Cầu Huy Ngạc trong tôi
Vào giữa năm 1965 tôi đang học ở Trường cấp III Lương Ngọc Quyến thì không khí chiến tranh ở địa bàn thành phố Thái Nguyên đã bắt đầu nóng lên. Mỗi ngày dường như lại nhận được những thông tin về giặc Mỹ sắp ném bom. Tôi theo gia đình lên sơ tán tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ và chuyển sang Trường cấp III của huyện để học tiếp.
Từ nhà tôi đến trường cấp III phải đi qua một cây cầu treo nhỏ làm bằng tre, neo bằng dây cáp lơ lửng, vắt vẻo qua một con sông không lớn lắm nhưng có vẻ không mấy êm ả. Có lẽ do cầu xây dựng đã lâu, qua nhiều lần sửa chữa nên sàn cầu được lát qua loa bằng những tấm ván gỗ xen kẽ những đoạn tre. Thành cầu lỏng lẻo, sơ sài… Từ cầu xuống dưới mặt sông phải tới gần chục mét. Người yếu bóng vía chắc không dám qua.
Ngày ấy tôi mười bảy tuổi, từ nhỏ chỉ quen sống ở thành phố nên lần đầu đi qua cây cầu rùng rình, bồng bềnh, chao đảo như muốn đổ tôi vô cùng sợ hãi, bám chặt vào thành cầu mà như lê từng bước. Mỗi lần phải qua cầu đi học, tôi luôn phải "vận nội công" mấy lần mới đủ can đảm để bước qua. Hơn một tháng sau tôi mới quen dần, nhưng cảm giác sợ hãi ban đầu thì đến tận giờ vẫn chưa thể quên. Về sau tôi được biết cây cầu ấy có tên là Huy Ngạc và con sông là sông Công.
Nhưng rồi không thể ngờ cây cầu lại gắn bó với thời trai trẻ của tôi trong rất nhiều những năm tháng sau đó. Năm học cuối cấp III, tôi ở trọ trong ngôi nhà nằm ngay dưới chân cầu. Những âm thanh ào ào, dàn dạt của bước chân người từ cây cầu rùng rình, bùng bình vọng xuống cả ngày lẫn đêm, lâu dần, với tôi, đã trở nên thân thuộc, đến mức hôm nào vắng nó bỗng nhớ đến ngẩn ngơ...
Học xong sư phạm, tôi về giảng dạy tại mấy trường thuộc huyện Đại Từ. Cầu Huy Ngạc lại càng thêm gắn bó và thân thiện với tôi hơn. Tuần nào tôi cũng phải qua cầu mấy lượt. Đã từng có rất nhiều đêm trăng tôi cùng bạn bè thơ thẩn đứng trên cây cầu mà đã từng là nỗi khiếp đảm của mình năm xưa, cùng những nỗi buồn vui của tuổi tráng niên. Tôi có thể cam đoan rằng trong những đêm trăng ở miền núi thì cảnh tượng đẹp nhất, thi vị và lãng mạn nhất chính là những đêm mà ánh trăng vàng thắm chênh chếch soi xuống cây cầu Huy Ngạc vắt vẻo qua dòng sông Công huyền thoại của tôi. Nó là hình ảnh giữa mơ và thực, giữa trần gian và tiên cảnh. Tôi chợt hình dung và đoán định đã biết bao nhiêu chàng trai và cô gái của đất Đại Từ đã nên lứa đôi chính từ cây cầu đầy mơ mộng này.
Cầu Huy Ngạc cũng có đôi chút kỉ niệm của riêng tôi với vài người bạn văn chương. Trong những năm công tác ở Đại Từ, không hiểu do vô tình hay một lương duyên nào đó mà tôi đã được làm quen với hai nhà văn, nhà thơ trên chính cây cầu Huy Ngạc. Đầu tiên, tôi làm quen với nhà văn Vi Hồng. Rồi quen với nhà thơ Trần Văn Loa, cũng chính từ cây cầu này. Sau đó chúng tôi trở nên quen thân. Đã hơn năm mươi năm sau mà tôi vẫn nhớ cái hôm đầu gặp nhau, tôi và Trần Văn Loa say sưa đứng lì bên thành cầu trò chuyện, đến nỗi mọi người phải nhắc nhở vì cản trở giao thông.
Sau này tôi chuyển về Sở Văn hóa Thông tin tỉnh công tác. Một trong những hình ảnh của mảnh đất Đại Từ còn in dấu mãi trong tôi, đó cũng chính là cây cầu Huy Ngạc. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết, cây cầu ấy đã "hóa tâm hồn" trong tôi.
Những năm gần đây, biết tôi mang nặng tình với cầu Huy Ngạc, nhà giáo Nguyễn Văn Vượng, người con của Đại Từ, một nhà nghiên cứu lịch sử nghiệp dư, người rất nặng lòng với lịch sử quê hương đã cho tôi biết thêm rất nhiều điều quí hiếm về cây cầu Huy Ngạc mà không có nhiều người biết. Tôi xin đưa lại vài tình tiết vào bài viết để mọi người hiểu thêm.
Từ năm 1917 cầu Huy Ngạc đã được người Pháp xây dựng với 4 mố trụ bê tông. Dầm cầu, thành cầu làm bằng thép, mặt cầu được lát bằng gỗ rộng đủ cho xe ô tô thời kỳ đó đi lại được. Đây là cây cầu gắn liền với những năm tháng chiến đấu gian khổ oanh liệt của quân và dân huyện Đại Từ. Rất đặc biệt, anh Nguyễn Văn Vượng còn cho biết một tình tiết lịch sử đầy cảm động về cầu Huy Ngạc có liên quan đến một người rất nổi tiếng của đất Đại Từ: Cuối năm 1944 sang đầu năm 1945 trước hoàn cảnh cha mẹ, chị gái và người vợ cùng chết đói, trong sự cô đơn, côi cút và cùng quẫn đến tột độ, một người nông dân nghèo của xóm Cầu Thành đã ra cầu treo Huy Ngạc định quyên sinh thì gặp một đoàn cán bộ Việt Minh đi qua cầu. Anh nông dân được họ động viên “cố gắng lên, sắp có đánh lớn, chắc chắn chúng ta sẽ thắng, không còn cảnh bị áp bức bóc lột nữa”.
Nói xong, đoàn cán bộ Việt Minh trút trong tay nải ra cho ông một ít gạo rồi lại tiếp tục đi. Từ đó, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chàng trai đã toàn tâm, toàn ý cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho mảnh đất Hùng Sơn, xây dựng quê hương trở thành một điểm sáng điển hình trong phong trào HTX nông nghiệp trên toàn miền Bắc thời kỳ những năm 50 - 60. Chàng trai đó chính là Anh hùng lao động Trương Văn Nho. Trên cây cầu lịch sử ấy còn diễn ra những trận đánh thắng giặc Pháp vào những năm 1945, 1947 cùng sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ. Cũng vào năm 1947, thực hiện lệnh “Tiêu thổ kháng chiến”, cầu Huy Ngạc đã được quân đội dùng thuốc nổ phá sập để chặn đường giặc Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chín năm, cầu Huy Ngạc là một trọng điểm bắn phá của thực dân Pháp. Tháng 6 năm 1954, lực lượng pháo cao xạ của ta đặt tại xóm Cầu Thành để bảo về cầu Huy Ngạc đã bắn hạ 1 chiếc máy bay Hencat.
Sau đó, để phục vụ chiến đấu và nhu cầu giao thông, cầu Huy Ngạc được làm lại bằng tre, tồn tại cho đến tận năm 1972 mới xây dựng lại.
Hòa bình lập lại, ngày 2/3/1958, khi về thăm xã Hùng Sơn lần thứ hai, Bác Hồ đã đi qua cầu Huy Ngạc. Bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp, trở thành một hình ảnh không phai mờ trong lòng người dân xã Hùng Sơn. Được tiếp nhận những tình tiết lịch sử vô cùng quí giá ấy, tình yêu đối với cầu Huy Ngạc của tôi như được nhân lên gấp bội.
Cây cầu Huy Ngạc bé nhỏ, đơn sơ ấy, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại đã là nơi nâng bước chân biết bao nhiêu chiến sĩ trên đường ra trận. Trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, cầu Huy Ngạc cũng từng in dấu chân của bao người con Đại Từ, có nhiều người đã trở thành kĩ sư, bác sĩ, nhà văn, nhà giáo, sĩ quan quân đội, công an…
Đã hơn một nửa thế kỉ trôi qua, giờ đây, chỉ thoảng hoặc tôi mới có dịp trở lại Đại Từ. Mỗi lần đi qua cây cầu Huy Ngạc hôm nay đã được xây dựng rộng lớn, chắc chắn, hiện đại nhưng lòng tôi vẫn luôn bồi hồi thương nhớ bao hình ảnh thân yêu của cây cầu xưa. Tôi vẫn như cảm thấy từng dấu chân của mình và bạn bè thân thiết trên cây cầu đầy kí ức ấy.
Nhìn những đoàn người tấp nập đi lại trên cây cầu khang trang, rộng dài tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, liệu có bao nhiêu người, nhất là lớp trẻ hiểu về cây cầu lịch sử ấy? Riêng tôi, luôn tâm niệm, mảnh đất Đại Từ giàu truyền thống, thật tự hào đã có một cái tên HUY NGẠC vang bóng trong lịch sử, và thấm đẫm bao kỉ niệm một thời trong tôi.
Hồ Thủy Giang
3 đã tặng
0
0
1
2
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...