Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
13:58 (GMT +7)

Chê thế nào cho đúng?

Thường khi sử dụng các đồ điện tử, đa phần người dùng cùng lắm biết nó bền hay nhanh hỏng thôi chứ để nói nó cấu tạo thế nào, nên điều chỉnh nó ra sao thì không ai biết ngoài những người có chuyên môn. Thế nhưng với những lĩnh vực khác như nghệ thuật thơ ca thì hình như ai cũng có quyền phán xét, điều chỉnh thậm chí mạt sát dù họ không có chút chuyên môn sâu nào. Vậy người xem nên đánh giá tác phẩm ở mức độ nào là phù hợp?

Chê thế nào cho đúng?
Sách giáo khoa chương trình mới vừa qua cũng gây ồn ào trên mạng xã hội. Rất nhiều phụ huynh, học sinh bị mắc lừa bởi những thông tin giả mạo. Nguồn ảnh: congluan.vn

Gần đây một số bộ phim mới được công chiếu hay một số bài thơ trong sách giáo khoa ngữ văn chương trình mới được cộng đồng mạng đem ra mổ xẻ, đánh giá, thậm chí xúc phạm người sáng tạo. Tất nhiên ai cũng có quyền được cất tiếng nói của mình, nêu lên cảm nghĩ của mình. Thế nhưng có lẽ họ chỉ nên dừng ở mức độ nó hay hay không hay chứ không thể nhận xét về kĩ thuật chuyên sâu được. Việc nhận xét tác phẩm điện ảnh nên để những người làm phim chuyên nghiệp đánh giá hay phản biện sách giáo khoa thì cần các nhà phê bình văn học độc lập chứ không thể để việc đó cho những người không chuyên, để rồi chẳng những phán xét, họ còn dẫn dắt dư luận xã hội theo ý mình.

Xã hội sở dĩ phải phân công lao động là vì lí do đó. Tuy nhiên, nhiều người chơi mạng xã hội có lẽ bị ảo tưởng bởi quyền lực của like nên đã cho mình cái quyền phán xét đánh giá người khác một cách đầy cảm tính và vô căn cứ. Thậm chí không cần kiểm chứng thông tin hay lập luận, họ sẵn sàng quy chụp bất cứ điều gì họ cảm thấy vô lí. Tất nhiên cất tiếng nói để xã hội tốt lên là cần thiết nhưng đôi khi thiếu bình tĩnh lại trở thành phản tác dụng.

Việc chê thế nào cho đúng ở Việt Nam còn một vấn đề nữa hết sức nguy hại. Đó là kiểu chê triệt tiêu. Chê bằng những ngôn từ đầy bạo lực, xúc phạm. Chính điều này khiến Việt Nam được xét là một trong những quốc gia được đánh giá là có ứng xử kém văn minh nhất trên mạng xã hội. “Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Kết quả này được Microsoft công bố nhân ngày quốc tế An toàn Internet. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 sau Nga, Columbia, Peru và Nam Phi.” (https://vtc.vn/viet-nam-lot-top-5-ung-xu-kem-van-minh-tren-internet).

Một số ý kiến còn cho rẳng ở Việt Nam không có tranh luận mà chỉ có bút chiến. Nếu tranh luận là việc đi tìm câu trả lời bằng lập luận khoa học thì bút chiến là một dạng “chiến đấu sống còn”, nhiều khi bất chấp thủ đoạn, thậm chí sử dụng tin giả để hạ bệ đối thủ. Chẳng hạn như trong những tranh luận về các tác phẩm trong sách giáo khoa, nhiều người đã cố tình dùng những hình ảnh những văn bản không có thật để làm giảm uy tín thậm chí là thóa mạ. Một số người chơi mạng xã hội khác thì lại sử dụng những tin giả đấy làm công cụ thu hút lượt xem nhằm tìm kiếm lợi ích bán hàng hay quảng cáo.

Bên cạnh những người tấn công có chủ ý thì cũng khá nhiều người dùng mạng xã hội hiện nay lại quá cảm tính trong việc xử lí, kiểm chứng thông tin. Họ dễ dàng chia sẻ những tin giả, tin thất thiệt mà không cần kiểm chứng không cần suy nghĩ, không cần tính đến hậu quả và đạo đức. Cuối cùng là lực lượng hùa vào “chửi góp cho vui” hay để chứng tỏ là mình có trách nhiệm xã hội. Chính vì vậy, mặc dù rất dễ ảnh hưởng đến tự do cá nhân nhưng cần có những chế tài phù hợp để xử lí các hành vi và ngôn ngữ vi phạm đạo đức một cách chặt chẽ hơn, đặc biệt là trên không gian mạng.

Câu chuyện về việc ứng xử sao cho đúng trong tranh luận vô cùng phức tạp đặc biệt là trên không gian mạng khi yếu tố nặc danh làm người ta không sợ sự trừng phạt của luật pháp. Bởi vậy, việc giáo dục tranh luận là cần thiết để chúng ta có thể có một xã hội văn minh hơn. Đặc biệt, những người chơi mạng xã hội cũng nên học cách chậm lại một nhịp để thấu hiểu vấn đề, biết cách khen chê thế nào cho đúng. Thậm chí cần học cách thay đổi góc nhìn để tránh đi thành kiến và định kiến đối với các hiện tượng xã hội.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy