Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
18:19 (GMT +7)

Bảo hiểm xã hội toàn dân: Nền tảng cho một xã hội bền vững

Phát triển Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) theo hướng bao phủ toàn dân là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Bởi, BHXH, BHYT chính là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Thời gian qua, Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực để có thể tiệm cận mục tiêu này.

Tỷ lệ người tham gia BHXH thiếu bền vững do nhiều yếu tố

Tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT là không phải bàn cãi. Đặc biệt, trong cuộc sống hiện đại, xã hội chịu đựng sự biến đổi không ngừng, đặt ra những thách thức mới và yêu cầu sự chăm sóc đặc biệt đối với những thành viên yếu thế. Trong tình hình này, BHXH, BHYT trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng, đảm bảo an sinh xã hội và tạo nền tảng cho sự phát triển cân bằng và bền vững của xã hội.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp người dân có thể tích lũy, lĩnh lương hưu khi về già, nhất là với những người không có việc làm và thu nhập không ổn định.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau rất nhiều nỗ lực để tăng tỷ lệ bao phủ của ngành BHXH thì vài năm trở lại đây tình trạng số người tham gia bảo hiểm lại có xu hướng giảm, nói cách khác là phát triển thiếu bền vững. Theo ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mấy năm vừa qua, chúng ta đã phải trải qua đại dịch COVID-19. Đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp phải thu gọn quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, dẫn tới số người tham gia BHXH, BHYT bị giảm sút. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động về BHXH, BHYT cũng còn hạn chế cho nên vẫn còn để tình trạng nợ đọng, chậm đóng kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Ngành BHXH luôn duy trì đa dạng, linh hoạt các phương thức tiếp nhận, trả kết quả TTHC

Số người tham gia BHXH, BHYT chưa được bền vững còn bởi những tác động của việc thay đổi chính sách. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên có 85 xã không còn thuộc diện vùng khó khăn, theo đó có trên 210 nghìn người dân không còn được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT.

Đối với những trường hợp này, BHXH tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp trong công tác tuyên truyền, vận động tích cực bằng nhiều hình thức để người dân không còn được hỗ trợ theo ngân sách Nhà nước có thể tham gia theo các nhóm đối tượng khác. Tuy nhiên, vẫn còn 60 nghìn người dân chưa tham gia BHYT, đồng nghĩa với việc họ không được bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ khi không may ốm đau, và cũng ảnh hưởng đến chỉ tiêu bao phủ BHYT của toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, việc thay đổi mức đóng tối thiểu của người tham gia BHXH, tinh giản biên chế ở các cơ quan, đơn vị trong vài năm trở lại đây… cũng tác động không nhỏ tới việc duy trì ổn định số lượng người tham gia BHXH, BHYT.

Mặc dù đã làm việc tại một cơ quan hành chính Nhà nước của huyện Đồng Hỷ gần 10 năm, nhưng 2 năm trước do yêu cầu tinh giản nhân sự của đơn vị, chị N.H.T buộc phải trở thành lao động hợp đồng thời vụ. Tổng số tiền mỗi tháng chị nhận được chỉ hơn 4 triệu đồng. Chị T chia sẻ: Khi bị trở thành lao động thời vụ tôi không còn được cơ quan hỗ trợ đóng BHXH. Tôi hiểu rất rõ lợi ích của việc tham gia BHXH. Tuy nhiên với mức lương được hưởng chỉ hơn 4 triệu đồng mỗi tháng, dù rất dè sẻn trong chi tiêu tôi vẫn thường xuyên lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Nếu phải trích ra hơn 1 triệu đồng (khoảng 1, 2 - 1,3 triệu đồng) mỗi tháng để tham gia BHXH tự nguyện thì số tiền tôi còn lại không thể đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu nhất của gia đình. Thế nên tôi đành bỏ việc tham gia BHXH giữa chừng.

Cũng phải dừng BHXH sau khi đã tham gia được 12 năm, anh Nguyễn Văn Thắng, xã Tân Thái, huyện Đại Từ cho biết: Tôi làm việc tại một công ty du lịch, khách sạn. Công việc của tôi là làm đầu bếp cho các chuyên gia người nước ngoài sang làm việc. Tuy nhiên khi dịch COVID-19 bùng phát sang năm thứ 2, các chuyên gia nước ngoài đã rút về nước. Tôi trở thành người thất nghiệp. Về nhà tôi làm công việc thời vụ, thu nhập bấp bênh, BHXH của tôi cũng phải bỏ dở từ đó.

Tại Thái Nguyên, số người tham gia BHXH, BHYT tính đến hết tháng 4/2023 là trên 1,2 triệu người, đạt 94,55% kế hoạch. Tuy nhiên trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn khoảng 361.000 người lao động trong độ tuổi chưa tham gia BHXH (chiếm 59,63% lực lượng lao động) và khoảng 148.700 người dân chưa tham gia BHYT (chiếm 11% dân số).

Thực tế này đòi hỏi các cấp ngành, đơn vị, doanh nghiệp nói chung, ngành BHXH nói riêng cần có những giải pháp phù hợp để vận động, nâng cao mong muốn tự nguyện tham gia của người dân.

Nỗ lực đáng ghi nhận

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của BHXH, BHYT và để tiến tới gần hơn mục tiêu bao phủ toàn dân, mặc dù còn không ít khó khăn trong quá trình thực hiện song cùng với cả hệ thống chính trị, ngành Bảo hiểm đã có những nỗ lực đáng ghi nhận. Trong đó, đáng chú ý là những nỗ lực trong việc đảm bảo giải quyết kịp thời, đầy đủ các chế độ, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, cũng như mở rộng đối tượng tham gia, góp phần ổn định cuộc sống, đẩy mạnh an sinh xã hội.

Công tác tiếp nhận, giải quyết các chế độ, quản lý và tổ chức chi trả các chế độ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện qua một cửa liên thông, linh hoạt (có thể qua giao dịch điện tử hoặc hồ sơ giấy). Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm: Mỗi tháng cơ quan BHXH thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho trên 78 nghìn người thông qua dịch vụ của bưu điện hoặc qua tài khoản ATM của người được nhận. Chúng tôi cũng thực hiện chi trả BHXH một lần tại cơ quan BHXH tỉnh. Chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức được chi trả thông qua đơn vị sử dụng lao động để trả cho người lao động qua tài khoản ATM cá nhân đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng chế độ.

Cùng với đó, cơ quan BHXH tỉnh đã ký hợp đồng khám chữa bệnh với 46 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn từ tuyến trung ương đến tuyến xã để tổ chức khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT. Hàng năm cơ quan BHXH đã thanh toán cho trên 1,7 triệu lượt khám chữa bệnh với chi phí trên 1.550 tỷ đồng.

BHYT giúp mọi người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế mà không lo tốn kém

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay trong triển khai chính sách BHXH là mở rộng, phát triển đối tượng tham gia. Để từng bước tháo gỡ những vướng mắc trong công tác này, ngành BHXH đã tập trung nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Cụ thể, đã tích cực tham mưu, đề xuất những giải pháp cho cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở để phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của các cấp. Đồng thời giao chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho từng địa phương, đơn vị. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra nắm bắt tình hình của đơn vị sử dụng lao động để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, kịp thời chia sẻ với doanh nghiệp, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, đôn đốc việc thu nộp BHYT, BHXH cho người lao động. Báo cáo kịp thời tình hình nợ đọng cho cấp uỷ, chính quyền để có những chỉ đạo kịp thời.

Công tác truyền thông chính sách cũng được xác định là một trong những giải pháp then chốt. Các hình thức tuyên truyền đã được chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt và phù hợp với từng nhóm chủ thể. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền qua hình thức phối hợp với các cơ quan, đơn vị là những kênh thông tin truyền thống, BHXH tỉnh đã thực hiện tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, fanpage của Ngành.

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH (ngày 21/11/2019); trong đó chọn tháng 5 hằng năm là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, năm 2023 là năm thứ 4 BHXH Thái Nguyên tổ chức tháng hành động vận động triển khai BHXH toàn dân. BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết và lựa chọn các phương thức tuyên truyền phù hợp. Do đó đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân đối với chính sách BHXH, BHYT. Thông qua các hình thức như: tuyên truyền lưu động, truyền thông nhóm nhỏ,… Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các tổ tuyên truyền đã tổ chức gặp gỡ trực tiếp người dân để phát tờ rơi tuyên truyền, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời truyền thông về tính ưu việt, giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, từ đó vận động nhân dân tích cực đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…

Sau 3 năm hưởng ứng tổ chức tháng vận động đã có những thay đổi trong nhận thức, hành động cũng như thói quen chủ động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của người dân để đảm bảo ổn định cuộc sống. Kết quả, đã có xấp xỉ 215 nghìn người tham gia BHXH, chiếm tỷ lệ 41,67% lực lượng lao động trong độ tuổi và trên 1.128 nghìn người tham gia BHYT chiếm tỷ lệ bao phủ 91,96% dân số.

Có thể nói trên hành trình tiệm cận mục tiêu BHXH toàn dân, ngành BHXH đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với những nỗ lực không ngừng, BHXH, BHYT đã mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng. Việc xây dựng hệ thống BHXH đã giúp giảm bớt khoảng cách xã hội và bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế nhất. Hơn nữa, ngành BHXH đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Bằng cách giảm áp lực tài chính đối với người lao động và doanh nghiệp, hệ thống BHXH đã trở thành động lực cho sự tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, việc tiệm cận mục tiêu bảo hiểm toàn dân vẫn còn nhiều thách thức cần sự chung sức đồng lòng của các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và hơn hết là nhận thức của mỗi người dân về lợi ích của BHXH, BHYT với cuộc sống của chính mình.

Bình Yên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy