Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
02:46 (GMT +7)

Bay qua đỉnh núi – Tản văn. Dương Văn Oanh

VNTN - Làng trung du. Nhà bám vào đồi. Núi đồi lô xô bát úp xen bờ bãi, đồng cạn, đồng sâu, đồng chằm, đồng rộc. Thôn xóm trải lưa thưa trên một vùng sơn địa. Mỗi núi mỗi đồi mang một nét hồn riêng, ngấm vào từng phận người qua muôn đời muôn kiếp, che chở cho người qua bao mùa mưa nắng, buồn vui. Người quê tôi ăn đời ở kiếp cùng núi đồi. Sống cùng đồi núi, mà chết cũng nằm vào lòng đồi núi. Mấy đồi to và cao nổi hơn được gọi là núi, trên mỗi núi có nghè, miếu thờ các đấng thổ thần.

Còn mồn một trong ký ức tôi những nếp nhà tranh lam lũ thuở ông cha, nép mình bình yên nơi ấy. Đường mòn quanh co sỏi đá. Gió vi vu vô hồi trên rừng thông xanh ngát quanh năm. Bạt ngàn mua, sim, guột, suể, lau lách…. Tiếng đa đa téc te te gáy đổ hồi vọng lại từ sườn non, cuối rẫy. Một thế giới chim muông kết thành bài đồng dao bất tận, “bồ kếch bồ các là bác chim ri, chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu sáo lang (cà kiêng), sáo lang là nàng (vợ) tu hú, tu hú là chú bồ các. . .”

Mùa xuân. Qua Tết, “tháng ăn chơi” còn đang phơi phới trong vui tươi người trẻ, đã thấy lo âu bắt đầu nhen nhóm trong mắt người già. Mới cuối Giêng mà thóc trong bồ vơi quá. Kỳ giáp hạt tháng Ba đang lập lờ trước mặt. Cha bảo mẹ, “không lo, may mà năm ngoái sắn được mùa, nhà mình còn mấy bồ sắn khô”. “Sắn đồi guột chuột đồng ngô”, sắn rất bở - thơm - bùi, đã cứu đói biết bao đời người quê tôi. Tháng ba đến rồi đi, những đợt rét Nàng Bân dần tan loãng, dành cho đất trời tiết giao mùa ấm áp. Sau rào mưa cuối xuân đầu hạ, tôi cùng mẹ rong ruổi khắp đồi rừng tìm hái nấm, sản vật tinh khiết của tự nhiên, những nấm mối, nấm thông, nấm sú…, tăng thêm dinh dưỡng trong bữa cơm nghèo.

Hạ về, núi đồi bờ bãi là sân chơi thần tiên cho lũ trẻ. Chăn trâu, hái củi, thả diều, đánh ong, đuổi chim, đơm cá... Núi đồi, rừng cây làm làng quê dịu mát khi oi bức, cũng oằn mình chở che làng khi bão táp mưa giông. Thị vàng hoe trên cành, thoang thoảng hương theo gió. Tiếng bìm bịp bổng trầm… vọng về từ lũng đồi xa. Mùa thu, vòm trời dần cao xanh, mây trắng bồng bềnh vờn qua đỉnh núi, cờ lau phơ phất trắng khắp nơi. Bầy chèo bẻo hò hét chí cheng đuổi theo bóng diều hâu, theo lũ quạ ngang trời. Sim vào mùa chín, quả vàng hoe, quả mọng sẫm, là món quà trời ban tặng đất quê. Mấy ngày trước và sau sát rằm tháng bảy sim chín rộ hơn nhiều, tha hồ mà hái. Mẹ lại gánh sim ra chợ bán, mua về sách vở, gạo muối, dầu đèn… Nắng vàng ươm như mật, lũ trẻ chăn trâu háo hức leo lên đỉnh núi cao để được phóng tầm mắt nhìn xa khắp phía. Những dãy núi cao mờ xanh xa trải tới vô cùng, lòng lâng lâng náo nức, “ước gì được như chim để bay qua những đỉnh núi mờ xanh”. Đâu là vòng cung Sông Gâm, vòng cung Ngân Sơn, vòng cung Bắc Sơn, vòng cung Đông Triều? Phía bên kia những dãy núi ấy là đâu, như thế nào? Chút kiến thức địa lý sơ khai được dùng để đoán định, nổ ra cuộc cãi nhau chí chóe của lũ trẻ tôi, cuối cùng vẫn bất phân sai đúng. Về hỏi mẹ, mẹ lắc đầu, chỉ cha. Cha nhẹ nhàng xoa đầu, thủ thỉ, “cứ chăm học, học nhiều, học giỏi rồi sẽ được đi nhiều, biết nhiều con ạ!”.

Mùa đông. Làng chìm trong rét buốt. Cây cối, núi đồi rụt cổ co ro đứng trầm lặng trong mưa, sương muối. Gió bấc u u thổi. Lũ trẻ mặc phong phanh, chân đất tới trường. Ống bơ than cháy đỏ xách cùng bù thêm hơi ấm. Đói - rách - rét cũng không làm nhụt quyết tâm học tập trong tôi. Ơn cha mẹ, ơn núi đồi đã cho tôi giàu có ký ức. Đó là những con đường dốc, những lời hẹn định của cha mặn đầy gan ruột: “Đến hôm này thằng cả đi bộ đội, u mày tính làm mấy mâm liên hoan cho con nó lên đường”; “đến ngày kìa thằng nhỡ nhập ngũ, u mày mang bán mấy trăm chổi suể để cho con nó mấy đồng”…. Ngày anh tòng quân, trong đám thanh niên cùng đi tiễn chân, có người con gái cứ dùng dằng bên anh với nét cười ươn ướt. Phút chia tay, lời thẹn thùng rất thầm như giấu giếm: “em đợi anh ngày thống nhất”! Rồi chị vội vàng nhét gói nhỏ gì vào ba-lô anh. Ngày hòa bình, cả nhà òa vui khi anh trở về. Trong đám cưới, anh nghẹn giọng mãi mới bật được ra lời hát, “sáng nay em đi chợ sớm, tìm mua một vuông vải trắng, mang về khâu chiếc khăn tay. Chỉ hồng thêu tặng người trai, cùng đôi chim én lượn bay trên cành…”. Đôi mắt chị dâu ầng ậng. Tôi hiểu, lứa các anh các chị đã có một thời yêu đương thật khó nhọc, chông gai. Thương lắm, có bao người con gái không được hạnh phúc khóc như chị dâu mình!

Tôi xa nhà đi học, chỉ còn lời mẹ dặn, “con cố gắng học hành cho nên người”. Cha tôi đã nằm vào lòng đất núi, lời mẹ giản đơn, mộc mạc mà lắng sâu vào ý chí. Năm tháng trôi qua bao gập ghềnh buồn vui, qua bao dặm dài thiên lý, tôi đã ít nhiều biết về những điều ở phía bên kia những dãy núi cao mờ xanh xa. Nơi ấy là cột cờ Lũng Cú; là hang Cốc Bó; là cột mốc số “0” nơi rừng dương Sa Vĩ; nhà ngục Côn Đảo; sông Hồng; Hoàng thành Thăng Long; biển Đông; là nghĩa trang Trường Sơn, Vị Xuyên; là cầu Hiền Lương chia đôi giới tuyến; Cửu Long giang, đất mũi Cà Mau, miền quê Quan họ, là nhà máy, là trường đại học, là miền Âu châu tuyết trắng, là thế giới tự do, văn minh nhân loại, chân trời khoa học - kỹ thuật, là muôn nỗi kiếp người…

Khát khao nhen lên và đôi cánh tháng, năm đã cho tôi được bay tới những chân trời. Sớm nay, thoáng bóng hàng rong qua cửa, chợt nhận ra hương ổi thoảng thơm trong gió phố. Vòm trời cao, xanh hơn.

Mùa xuân đã lại về. Xa xa, dần hiện rõ những đỉnh núi nhấp nhô xanh ngắt. Lại lâng lâng mơ ước giống ngày nào, khát thèm được như chim để bay qua núi, về với làng đồi! Để được nghe lại một tiếng gà trưa, tiếng đa đa gáy téc te te… vọng về từ mé đồi, cuối bãi…

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự đêm giao thừa

Văn học 1 năm trước

Chợ

Văn học 2 năm trước

Tháng Tám mùa thu

Văn học 3 năm trước

Dưới tán côm xanh

Văn học 7 năm trước