Hồng vào sáng hôm sau để nghe ông Tư què kể lại câu chuyện người con quê mình đã anh dũng hi sinh nơi chiến trường sát nút ngày giải phóng miền Nam. Chính quyền xã đã tổ chức đón tiếp ông Tư như đón tiếp một chính khách. Và không quên bày tỏ lòng biết ơn vô hạn! Ông Tư được ra viếng nghĩa trang liệt sĩ xã nhà. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã với tư thế trang nghiêm chỉ vào một ngôi mộ nói:

- Đây là mộ của đồng chí Trần Chiến Công, hài cốt đem về từ nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai năm 2010...

Ông Tư cố ghìm để giữ nước mắt trong người mà không nổi, ông như muốn ôm cả ngôi mộ vào lòng mình: Chiến Công ơi, tau xin lỗi mầy nha, giờ tau mới về được để giữ trọn lời hứa với mầy. Điều mong muốn của mầy đã được toại nguyện. Hôm mầy đi, thì hôm sau giải phóng Sài Gòn. Đồng đội vẫn nhớ mầy lắm. Linh hồn mầy siêu thoát nha Chiến Công ơi!  

Tất cả những người có mặt ở nghĩa trang liệt sĩ xã B mắt buồn nặng trĩu, trong đó có cả thân nhân những gia đình liệt sĩ khác. Người ta cũng không thể tin nổi trước mặt mình lại là một cựu chiến binh già chân đi cà thọt tận cuối chân trời đất nước về đây. Một lão cựu chiến binh cao tuổi nhất xã B cũng có mặt, ông nói giọng hùng hồn sâu lắng: Tình bạn chiến đấu của người chiến sĩ nó cao cả lắm, nó là sức mạnh vô biên, không tiền của nào có thể đánh đổi được. Và tình cảm đó đã làm nên chiến thắng!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước