KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)
Cách đây 70 năm, địa ngục lòng chảo Điện Biên Phủ - góc nhìn từ những cựu binh Pháp (Kỳ VII)
(Tiếp theo kỳ trước)
Kỳ VII: Điện Biên Phủ, một Verdun thứ hai
Ngày 22 tháng 3
Vào lúc 10 giờ, tướng Vaillant, phó tướng Meunier cùng một sĩ quan đến Điện Biên Phủ.
Việt Minh đào hào tiếp cận Dominique (cụm cao điểm phía Đông) từ phía bắc và phía đông đồng thời với việc đào cách Claudine (cứ điểm 310) 3 km trên chiều dài 2 km theo hướng đông tây, và một theo hướng tây nam - đông bắc dài 800 m, cách Isabelle (tiểu khu phía Nam) 1 km. Việt Minh muốn cô lập Isabelle khỏi trung tâm kháng cự.
Đêm 22 rạng sáng 23
Một nhóm gồm 15 lính pháo binh được điều động để tăng viện cho pháo binh của RAC 3/10 trong đó có các Trung úy Michel và Yziquel, Thiếu úy Schmitte cùng 12 người.
Thông điệp từ De Castries gửi Cogny: Đối phương đang siết chặt vòng vây, đặc biệt là ở phía đông bắc, đông và tây nam, chiếm giữ các cứ điểm ngày càng mạnh mẽ. Họ tiết kiệm đạn pháo và có vẻ như đang chờ đợi thời cơ, trong lúc này chúng ta cần phải phá hủy DCA (Défense contre les avions – Hệ thống phòng thủ chống không quân) càng nhanh càng tốt, vì hệ thống này có khả năng bắn vào máy bay nhảy dù của chúng ta. Công việc hiện tại của chúng tôi liên quan đến việc cải tiến hệ thống liên lạc, gia cố các cứ điểm, hầm trú ẩn cho và nơi dự trữ. Không có kết quả chính xác của hỏa lực chúng ta. Kế hoạch tiếp theo: thiết lập lại liên lạc với Isabelle mỗi ngày, tập hợp các cứ điểm của cùng một trung tâm kháng cự lại với nhau. Tăng cường giám sát và bảo vệ sân bay.
Ngày 23 tháng 3
Vào buổi chiều, Langlais cùng 3 sĩ quan khác đến Isabelle dưới sự giám sát của các tay súng Algeria.
Tướng Ely bắt đầu cuộc nói chuyện với Tổng thống Mỹ D. Eisenhower cùng các cộng tác viên Chính phủ về tình hình quân sự ở Đông Dương. Tổng thống yêu cầu đô đốc Radford ưu tiên đáp ứng mọi yêu cầu từ tướng Navarre.
GONO ra thông báo sau khi thẩm vấn tù binh, cần phải sử dụng bom cỡ lớn và nếu có thể là bom xuyên giáp để tiêu diệt các đơn vị pháo binh Việt Minh. Các đơn vị này được bảo vệ rất chặt chẽ và trừ khi có pháo kích bắn trúng, khẩu đội phản công không mang lại hiệu quả.
21:00
De Castrie tuyên bố: “Điện Biên Phủ là một Verdun (1) không có chiều sâu lãnh thổ và đặc biệt là không có con đường giải thoát”.
Thứ Tư ngày 24 tháng 3
9:15
Thông điệp – GONO gửi Tướng Cogny: Địch tiếp tục siết chặt, đặc biệt là ở phía bắc Huguette 6 và 7, họ đào thêm đoạn hào mới trong đêm 23 rạng ngày 24 ở phía bắc và phía tây Isabelle kết hợp với đoạn hào được đào trước đó.
Việt Minh chiếm đỉnh 949 - 669. Hoạt động của pháo binh của họ đã giảm đi khá nhiều, tuy nhiên vẫn cần nâng cao cảnh giác trên khu vực sân bay và trực thăng... Rải các bãi mìn gài bẫy trên trục chiến hào của Việt Minh dẫn đến cụm cao điểm phía Đông và đồi A1. Gia cố cứ điểm và hầm trú ẩn.
Thứ Năm 25 tháng 3
15:00
BPC 8 bắt đầu rút lui. Đại đội 2 và 3, bất chấp hỏa lực của Việt Minh, rút lui qua khe núi ngăn cách Dominique 2 với một ngọn đồi không xác định ở phía đông đã bị chinh phục vào buổi sáng với tổn thất nặng nề với 16 người thiệt mạng trong đó có một trung úy và 57 người bị thương dù có sự giúp đỡ của trung đội XANH vừa giúp I/4 RTM mở đường đến Isabelle trước đó.
Kiến thức của quân Việt Minh về cách điều khiển và quy trình trực thăng cũng như khả năng quan sát trực tiếp các vùng chiến sự cho phép họ hạ gục máy bay trong vòng chưa đầy 5 giây.
Lính dù phải hoạt động ở cường độ cao và rơi vào trạng thái mệt mỏi, trầm cảm với những bữa ăn nhanh, hiếm khi được ngủ trên giường mà trên những chiếc cáng cứu thương bê bết máu. Việc máy bay của Chuẩn úy Bartier, được coi là át chủ bài về trực thăng, bị hạ gục đã khiến các nhân viên mất tinh thần. Do kiệt sức, một số phi công không thể phục hồi trong vài tháng.
Kết luận quan sát: Các phân đội hiện chưa thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Thứ Sáu ngày 26 tháng 3
Nhiệm vụ: Tiêu diệt các đơn vị Việt Minh ở vùng phía bắc và phía đông của Huguette 6. Vô hiệu hóa hỏa lực bằng đạn nổ và bom khói tạo thành màn chắn.
Buổi sáng, ngay khi cuộc nổ súng bắt đầu, lính lê dương đã tấn công để bao vây chiến hào. Xe tăng XANH và ĐỎ khởi hành làm lá chắn cho lính lính lê dương tiến lên chĩa súng vào các đơn vị bộ đội. Một phóng viên ảnh đi theo họ. Péraud ghi chú:
“Tấn công bằng lựu đạn vào chiến hào… khiêu khích Việt Minh bắn lựu đạn… Hỏa lực từ xe tăng của chúng tôi… bầu không khí thật kinh hoàng!”.
Chủ nhật ngày 28 tháng 3
Sau gần một ngày bắn phá, Bigeard thừa nhận, đó là một ngày ác liệt hơn trận Verdun, cuộc rút quân đã được quyết định với sự hỗ trợ của toàn bộ pháo binh, không quân 81 của Trung úy Allaire.
Thiệt hại ước tính của Việt Minh lên đến khoảng 300 đến 400 người, và khoảng gấp đôi số người bị thương, 2 khẩu pháo SKZ 57, 5 khẩu pháo 20 mm, 12 súng máy 12ly7, 2 bệ phóng tên lửa, 14 đại liên và hơn 100 vũ khí cá nhân bị bỏ lại, 37 khẩu pháo phòng không không bị phá hủy cùng 20 tù nhân.
Phía quân Pháp, hậu quả cũng rất nặng nề: 20 người thiệt mạng trong đó có hai sĩ quan, 70 đến 85 người bị thương trong đó có 5 sĩ quan, 2 xe tăng.
Tuy nhiên sau những thất bại, đặc công Việt Minh tiếp tục đào hào.
Thứ Hai ngày 29 tháng 3
Việt Minh tiếp tục tấn công. Vào lúc cao điểm của trận chiến, giữa hai đợt tấn công, Việt Minh dùng loa kêu gọi những người lính bị bao vây rời bỏ vũ khí nhất là những người lính lê dương của quân đội Bắc Phi và Phi châu, những người nhạy cảm hơn với những lập luận chống chủ nghĩa thực dân của Việt Minh. Cùng với việc dùng loa, những tờ rơi cũng được ném vào các cứ điểm.
10:50
Báo cáo ngày 28 tháng 3: Hoạt động của đơn vị Bigeard mang lại ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của các đơn vị chúng tôi. Tuy nhiên, vòng vây của Việt Minh xung quanh Điện Biên Phủ vẫn ngày một siết chặt, đặc biệt là ở phía bắc và phía đông Huguette 7 mặc cho những tổn thất nặng nề của Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 312 do pháo binh và không quân chúng tôi gây ra, 9 điểm phòng thủ chống không quân bị phá hủy.
Với những thông tin mà các tù nhân đưa ra, hy vọng hôm nay chúng tôi sẽ phá hủy được các bộ pháo 105 của Việt Minh.
Ngày 30 tháng 3
Mưa cứ rơi. Trong các chiến hào, đó là sự khởi đầu của địa ngục, ngày đêm ngâm bùn đến đầu gối mà không bao giờ khô, không được ăn thức ăn ấm, những người lính đến từ đất nước xa xôi chưa biết điều đó nhưng họ sẽ phải chịu đựng địa ngục này trong 40 ngày.
Súng cối của Trung đoàn 36 bắt đầu bắn phá Huguette 7.
Mưa cản trở hoạt động của các điểm phòng thủ chống không quân cũng như của không quân. Chiến sự tạm thời lắng xuống. Các điểm phòng thủ chống không quân không gây ảnh ưởng đến bất kỳ chuyến bay nào nhưng không quân lại thả hàng hóa ở bất cứ đâu.
17:35
Một cuộc bắn phá dữ dội kéo dài ba phút trên 5 ngọn đồi và Dominique 3.
Nhiệm vụ được tướng Giáp giao cho các đơn vị trong đêm 30 rạng ngày 31: Sư đoàn 312 sẽ đánh chiếm Dominique 1 và 2, đánh chiếm vị trí pháo binh trên Dominique 3 tiêu diệt BPVN 5 và/hoặc BPC 6 với sự tăng cường của hai khẩu đội pháo Howitzer 75mm, một khẩu đội súng cối 81mm và hai khẩu đội súng cối 120 mm.
Sư đoàn 316 phải chiếm Élian 1 (đồi C1), Élian 2 (đồi A1) và Élian 4 (đồi C2), tiêu diệt BPC 6 và/hoặc BPC 5 với sự tăng cường bằng hai khẩu đội pháo 75 mm, súng cối 81 mm và súng cối 120 mm.
Sư đoàn 54/102 được tách ra khỏi Sư đoàn 308 và tham gia tấn công 5 ngọn đồi với nhiệm vụ tiêu diệt quân BT2 trên Dominique 5, tiến sâu càn quét các vị trí pháo binh trên Dominique 3 và hỗ trợ Trung đoàn 98 tiêu diệt BPC 6 và/hoặc BPC 5.
Phần còn lại của Sư đoàn 308 phải trấn áp pháo binh trong khu chỉ huy, tạo thế nghi binh chống lại Huguette 7 và Claudine 5, chặn đường đi của xe ủi Isabelle, và tiêu diệt bất kỳ lính dù nào thả xuống phía nam và phía tây của vị trí chủ lực.
Sư đoàn 304 có nhiệm vụ tiêu diệt pháo binh của Isabelle, tiêu diệt mọi điểm nhảy dù gần đó và chặn đường đến vị trí chủ chốt với sự tăng cường một khẩu đội 105 mm, một khẩu đội súng cối 120 mm, 4 khẩu súng cối 82 mm và 18 súng máy phòng không 12,7 mm.
Sư đoàn 351 phải hỗ trợ bắn phá 5 ngọn đồi, thu hút pháo binh Pháp và yểm trợ phòng không. Họ nhận nhiệm vụ duy trì quyền kiểm soát một số khẩu đội sơn pháo 75mm và một phần lớn pháo cối 105mm cùng tất cả các khẩu pháo 37mm.
Lệnh cho Sư đoàn 312 và sư đoàn 316 nêu rõ: Sau khi kiểm soát các vị trí này, để lại một số ít binh sĩ được tăng cường vũ khí hạng nặng để sửa chữa, chiếm giữ các công sự, đề phòng quân Pháp chiếm lại các vị trí, đồng thời thiết lập ngay các vị trí bắn với vũ khí hạng nặng nhằm áp đảo, uy hiếp và gây thương vong cho quân Pháp.
Đêm 30 rạng 31 tháng 3
18:15
Mưa vẫn chưa ngớt. Bắt đầu những cuộc tấn công dữ dội của pháo binh Việt Minh, đặc biệt là trên Dominique 4 và Éliane 2. Trong hầm trú ẩn, lính dù chỉ có thể ngồi co ro chờ đợi, họ không thể làm gì chống lại đạn pháo mà chỉ có thể chấp nhận số phận.
Họ không thể làm gì khi tầm nhìn chưa đến 10m…
Súng cối, đại bác đủ cỡ bắn đạn pháo khắp các ngọn đồi và cứ điểm cùng một lúc.
18:45
Các đợt tấn công của Sư đoàn 312, vốn đã học được bài học về cuộc tấn công của Him Lam, lao ra sau làn đạn pháo cuồn cuộn để đánh chiếm Dominique 1 và 2. Một trung đoàn tràn vào qua khe núi ngăn cách hai ngọn đồi.
Ở phía Đông Nam, Sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ đánh chiếm cả Éliane 1 và 2. Hỏa lực pháo binh Pháp mất tác dụng.
Việt Minh đào gần các chiến hào, mở các bãi dây thép gai bằng mìn và thuốc nổ.Trên hai ngọn đồi, các đại đội xung kích đầu tiên dường như nổi lên từ mặt đất, trong bụi cây mở đầu các cuộc oanh tạc. Họ mở những lối đi ngay dưới hàng rào thép gai, chiến đấu trực tiếp bằng tay không.
Cuộc tiến công nhanh đến mức những phát phản pháo của ZULU KILO (lệnh hỏa lực) đều rơi phía sau quân xung kích.
Đại đội 4 sớm rơi vào tình thế khó khăn. Một khẩu súng máy bao trùm chiến hào Tây Bắc khai hỏa cho đến khi nòng súng đỏ rực và gây tổn thất nặng nề, nhưng cuối cùng họ vẫn bị quân Việt Minh kiểm soát. Diện tích chiếm giữ của quân Pháp thu hẹp.
Người Algeria được lệnh tăng viện cho khu vực bị đe dọa, nhưng thay vào đó họ đã bỏ chạy sau khi Trung sĩ Lopez bị trúng đạn. Quá tức giận, Trung úy Martinais ra lệnh cho người của mình bắn vào những kẻ chạy trốn để cố gắng ngăn họ và bất kỳ ai rút lui mà không có lệnh. Tuy nhiên những tuyến phòng thủ còn lại vẫn bị đẩy lùi từng bước cho đến khi hầm chỉ huy của Trung úy Martinais bị bao vây, Trung uy bị bắt.
19:00
Dominique 1 đã bị chinh phục sau 1 giờ. Sư đoàn 308 ở Đông Bắc, Sư đoàn 310 ở Đông Nam đã hoàn thành nhiệm vụ.
Trên đồi A1: trận địa ngục diễn ra suốt 107 giờ, từ chiều 30 tháng 3 đến sáng 4 tháng 4, hai trung đoàn Việt Minh tăng cường tấn công vào cứ điểm này, trung đoàn 174 của Sư đoàn 316 và 102 của Sư đoàn 308. Họ thất bại. Tuy nhiên, họ lại là những đơn vị dày dặn kinh nghiệm nhất của Việt Minh trong việc tấn công các vị trí kiên cố. Tổn thất nặng nề đến mức bộ chỉ huy Việt Nam phải tạm dừng chiến đấu và rút quân tham chiến về bổ sung. Quân Pháp giữ quyền kiểm soát 2/3 ngọn đồi.
21:50
Đài Dominique 1 im lặng. Thông báo chính thức của GONO về sự thất thủ của Dominique 1.
Chiến sự trên đồi A1 dừng lại. Dưới ánh sáng rực rỡ của hỏa lực, con dốc được mệnh danh đại lộ Champs Elysées đầy rẫy lính Việt Minh.
23:00
Đại tá De Castries và Trung tá Langlais kiểm kê. Thật là thảm họa! Ngoài Huguette 6 và 7 vẫn chống trả được các đợt tấn công của Sư đoàn 308, không có cứ điểm hỗ trợ tấn công nào giữ vững được. Giải pháp duy nhất là chống cự tại chỗ trong khi chờ bình minh.
Langlais yêu cầu tăng viện, nhưng cuối cùng, từ ngày 1 tháng 4, RCP 2/1 khi chỉ huy Brechignac thất thủ, tương lai duy nhất của Langlais là chuẩn bị chết cùng với đồng đội của mình.
Cùng lúc Bigeard triệu tập Trung úy Leboudec: “Đây là tình hình trên đồi A1, LUCCIANI (BEP), vẫn đang cầm cự, họ yêu cầu tiếp viện. Hiện tại đơn vị của Martin đang đến. Tôi đang gửi quân tiếp viện cho anh. Tôi chọn CIP vì anh biết rõ địa hình. Khi ngày ló rạng, TRAPP sẽ đến hỗ trợ, Langlais sẵn sàng từ bỏ những điểm này đồng nghĩa với việc phải cố gắng lấy lại chúng vào buổi sáng, tôi không đồng ý với anh ta. Bằng bất cứ giá nào cũng không được buông bỏ”.
Nửa đêm
Chỉ huy Nicolas mất liên lạc vô tuyến trên đồi A1, Langlais ra lệnh pháo kích vào đỉnh đồi. Từ đồi C2, Bigeard can thiệp, ra lệnh tiếp viện.
Trong cơn tuyệt vọng Bigeard đã gửi tới đồi A1 hai đại đội chiến đấu rồi cho nổ loa phóng thanh tuyên bố “Chừng nào tôi còn một người lính, tôi sẽ không buông đồi A1”.
Ngày 31 tháng 3
11:50
De Castries, sau cuộc trò chuyện với Lalande, ra lệnh rút lui khỏi đồi A1. Việt Minh vẫn tiếp tục chiến dịch bao vây gọng kìm. REI III/3 chiến đấu để sinh tồn và buộc phải yêu cầu pháo binh hỗ trợ cho việc rút quân. Cuộc phản công vào đồi A1 đã dừng lại.
Trong lúc đó Isabelle không thể tiếp tục hành động vì lợi ích Điện Biên Phủ được nữa, ngoài sự yểm trợ của pháo binh, Isabelle đã bị cô lập vĩnh viễn. Tiểu đoàn có 15 người chết và mất tích và 50 người bị thương, trong đó có 3 sĩ quan được đưa về.
Langlais và De Castries được thông báo không thể tiến vào Isabelle nhưng họ vẫn đồng ý để xe tăng tiến vào bảo vệ khu vực thả quân. Họ gọi về Hà Nội: “Chúng ta đã đạt được những điều kiện an ninh tối đa cần thiết cho việc thả dù, việc thả dù này phải được thực hiện. Những người lính dù sẵn sàng chấp nhận thua lớn nhưng Cogny và Navarre thì không”.
18:00
Bigeard hạ lệnh tới đồi A1 để phá vòng vây của Việt Minh giải cứu Đại đội 4. Đại đội 4 lần đi trong bóng tối theo ánh sáng của hỏa lực.
BPC 6 chịu thiệt hại nặng nề để chiếm lại một phần đồi C1. Bigeard ra lệnh cho hai đại đội rút lui vì họ không nhận được quân tiếp viện bằng dù.
Cục 2 tình báo: Tướng Giáp về Điện Biên Phủ, đích thân chỉ huy trận đánh thay tướng Hoàng Văn Thái cùng với cố vấn Trung Quốc Li Cheng Ho.
(Còn tiếp)
Quyên GAVOYE
----------
[1] Verdun là trận chiến lịch sử trong thế chiến thứ I giữa quân đội Pháp và quân đội Đức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...