Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
10:08 (GMT +7)

Anh Trần Túc

Tôi đã viết 2 cuốn tiểu thuyết về Sư đoàn 312 thân yêu của tôi. Tập 1: “Trung đoàn 165” dày 650 trang khổ 14,5 x 20,5cm do Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên ấn hành năm 2015. Tập 2: “Lính 312 khúc bi tráng thời đại” dày 660 trang khổ 14,5 x 20,5cm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2019. Tôi đang lụi cụi viết tập 3 (cũng vẫn về lính 312), lấy tên là: “Đại tướng”, thì nhận tin của anh bạn nhà văn Trịnh Duy Sơn ở TP. Hồ Chí Minh nhắn: “Cậu viết về anh Trần Túc - Chính trị viên Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 mình đi. Mình đang cần loạt bài đó… Mọi người ở trong này đọc cuốn sách “Nguyễn Kiệm - vị tướng trận mạc, liêm chính” do nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2021, khen bài Đỗ Dũng, cuốn đó có ấn tượng với Sư đoàn 312 ta lắm…”.

Vâng! Tôi đã viết xong và xuất bản 46 tập thơ, văn, hồi ký và tiểu thuyết về những người Anh hùng của Sư đoàn 312 kính yêu của tôi. Họ chiến đấu từ Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Sông Mã, Vĩnh Yên, Điện Biên Phủ đến Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng - Lào rồi tiếp đến Quảng Trị 1972, Bình Dương 1975, Vị Xuyên - Cao Bằng 1979 - 1989. Xuyên xuốt 2 cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Sư đoàn 312.

Nhưng thưa rằng, không thể kể hết những người con ưu tú trong Sư đoàn 312 của tôi… Trường hợp anh Trần Túc cũng không ngoại lệ… Tôi chỉ xin ghi chép lại một số kỷ niệm về anh thôi.

Nghĩ về anh tự dưng trái tim tôi lại rừng rực hiện lên những thước phim chiến tranh, mà hình ảnh người Chính trị viên gầy guộc với những trận đánh oai hùng của Trung đoàn 165 thân yêu… chiến dịch Bản Na, hoa đào nở muộn.

Địch chia quân tiến ra Cánh Đồng Chum và các vùng phụ cận thành 3 hướng chủ yếu: Hướng từ trung tâm sào huyệt Sảm Thông - Loong Chẹng đánh ra Cánh Đồng Chum, chúng dùng 19 tiểu đoàn mạnh có phi cơ Mỹ yểm trợ; Hướng Bom Lọng (Thượng Lào) đánh xuống, chúng tung 4 tiểu đoàn; Hướng đánh ra Mường Sủi địch sử dụng 4 tiểu đoàn. Địch dùng binh đoàn chủ lực cơ động là đơn vị tác chiến 1 hướng chính của chiến dịch…

Đường bay hướng Tây thể hiện đường bay chung của lực lượng B52 để vào đất liền, từ đó phân tán trên nhiều đường bay vào Bắc Lào và miền Bắc Việt Nam (hướng mũi tên). Ảnh tư liệu.

Trước tình hình căng thẳng đó, Bộ chỉ huy Mặt trận Cánh Đồng Chum (gọi là đoàn 959) trao cho E165, F312 lập phương án đánh chống lấn. Vì trước đó 3 chiến dịch: “Xa Ma Khi, Cù Kiệt, 74-B” ta đánh cho địch tơi tả. Chúng ta chặn “lũ ống” ộc từ Moọng Tớ ra Đồng Chum. Thế là từ đây những trận chiến đấu mới trong mùa mưa lại bắt đầu với Trung đoàn “Thành đồng biên giới”….

Trung đoàn ơi! Người như mẹ hiền, đồng đội là anh em ruột thịt chia lửa, chia máu, chia niềm vui, nỗi khổ cùng nhau trong suốt cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. Anh Túc hồi đó ở đặc công rồi bộ binh đi khắp các Tiểu đoàn 4, 5, 6 trong Trung đoàn 165. Giải phóng Phu Tây (Phu Theng Leng) 19/12/1971 xong rồi anh Túc dẫn quân (Đại đội 7) vào khu vực trung gian: Phu Pha Xay - Hin Tạng. Phu Pa Xay 2063m, Phu Lũng Mạt 2100m và một số cao điểm nối dài tới Nan Cha 1978m, 1900. 1516, 1800. Anh Túc chốt chặt ở 1664 (4 chốt). Đặc điểm dãy 1900 và 1664 là nơi phân chia ranh giới chốt rất căng thẳng, gay go quyết liệt giữa ta và địch. Bởi vì dưới 1900 là một loạt hang đá vôi “Bom không thể phá nổi”. Ba đại đội 5, 6, 7 được tăng cường 1 khẩu đội 12 li 7 cũng đại đội 8 cùng D5, E165 chốt giữ một dải 1664 bảo vệ chỉ huy sở Trung đoàn 165. Để chuẩn bị đánh Nan Cha và 1300 Sảng Thông - Loong Chẹng cùng khu Vàng Pao.

Một máy bay tàng hình của Mỹ thả bom vào mục tiêu ở Việt Nam trong chiến dịch Liner Backer II. (Ảnh tư liệu)

Một kỷ niệm với anh Túc không bao giờ quên trong tôi…

Đó là vào tháng 3 năm 1972 ở Xiêng Khoảng - Lào. Tôi lính trinh sát (C20, E165, F312) đi trinh sát ở Loong Chẹng về “sục” vào đơn vị anh Túc tìm cơm nguội… Hồi đó anh Túc là lính Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 5 đang chốt ở 1664 (nơi đây ta và địch tranh chấp nhau từng tấc đất). Tôi đang loay hoay với đống mìn do đồng đội mình rải thì nghe có tiếng quát: “Mẹ…, thằng nào đấy, mù à. Bố vửa rải 30 quả mìn đấy!”

“Em Dũng, C20 đây!”. Tôi và anh Túc quen biết nhau lâu rồi từ hồi đánh Bản Na, sân bay Xiêng Khoảng, hồi đó anh Túc là lính đặc công, đánh nhau dữ dội lắm, ta thiệt hại quá lớn. Đặc công Trung đoàn giải thể sáp nhập vào trinh sát. Cả Sư đoàn 312 chỉ còn Tiểu đoàn đặc công của anh Xô, anh Mỹ thôi. Hiện nay bạn cũ của tôi còn một đồng đội là Đại tá Nguyễn Tùng, lính biên phòng – trú tại Hà Đông, cùng đơn vị anh Trần Túc “đánh” ở cao điểm 1664 là còn sống. Hầu như Đại đội 7 vào Quảng Trị 1972 đều hy sinh… Còn một số cán bộ bổ sung cho các Tiểu đoàn 4, 5, 6 trong Trung đoàn, trong đó có anh Túc, anh Hoắc (sau này là Đại tá công an, Giám thị Trại giam Hỏa Lò, hiện ở 194 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân Hà Nội); anh Kim, anh Dục - Đại tá, quê Thanh Hóa và Hưng Yên bây giờ.

Hai anh em ôm nhau cười ha hả…

“Đói hả” - Anh hỏi tôi.

“Vâng! Còn gì mang hết ra đây – Chúng em đói mờ mắt từ tối hôm qua cơ… Sức trai 19 - 20 tuổi, tôi và Văn (hiện nay ở 288 ngõ Chợ Khâm Thiên - Hà Nội) “giã liên tục” 6 bát B52 gạo nương dẻo Thái Lan, 2 hộp thịt lợn, 2 gói muối vừng trộn ớt, 2 xoong rau tàu bay xào ớt tỏi, 2 khẩu phần kẹo sô cô la Thái… Nghĩa là có gì ngon – Anh Túc đãi thằng em trai xa đã lâu ngày hết, đã vậy còn kèm theo điếu thuốc lá thơm nữa chứ.

Thằng Tùng nhìn tôi ăn mà thèm. Giọng Quảng Bình, Tùng nói với anh Túc “Mấy thằng cha C20 này cứ như là chết đói 7 ngày không bằng”. Tôi đấm cho Tùng một quả. “Mày cậy là liên lạc của anh Túc tao à”. Tùng cười tít mắt… Tôi dúi cho Tùng gói mỳ chính con mèo xanh 9 thìa úp… Anh Túc hỏi han sơ bộ ở trong Loong Chẹng. Trời se se lạnh. Tôi đang cười vì “no” cơm thì pháo địch câu tới tấp. 5 giờ 15 rồi còn gì (đúng quy luật địch chuẩn bị tấn công) chuông điện thoại reo lên inh ỏi… Một ngày chiến đấu lại bắt đầu. Anh Phúc – Đại đội trưởng người Nghệ An (Bây giờ lấy vợ Thái Nguyên – gần chỗ tôi dạy học – nay anh đã 78 tuổi rồi) chạy sang hầm anh Túc báo là ta bị thương vong 2 đồng đội do pháo câu. Một chùm lửa xanh két hất tôi xuống chân đồi. Khi tỉnh lại thì thấy mình nằm ở Phẫu Trung đoàn.

Vậy là bặt tin anh Túc, anh Phúc, anh Tùng từ tháng 3 năm 1972 đến tháng 9 năm 1972 mới gặp lại nhau.

Tiểu đoàn 5 dưới sự chỉ huy của anh Trần Măng và anh Nguyễn Đức Sơn, anh Quách Văn Viên (ở trại gà Sơn Tây) – Đánh nhau dữ dội 31 ngày đêm trong thành cổ Quảng Trị 1972 ở khu nhà sắt, ta thiệt hại lớn phải rút ra vượt sông Thạch Hãn trấn giữ ở khu vực động ông Do. Hôm 18/8/1972, C8, D5, E165, F312 bắn cháy một chiếc F4H ở Cầu Sải – Vĩnh Định thì tôi mới gặp anh Túc – Khi đó anh là chính trị viên phó Tiểu đoàn 5 đi kiểm tra và hỏi tôi “Vẫn viết thơ chứ!”. “Đời lính hay tìm cái đặc điểm của nhau mà xoáy vào”. Tôi cười trả lời anh: “No pháo hôm ở Lào tháng 3/1972 rồi!”. Hai anh em cười ầm ĩ.

Cho mãi tới hôm anh đi kiểm tra trận đánh T4 ở động Ông Do thì tôi gặp lại anh. Hồi đó tôi đi trước nghe tiếng pháo xoèn xoét, tôi cắp AK lăn một vòng vật xuống. Đồng chí Nguyễn Duy Khải – Hiện nay là Chủ tịch Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị 72 tỉnh Bắc Ninh (Nhà ở Liên Bão – Tiên Du) nhanh như cắt đẩy sấp anh Túc xuống. Anh nằm đè lên tôi… Động Ông Do chỉ có 14 km2 mà 1km2 phải chịu 600 tấn bom đạn. Hiện nay xe đặc chủng mới vào nổi… để tìm hài cốt đồng đội. D5 của anh Túc tuy đã được bổ sung tân binh khi dời thành cổ nhưng vẫn không “lại” được.

Buồn rơi nước mắt vì nhớ đồng đội trong quá khứ. Sau này tôi và anh về Ban Chính trị Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 một thời gian rồi đi đắp đê ở sông Đáy, Ninh Bình sau đó đi giải phóng Bình Dương 1975. Hai anh em không gặp nhau nữa. Mãi năm 2021 tôi gặp Thượng tá Trần Hoàng Tiến con trai anh Túc ở báo Quân đội Nhân dân thì mới rõ về anh!

Khi anh đã đi về thiên cổ tôi mới hiểu hết về anh. Anh hơn tôi 8 tuổi đời, 8 tuổi quân. Anh sống điềm đạm, nội tâm, nhường nhịn đồng đội, sống bao dung với cấp dưới, không xét nét ai bao giờ. Anh cũng 2 lần bị thương. Chính cái hôm tháng 3 năm 1972 ở cao điểm 1664 là do tôi nên anh bị thương lây vì nói to quá. Vậy mà anh chả bao giờ trách tôi mà sau này anh còn đề nghị cho tôi về Ban Tuyên huấn với anh. Tôi phát hiện anh cũng viết thơ (Nhật ký thơ mới lạ cơ). Anh hát quan họ hay lắm. Thơ anh nhang nhác thơ anh Nguyễn Đức Mậu, Gia Dũng, Nguyễn Anh Giá, Trần Thế Long, Trịnh Duy Sơn… (cũng có cả thơ tình nữa đấy!). Anh chiến đấu dũng cảm, khiêm tốn, giản dị. Gặp nhau chỉ cười hóm hỉnh và đọc lại câu thơ của Nguyễn Đình Thi mà anh hay đọc trong Trung đoàn:

“Xách súng xông đồn thành dũng sĩ

Yêu đời cầm bút hóa nhà thơ”

Anh Túc thân yêu của em ơi!

Truyện ký. Đỗ Dũng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy