Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:20 (GMT +7)

Bức thư tay của họa sĩ Nguyễn Sáng

VNTN - Tôi xúc động đọc bài viết của họa sĩ Phạm Ngọc Minh về Bức thư tay của họa sĩ Nguyễn Sáng. Hơn sáu mươi năm qua, thời gian không nhiều nhưng cũng chẳng ít, những chuyện gắn bó với cuộc đời mình, tôi không thể quên được!

Bức thư tay của họa sĩ Nguyễn Sáng
Chân dung tự họa của họa sĩ Lê Trọng Lân

Năm 1958, mới mười sáu tuổi tôi có tranh tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Sự việc đó đánh dấu bước đầu con đường nghệ thuật của tôi. Nhiều họa sĩ cao niên như cụ Nguyễn Phan Chánh, họa sĩ Trần Văn Cẩn, họa sĩ Đinh Minh… hoặc những họa sĩ trẻ như Hà Ánh, Dương Tuấn, Anh Thường… chúc mừng tôi.

Bức thư tay của họa sĩ Nguyễn Sáng
Chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng

Lúc bấy giờ tôi vui, khao khát được học vẽ tại Trường Mỹ thuật Việt Nam. Nhưng để vào được trường không hề dễ chút nào! Có người thi tám, chín lần mới đỗ vào học. Hơn nữa, tiêu chuẩn lý lịch của trường rất khắt khe, lại còn phải học qua trung cấp, đi công tác hai ba năm ở các địa phương rồi mới được về học tiếp… Là thành phần tiểu tư sản, tôi cần phải học hết chương trình phổ thông nên việc học văn hóa rất quan trọng đối với tôi lúc đó.

Vì ham mê nghệ thuật, tôi sớm hiểu biết nhiều về những tác phẩm và các tác giả hội họa. Được biết danh tiếng họa sĩ Nguyễn Sáng qua những tờ tranh của Nhà in Ngân hàng, bán tại Cửa hàng sách Quốc Văn, mạn phố Đinh Tiên Hoàng - Cầu Gỗ - bờ Hồ Hoàn Kiếm. Tôi mong muốn được gặp ông qua một lá thư gửi trước.

Lần đầu tiên tôi thấy mình can đảm - tôi gõ cửa ngôi nhà bên ngoài có dán một tấm card visit, ghi chữ nghiêng nghiêng Nguyễn Sáng.

 - Lân đấy à? vào đi!

Tôi đứng ngỡ ngàng trong căn phòng hơn chục mét vuông. Nguyễn Sáng mời tôi ngồi trên một chiếc ghế bọc vải bao tải đối mặt với ông. Hỏi qua về gia đình tôi, ông tiếp tục vừa vá chiếc áo cũ vừa nói chuyện.

Để cho tôi đỡ lúng túng, ông chỉ vào tranh sơn mài treo trên tường:

- Lân xem, bác mới vẽ xong.

Trên những nẻo đường kháng chiến, đèn sáng nhập nhoạng trong quán ven đường, bộ đội hành quân, chị em đi dưới đêm mưa lạnh. Tranh mở ra một không gian thân thuộc mà kỳ ảo. Căn phòng như rộng hơn, ấm áp hơn.

Bức thư tay của họa sĩ Nguyễn Sáng
Bức thư tay của Họa sĩ Nguyễn Sáng gửi nhà sưu tập tranh Đức Minh, hiện đang lưu giữ tại Gallery Đức Minh, Thành phố Hồ Chí Minh 

Hình như đọc được suy nghĩ và hiểu được cảm xúc của tôi, ông nói về cách tả nước mưa cho tôi hiểu.

Thật may mắn có cuộc gặp gỡ đầu tiên với ông. Tôi - một họa sĩ ít tuổi, mới lạ. Ông, họa sĩ nổi tiếng mà tôi ngưỡng mộ, đang tiếp chuyện tôi thật nhẹ nhàng và thân mật. Ở nhà, tôi cũng được chiều chuộng nhiều nhưng với tôi giờ phút này chắc hẳn là một kỷ niệm đẹp trong đời niên thiếu của mình!

Tôi thầm cảm ơn sự ưu ái đặc biệt của ông. Căn phòng ông ở đây thật gần gũi thân thiết. Một chiếc tủ lim đen lì, hai tầng, cao chừng chín mươi phân, xinh xắn. Ô cửa kính, phía trên tường treo khung ảnh bà má miền Nam hiền hậu nghiêm trang. Trên mặt tủ một bát hương, nhang cong đẹp như một lọ hoa. Hình ảnh ấy như đã hợp và linh nghiệm với tôi từ lâu lắm rồi…

Bức thư tay của họa sĩ Nguyễn Sáng
Tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” (sơn mài, 1963), một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng đã được công nhận là bảo vật quốc gia 

Tôi bần thần, rung động trong nhịp thở hạnh phúc và không kịp nhìn bức tranh sơn dầu vẽ một người tay cầm quyển sách dày cộp. Ông bảo: - Bác cháu mình đi ăn cơm!

Rồi ông vác trên vai chiếc xe đạp cũ, từ gác ba đi xuống đường. Trời cuối thu, những chiếc lá vàng lăn tăn rơi trên hè yên vắng. Mà không hiểu tại sao ông lại đèo tôi trên chiếc xe đạp cà tèng ấy được. Ngồi trên gióng xe, vắt hai chân một bên - tôi gầy gò, cọm nhom còn ông cũng chẳng to béo gì - đội mũ lưỡi trai - không hề thấy khó khăn, vẫn vui vẻ đạp xe đèo tôi, rong rong qua bao nhiêu phố Hà Nội…

Ông thích ăn trưa tại quán cơm miền Nam ở phố Hàng Bông với món cá lóc kho nhiều ớt, hoặc món tép rang với khế chua cắt lát mỏng hình ngôi sao, thịt ba chỉ luộc và rau sống, rau thơm tươi nõn… Ông mời tôi bữa cơm ngon, khó quên. Tôi biết ông nhớ má, nhớ miền Nam quê hương…

Cũng trên xe đạp ấy, có hôm ông lại kéo tôi đến nhà bạn ông - nhiếp ảnh gia Hồng Tranh, để cho tôi xem những tranh mà ông đã vẽ tặng bạn.

Bức thư tay của họa sĩ Nguyễn Sáng
Tác phẩm “Mưa” (sơn mài) của họa sĩ Nguyễn  Sáng

Họa sĩ Nguyễn Sáng sống đơn thân và sáng tạo. Tôi, trẻ tuổi háo hức tìm gặp một thế giới đẹp đẽ! Như thuyền với biển, như bờ cát và sóng dạt dào, như măng tre đón gió sớm… tôi đồng cảm với nhiều tâm sự về cuộc đời và nghệ thuật mà ông đã kể và giảng giải cho tôi nghe.

Lúc đó, sau thời kỳ “Nhân Văn Giai Phẩm”, họa sĩ Nguyễn Sáng cô đơn, xa lánh mọi thứ nên khi tôi tìm ông - hình như ông gặp được một người “bạn trẻ” chân thành và “an toàn”!

Nhiều lần đến thăm, mừng vì gặp được ông khỏe mạnh và đang vẽ… Lúc này rất ít người quan hệ với ông. Ngôi “Đền thần thánh” 65 Nguyễn Thái Học, có vẻ trầm lắng. Tôi đến, bao giờ cũng vậy, ở tầng trệt, ngay cổng đi vào, trong ô cửa tối mò, một bộ mặt như tượng canh cửa hỏi: Đi đâu, hỏi ai?

Theo cầu thang tôi lên đến tầng ba chuẩn bị rẽ vào căn hộ họa sĩ Nguyễn Sáng thì một giọng ồm ồm như từ micro “ống bơ” của một ông cao to chặn lại đe nẹt: - Này coi chừng! Này! Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, hả!

Bức thư tay của họa sĩ Nguyễn Sáng
Họa sĩ Nguyễn Sáng (trái) và Nhà sưu tập tranh Đức Minh (Bùi Đình Thản)

Tôi chẳng sợ gì mà chỉ thấy buồn. Có cái gì thấy sai sai thế nào ấy. Tôi thầm mong có cách nhìn nhận khác, đẹp, đúng hơn. Những người tài như những chén ngọc chén ngà, hãy giữ lấy mà chỉ cần thay thứ rượu không hợp mà thôi!

Theo con mắt của tôi, Nguyễn Sáng là một họa sĩ khác biệt, tài năng vì dân vì nước, vì nền nghệ thuật cách mạng. Cuộc sống lắm khi nghiệt ngã chua cay! Trong bóng tối ông tự soi sáng tên mình. Tôi yêu quý và kính trọng ông.

Khi có rất nhiều người đến với ông, tôi ít qua lại thăm ông như trước. Ngày ấy, chiến tranh càng ngày càng ác liệt. Như có nồi nước đang nấu sôi sùng sục, người Hà Nội hối hả như sóng cuộn triều dâng… Gia biến xảy ra ở mỗi nhà. Bài thi tốt nghiệp của tôi bị phê phán trong cuộc họp tập trung sinh viên học sinh toàn trường. Tôi không được phân công công tác.

Chuyện đó đến tai ông. Ông nói với tôi: Phê phán tranh của Lân “Chuyến tàu qua làng” là dớ dẩn! Nghệ thuật là Tự do, là Quan niệm, là Lao động, là Sáng tạo! Rõ ràng tôi nhìn thấy mắt ông như có lửa và có cả nước mắt. Họa sĩ Nguyễn Sáng đã bao giờ khóc? Tôi không dám nghĩ như vậy trong một tâm hồn cao thượng và tính cương nghị như ông.

Tôi ít nói và ít hỏi chuyện ông và cũng ít đến thăm ông. Lâu không nhìn thấy ông, cũng như ông không thấy tôi nhưng nỗi nhớ và suy nghĩ về người bạn thân vẫn canh cánh trong mỗi người…

Như có linh cảm, ông viết lá thư tay cho tôi gửi ông Đức Minh.

Tôi đi thanh niên xung phong, không nói cho ông biết… Những ngày đêm trong rừng Trường Sơn gian khổ, tôi cùng đồng đội lao động quên mình mở đường chiến lược. Hình ảnh gia đình, thày cô, bạn hữu và những kỷ niệm với họa sĩ Nguyễn Sáng với chiếc giường đơn trong góc phòng, con chó đá sát cửa ra vào, luôn tiếp sức sống và niềm tin cho tôi đi mãi trong cuộc đời.

Tôi nhớ Hà Nội.

Bức thư viết tay của hoạ sĩ Nguyễn Sáng gửi nhà sưu tập Đức Minh (Bùi Đình Thản) nặng tình yêu thương của ông với tôi, ẩn chứa sự tin tưởng vào lớp trẻ, hy vọng những thành tựu mới trong nghệ thuật!

Tôi xin cảm ơn Nhà sưu tập Đức Minh và gia đình có tầm nhìn xa rộng đã lưu giữ những tinh hoa của hội họa Việt Nam. Bức thư viết tay gửi ông của họa sĩ Nguyễn Sáng đã qua được sáu mươi năm rồi. Tôi cảm động về sự thông thái và lịch thiệp của một nhà sưu tập Việt Nam.

Cảm ơn bài viết của họa sĩ Phạm Ngọc Minh đã nhắc lại chuyện cũ của tôi, giúp các bạn trẻ hiểu thêm về một trong những bậc thầy lớn của nền Mỹ thuật Việt Nam.

Tôi nhớ ông! Trong trái tim tôi, vẫn luôn có một họa sĩ Nguyễn Sáng đã trọn đời vì nhân cách và sáng tạo nghệ thuật.

Lê Trọng Lân

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy