Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
23:10 (GMT +7)

Cảnh giác trước “mê hồn trận” lừa đảo qua mạng

Bài 3:

Giao dịch tài chính trên mạng, cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Lợi dụng kẽ hở tiện lợi của giao dịch tài chính trực tuyến, các tội phạm công nghệ cao đã thả “mồi câu” và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân.

Cơ quan Công an lấy lời khai của đối tượng Lý Trung Lâm trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng vay qua app.


Muôn vàn thủ đoạn lừa đảo

Với ưu điểm thủ tục nhanh gọn, lại giải ngân nhanh nên thời gian qua, các app cho vay tiền online “nở rộ”, thu hút đông đảo người dân có nhu cầu tài chính sử dụng. Với lời quảng cáo là "vay tiền dễ dàng, giải ngân ngay trong ngày" thông qua các trang mạng, mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo đã tiếp cận, mời chào và khiến nhiều khách hàng tin "chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân" sau đó bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Điển hình như tháng 11/2021, anh Đồng Văn Dũng, trú tại phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) tải ứng dụng “Cho vay dễ dàng, vay nhanh” vào điện thoại di động và cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục vay 40 triệu đồng. Sau khi cài đặt ứng dụng, anh nhận được điện thoại gọi đến của một đối tượng xưng là nhân viên Công ty CP Thương mại tài chính Sao Mai Star Credit hướng dẫn anh hoàn thiện hợp đồng để giải ngân. Anh Dũng đã kết bạn Zalo với đối tượng này và chuyển tiền bảo lãnh để vay số tiền trên. Tuy nhiên, sau nhiều lần chuyển tổng số tiền 88 triệu đồng đến số tài khoản mang tên Khổng Thị Tuyết mà đối tượng này cung cấp, anh Dũng vẫn không nhận được bất cứ khoản vay nào như đã hứa. Biết mình bị lừa nên anh đã đến cơ quan Công an trình báo.

Một trường hợp khác cũng bị lừa đảo khi làm thủ tục vay tiền online là chị Trương Thị Mận, sinh năm 1980, ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên). Có nhu cầu tài chính giải quyết công việc nên chị Mận được giới thiệu làm hồ sơ vay tiền qua mạng của Công ty hỗ trợ tài chính TNHH Ngân Hương. Sau khi kết bạn với tài khoản zalo “CSKH” (người này tự giới thiệu tên là Phạm Văn Đông – nhân viên tư vấn của công ty), chị Mận được yêu cầu chuyển khoản tiền cọc để hoàn tất thủ tục giải ngân. Tin tưởng mù quáng, chị Mận đã chuyển 7 lần, tổng số tiền 220 triệu đồng nhưng không hề nhận được bất cứ khoản tiền vay nào.

Những trường hợp như anh Dũng, chị Mận nói trên không phải hiếm. Thời gian qua, cơ quan Công an đã nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) mời chào, quảng cáo vay vốn với nhiều ưu đãi như thủ tục đơn giản không cần tài sản đảm bảo, giải ngân trong ngày, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp. Sau đó, yêu cầu người vay cài đặt ứng dụng vay vốn online hoặc gửi các đường link vào website cho vay để làm thủ tục đăng ký vay tiền. Tiếp đó, sau khi nhập các thông tin cá nhân, khách hàng sẽ nhận được thông báo phê duyệt khoản vay. Đến đây đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển trước một khoản tiền để kích hoạt tài khoản, lệ phí làm hồ sơ vay vốn hoặc bảo hiểm của khoản vay rồi báo khách hàng nhập sai số tài khoản, cú pháp vay tiền... và yêu cầu nộp tiền “sửa lỗi”. Nếu khách hàng không đồng ý nộp tiền xử lý khoản vay sẽ bị đe dọa là thủ tục khoản vay đã được duyệt nên dù chưa nhận tiền vẫn bị nhắc nợ trên hệ thống dẫn đến khách hàng lo lắng chuyển tiền để được giải ngân.

Một thủ đoạn mới tinh vi nữa của tội phạm công nghệ cao thời gian qua được các cơ quan liên tục cảnh báo là lợi dụng sự lộ lọt thông tin số tài khoản ngân hàng của nhiều cá nhân, chúng giả chuyển khoản nhầm để lừa đảo. Sau đó, đối tượng gọi điện đến nói đã chuyển nhầm và xin chủ tài khoản chuyển lại. Thoạt nghe, hầu như ai cũng tin và làm theo hướng dẫn chuyển tiền qua một đường link. Nào ngờ, sau khi nhấp vào đường link đó, số tiền trong tài khoản của nạn nhân đã “không cánh mà bay”. Ngoài ra, các đối tượng còn dùng thủ đoạn khiến người nhận tiền chuyển khoản nhầm trở thành người đi vay nặng lãi. Một vài ngày sau, chủ tài khoản sẽ liên tục nhận được điện thoại thu hồi nợ của một công ty tài chính yêu cầu trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với số lãi "cắt cổ".

Trong tháng 6/2022 Công an TP. Thái Nguyên đã phối hợp với hệ thống ngân hàng trên địa bàn đặt biển cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và hướng dẫn nhân viên ngân hàng đề nghị người dân đến giao dịch đọc cảnh báo.

Hệ lụy từ “tín dụng đen” online

Không chỉ mất tiền vào những khoản vay online qua app, nhiều nạn nhân đã tan cửa, nát nhà, cuộc sống, công việc đảo lộn, ảnh hưởng đến cả bạn bè, người thân chỉ vì dính vào “tín dụng đen online”. Trường hợp của anh Đào Văn Duy, viên chức của một xã ở huyện Phú Lương là một ví dụ. Khi cần “nóng” một số tiền lớn để giải quyết công việc, anh đã tìm đến và làm thủ tục vay qua app. Tuy nhiên, lãi mẹ đẻ lãi con khiến anh vay hết từ app này sang app kia vẫn chưa trả xong nợ. Từ vài chục triệu vay ban đầu anh đã nợ số tiền lên đến gần 200 triệu đồng. Không có tiền trả, hàng ngày anh phải nhận hàng chục cuộc điện thoại từ công ty thu hồi nợ gọi đe doạ khiến anh chẳng còn tâm trí nào làm việc. Cán bộ lãnh đạo cùng cơ quan anh cũng bị làm phiền cả ngày lẫn đêm bởi những cuộc gọi thúc giục nhắc anh trả nợ. Chưa hết, chúng còn hình ảnh cắt ghép không đúng sự thật với những lời lẽ xúc phạm để bôi nhọ danh dự của anh và những người bạn bè, đồng nghiệp.

Thời gian gần đây, những trường hợp như anh Duy không phải là hiếm. Có cả những cán bộ, đảng viên, giáo viên, sinh viên… cũng đã vướng vào “mớ bòng bong” từ tín dụng đen online này. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết. Không chỉ đặt ra những cái bẫy với lãi suất “cắt cổ”, hình thức siết nợ khách hàng vay online ở các app cho vay cũng theo kiểu “khủng bố”, thậm chí còn khốc liệt hơn so với tín dụng đen truyền thống. Khi cài đặt các app để vay tiền, khách hàng phải chấp nhận việc khai báo thông tin cần thiết, cho phép ứng dụng truy cập danh bạ, dữ liệu ảnh hay mạng xã hội. Đó chính là “dây thòng lọng” để các đối tượng sẵn sàng “siết cổ” những trường hợp chậm trả theo quy định. Ngoài việc liên tục gọi điện làm phiền, đe doạ người thân, bạn bè, đồng nghiệp chúng còn tấn công vào trang mạng xã hội của người vay hoặc bạn bè liên quan bằng những bình luận, hình ảnh khiếm nhã. Thậm chí có trường hợp chúng sử dụng hình ảnh nạn nhân đặt lên ban thờ, cho vào quan tài hay dán cáo phó đưa lên mạng xã hội khiến các nạn nhân rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Thông qua các nhóm Zalo an ninh tổ dân phố, lực lượng Công an đẩy mạnh tuyên truyền các hình thức lừa đảo qua mạng để người dân biết và phòng tránh.

Tự mình “bật chế độ” cảnh giác

Trước vấn nạn lừa đảo qua mạng, thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt, triệt phá được nhiều băng nhóm cho vay qua app và khủng bố con nợ. Điển hình như quý II vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với công an một số địa phương triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua app và đòi nợ dưới hình thức tín dụng đen với gần 300 đối tượng. Để hợp thức hóa việc cho vay lãi nặng và đòi nợ, các đối tượng thành lập công ty cầm đồ, lập 3 app cho vay là: Cashvn, vaynhanhpro và ovay; lãi suất lên tới 1.570%-2.190%/năm. Chuyên án gây chấn động dư luận khi mọi người được thông tin từ cơ quan chức năng tổng số có gần 1 triệu khách hàng vay qua các app nói trên, với số tiền giải ngân mỗi tháng khoảng 100 tỷ đồng. Riêng địa bàn tỉnh Thái Nguyên, theo tìm hiểu của chúng tôi, lực lượng chức năng đã phát hiện 65 đối tượng tham gia đường dây phạm pháp này, thu giữ hàng chục bộ máy tính và nhiều tang vật liên quan. Cơ quan công an đã triệu tập 60 đối tượng có hộ khẩu thường trú, tạm trú ở TP. Phổ Yên để điều tra (5 đối tượng do đang mang thai, nuôi con nhỏ nên được ở tại nhà nhưng phải chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng).

Vừa qua, Công an TP. Thái Nguyên cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm: Hoàng Trung Hiếu, sinh năm 2000, hộ khẩu thường trú tại xóm Bình Minh, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), Hoàng Minh Văn và Lý Trung Lâm, cùng sinh năm 2002 (cùng hộ khẩu với Hiếu) và Hoàng Anh Tuấn, sinh năm 2000, ở tổ 8, phường Chùa Hang (TP. Thái Nguyên). Hiếu và Tuấn, Văn, Lâm cùng làm công việc hỗ trợ cho vay online trên các app tín dụng FE Credit, EasyCredit, McCredit... Khoảng đầu tháng 3/2022, nhóm đối tượng đầu tư tiền chạy quảng cáo cho trang Facebook “Vay nhanh Thái Nguyên” với mục đích có thêm nhiều khách vay hơn. Qua trang quảng cáo, nhóm đối tượng đã tiếp cận, làm hồ sơ giải ngân cho chị Vũ Thị Thu, sinh năm 1994, hộ khẩu xóm Kim Đồng, xã Lương Can, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng – hiện đang ở TP. Thái Nguyên có nhu cầu vay 20 triệu đồng. Khi chị Thu rút tiền giải ngân từ Bưu điện tỉnh, Tuấn nói với chị cho mình mượn tiền và căn cước công dân để chụp ảnh đăng lên Facebook nhằm tăng tương tác. Nhưng khi cầm 20 triệu đồng trong tay, Tuấn nhanh chóng lên xe Lâm chờ sẵn và tẩu thoát.

Mặc dù các đường dây cho vay qua app, nhiều đối tượng lừa đảo qua mạng đã được lực lượng chức năng triệt phá, tuy nhiên, số lượng nạn nhân “mắc bẫy” tín dụng đen online vẫn còn rất nhiều. Theo Trung tá Dương Trung Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự (Công an TP. Thái Nguyên) với tính “ẩn danh” và phương thức hoạt động “phi truyền thống” của tội phạm trên không gian mạng, việc điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả thường gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần đề cao tính cảnh giác để không bị rơi vào cạm bẫy các thủ đoạn lừa đảo qua mạng. Khi sử dụng Internet để tham gia mạng xã hội phải thận trọng, tránh để lộ, lọt thông tin cá nhân; cần tỉnh táo xác thực thông tin chính xác của người giao dịch với mình, nhất là các trường hợp chuyển tiền, nạp thẻ điện thoại, mua bán hàng online trên mạng. Nếu phát hiện thấy hoạt động của ứng dụng trên không gian mạng có dấu hiệu nghi vấn, hoặc khi bị các đối tượng kêu gọi góp vốn, lôi kéo tham gia đa cấp và nạp tiền ảo hay nhận được số tiền không rõ nguồn gốc thì kịp thời báo ngay cho cơ quan Công an để ngăn chặn hoặc phối hợp đấu tranh…

Hy vọng, với loạt bài viết 3 kỳ này của Văn nghệ Thái Nguyên, nạn lừa đảo qua mạng sẽ giảm bớt, bởi sự cảnh giác của độc giả sau khi đọc báo được nâng lên.

Minh Hiếu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 10 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước