Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
22:23 (GMT +7)

Bố tôi, người Chỉ huy trưởng Cứu quốc quân 3

VNTN- Bố tôi sinh ngày 25 tháng 4 năm 1913, tên là Triệu Nho Phúc, là con thứ 7 trong gia đình...

Ông bà nội tôi sinh được mười hai người con, sáu trai sáu gái. Không may, ốm đau, bệnh tật, mất sáu người. Năm 1930, ông bà nội tôi mua thêm một con nuôi là người Kinh ở Thanh Miện, Hải Dương, do nhà nghèo khổ, mồ côi, nên tự nhờ hai ông buôn củ nâu đưa đến bán cho nhà tôi (mười tuổi mười đồng gánh quang). Ông bà tôi đặt tên là Triệu Nho Long.

                                    bac-ho-voi-dai-bieu-quoc-hoi-la-uy-vien-ban-dan-toc-cua-quoc-hoi-khoa-2-1960-ong-trieu-khanh-phuong-dung-hang-dau-thu-ba-tu-trai-sang-anh-gia-dinh-cung-cap-1-1693522387.jpg
Bác Hồ với đại biểu Quốc hội là Uỷ viên Ban Dân tộc của Quốc hội khoá 2, 1960. Ông Triệu Khánh Phương đứng hàng đầu, thứ ba từ trái sang. Ảnh gia đình cung cấp.

Chị cả tôi sinh năm 1930, anh trai sinh năm 1934. Nhưng năm 1936, chị cả tôi mất. Ông bà nội tôi mua thêm một cháu gái người Kinh mồ côi bố, bằng tuổi chị cả do mẹ đẻ gánh lên bán (sáu tuổi sáu đồng gánh quang), để bố tôi làm con nuôi, đặt tên là Triệu Mùi Pham.

Hồi ấy nhà tôi ở làng Nác, trước đây thuộc xã Tràng Xá, nay thuộc xã Liên Minh. Ông nội tôi có nghề rèn, làm đồ trang sức bằng bạc và làm súng kíp... Ông lấy thuốc chữa bệnh và châm cứu cũng rất giỏi. Tôi nghe kể rằng: ông nội tôi có gói kim bạc chuyên dùng để châm cứu, có cái kim dài bằng một gang tay! Ông nội tôi lấy vợ cho các con nhưng không cho các con ở riêng mà nối thành nhà dài, tam đại đồng đường, già trẻ lớn bé có 26 người. Ông cắt cử công việc, người nào việc nấy. Người chăn trâu, người lấy củi, người làm việc nhà... Còn lại, tất cả cùng lên nương, cùng ra ruộng, nên lúa ngô làm một năm mà ăn hai năm không hết. Năm bố tôi 10 tuổi, nhà có hơn 20 con trâu tự sinh nở ra, ruộng có mười một mẫu tự khai phá lấy, nương rẫy không kể. Năm 1938, nhà tôi mua thêm 6 mẫu ruộng nữa ở xóm Ngọc Mỹ, Tràng Xá (nay là xóm Ngọc Mỹ, xã Liên Minh).

Năm 12 tuổi, bố tôi được ông nội cho đi học chữ nôm của người Dao. Năm 17 tuổi bố tôi làm thầy cúng và dạy chữ nôm cho thanh niên.

Năm 1936, phong trào cách mạng lan đến quê tôi, bố tôi thôi dạy học, thoát ly gia đình, tham gia cách mạng phản đế phản phong. Năm ấy, cả gia đình tôi tham gia cách mạng, tuyên truyền cộng sản.

Những năm 1940 - 1941, phong trào cách mạng phát triển mạnh ở Bắc Sơn – Võ Nhai. Ngày 23-2-1941, đội Cứu quốc quân I được thành lập ở khu rừng Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ngày 15-9-1941, giữa vòng vây quân thù, trung đội Cứu quốc quân II được thành lập tại khu rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, gồm 36 cán bộ và chiến sĩ, trong đó có bố tôi với bí danh là Triệu Khánh Phương. Vài ngày sau, trung đội đã phát triển lên 46 người. Sau khi thành lập, trung đội Cứu quốc quân được phân chia thành nhiều đơn vị nhỏ đi vào các cơ sở để tuyên truyền, vận động đồng bào ủng hộ và bảo vệ cách mạng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống địch khủng bố... Bố tôi biết tiếng Dao, Tày, Nùng.... nên hăng hái tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia nuôi giấu và bảo vệ cán bộ cách mạng, làm liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cách mạng....

Theo sự phân công, bố tôi đã tích cực tham gia các nhóm phục kích, tiêu diệt được nhiều địch trong các đợt chúng đi càn quét, tiêu diệt bọn phản động gian ác, cứu được nhiều đồng bào bị chúng quây bắt, giam cầm... Vì vậy, bố tôi được kết nạp Đảng và tuyên bố Đảng viên chính thức tháng 10/1941; người giới thiệu là ông Chu Văn Tấn, chỉ huy trưởng Cứu quốc quân II; người kết nạp là ông Đào Văn Trường, ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, được Trung ương cử lên nắm tình hình và chỉ đạo phong trào Bắc Sơn - Võ Nhai tám tháng kháng chiến chống Pháp. Sau khi được kết nạp Đảng, bố tôi được làm tiểu đội trưởng một tiểu đội của Cứu quốc quân II.

Gia đình ông Triệu Khánh Phương, mùa xuân năm 1958
Gia đình ông Triệu Khánh Phương, mùa xuân năm 1958

Địch tăng cường đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng. Ông nội tôi đã cùng các con làm súng, giáo mác, chông, góp lương thực thực phẩm... ủng hộ cách mạng. Chị Mùi Pham còn bé thì làm liên lạc đưa cán bộ hoặc giấu thư vào mái tóc chuyển đến các địa điểm... Pháp khủng bố trắng Tràng Xá năm 1941, nhà tôi bị Pháp tịch thu hết lương thực, gia súc gia cầm, nồi niêu xoong chảo... không còn thứ gì. Gia đình tôi bị Pháp bắt 8 người: ông bà nội, bác, bố tôi, hai chú, chú rể và chị Triệu Mùi Pham.

Ông nội tôi (Triệu Tài Lâm) và con rể (Triệu Đức Phúc) bị Pháp tra tấn chết ở nhà tù Thái Nguyên. Bác Triệu Nho Hương và hai chú Triệu Nho Minh, Triệu Nho Long bị giam ở nhà tù Hỏa Lò (nay có tên ở Bảng vàng tại Hỏa Lò). Bác Triệu Nho Hương, chú Triệu Nho Minh bị Pháp tù chết. Chú út Triệu Nho Long bị kết án 15 năm tù, nên sau một năm ở Hỏa Lò, chúng đày ông lên nhà tù Sơn La. Cách mạng trong nước phát triển mạnh, giặc Pháp tăng cường đàn áp khủng bố, bắt bớ hàng loạt; nên những người bị kết án tù lâu năm lại bị đưa về Hỏa Lò lần hai để đày đi Chí Hòa, Côn Đảo. Lúc từ nhà tù Sơn La về nhà tù Hỏa Lò, chú Triệu Nho Long (trong tù hay gọi Long Mán) xích cùng một dây xích với ông Phan Trọng Tuệ. Cách mạng cũng được báo tin, nên cho người chèo thuyền ngược sông Đà định đánh giặc cứu tù, nhưng chúng lại giải tù theo đường rừng núi, nên không cứu được.

Năm 1942, ông Đào Văn Trường về xuôi xin chỉ thị để chỉ đạo phong trào cách mạng Võ Nhai – Bắc Sơn, không may bị giặc bắt, vào tù lại chung khám với chú Triệu Nho Long của tôi. Cách mạng tháng Tám, chú Triệu Nho Long cùng các ông Mai Chí Thọ, Nguyễn Xiển và anh em tù cướp chính quyền tại nhà tù Côn Đảo rồi đóng bè vượt biển vào miền Nam, hoạt động đến 1956 chú tôi mới được tập kết ra Bắc.

Để bảo toàn lực lượng, đầu năm 1942, Cứu quốc quân chia nhỏ ra, một bộ phận hoạt động trong nước, một bộ phận phát triển lên hoạt động dọc tuyến biên giới Việt –Trung, vừa tuyên truyền nhân dân đoàn kết ủng hộ cách mạng, vừa giúp dân phát triển sản xuất; đồng thời tăng cường liên hệ với các tổ chức và chiến sĩ cách mạng hoạt động ở nước ngoài và trong nước, nắm tình hình, tăng cường củng cố xây dựng lực lượng vững mạnh. Do biết tiếng Quan hỏa, tiếng Tày, Nùng (giống tiếng Choang bên Trung Quốc) nên bố tôi tham gia vận động đồng bào các dân tộc ở biên giới hai nước rất thuận lợi. Bố tôi còn lấy thuốc chữa bệnh cho dân, cứu được nhiều cháu bị cam tẩu mã khỏi mù, khỏi bệnh, khỏi chết... nên được dân quý mến và biết ơn.

Cuối năm 1942, trước yêu cầu củng cố và mở rộng phong trào cách mạng trong nước, Ban chỉ huy Cứu quốc quân quyết định đưa toàn bộ lực lượng Cứu quốc quân ở biên giới Việt -  Trung về nước hoạt động. Phong trào cách mạng lan rộng ra các xã trong huyện, trong tỉnh. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quần chúng làm cho nội bộ chính quyền tay sai địch ở địa phương hoang mang, phân hóa; một bộ phận trong tầng lớp đổng lý, kỳ hào ngả theo cách mạng.

Theo chỉ thị của Bác và nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 2/1943), Ban chỉ huy Cứu quốc quân đã phân công các tổ công tác tỏa về các địa phương để củng cố và phát triển các hội Cứu Quốc, các đội tự vệ. Phong trào Việt Minh nhanh chóng phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Tháng 2/1944, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng, lên kiểm tra tình hình trên địa bàn hoạt động của Cứu quốc quân (lúc này gọi là chiến khu Hoàng Hoa Thám). Đồng chí đã triệu tập hội nghị quan trọng tại Khuổi Kịch (Sơn Dương, Tuyên Quang).  

Cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Võ Nhai (1930 - 1950)”, trang 55, xuất bản tháng 10/1993 viết: Thực hiện quyết định của hội nghị cán bộ Khuổi Kịch, ngày 25/2/1944, trung đội Cứu quốc quân III ra đời tại một địa điểm thuộc khu rừng Khuổi Kịch. Trung đội gồm có 30 cán bộ và chiến sĩ, trong đó có số cán bộ và chiến sĩ Cứu quốc quân II làm nhiệm vụ mở rộng địa bàn sang Tuyên Quang (cuối năm 1941); một số là cán bộ và đội viên xung phong “Nam tiến” mang tên Trần Phú do địch khủng bố, không liên lạc được với Ban xung phong Nam tiến còn đang công tác ở vùng này. Ban chỉ huy trung đội gồm các đồng chí: Triệu Khánh Phương, Phương Cương và Chu Phóng, do đồng chí Triệu Khánh Phương làm trung đội trưởng, đồng chí Phương Cương làm chính trị viên, đồng chí Chu Phóng làm trung đội phó.

Chân dung đồng chí Triệu Khánh Phương
Chân dung đồng chí Triệu Khánh Phương

Trung đội Cứu quốc quân III ra đời đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng vũ trang trong căn cứ địa Bắc  Sơn – Võ Nhai. Từ một trung đội với hơn 40 cán bộ, chiến sĩ, hoạt động trên địa bàn nhỏ hẹp, đến lúc này, Cứu quốc quân đã phát triển thành hai trung đội với trên 100 cán bộ, chiến sĩ, hoạt động trên địa bàn rộng lớn thuộc các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương (Thái Nguyên), Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định (Lạng Sơn), Yên Thế, Hữu Lũng (Bắc Giang), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Cạn). Kết quả này tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng trong phân khu A nói chung và Võ Nhai nói riêng tiếp tục phát triển mạnh mẽ”.

Bài “Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 với việc tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945” của Đại tướng Lê Đức Anh đăng trên trang 1 báo Nhân Dân số 19980 ra ngày 15/5/2010 có đoạn viết: “Thực hiện Nghị quyết của của Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, ngày 15/5/1944, lễ thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác được tổ chức ở Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Việt Nam Giải phóng quân có chỉ huy thống nhất và hệ thống tổ chức do Đảng lãnh đạo. Bộ chỉ huy của Việt Nam giải phóng quân gồm các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn....

Đầu tháng 6/1945, Việt Nam Giải phóng quân cùng du kích, tự vệ và nhân dân đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của Nhật, bảo vệ vững chắc căn cứ địa của cả nước.... Khi thời cơ đến, các đơn vị Giải phóng quân cùng tự vệ chiến đấu, du kích và quần chúng nhân dân tiến đánh một số thị trấn, thị xã và những vị trí quan trọng, góp phần cùng toàn dân giành chính quyền thắng lợi trên cả nước...”

Sau khi nhập vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, bố tôi làm Đại đội trưởng phụ trách lâm trường Kháng Nhật ở Tân Trào. Sau đó, theo chỉ thị của Bác, bố tôi dẫn toàn đội về Tràng Xá, Võ Nhai làm hai sân bay Việt - Mỹ ở Tràng Xá, Mỏ Mủng, để chuẩn bị đón quân đồng minh. Có lệnh tổng khởi nghĩa, bố tôi đưa quân về cướp chính quyền ở huyện Võ Nhai, rồi tiễu phỉ ở Bố Hạ. Sau lần cứu được viên phi công Mỹ rơi máy bay, bố tôi về làm Ủy viên Quân sự tỉnh Thái Nguyên. Khi phong trào Nam Dương Hoa kiều nổi lên, phát triển mạnh vào vùng người Dao, người Nùng, Khu tư lệnh do đồng chí Bằng Giang và Tạ Xuân Thu quyết định cho bố tôi chuyển sang Mặt trận Việt Minh để giải quyết vấn đề Hoa kiều ở vùng người Dao, người Nùng. Sau khi được bố tôi tuyên truyền, vận động, đại bộ phận đã hiểu rõ đường lối của ta, tự giác rút ra khỏi Hội Hoa kiều Nam Dương, đi theo cách mạng, ủng hộ Việt Minh kháng chiến.            

Tháng 5/1947, Bộ Tổng tư lệnh quyết định bố tôi và ông Lê Dục Tôn tổ chức một tiểu đoàn địa phương quân gọi tên là Bộ đội Bắc Sơn. Nhưng mới tổ chức được một đại đội do bố tôi làm Đại đội trưởng thì được lệnh thống nhất bộ đội địa phương lên chính quy.

Năm 1948, bố tôi công tác ở Phòng Miền núi, là phái viên của ông Chu Văn Tấn.

 Cuối năm 1950, Khu ủy quyết định bố tôi về làm ủy viên Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Võ Nhai. Cuối năm 1952, ông được cử đi chỉnh huấn Đảng. Năm 1953 được đề bạt làm Ủy viên Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu Việt Bắc. Năm 1956 thành lập Khu Tự trị Việt Bắc, ông trúng cử Hội đồng Nhân dân Khu, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Khu cho đến khi mất. Bố tôi cũng trúng cử Khu ủy viên Đảng bộ Khu Tự trị Việt Bắc (1959 - 1968), Trưởng Ban Dân tộc Khu. Ông là đại biểu Quốc hội khóa 2-3, Ủy viên Ban Dân tộc của Quốc hội.

Với những  đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bố tôi đã được Đảng, Nhà nước tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ (1947), Huân chương Chiến  thắng hạng Hai (1958), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (1961).

Bố tôi mất ngày 11/11/1968 thì ngày 13/11/1968 được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh số 127-LCT truy tặng Huân chương Độc lập hạng Hai. Sau này bố tôi được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (2002) và Huân chương Hồ Chí Minh (2013).

                                    uy-ban-hanh-chinh-khu-tu-tri-viet-bac-khoa-1-1956-ong-trieu-khanh-phuong-dung-hang-dau-thu-4-tu-phai-sang-1693522387.jpg
Uỷ ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc khoá 1, 1956. Ông Triệu Khánh Phương đứng hàng đầu, thứ 4 từ phải sang.

Nhớ lại, năm 1967, tôi tốt nghiệp lớp 10 loại giỏi, định đi học đại học thì bố bảo tôi: “Con vào làm Buổi phát thanh tiếng Dao của Đài Phát thanh Khu Việt Bắc đi, ở đấy đang cần người. Con đi làm như vậy cũng là giúp Đảng, Nhà nước và giúp bố tuyên truyền vận động đồng bào đoàn kết chống Mỹ, xây dựng đất nước. Trước đây bố đi tuyên truyền khổ lắm, súng đạn giặc kề tai, chết lúc nào không biết! Thành cán bộ Nhà nước rồi, con hãy học đại học, mà nên học về ngành vô tuyến điện. Sau này thế giới sẽ khác, sẽ làm nhà nhiều tầng, ba chớp mắt là lên được một tầng nhà rồi. Lúc ấy con bấm một nút ở đầu giường sẽ nói chuyện được với cả thế giới. Thế giới cũng chỉ bấm một nút là thấy con đang mặc áo hoa màu gì? Bữa cơm con đang ăn có món gì?”.

Vậy là 18 tuổi, tôi đi làm Buổi phát thanh tiếng Mèo - Dao (nay gọi là Mông - Dao). Tôi biên dịch và đọc tiếng Dao, biên tập chương trình phát thanh cho cả 2 buổi, đeo máy đi thu ca nhạc, mít tinh, viết tin bài, dựng chương trình..., thành phóng viên.

Tôi đi làm được một năm thì chú thư ký của bố điện lên: “Cháu về nhà ngay, bố ốm nặng!”. Thời gian ở tù ông bị địch tra tấn dã man, rồi bị bọn phản động thả thuốc độc tím hết móng tay, hai hàm răng rụng chỉ còn một chiếc, may lấy được thuốc giải độc, nhưng hay bị phản bệnh. Đợt ốm này ông đã không qua khỏi! Vậy là 19 năm có bố trên đời, tôi chỉ thực sự chăm bố được ba tháng! Đó là ba tháng tôi được gần và chăm sóc bố lâu nhất và là lần cuối cùng trong đời! Nhớ lời bố dặn, tôi đã cố gắng học tập, phấn đấu và từng bước trưởng thành.            

Thế giới có một ngày là “Ngày của Cha”. Nhưng đối với tôi, ngày nào cũng là “Ngày của Cha”. Cha ơi, con gái nhớ cha nhiều lắm!

Triệu Mùi Say

2 đã tặng

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Lời mẹ ru

Thơ 5 giờ trước

Đón bạn về quê

Thơ 10 giờ trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 16 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 1 ngày trước