Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:53 (GMT +7)

Bếp thơm hương tết

Năm nào cũng vậy, khi cuốn lịch mỏng mảnh chuyển ngày sang tháng Chạp, người ta lại nô nức nhắc tết, chuẩn bị tết. Những câu chuyện kể về tết cứ dài bất tận. Ai đó tiếc rẻ bảo, tết xưa nghèo nhưng vui hơn tết nay. Người khác lại nói tết thời giờ đơn giản hơn, nhưng niềm vui tết thì vẫn vậy. Bản chất của tết vốn chưa bao giờ thay đổi. Minh chứng là bao năm qua, người người vẫn hẹn nhau đoàn tụ dịp tết. Tết là vẫn muốn sắm sanh một manh áo mới cho người già lẫn trẻ nít. Tết vẫn dọn dẹp sửa sang mọi thứ từ trong ra ngoài sao cho tinh tươm gọn ghẽ… Tết thì vẫn thế, chẳng qua tết đổi thay vì chính chúng ta đang thay đổi mà thôi.

Có lẽ vì bản tính phụ nữ, nên đi tới đâu, vào nhà ai, tôi cũng thích ngắm nhìn không gian bếp. Bởi nhìn vào đó có thể biết “người xây tổ ấm” trong ngôi nhà ấy vụng về hay tháo vát, sạch sẽ hay bừa bộn, chăm chỉ hay lười biếng… Không gian bếp tưởng chừng bé nhỏ, lại là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm nhất, nơi chứng kiến sự trưởng thành của mỗi thành viên trong gia đình. Nơi ấy, mỗi khi đi xa về là muốn ùa vào, có mẹ ở đó, tình yêu thương cũng đong đầy ở đó. Thế nên tôi đã luôn tin rằng, dù tết trong lòng chúng ta có thay đổi ra sao, thì một nửa hương vị và hồn cốt của tết là (luôn) đến từ căn bếp. Năm rộng tháng dài, căn bếp ấy không đơn thuần chỉ là nơi những món ăn ngon được chế biến, mà còn là sắc màu văn hóa, là sự gắn kết, sẻ chia biết bao buồn vui của kiếp người.

Từ những ngày giữa tháng Chạp, căn bếp nhà tôi đã bắt đầu bừng lên hương tết. Đó là mùi hăng cay của củ hành. Tết đến đúng vào quãng thời gian quê tôi bận rộn gieo trồng vụ xuân, nên việc muối dưa hành không chỉ để ăn tết mà còn cho chuỗi ngày tất bật trên đồng bãi qua mùa giêng, hai. Do vậy nhà tôi thường muối nén cả vại hành ăn dần. Khi lột vỏ hành, hơi cay khiến bà và mẹ chảy nước mắt, nhưng những câu chuyện năm cũ năm mới cứ cuốn đi, hai người họ thủ thỉ với nhau, vừa sụt sịt lau nước mắt vừa cười vui không ngớt.

Rồi vài ngày sau đó, vừa đi học về tới cổng tôi đã nghe tiếng rán mỡ sôi róp rép. Người quê là vậy, ăn tết là phải chuẩn bị một âu mỡ đầy ự trắng tinh, đặc quánh. Nhìn mẻ tóp mỡ vừa được vớt ra, miệng tôi tứa nước miếng. Tôi nghĩ đến món tóp mỡ chấm nước mắm ăn kèm cơm nóng, hay món nem cuốn đơn giản. Chỉ cần băm nhỏ tóp mỡ, thêm một ít lá mơ thái nhỏ, nhúm miến, mộc nhĩ, trứng gà,… trộn đều với gia vị mắm muối rồi cuộn vào bánh đa nem đem chiên giòn. Chỉ cần thế cũng đủ khiến bữa cơm ngày áp tết thêm phần háo hức, thòm thèm đến lạ.

Thoắt cái đã đến ngày tiễn ông Táo lên chầu trời 23 tháng Chạp. Mâm cỗ hôm ấy có xôi gà, nem thịt, cá rán, canh bóng,… mùi vị của tết đã tưng bừng từ đấy. Tranh thủ lúc ngơi việc trổ nước, bón phân, chăm mạ, be bờ ngoài ruộng, chị canh lửa rang hạt hướng dương, hạt bí. Mấy mẹ con cùng ngồi quanh bếp sưởi ấm, cắn hạt chí chách. Những chiều hanh hao gió, nghe mùi thơm ngạt ngào hương sữa, biết là mẹ và chị đang sên mứt dừa. Lúc sau lại là mùi thơm cay nồng nàn, ngọt thanh của mứt gừng. Qua hôm sau, tôi được mẹ giao nhiệm vụ rang lạc để làm chè lam. Sự hòa quyện các nguyên liệu bột nếp, gừng cay, đường phên, lạc… mộc mạc mà không kém phần hấp dẫn. Bố bảo, ăn miếng chè lam, nhấp ngụm nước trà, thấy tết rung rinh trong từng giác quan.

Nhìn vào căn bếp nhỏ, thấy một bó lá dong dựng ở góc tường, túi miến, măng khô, mộc nhĩ xếp trên chạn bát, hay chiếc rổ đựng nào cà rốt, su hào, túm ớt tươi, bó hành lá, rau thơm các loại,… thấy lòng dạ xốn xang. Hương tết thơm đựng trong lá dong của những chiếc bánh chưng vuông vức; ủ trong nồi cá trắm đen kho màu vàng cánh gián đậm đà, béo ngậy; nồi thịt đông nhiều mộc nhĩ, hay chiếc giò dăm bông không pha tiêu cay, đĩa khoai tây xào có thật nhiều rau mùi… Góc bếp cứ thế mà đỏ lửa ngày ngày, thênh thang niềm vui tết.

Năm nào cũng vậy, mùng 2 tết là ngày mẹ tôi sẽ làm món bánh rán nhân hành. Món bánh mà dù đi rất nhiều nơi tôi cũng không thể tìm thấy phiên bản nào khác. Mẹ dành cả buổi để nhào bột, ủ bột, băm và xào hành. Tết chẳng thiếu món ngon, nhưng thấy chiếc bánh ruộm vàng trong chảo mỡ sôi là bụng tôi bỗng đói cồn cào. Nhân hành mẹ xào được nêm gia vị vừa ăn, nên khi thưởng thức bánh, tôi luôn cố lựa sao để cắn miếng nào cũng có phần nhân thơm phức. Và tôi, cứ nhớ mãi cái dáng ngồi của mẹ, nhớ nụ cười trên môi bà khi nghe chúng tôi vừa ăn kể lể bao chuyện trẻ con. Những người thân quen khi đến chơi tết, thấy mẹ dưới bếp là cũng sà vào đó chứ chẳng chịu lên nhà trên. Họ vô tư chụm thêm củi vào bếp, ăn bánh, nói cười rộn rã.

Rồi những ngày tết sum vầy cũng dần qua đi. Căn bếp như cũng biết buồn, bát đũa bớt lao xao, chỉ có những lời thì thầm căn dặn lẫn nhau trong màu lửa gần tàn. Cái cảm giác chưa đi xa mà đã thấy nhớ quay quắt làm người ta không khỏi bâng khuâng tiếc nuối. Những gói ghém quà quê cũng lặng lẽ từ căn bếp nhỏ. Xa mẹ, xa góc bếp luôn ấm lửa thơm hương, chúng tôi nhủ mình phải càng thêm vững bước trước những ghềnh thác cõi người. Và dẫu có đi xa đến đâu, có giàu sang cách mấy, chúng tôi vẫn trẻ dại khi về lại góc bếp nhà mình. Vẫn luôn mong tết về thấy mẹ ở đó, không gian bếp nhỏ đượm nồng lửa ấm và tiếng cười.

Mai Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước