Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
19:08 (GMT +7)

Bài toán an toàn thực phẩm ở Việt Nam: Còn “mất bò mới lo làm chuồng” đến bao giờ?

Xin được mở đầu bằng các câu chuyện rất thật sau đây, hy vọng tôi kể ra sẽ không bị ai hiểu lầm là cá nhân hóa bài viết này. Trong một lần trả lời phỏng vấn của nhà báo Đỗ Bạch Dương - VTV3, với câu hỏi: “Là nhà báo điều tra, anh đang bức xúc với chủ đề nào nhất?”. “Mất an toàn thực phẩm”. Chỉ nửa giây sau câu hỏi, tôi đã bật ra câu trả lời như vậy!


Sự vô cảm là thứ đầu độc đáng sợ nhất

Vâng, tại sao hơn 90 triệu đồng bào của ta lại khổ sở với vấn đề an toàn thực phẩm đến thế? Lỗi là do ai? Các nhà báo chúng tôi, rồi cảnh sát môi trường, quản lý thị trường và ngành chức năng liên tục đưa ra ánh sáng những vụ việc tày trời. Đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng đã đủ kinh thiên động địa rồi. Hàng trăm công nhân và học sinh ngộ độc cùng lúc, vì ăn rau bẩn, cá bẩn, thịt bẩn. Thịt có dòi đưa vào các bếp ăn tập thể bằng thủ đoạn đê hèn của các công ty ít hoặc nhiều là “sân sau” của cán bộ cơ sở. Thực phẩm bẩn núp bóng thực phẩm sạch, dán nhãn mác các công ty mang tên mĩ miều như “Đạo Đức”, “Trung Thành” rồi tuồn vào siêu thị hàng núi!

Chúng tôi cùng phóng viên VTV phải quay lén, “bắt tận tay day tận trán” nhưng sau lại... hòa cả làng. Bức xúc tí rồi ai nấy tá hỏa đi làm việc khác. Mọi việc đâu lại đóng đấy.

Từ điều tra công phu của chúng tôi, sau khi trên các tờ báo liên tiếp đưa ra loạt bài về việc thực phẩm và người tiêu dùng đang bị đầu độc bởi... sự vô cảm của cơ quan quản lý, nào là thịt thối biến thành thịt hun khói, lạp sườn, xúc xích; rồi chuột cống từ nhà xác bệnh viện núp bóng đặc sản trước khi “đi thẳng” vào mồm người vô tội; và: mỡ thối phù phép thành mặt hàng quen thuộc không thể thiếu trong mỗi gian bếp; chợ lợn chết hơn chục năm hoạt động giữa Thủ đô Hà Nội. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo khẩn cấp, đề nghị các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội quyết liệt vào cuộc xử lý.

Nhưng, “ra quân rồi lại thu quân”. Các điểm nóng trên, hơn 10 năm qua, lần nào chúng tôi về điều tra và ghi hình lén thì vẫn “nước đổ lá khoai”, chứng nào tật nấy.

Tại sao các bệnh viện của chúng ta luôn nườm nượp, đặc biệt là bệnh viện ung bướu luôn quá tải bậc nhất? Nguyên nhân đi đầu là thảm nạn thực phẩm bẩn. Nó làm người ta miệng nôn trôn tháo ngay khi đang ăn, nó tích tụ hóa chất và sự độc hại để gây bệnh trong cả thời gian dài hoặc khá dài sau đó, nó làm suy giảm giống nòi Việt, nó là thứ tội ác chống lại loài người. Nhưng chúng ta đã quản lý quá lỏng lẻo các quả bom hung hãn này.

Mỗi dịp Tết, chúng tôi lại cùng các đồng chí công an đi bắt nhiều tấn bao bì, nhãn mác thực phẩm giả ở một cơ sở nào đó. Rau củ quả, thịt thà cá mú tuồn từ nước ngoài về Việt Nam, họ ướp ủ đủ thứ hóa chất nhưng vẫn bày bán khắp nơi và người dân thì tin vào các nhãn mác rởm dán trên đó. Táo Tàu biến thành táo Úc, táo Mỹ, táo New Zealand; đủ loại “đặc sản” kinh tởm leo lên bàn tiệc sang trọng dưới danh nghĩa “hàng Việt, hàng Mỹ và châu Âu” khiến thực khách tội nghiệp hân hoan đánh chén rồi lãnh đủ. Chỉ có con buôn trục lợi, nhưng rồi chính họ cũng lại là nạn nhân của đủ thứ thực phẩm bẩn khác, sau khi họ lừa “con Lạc cháu Hồng” theo cùng thủ đoạn trên. Kẻ bảo kê cũng chung số phận, người tốt cũng chả thoát. Một cái vòng xoáy luẩn quẩn và định mệnh.

Giống như câu chuyện ám ảnh mà chúng tôi đã từng phỏng vấn trong Bệnh viện K, anh trồng chè đang truyền hóa chất thì khoe, tôi trồng hàng chục héc-ta chè, bao giờ cũng dành một luống không phun tưới hóa chất thuốc trừ sâu để uống; giường bên, khò khè trong cơn nôn mật xanh mật vàng vì hóa trị ung thư phổi, anh trồng rau tiết lộ, tôi cũng có vườn rau riêng phục vụ mình và cho con cháu mang về Hà Nội ăn, chứ rau kích phọt bằng thuốc Trung Quốc thì bố ai mà dám ăn. Hai người đàn ông tội nghiệp ấy không biết rằng, anh trồng rau chỉ được ăn duy nhất rau sạch, còn lại hàng trăm thứ thực phẩm khác anh ăn, trong đó có chè của anh giường bên, đều bẩn. Chuyện thảm sầu y như vậy với ông bác chỉ được uống duy nhất chè là... sạch kia. Và tôi chợt nghĩ tếu táo, nếu anh nhà báo không lên tiếng tử tế, giữa vòng xoáy chết chóc kia, may ra anh ta cũng chỉ được đọc đúng các bài báo của mình là sạch, còn lại các món ăn khác bẩn tất. Bởi chúng ta đang sống trong một xã hội hàng hóa với dòng cuộn xiết lòng vòng của nó.

Bố tôi bảo, chúng ta sống ở một đất nước nông nghiệp nhiệt đới, rau củ quả vãi hạt cắm cành ra là mọc như rừng cả, sao người ta khổ sở vì cái rau con cá thế. Bởi anh em tôi đồng loạt về quê, sắm sửa hộp xốp, thùng nhựa, tủ đông tủ đá để mỗi tuần khuân đồ của ruộng đồng nhà mình, do anh em ruột thịt nuôi trồng (thế mới đáng tin!) về Hà Nội ăn dần. Thà ăn rau héo nẫu còn hơi rau tươi bắt mắt tẩm thuốc trừ sâu. Mẹ tôi thở dài: như thời bao cấp, như “đi hoạt động cách mạng”, sao các con khổ đến thế. Vâng, giữa sự sống và cái chết, giữa một tâm thế “không cọng rau miếng cá nào bỏ vào miệng mà thấy ngon được, vì mất niềm tin vào cung cách quản lý thực phẩm”; thì chúng tôi không còn cách nào khác. Rau tràn ngập bất cứ cái chợ cóc chợ vỉa hè nào, nhưng người Hà Nội vẫn tự lập nhà kính, tự mua hạt và dụng cụ tưới tắm về trồng vài cây rau cớm nắng trong các khu cơi nới toen hoẻn của mình. Bởi họ mất niềm tin. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ ăn rau do mình trồng được vài bữa, còn đâu đi nhà hàng, khách sạn, đi công tác, tiếp khách, vẫn phải ăn “đồ ngoài” búa xua. Và ma trận khách sạn 5 sao đắt đỏ vẫn là rau chợ đầu mối, thực phẩm vẫn là thứ đi theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về, có giời mà thoát.

Nếu ai đó muốn phản biện rằng tôi đang hù dọa độc giả hoặc tôi bị hoang tưởng bởi thực phẩm bẩn thì xin hãy liên lạc với người viết bài này, mọi ghi âm, ghi hình, mọi bài báo và các chương trình đã phát sóng trên VTV sẽ được kính chuyển ngay lập tức. Như thế để đỡ mất thời gian đọc và xem lại ở đây.

Công nghệ giết chuột cống làm thực phẩm cho người ăn ở Bắc Ninh

Khi con buôn dạy lại "chuẩn hàng hóa" cho người tiêu dùng

Nguyên nhân của tình trạng lộn tùng phèo trong sản xuất, lưu thông, buôn bán và chế biến thực phẩm trên, là do bàn tay của nhà quản lý vẫn chưa đủ quyết liệt và hiệu quả.

Thực phẩm bẩn tuồn vào siêu thị, bị bắt quả tang, sao không đóng cửa siêu thị? Nhà trường ăn dơ với doanh nghiệp tuồn thực phẩm kém chất lượng vào nhiều trường học cùng lúc, khi bị tố cáo ầm ĩ như ở Hà Nội, Bắc Ninh vừa qua, sao không chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đó và “thay máu” ban giám hiệu? Rau củ quả bị doanh nghiệp rêu rao cung ứng rau sạch đem từ chợ đầu mối về, phù phép đóng gói, dãn nhãn thành “thương hiệu rau sạch”; rồi họ cắm bừa mấy cái biển “vùng nguyên liệu rau sạch” để “truy xuất nguồn gốc” vào cái vùng chả liên quan gì đến họ, rồi mượn chứng minh thư của người dân đưa vào “hồ sơ năng lực”... Chuyện đó đã được các nhà báo điều tra tố cáo, doanh nghiệp đã bỏ của chạy lấy người - vậy sao không xử phạt, bắt giữ, truy tố cái tội lừa đảo ấy?

Tại sao thực phẩm bán tràn lan ngoài chợ, ngoài siêu thị không hề được kiểm nghiệm chất lượng đầy đủ tất tật trước khi nó lên bàn ăn của thực khách? Tại sao tư thương sấp mặt vì tiền có thể mua được nhãn mác rởm, cả tem chống hàng giả để dán bừa vào các mặt hàng đểu, lừa đảo người tiêu dùng được - ai bán, ai mua, ai vi phạm? Tại sao nhà báo đi thực tế nửa tiếng là xâm nhập được vào các ổ kia và đăng phát trên báo chí truyền hình, mà cơ quan điều tra không làm nổi? Sao nước ngoài họ làm được? Xin thưa, đây là các kẽ hở đã và đang chết người làm chết nhiều thế hệ người và làm mất niềm tin của người dân vào thực phẩm của chính họ!

Kinh hoàng với rượu độc bằng cồn công nghiệp và nước lã ở Bắc Ninh

Kết quả từ mẫu cồn do nhóm Phóng viên đưa về Viện Kiểm nghiệm ATVSTP, Bộ Y tế xét nghiệm, cho thấy đó là cồn vô cùng độc hại nếu dùng để pha làm đồ uống

Vậy cần làm gì vào lúc này?

Câu trả lời đơn giản, hãy xem các quốc gia lừng danh thế giới về thực phẩm sạch mà làm thôi. Nếu thiếu tiền đi học tập kinh nghiệm thì chúng tôi đứng ra xin tài trợ giúp, nhưng nhớ là đi về thì phải triển khai đàng hoàng nhé (!).

Tại sao tôm, cá, rau, củ, quả của ta xuất sang Nhật, Mỹ, EU cứ thỉnh thoảng lại bị trả về? Sao hàng “trả về” đó bán trong thị trường Việt Nam thì ai cũng khen ngon và coi cái việc “hàng xuất lỗi châu Âu” chính là bằng chứng về việc chúng quá xịn? Cái mồm người Việt nó khác cái mồm của người nơi khác sao? Bởi chúng ta còn khó khăn và đôi khi không biết tẩy chay cái gì, bởi chúng ta quá xuê xoa dễ tặc lưỡi cho qua “người ta ăn được mình cũng ăn được”?

Thực phẩm của Việt Nam sang các thị trường khó tính, có tí ti dư lượng kháng sinh, hoặc nhãn mác ghi sai một thành phần bé xíu (có khi không độc hại!) là bị trả về, bị tẩy chay, bị phạt nặng hàng triệu đô la. Tôm cá của ta thì thấy bán là mua, mua về là ăn, ngộ độc thì đành chịu. Trong khi nhà báo chúng tôi phải tẩy trùng, phải bọc ống kính, phải bọc hết tóc tai của mình lại khi vào thăm khu làm tôm cá xuất sang châu Âu, vì họ sợ một sợi tóc nào đó vô tình rơi vào lô hàng thì mất toi tiền tỷ nộp phạt. Đó là văn hóa kinh doanh, văn hóa quản lý cuộc sống an toàn của họ. Cái miệng ăn của họ có danh dự và nhân phẩm. Vậy ta học họ thôi, vì sức khỏe là trên hết và sức khỏe của thế hệ dân số vàng chính là tương lai cho sự hùng cường của dân tộc! Với lĩnh vực này, quản lý ẩu là phi đạo đức và phản nhân văn.

Nếu không hành động, thì chưa bao giờ con đường từ bàn ăn đến nghĩa địa lại ngắn đến thế. Một đại biểu khả kính đã khảng khái nói trong nghị trường Quốc hội, điều đó đã ám ảnh nhiều người. Nếu không hành động, thì niềm tin vào thực phẩm an toàn không còn và chúng ta sẽ không có quyền ăn bất cứ cái gì mà cảm thấy nó ngon nữa. Con buôn, khi không được quản lý, cộng thêm sự dốt nát và thất nhân tâm của chúng, đã khiến chúng ta trở thành những kẻ giao súng lục cho đối tượng ngáo đá mà cái súng đó lại có triệu triệu nòng đang chĩa vào tất cả chúng ta. Chĩa cả vào thế hệ chưa hề được hạ sinh. Oái oăm hơn, chúng còn dạy lại người tiêu dùng thói quen sử dụng sản phẩm bẩn.

Có một ví dụ như sau: bà con ăn mắm tôm từ ngàn đời, cả năm mới ủ được một ổ muối cộng với con moi biển, trước khi chế tác ra mắm tôm truyền thống. Bây giờ, để tăng lợi nhuận gấp nhiều lần, con buôn dùng các loại hóa chất, ủ thật nhanh mỗi tuần một mẻ, bán tống bán tháo, vì làm ẩu nên mắm tôm sẽ nhanh thối và không có màu đẹp, chúng tống thêm hóa chất tạo màu và chất bảo quản ngoài danh mục vào. Thế là bà con ta ăn hóa chất và chúng dạy bà con là mắm tôm phải hồng tươi mới ngon và thanh lịch, ăn phải có vị thơm mới “chuẩn không cần chỉnh”.

Xưa nay bà con chưa có thói quen đó, giờ con buôn nó áp vào, người tử tế với mắm tôm truyền thống, muốn bán được hàng, cũng phải hồng tươi và thơm tho như vậy chứ. Thế là tất cả đều bị đầu độc. Nhiều người biết, nhưng lợi nhuận tăng cao, nên con buôn trích núi tiền đó ra để hối lộ, bôi trơn mua lấy sự “im lặng”. Chúng vẫn lãi đơn lãi kép. Một bài toán tàn độc nhưng sắc sảo!

Xác lợn chết được mổ xẻ, chế biến thành đặc sản thịt hun khói mà chúng tôi điều tra công phu rồi báo cáo cơ quan chức năng bắt giữ

Táo ở Hà Nội chứ không phải táo Luân Đôn hay táo của cụ tổ A-đam!

Tôi không phải chuyên gia về an toàn thực phẩm, nhưng tôi cũng là người lên báo chí, truyền hình, đích danh phản đối lãnh đạo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), rằng tại sao họ không hành động hiệu quả mà lại chỉ có hô hào bà con hãy trở thành người tiêu dùng thông minh. Hơn một lần, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc nhở điều này. Từ bấy, mỗi lần đi nước ngoài, tôi bèn đích thân tìm hiểu vệ sinh an toàn thực phẩm của họ và nghĩ rằng cần viết lên báo để kính chuyển các gợi ý này cho đông đảo cán bộ hữu trách.

Như sau: ở Nhật Bản, khi tôi đi cả tháng ở Tokyo rồi Kyoto mênh mông, ăn bất cứ quán vỉa hè nào, mà chưa một lần thấy sôi bụng hay ngán ngại cái gì. Hơi ngạc nhiên về “thí nghiệm” này. Bạn tôi sống ở đó hơn 19 năm, bảo, ngược lại với ở ta, người Nhật không hoặc rất ít khi ăn hoa trái trong vườn nhà họ. Ở Việt Nam ta, tin là vườn nhà, không phun không tưới không ướp không ủ hóa chất gì gì cho hoa quả đó, thì ta đánh chén là lành nhất. Họ thì nghĩ, ra siêu thị mua, có truy xuất nguồn gốc nông trại, có kiểm định chất lượng an toàn của hoa quả, ăn mà bị làm sao thì truy tố người gây họa ngon ơ. Còn cây trong vườn, chim bản địa và chim di cư nó mang đủ thứ mầm bệnh về, sâu bọ nó đục khoét bẩn thỉu, ai kiểm tra kiểm soát đâu mà ăn! Táo của họ rụng trong vườn cho thơm đất đai. Ở Đức, bạn tôi sống tại thủ đô Berlin 30 năm ròng, lại làm nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống với cả chuỗi nhà hàng. Anh bảo, tôi nhớ quê kiểng trên đất Việt nên nuôi gà để ngắm, nhưng lại không được khuyến khích giết thịt gà nhà mình. Mà tôi cũng chả tội gì thịt nó, vì nhỡ nó bị cúm gà, rồi khi mổ, máu, lông, phân, ruột của nó được thải ra môi trường, nó mà lây bệnh ra cộng đồng thì mình sẽ bị xử phạt rất nặng. Trong khi ra siêu thị, thịt thà cá mú có đóng tem mác, dấu lệnh chứng minh nguồn gốc và sự an toàn, tội gì! Còn gà nhà ta nuôi, ta cứ việc bán cho nông trại, cho lò giết mổ, để họ kiểm nghiệm và xử lý các vấn đề môi trường dịch bệnh rồi đóng dấu xác nhận trước khi đem bán. Ông bạn khác lái xe đêm trên cao tốc chẹt chết con cầy. Tiếc của, mang về nhà mổ, hàng xóm báo cảnh sát, anh chưa kịp chế biến, đã thấy cảnh sát lom khom nai nịt súng ống bộ đàm vây quanh nhà như bắt trùm khủng bố.

Họ quy củ như vậy cho nên họ vẫn được theo tổ tiên mình thẳng răng cắn những trái táo thơm lộng lẫy mà ông A-đam với bà E-va đã ăn trong Vườn địa đàng thuở trước. Cắn quả táo và ăn cả vỏ, nó ngon hơn cả cái trái táo cắn dở Apple của Iphone, Macbook, Ipad. Còn người Việt ta, mua quả táo nghi của Tàu dán mác Mỹ, Úc về, ngâm, tẩm, sục ozôn, gọt vỏ, vừa ăn vừa lo vừa kiểm tra nhãn mác điêu trá. Thương thay.

Thương hơn nữa, là chuyện của Johan, bạn tôi, một nhà báo ở Anh sang Việt Nam tác nghiệp. Tôi đưa anh ta đi Hà Nam, Thanh Hóa viết bài, đến gần khu vực Bệnh viện Hàm Rồng thì anh ta gục xuống sau cả 3 ngày liên tục bị Tào Tháo đuổi. Anh ta gần như suy nội tạng do mất nước và miệng nôn trôn tháo kéo dài, anh ta lại không tin thứ thuốc nào nếu bác sỹ riêng ở Luân Đôn chưa kê đơn. Lý do: tại Hà Nội, Johan đã mua cả túi táo đỏ hồng, to bự, giòn tan, thơm nít mũi và há mồm cắn rôm rốp. Tôi giữ toàn bộ video vụ này, như một nỗi xấu hổ chưa bao giờ nguôi ngoai vì thực phẩm mất an toàn ở Việt Nam. Nhà báo Johan ơi, táo ở Hà Nội, từ Trung Quốc tuồn sang, chứ đâu phải táo nước Anh hay táo trong Vườn địa đàng của cụ A-đam!

Ở các nước tiên tiến/ phát triển, họ xử phạt cái tội làm thực phẩm bẩn rất nặng. Trong khi ở ta, bắt một tấn mỡ thối hay một nghìn tấn mỡ thối một lúc, thì vẫn là vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và xử với mức như nhau. Nhẹ hều.

Hãy đặt tính mạng con người trước các “bản án” kiểu này và bỏ tù hay tịch thu toàn bộ gia sản của những kẻ mà báo chí, truyền hình, các nhà điều tra bắt tận tay day tận trán thủ đoạn làm hàng giả, hàng rởm, tống hóa chất vào thức ăn của con người. Cần các phiên tòa xử lưu động làm răn. Hãy xem vì sao cá ngừ của ta mang sang Nhật bán vài lần rồi dừng lại, và vì sao tỉnh Bình Định xuất bán vài con cá này sang Nhật lần đầu tiên mà báo chí truyền hình cả nước đưa tin như là niềm tự hào của hàng hóa Việt Nam? Vì sao một lô xoài của Việt Nam sang được thị trường Mỹ mà ngành nông nghiệp nước nhà xôn xao vui sướng, truyền hình Việt Nam ở Mỹ liên tục đưa tin từng diễn biến của “sự kiện lớn”? Là vì Mỹ, Nhật hay EU, họ quản lý vô cùng chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm. Một lô quả dâu tây bị phát hiện có kim nhọn “lẫn vào”, lập tức mặt hàng này bị tẩy chay trên diện rộng ở Úc. Một mặt hàng khoái khẩu ghi trên nhãn mác lượng chất béo hơi ít hơn so với thực tế, cũng bị phạt nặng và tẩy chay ầm trời (tôi là con nhà nông dân, lúc đầu, thì cứ nghĩ cho thêm ít mỡ hay miếng thịt vào món ăn thì mình sẵn sàng... trả thêm tiền chứ?).

Bạn đang nằm trên tấm đệm êm mà không dám tin rằng bên dưới không có các gói thuốc nổ TNT? Bạn đang ôm ấm người trong mộng mà lòng băn khoăn tự hỏi, chàng (nàng) liệu đã nhiễm HIV chưa nhỉ? Vâng, đó là cảm giác của tôi khí bỏ một miếng thơm tho nào đó vào mồm khi ăn ở quán xá, nhà hàng tại nước mình. Bao năm không được hưởng hạnh phúc ăn một miếng ngon với niềm tin và sự cầu nguyện cảm ơn trời đất thánh thần đã ban mùa vàng cho xứ mình. Tại sao như vậy?

Họ quản các thứ để ăn vào mồm bài bản tới mức nào? Trẻ lên ba cũng biết. Cái gì sản xuất, bán ra thì cần được kiểm tra, xét nghiệm, vi phạm thì xử lý đúng tính chất nguy hiểm của việc đút cái độc hại đó vào chính mồm của người quản lý hay vợ chồng con cái họ. Thế là xong, hết chuyện. Bạn tôi bán hàng ăn ở châu Âu, tôi hỏi: liệu có bán hàng rởm để tăng lãi suất được không? Anh thở dài: không được đâu. Vì muốn có hàng rởm thì phải có nguyên liệu rởm. Mà ở đây không sao mua được thứ nguyên liệu rởm đó. “Nó” bán cái gì cũng có nguồn gốc và kiểm tra kĩ. “Tớ buộc phải bán đồ xịn!”. Vả lại bị họ phạt một lần là sạt nghiệp hoặc đi ở tù, cũng không ai dám làm. Anh mô tả: bên an toàn thực phẩm đến kiểm tra khu chế biến thức ăn thường xuyên. Các dụng cụ như cái nồi hay con dao, nếu có cọng gỉ sét, là bị phạt nặng. Họ ngó cả mặt dưới của cái bếp từ, cả mặt sau của cái bồn rửa bát, két tí bẩn tí nhọ nhem là phạt.

Anh xúc động: “Cậu nghĩ đi. Tớ bao năm buôn tàu bán bè đủ loại hàng rởm ở Việt Nam, mà sang đây tớ thần phục cái việc quản lý thực phẩm xịn của họ thế. Tớ không bao giờ nghĩ mình đủ tàn ác để nhập nguyên liệu xấu hay chế biến ẩu cho thực khách nữa, vì họ đã dạy tớ. Đó là đạo đức, là văn hóa, còn là sự sống còn của nền kinh tế cũng như danh dự của chính gia đình tớ. Còn bạn tớ, một “Tây ba lô” bao năm ở quốc gia thượng tôn luật pháp, nhưng vừa sang Việt Nam hai năm, cu cậu đã phóng xe Min-khù-khờ khắp nơi, không mũ bảo hiểm, bóp còi ầm ĩ, uống bia hơi cụng rôm rốp rồi vượt đèn đỏ. Vì sao? Vì tâm lý bầy đàn, cu cậu thấy người ta làm như vậy cả, cũng phải nhập gia tùy tục chứ!”.

Bạn nói xong, tôi ngẫm nghĩ và tê tái xót xa: sự buông lỏng của chúng ta đã khiến nhiều người mất niềm tin và họ cũng buông xuôi mặc kệ. Vậy là “nước nổi lo chi bèo chẳng nổi”, họ bắt chước nhau làm bậy - một khi chúng ta không có bàn tay thép trong lĩnh vực này để cứu đồng bào mình và cứu chính mình cùng gia đình mình!

Đỗ Doãn Hoàng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục