
Góc biếm họa số 5 (2025)

Không hiểu sao, mỗi khi một mình trên đường, trong đầu tôi thường cất lên tiếng hát: “Vì anh thương em, như thương cây bàng non/ Cây nhớ ai làm sao nói được/ Vì anh thương em, như thương hạt mưa non dại/ Vỡ rồi mà có được đâu…”. Da diết đến thấu tim, tôi ước gì trên đời này cũng có người thương mình như vậy. Một tình thương sâu lặng và trọn vẹn. Cồn cào nhưng lặng lẽ. Mà đời sống này vụn vặt quá, thứ tình cảm yêu thương ban đầu cũng chết dần đi. Tôi bất giác ngửa cổ nhìn trời, bắt gặp những cây bàng đang mùa thay lá mới. Từng chiếc lá non bật lên từ thân cành khẳng khiu, căng tràn sức sống. Nó khiến người ta quên đi phố của ngày trơ trụi, của những ảm đạm đã qua.
Tôi nhớ đến bà cụ hàng xóm của mình lúc còn sống. Bà trông coi quán nước với chiếc bếp than tổ ong lúc nào cũng âm ỉ đỏ. Bà ngồi đó nhìn mọi thứ xung quanh bằng đôi mắt chậm chạp của người già. Những người sống dọc con phố của tôi thường nhìn ra đường chờ khách ghé cửa hàng; chờ xem đội trật tự đô thị có đi qua còn vội vàng dọn dẹp vỉa hè; chờ xe bán rau củ của mấy cô hàng rong để vẫy tay vào mua nhanh đỡ phải mất công đi chợ. Hoặc có khi họ cứ nhìn vô định, thỉnh thoảng trút một tiếng thở dài với bao nhiêu lo toan bề bộn. Chỉ có bà cụ là để ý đến những thứ thường bị bỏ quên. Một bầy chuồn chuồn từ cánh đồng ngoại ô bay lạc vào thành phố; đàn chim sẻ dạo này thưa thớt dần trên những tán cây; bóng những con mèo hoang thường chỉ xuất hiện lúc ngày tàn, chúng mang theo bóng đêm và sự cô độc gieo rắc trong ngõ tối. Nên tôi không lạ gì khi những chiếc mầm bàng non đầu tiên nhú lên, bà cụ cũng là người đầu tiên nhận thấy. Nếu tôi tình cờ đi ngang đó, bà cụ sẽ níu tay lại chỉ lên cây bàng móm mém cười. Dù chưa từng nói với nhau về mùa lá bàng non, nhưng sao như thể chúng tôi có cùng chung cuộc hẹn. Bà cụ cười khi nghe tôi thắc mắc: “Tại bà thấy cô hay ngó lên những ngọn cây. Như là đợi chờ. Như là mong mỏi”.
Tôi đến quán cụ ngồi nhâm nhi chén trà nóng. Mà thật ra tôi không biết uống trà. Đó chỉ là cái cớ để tôi ngồi nghe nước sôi réo rắt trong chiếc ấm nhôm, thủng thẳng nói với cụ vài ba câu chuyện. Trời quang mây tạnh nhưng vài tiếng sấm thình lình vang lên. “Sấm đầu mùa”, bà cụ thốt lên khe khẽ. “Thiên nhiên có những điều kì lạ lắm cô à. Ví dụ như khi tiếng sấm đầu mùa cất lên thì loài rau đắng cẩy trên rừng không còn ăn được nữa. Ngọn sẽ cứng và đắng ngắt. Ngay cả loài rau ngải trong vườn nhà cũng vậy, đắng hơn rất nhiều. Không tin, cô cứ thử mà xem”. Bà cụ là cái phần tĩnh lặng nhất trong con phố ồn ào náo nhiệt nơi tôi sống. Hàng ngày thưa thớt vài người khách tới quán nước ngồi. Có khi họ cũng giống tôi, đến không phải để uống trà. Họ thường ngồi rất lâu, nói những câu chuyện không đầu không cuối, đến lúc nhớ ra thì ngụm trà đã nhạt trước cả khi chạm môi vào.
Hôm nọ có một người khách trẻ tuổi tìm đến quán nước của bà, cũng không phải để uống trà. Đó là một họa sĩ, cậu ta đến rồi đi không nói lời nào. Nhưng lần sau quay lại cậu đã tặng cho bà cụ bức tranh vừa mới vẽ xong. Lúc tôi ghé qua, bà cụ có mang tranh cho xem. Lạ thay khi xem tranh tôi tưởng như người họa sĩ ấy đã sống rất lâu ở con phố này. Chỉ có như thế mới vẽ được cái tươi non trên những búp bàng; vẻ bình thản lẫn thấp thỏm đợi mong của bà cụ chỉ qua một dáng ngồi; sự lấm lét của con mèo hoang vừa thò đầu ra khỏi nơi trú ẩn; cái hân hoan của ngọn gió gửi trong bóng cờ bay. Tài tình thay khi nhìn ấm nước trong tranh tôi tưởng như có thể nghe thấy tiếng nước reo khe khẽ. Ngay cả khi cuộn bức tranh lại tôi vẫn thấy lời bài hát vang lên: “Vì anh thương em, như thương cây bàng non/ Cây nhớ ai làm sao nói được… Anh thương em sẽ không cần trước sau/ Vì anh đã đặt mình ở hướng vô cùng…”
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...