Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
07:52 (GMT +7)

Băn khoăn… chờ lương mới

“Lương mới” ở đây là việc trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, được Quốc hội “chốt” thực hiện từ ngày 01/7/2024. Đây là vấn đề được người hưởng lương rất quan tâm, bởi nó liên quan trực tiếp tới đời sống của họ.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới thời điểm áp dụng, nhưng đến nay những đối tượng được thụ hưởng vẫn chưa biết bảng lương mới của mình.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn

Theo quy định, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan của Đảng, Quốc hội trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản về chế độ tiền lương mới theo thẩm quyền quản lý của các cơ quan. Nhưng hiện tại, tra tìm các văn bản đó trên Internet vẫn chưa thấy. Có dư luận cho rằng: Việc trả lương mới cho đối tượng thụ hưởng từ tháng 7/2024 nhiều khả năng là chưa thực hiện được…

Người hưởng lương mới băn khoăn không chỉ vì muốn biết mình có được trả ngay từ tháng 7 hay không, hay phải truy lĩnh sau; mức lương sẽ được hưởng là bao nhiêu,… mà họ còn băn khoăn bởi nhiều vấn đề khác có liên quan.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương (Nghị quyết 27), việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Đây là điểm mấu chốt, khiến mọi người có thể bước đầu yên tâm. Nhưng với những người quan tâm, họ sẽ thấy còn không ít vấn đề vướng mắc.

Trước tiên, hãy nói về “Trả lương theo vị trí việc làm”.  Nội dung cơ bản của nó là căn cứ vào từng chức danh, chức vụ, cơ cấu tổ chức trong công chức, viên chức để xác định mức lương cụ thể cho từng đối tượng. Nhà nước sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Theo đó, mỗi ngành sẽ có một số vị trí việc làm; mỗi vị trí việc làm có mức lương riêng cụ thể theo mức độ phức tạp của công việc, không còn "cào bằng" giữa mọi ngành như hiện nay.

Người dù mới được tuyển dụng/bổ nhiệm nếu đáp ứng được yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó sẽ được lương tương xứng với công sức và kết quả làm việc. Riêng những người giữ chức vụ lãnh đạo được hưởng lương theo chức danh, chức vụ đang giữ.

Sẽ có một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Bảng lương này được xây dựng theo nguyên tắc: Giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới.

Theo chủ trương, sẽ quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương, mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.

Nghị quyết 27/2018 cũng yêu cầu xây dựng một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.

Bảng lương này xây dựng theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.

Chủ trương, cách làm như trên về cơ bản là khoa học, hợp lý, nhưng không phải không có những điểm hạn chế, bởi mọi vấn đề đều có tính hai mặt của nó.

Chẳng hạn, theo quy định mới, với những người giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã thì hưởng lương như nhau. Tuy nhiên, do tính đặc thù của từng địa phương, đơn vị, nhất là đối tượng quản lí và đối tượng thụ hưởng các dịch vụ công không hề giống nhau, sẽ dẫn đến công sức lao động phải bỏ ra ở mỗi nơi là khác nhau. Liệu bảng lương mới có tính đến và khắc phục điều đó?

Về mặt tổ chức, cán bộ, khi lương và vị trí việc làm đi đôi với nhau, thì việc điều chuyển nhân viên, luân chuyển cán bộ cũng có thể gặp những khó khăn. Chuyển đến vị trí việc làm có thu nhập cao hơn thì thuận, song đến vị trí có thu nhập thấp hơn người ta sẽ vin vào lý do rằng vị trí công việc đó không phù hợp với vị trí việc làm đã được tuyển dụng, bố trí để không nhận. Đấy cũng là một vấn đề cần quan tâm.

Về mức lương, theo Nghị quyết 27, “chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”, trong khi cùng một vị trí việc làm, ở các địa phương, đơn vị khác nhau thì người hiện hưởng có mức lương rất khác nhau. Vậy lấy căn cứ nào để xác định mức lương chung cho cùng một vị trí việc làm như nhau ở các đơn vị, địa phương đó?

“Tôi không biết cách tính lương mới sẽ thế nào, tổng thu nhập của tôi có thay đổi nhiều không, cao hay thấp hơn, có được đảm bảo quyền lợi hơn cách tính lương cũ không... Một số giáo viên khác cũng như tôi đang lo lắng lương bị giảm đi chứ không giữ nguyên hay tăng lương. Tôi hy vọng chúng tôi đã tính sai và lương sẽ được cải thiện sau ngày 1/7/2024” – một giáo viên ở Hà Nội đã chia sẻ như vậy trên báo điện tử Dân Việt.

Thiết nghĩ, những băn khoăn nêu trên và cả những vấn đề khác chưa được đề cập đến ở đây, cần được các nhà hoạch định chính sách lưu tâm, để khi vào cuộc sống nó sẽ kịp thời phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Dù có ít nhiều băn khoăn, song chúng ta hy vọng và tin tưởng rằng: Một chủ trương lớn đã được Đảng ta đề ra (từ năm 2018), đã được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng và triển khai thực hiện, thì nhất định nó sẽ thành hiện thực và phải cơ bản đạt được những mục tiêu đã đề ra: “Xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ…”.

Thái Văn

2 đã tặng

0

0

0

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy