Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
07:33 (GMT +7)

Biển Đông không yên tĩnh trong mùa Covid

VNTN - Từ cuối năm 2019 đến nay, trong khi cả thế giới phải gồng mình đối phó với đại dịch COVID-19 thì Trung Quốc đã lợi dụng cơ hội, thực hiện hàng loạt các hành động đơn phương làm ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình an ninh trên Biển Đông, bất chấp Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà Trung Quốc là một thành viên ký kết.

 

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự tại Biển Đông chỉ làm bất ổn thêm tình hình an ninh trên vùng biển này (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Ngày 23/3/2020, Tân Hoa xã công bố việc Trung Quốc xây dựng "hai trạm nghiên cứu" tại khu vực Đá Su Bi và Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 2/4/2020, tàu Trung Quốc đâm chìm 1 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở khu vực đảo Phú Lâm, dùng tàu hải cảnh ép 2 tàu vào đảo Phú Lâm lục soát, hủy ngư cụ; dùng vòi rồng xua đuổi 1 tàu cá khác, làm hư hỏng nặng, buộc phải quay vào bờ; cùng ngày trao trả 8 ngư dân của tàu bị đâm chìm. Ngày 16/4/2020, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và một số tàu hải cảnh của Trung Quốc đã bám theo tàu khai thác dầu West Capella của công ty dầu khí Petronas (Malaysia) hoạt động ở Biển Đông sau khi xuất hiện ở cách bờ biển Việt Nam 158km, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

Ngày 17/4/2020, Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã có Công hàm số CML/42/2020 phản bác các Công hàm 22/HC-2020 và hai Công hàm ngày 10/4/2020 mà Việt Nam đã gửi cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Đặc biệt, trong Công hàm này có một đoạn Trung Quốc đã "đổi trắng thay đen", vu cáo Việt Nam là từ năm 1975 "Việt Nam đưa quân đội xâm lấn và chiếm đóng phi pháp một số đảo và bãi ngầm thuộc Nansha Qundao của Trung Quốc" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và "yêu cầu Việt Nam rút tất cả quân đội và phương tiện khỏi các đảo và bãi ngầm".

Ngày 18/4/2020, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt việc thành lập hai đơn vị hành chính cấp quận trực thuộc cái gọi là "Thành phố Tam Sa", do Trung Quốc thành lập trái phép vào năm 2012, là "khu Tây Sa" (Hoàng Sa) "Nam Sa" (Trường Sa) của Việt Nam. Ngày 19/4/2020, Trung Quốc đã công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo và rạn san hô cùng 55 thực thể ở Biển Đông, bao gồm các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 29/4 và kéo dài đến ngày 16/8/2020; phạm vi cấm đánh bắt bao gồm cả một phần Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuyên bố việc trồng và thu hoạch 750kg rau ở Hoàng Sa theo công nghệ mới, nhằm củng cố yêu sách ở Hoàng Sa, tạo tiền đề cho những bước đi tiếp theo như đưa thêm người tới sinh sống trên các đảo này.

Cùng với đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã tổ chức hàng chục cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ, hàng trăm tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay chiến đấu nhằm phô trương sức mạnh quân sự và răn đe các nước khác. Trong cuộc diễn tập từ ngày 24/8 đến 29/8/2020, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và Đông Nam đảo Hải Nam, sáng ngày 26/8, Trung Quốc đã phóng 2 tên lửa đường đạn tầm trung DF-26B từ Thanh Hải và DF-21D từ Chiết Giang, ra Biển Đông...

Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã gây phản ứng mạnh mẽ của các nước và dư luận quốc tế. Ngày 3/6/2020, Mỹ gửi Công hàm lên Liên hợp quốc, bác bỏ yêu sách về đường cơ sở của Trung Quốc trên Biển Đông vì không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên UNCLOS 1982. Trung Quốc không thể vẽ đường cơ sở thẳng hay đường cơ sở quần đảo cho Đông Sa (Pratas), Trung Sa (Macclefield), Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham. Ngày 13/6, Mỹ triển khai 3 tàu sân bay (USS Nimitz, USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt) tới vùng biển gần Trung Quốc và liên tục điều máy bay B-52, máy bay không người lái đến khu vực Biển Đông; tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và phối hợp với một số nước đồng minh và đối tác tổ chức diễn tập quân sự trên Biển Đông... Theo thống kê, năm 2019, Mỹ đã thực hiện tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông 8 lần, nhiều gấp hai lần so với năm 2017.

Đặc biệt, gần đây nhất, ngày 14/7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và lên án các hành động "bắt nạt" của nước này đối với các nước trong khu vực. Sự kiện này cho thấy, lập trường của Mỹ về vấn đề Biển Đông có sự thay đổi rõ rệt, chuyển từ "không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông" trước đây, sang công khai phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 28/8/2020, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt 24 công ty và hàng chục cá nhân Trung Quốc liên quan hoạt động cải tạo và "quân sự hóa" trái phép các thực thể trên Biển Đông. Trong danh sách các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC), Cục kỹ thuật điều hướng thuộc CCCC và các công ty con của CCCC ở Thượng Hải, Quảng Châu, Thiên Tân; 4 công ty con của Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (CETGC); Công ty kỹ thuật cáp đại dương Thượng Hải; Viện nghiên cứu 722 thuộc Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc…

 

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm và xây dựng, cải tạo trái phép. Ảnh: AFP.

Mặc dù từ lâu Mỹ đã công khai bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên Mỹ khẳng định rõ rằng, Trung Quốc không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa bên ngoài phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo. Theo các nhà phân tích, tuyên bố của Mỹ về vấn đề Biển Đông đã tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực đối với khu vực trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hành động đơn phương ở Biển Đông. Thứ nhất, tuyên bố của Mỹ đã làm thay đổi cục diện tranh chấp Biển Đông, nhất là cục diện "chuyện đã rồi" mà Trung Quốc muốn tạo ra ở Biển Đông, đồng thời có thể sẽ tạo ra hàng loạt diễn biến tiếp theo ở Biển Đông. Thứ hai, tuyên bố của Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của các nước ASEAN tại các khu vực cụ thể. Thứ ba, tuyên bố của Mỹ có thể được coi là "phát súng mở đầu" để các nước xung quanh kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ về vấn đề Biển Đông. Thứ tư, đây có thể là thời cơ để tạo ra một liên minh pháp lý quốc tế chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính quyền Donald Trump đang có hàng loạt động thái nhằm tái khẳng định lại cam kết, lợi ích của Mỹ đối với ASEAN và Biển Đông; triển khai một số biện pháp cương quyết hơn đối với khu vực, hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của một số nước ven Biển Đông như cung cấp tàu tuần tra, phương tiện giám sát và trinh sát biển; tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và phối hợp tổ chức diễn tập quân sự trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến đầu tư 8 tỉ USD để tăng cường sự hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương trong 5 năm tới, đưa một số tàu của Hạm đội 6, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson đến hoạt động tại Biển Đông, tăng số ngày tuần tra tại Biển Đông; đề xuất Sáng kiến ổn định châu Á - Thái Bình Dương để tăng khả năng quân sự của Mỹ ở khu vực...

Ngày 19/5/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố: Chính phủ Nhật Bản cực lực phản đối các hành vi đơn phương sử dụng sức mạnh nhằm thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, không phù hợp với luật biển quốc tế hiện hành trên các vùng biển này. Nhật Bản đã quyết định tham gia vào chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải với Mỹ ở Biển Đông; tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông thông qua hợp tác với một số nước Đông Nam Á có tranh chấp trên Biển Đông. Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2020, công bố ngày 14/7/2020 nhấn mạnh: Trung Quốc đang thúc đẩy "quân sự hóa", mở rộng và tăng cường các hoạt động ở trên biển và trên không, thực hiện các hành động đơn phương, mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Ôxtrâylia công khai bày tỏ lo ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, phản đối Trung Quốc cải tạo, bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo; chia sẻ chính sách hợp tác quốc phòng với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Niu Di lân và một số nước Đông Nam Á, tỏ ý sẵn sàng đóng góp vào hoạt động của Mỹ tại Biển Đông. Gần đây, lập trường của Ôxtrâylia về Biển Đông đã có sự thay đổi rõ rệt, chuyển từ lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông sang công khai phản đối yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Trong công hàm đệ trình Liên hợp quốc ngày 23/7/2020, Ôxtrâylia khẳng định "Trung Quốc không có cơ sở pháp lý đối với các yêu sách về lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông", đồng thời bác bỏ các yêu sách đối với "quyền lịch sử", "các quyền và lợi ích hàng hải" được thiết lập trong "quá trình thực hiện lịch sử lâu dài" của Trung Quốc ở Biển Đông…

Đối với Việt Nam, từ lâu, chúng ta đã khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam luôn tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam luôn chủ trương giải quyết một cách hòa bình mọi tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.

Giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục. Giải quyết tranh chấp và xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam với các nước.

Việc Trung Quốc phê duyệt thành lập hai đơn vị hành chính cấp quận trực thuộc cái gọi là "Thành phố Tam Sa" và các hành vi liên quan khác trên Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không tái diễn các vi phạm tương tự.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục