Bản Tày và khát vọng “luồng hoa”
VNTN - Lần đầu đặt chân tới Phúc Lương, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tinh khôi thánh thiện, lại mang nét hoang sơ mộc mạc của vùng đất bán sơn địa đang vươn mình tỉnh thức. Từ bên nếp nhà sàn, tiếng tính tẩu dập dìu, ngân lên cùng lời then ngọt ngào trong trẻo. Giữa nhấp nhánh màu nắng non và ngời ngợi sắc xanh của núi rừng, những thanh âm tạo nên một không gian vi diệu đầy huyền cảm: “Chài ớ ới ơi/ Quê hương noọng núi biếc non xanh/ Ngập ngừng bước bàn chân lối nào/ Đợi chài thăm…”. Và như một người mắc nợ, tôi đã lần theo tiếng tính tẩu, lời then đi khắp các bản Tày.
Miền quê của sắc chàm xanh
Nằm dưới chân núi Chúa và những cánh rừng xanh ngút ngàn, xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên duyên dáng như một nàng sơn nữ. Bên các sườn đồi vách núi, nhiều ngôi nhà sàn mái lá ẩn hiện nép mình trong vòm cây, tán cọ. Màu áo chàm xanh thuần phác cặm cụi trên đồng ruộng, nương chè. Cảnh sắc và con người bình dị, chậm rãi, an nhiên. Chắc chắn bất cứ ai từ nơi xa đến đều có những giờ phút thanh thản để sống chậm với nhịp sống nơi này.
Một góc bản Tày xã Phúc Lương, huyện Đại Từ.
Là một xã miền núi cách trung tâm huyện khoảng 25km, Phúc Lương có địa hình khá đa dạng với 75% là đồi núi. Diện tích đất tự nhiên là 2.347 ha. Hệ thống sông suối, hồ nước phong phú: Suối Mơn Ráy bắt nguồn từ núi Chúa chảy về sông Na Bán với chiều dài gần 5 km. Suối Cây Tâm cũng bắt nguồn từ núi Chúa chảy về xóm Na Khâm hợp nguồn với suối Mơn Ráy. Suối Khuôn Thủng bắt nguồn từ Mỏ Lõng chảy về sông Na Bán. Sông Na Bán từ bên huyện Định Hóa chảy qua xã về huyện Phú Lương. Ngoài hệ thống sông suối, địa bàn xã còn có nhiều khe, rạch và hồ, đầm như: hồ Đồng Tâm, hồ Quận Công, đầm Huế, đầm Cây Xoan, đầm Cây Quýt… Các gương nước trong vắt dưới rặng cây, tán cọ, bên các mái nhà sàn tạo cho nơi này một khung cảnh thật hữu tình thơ mộng. Trên địa bàn xã có 5 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 93,5%, chính vì vậy từ nhiều đời nay nơi đây đã hình thành các bản làng người Tày với nét văn hóa và phong tục tập quán đặc trưng. Ý thức được việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống, nhiều hộ gia đình vẫn giữ lại các ngôi nhà sàn làm cho nhiều bản Tày cổ xưa như Mặt Giăng, Na Pài, Mon Đỏ, Cây Ngái, Na Đon… thêm hấp dẫn cuốn hút.
Ông Lý Ngọc Trai, bản Khuôn Thủng đang hướng dẫn sử dụng đàn tính cho một bạn trẻ.
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, các bản Tày Phúc Lương đã có những đóng góp quan trọng về sức người sức của. Nhiều giai thoại, huyền tích vẫn lưu truyền trong dân gian như những khúc tráng ca bất tử thể hiện lòng trung quân ái quốc. Tương truyền từ đời nhà Lý, một số đội quân xâm lược đã bị đánh tan tác khi chúng sa vào trận đồ bát quái của chiến binh Đại Việt. Với lợi thế địa hình núi non trùng điệp, nhiều thung khe bằng phẳng và sông suối hồ nước, các đời Vua thường chọn nơi đây luyện rèn các đội binh thiện chiến. Người bản Tày kể vào những đêm trăng sáng, nếu lên núi Cột Cờ áp tai xuống lòng đất vẫn nghe rầm rập bước quân đi, tiếng quân sĩ hô vang, tiếng gươm khua, ngựa hí…
Hầu hết các bản làng Tày đã định cư ở đây từ lâu đời. Gia đình ông Đào Trọng Xế, 82 tuổi ở bản Cây Thống cũng vậy. Ông tỏ ra thông thạo các phong tục tập quán, nét văn hóa của người Tày ở Phúc Lương và cho rằng trên địa bàn huyện Đại Từ, duy nhất Phúc Lương là một xã có nhiều đình, chùa, miếu mạo. Đó là các đình Na Bán, Hàm Rồng, Đồng Thin, Khuôn Thủng, Na Đon, Mon Ráy, Miếu Bồ Hòn, Ruộng Lớn và ngôi chùa Na Bán. Ngày trước, dân các bản Tày thường mổ lợn cúng tế tại các đình miếu sau đó chia phần về cho từng nhà. Riêng đình, miếu tại bản Cây Thống là nơi ngày xuân và các dịp lễ trọng của người Tày, bà con trong toàn xã tập trung mở hội với nhiều hoạt động văn hóa dân gian như ném còn, chơi đàn tính, hát then. Giờ đây các đình miếu hầu hết đã xuống cấp. Đàn tính, hát then cũng dần mai một, chỉ những người lớn tuổi còn giữ.
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Đào Văn Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã cho biết: “Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Phúc Lương là một căn cứ địa cách mạng quan trọng trong vùng ATK. Ngay từ năm 1946, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đã được thành lập lãnh đạo phong trào cách mạng ở hai xã Thượng Lương (Phúc Lương ngày nay) và xã Hạ Lương (nay là Đức Lương). Nhiều đồng chí cán bộ trung ương đã về đây làm việc. Một số cơ quan trung ương, đơn vị quân đội cũng đã đặt trụ sở tại xã. Hiện trên địa bàn xã có nhiều khu di tích lịch sử có giá trị như: Khu di tích Tôn Đức Thắng - xóm Cây Ngái, nơi bác Tôn từng ở và làm việc; Khu di tích Hội trường Tám Mái của Bộ Tổng tham mưu, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng; Nhà in báo Quân đội nhân dân trong những năm 1946 - 1955 tại xóm Mon Đỏ… Phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Tày và các dân tộc trên địa bàn là những nội dung xã đang nỗ lực triển khai. Bên cạnh thâm canh cây lúa và phát triển rừng, chè là một loại cây mũi nhọn đã được lãnh đạo xã tìm nhiều giải pháp hỗ trợ và vận động bà con nông dân mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…”.
Bản Tày và mùa sơn nữ hát
Già bản xóm Na Pài đón tôi vào thăm, chiều khách, ông vui vẻ chơi một đoạn nhạc từ cây tính tẩu và cất giọng trầm đục ngân mấy câu then bằng tiếng Tày. Tôi không hiểu lời bài hát nhưng cảm nhận được tiếng lòng thiết tha về quê hương đất nước. Sau khi mời tôi thưởng thức chén trà mới sao, ông hồn hậu: Tương truyền núi Chúa là nơi rồng ngự. Người Tày gọi con rồng là “tua luồng”. Thi thoảng tua luồng trườn lên trời để tắm, lúc ấy nó nhấp nhánh đủ màu sắc như một “luồng hoa”, dân gian gọi là cầu vồng. Luồng hoa là dấu hiệu của sự hòa thuận vũ trụ và của sự phồn thịnh, báo hiệu muôn điều tốt lành. Khi rồng đổ nước tắm xuống dưới đất thì trời vừa nắng, vừa mưa, vừa mây bay. Sông suối, hồ nước, đầm lầy Phúc Lương được tạo nên bởi muôn giọt nước tắm của rồng. Nhờ những giọt nước đó mà vạn vật sinh sôi nảy nở, cây cối tốt tươi. Cây chè đến với miền đất này tuy muộn mằn nhưng đã lắng đọng tinh túy của trời đất.
Giúp nhau thu hoạch chè.
Nhiều năm trước Phúc Lương được nhiều người biết tới là một xã vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, nhưng nổi tiếng với các bản làng nhà sàn. Một số ngôi nhà sàn bề thế, gỗ còn tốt đã được những người làm dịch vụ mua, tháo dỡ mang đi làm nhà hàng, hoặc phục dựng các khu nhà sàn phục vụ du lịch sinh thái. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của xã phát triển khá toàn diện. Hệ thống đường giao thông được bê tông hóa tới hầu hết từng xóm bản. Các công trình trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều ngôi nhà sàn cổ được bà con gìn giữ làm cho miền đất này vẫn mang dáng dấp bản Tày xa xưa. Một trong những biện pháp làm cho đời sống người dân được cải thiện rõ nét là việc chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Trong đó có việc đưa cây chè trồng trên đất Phúc Lương. Có mặt trên miền đất này chưa lâu, nhưng cây chè ở đây đã hứa hẹn những triển vọng tốt đẹp. Tôi khá bất ngờ được biết toàn xã có 549ha ruộng. Diện tích chè đã cho thu hoạch là 246ha. Khác với các vùng trồng chè lớn, cây chè ở Phúc Lương được trồng chủ yếu quanh các nếp nhà sàn, trên các sườn đồi và những thửa ruộng cao dưới chân núi. Bóng cọ xòe ô trên các nương chè tạo nên hình ảnh sinh động, không thể quên với những ai đến với miền đất này. Từ ngày có thêm cây chè, đời sống của người dân các bản Tày được cải thiện đáng kể.
Tôi thực sự ấn tượng với màu xanh tươi non, trong đó có màu xanh của chè. Dưới ánh nắng chiều mỏng mảnh vàng sánh, những búp chè non rờ rỡ ánh lên như ngọc. Nhiều bà con nông dân mải miết chăm sóc, chuẩn bị cho vụ thu hoạch chè mới. Do cây chè mới phát triển ở Phúc Lương, kĩ thuật chế biến của bà con chưa cao, nên hiện mới có một số ít người học và chế biến cho nhu cầu gia đình, chưa sản xuất thương mại. Hầu hết sản lượng chè búp tươi đều được các cơ sở chế biến lớn trong tỉnh thu mua. Họ cũng chính là đối tác cùng với xã hỗ trợ về giống, vốn, kĩ thuật và các điều kiện cần thiết cho phát triển cây chè.
Đưa chúng tôi đi thăm các bản Tày, khi tôi hỏi về triển vọng phát triển của miền đất với hầu hết là bà con dân tộc Tày ở đây, anh Lý Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Xã phấn đấu đến năm 2023 về đích nông thôn mới. Thế mạnh về đất đai và con người của xã bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực. Các loại cây ăn quả cũng đã được bà con trồng đại trà. Trong đề án phát triển kinh tế xã hội của xã, cùng với trồng rừng và cây lúa, chè là cây mũi nhọn. Chúng tôi đang nỗ lực để thành lập hợp tác xã sản xuất - chế biến và kinh doanh chè. Bên cạnh cung cấp ổn định sản lượng chè búp tươi cho bạn hàng, việc đầu tư để chế biến chè búp khô, xây dựng thương hiệu chè Phúc Lương cũng đã được xã và bà con nông dân xúc tiến các bước đi cần thiết. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa của các bản Tày mới dừng lại ở tiềm năng, chưa được đầu tư khai thác. Về chăn nuôi mới chỉ có một trang trại, còn chủ yếu vẫn là gia trại…”.
Bản Tày đổi thay nhanh chóng từng ngày. Những búp chè non xanh Phúc Lương đã góp phần làm nên thương hiệu chè Thái Nguyên. Kinh tế phát triển tạo nên diện mạo mới cho các bản. Bên cạnh đó, việc chăm lo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người Tày luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền và những người tâm huyết suy tư trăn trở.
Một trong những người lớn tuổi thành thạo đàn tính và có giọng hát then hay nhất Phúc Lương hiện nay là ông Lý Ngọc Trai, bản Khuôn Thủng. Tôi tìm tới nhà và may mắn gặp ông đang hướng dẫn sử dụng tính tẩu cho một bạn trẻ đam mê đàn tính, hát then. Thấy tôi tỏ ra thích thú, ông Trai niềm nở bộc bạch: Tính tẩu là một nhạc cụ gảy dây, còn gọi là đàn tính. Người Tày - Nùng bao đời nay đã gắn bó với cây tính tẩu, lời then. Ngày xưa mùa xuân là mùa các sơn nữ cất cao lời then bên tiếng tính tẩu. Dây đàn tính trước đây làm bằng tơ xe, nay là nilon, người Tày sử dụng loại 3 dây. Để có độ vang, âm sắc chuẩn người ta thường chọn quả bầu tròn và dày đều. Bầu đàn bằng gỗ âm thanh phát ra đanh và khô không đẹp như bầu đàn quả bầu khô. Cách chơi đàn xưa không dùng que khảy mà chỉ gảy bằng ngón tay trỏ của tay phải. Ngón cái và giữa giữ cần đàn ở nơi gần sát bầu đàn. Ngón trỏ gảy xuống và hất lên luân phiên khi chơi giai điệu nhanh. Còn nếu giai điệu chậm thì ngón trỏ chỉ gảy xuống. Kỹ thuật tay phải gồm có ngón vê, ngón phi và đánh âm nền. Tay trái gồm có các thế bấm như ngón rung, ngón vuốt, ngón vê, ngón phi, ngón luyến và âm bội. Lớp trẻ hiện nay có xu hướng ưa thích hát karaoke với các bản nhạc hiện đại, hoặc trữ tình lời mới. Nếu không chú trọng bảo tồn và phát huy, một lúc nào đó đại bộ phận người các bản Tày ở Phúc Lương không biết chơi tính tẩu.Học tính tẩu không quá khó, nhưng cũng không hề dễ dàng. Tính tẩu (đàn tính) cũng là đàn then. Sẽ không còn giai điệu lời then nếu không có tính tẩu. Ông đã bàn với Đoàn Thanh niên xã sắp tới sẽ phối hợp mở các lớp dạy đàn, hát then cho các bạn trẻ. Ông mong muốn mùa xuân mai sau sẽ là mùa các nàng sơn nữ cất cao lời then như bao đời người bản Tày vẫn hát…
Cùng với trồng rừng và cây lúa, chè đang trở thành cây mũi nhọn ở Phúc Lương.
Suốt cả buổi, bên nếp nhà sàn cổ dát tre mai vàng óng, tôi đã được đắm mình trong giai điệu tính tẩu, lời then với các bản tiếng Tày, tiếng Kinh ngọt lịm, nồng nàn: “Ngọt ngào như tiếng suối ngàn reo/ Ấm áp bên muôn ngọn lửa hồng/ Đậm đà hơn muôn vàn lời ca/ Là tiếng đàn tính quê hương…”. Và tôi thực sự như nao lòng trong lời mời gọi: “Chài ơi! Mùa xuân về khoe sắc đưa hương/ Đôi mình soi gương bên bờ suối/ Cảnh núi rừng hùng vĩ đẹp thay/ Vui ngày hội mùa xuân quê noọng/ Noọng ớ ới ơi…”.
Truyền thuyết con rồng ngự trên núi Chúa bay lên với bảy sắc cầu vồng, trở thành một “luồng hoa” ẩn chứa cả khát vọng phồn thịnh. Người các bản Tày hôm nay đang nỗ lực về nhiều mặt làm cho miền quê núi vươn mình. Chia tay Phúc Lương, tiếng tính tẩu và lời then cổ của miền đất này vẫn vấn vít: “Về Phúc Lương miền quê yêu dấu/ Đồng ruộng bậc thang trông như những làn mây/ Trống giục tung còn bay cao vút như là én liệng/ Vọng cao ngỡ như mặt trăng/ Đi hội xuân nao nức quả còn vắt trên vai/ Hội tan mời chài lên chín bậc cầu thang/ Ớ hơ ớ hơ…”.
Mùa xuân như ở lại trong ánh mắt, nụ cười, trong cả sắc chàm xanh của những nàng sơn nữ. Dường như trên mái cọ của các nếp nhà sàn tiếng tính tẩu ngàn xưa vẫn neo đậu và mơn mởn sắc xuân. Tôi tin một ngày không xa, các sản phẩm của miền đất Phúc Lương sẽ làm nên làn hương thơm dịu ngọt và nhiều sắc màu tươi thắm trên các bản Tày. Mùa của dân bản không chỉ là mùa ngô lúa, trái cây, mà còn thêm cả những mùa chè thơm, mùa sơn nữ hát.Và rất có thể, ý tưởng một vùng du lịch sinh thái văn hóa Tày nay mai sẽ hiện hữu chào đón du khách gần xa.
Phan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...