Ấn tượng Gia Lai
Có một miền rừng đầy gió/ Bazan đất ấm chân trời/ Dòng Sê San muôn năm trẻ/ Đêm nào cũng chảy qua tôi/ Có một phố núi xa xôi/ Sương giăng đẫm chiều mắt ướt/ Mơ lắm mà chưa đến được/ Ngày nào cũng ngóng mây xuôi...
Tôi đã viết những vần thơ lãng đãng này từ mười lăm năm trước, trong sự “dẫn lối” bằng âm nhạc của nhạc sĩ lừng danh Phạm Duy và thi sĩ tài hoa yểu mệnh Vũ Hữu Định. Những giai điệu và ca từ đầy lãng mạn của bài hát “Còn chút gì để nhớ” cứ ngân nga suốt tuổi thanh xuân tôi. Vậy mà tận đến mùa xuân Tân Sửu 2021 này, tôi mới có dịp thực hiện ước mơ đến phố núi xa xôi ấy.
Một thoáng ghé thăm Gia Lai, viết gì cũng dễ thành thiếu chín chắn. Nhưng không thể không ghi lại những ấn tượng đẹp trong chuyến đầu tiên tới vùng đất này.
Những cánh bướm bay trong phố
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Gia Lai là những cánh bướm bay trong thành phố Pleiku.
Sân bay nằm kề thành phố nên ra khỏi sân bay là xe bon bon ngay trên đường phố. Qua cửa xe, tôi ngỡ ngàng nhìn thấy từng đàn bướm trắng rập rờn, rập rờn trong nắng.
Từ ngỡ ngàng đến sửng sốt, vì hoá ra khắp Pleiku nẻo nào cũng bướm. Nẻo nào cũng líu tíu, vấn vít như vạn cánh hoa trắng lúc chập chờn, lúc vun vút theo bước gió.
Không sửng sốt sao được, khi những sinh vật xinh đẹp và rất đỗi mỏng manh vốn thuộc về non xanh ngàn sâu lại tung tăng tíu tít trên phố như những chủ nhân đích thực thế kia.
Tôi chia sẻ nỗi sửng sốt của mình với nhà thơ Văn Công Hùng, một nhà thơ Tây Nguyên quá đỗi quen thuộc của độc giả Văn nghệ Thái Nguyên. Anh bảo: “Có gì đâu em, đang tiết Kinh trập - sâu nở mà”. “Vâng, nhưng đây là thành phố. Em cũng đến từ một thành phố, cũng đã đi qua bao nhiêu thành phố, nhưng lần đầu thấy một thành phố có bướm bay rập rờn thế này!”.
“Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Ảnh Phan Nguyên.
Những cánh bướm dẫn lối chúng tôi tới một không gian xanh tuyệt đẹp: Quảng trường Đại Đoàn Kết. Quần thể công trình văn hóa độc đáo được mệnh danh “trái tim của Pleiku” là một công trình kiến trúc cảnh quan đặc sắc nổi tiếng cả nước. Quảng trường rộng 12ha gồm nhiều hạng mục, kết nối với các công trình kiến trúc văn hóa - lịch sử như Bảo tàng Cổ vật, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum... luôn là điểm tham quan đầu tiên của du khách đến với Gia Lai.
Quảng trường Đại Đoàn Kết là tổ hợp của nhiều công trình nghệ thuật độc đáo như tượng Bác Hồ bằng đồng; bộ cồng chiêng khổng lồ; bức phù điêu bằng đá có diện tích tới 600m2, cột đá ghép nhiều trụ đá và bức thư tạc trên tảng đá. Đặc biệt là hệ thống cây xanh và hoa trái bốn mùa nhiều chủng loại, từ các loại cây bản địa như pơ lang, kơ nia, sanh, sao đen, giáng hương, bằng lăng, gõ, sưa... đến hoa đào Nhật Tân, phượng tím, mai anh đào Đà Lạt, mai vàng phương Nam, cùng sen hồng, lộc vừng, osaca, ngọc lan,... thay nhau khoe hương sắc. Đây là nơi tổ chức nhiều hoạt động lớn của Gia Lai như các lễ hội, đường hoa, hội sách, triển lãm...
Cùng với “trái tim” đầy kiêu hãnh mang tên Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku có “đôi mắt” tuyệt đẹp cũng rất nổi tiếng, đó là Biển Hồ.
Biển Hồ, tên gọi khác của hồ T'Nưng (T'Nưng trong tiếng của dân tộc Jrai có nghĩa là "biển trên núi") rộng gần 300ha, ở độ cao 800m so với mặt biển, hàng trăm triệu năm trước từng là miệng của một ngọn núi lửa. Biển Hồ quanh năm nước trong văn vắt, gần như không bao giờ cạn, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố. Biển Hồ nằm trong quần thể Du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ - Chư Đăng Ya, bao quanh mặt nước mầu lam ngọc là bạt ngàn thông xanh mướt vi vút gió. Biển Hồ thực sự là món quà tuyệt diệu của tạo hóa ban cho vùng đất cao nguyên này.
Đô thị loại 1 Pleiku còn được quyền hãnh diện bởi ngoài “trái tim” và “đôi mắt” nổi tiếng còn có nhiều “lá phổi xanh” nuôi dưỡng đời sống thể chất và tinh thần của người dân. Công viên Diên Hồng (12,3ha), công viên Đồng Xanh (14ha), Hoa viên Quang Trung, Công viên Kpă Klơng, Công viên Nguyễn Viết Xuân,… cùng các hoa viên nho nhỏ xinh xắn như những khoảng lặng xanh dịu dàng giữa sôi động đời sống đô thị, là nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của 45 vạn cư dân.
Mà không chỉ ở đô thị trung tâm. Có dịp chạy xe qua các huyện Chư Pah, Chư Sê, tôi đã thốt lên thán phục khi các phố huyện cũng thênh thang công viên xanh. Có nơi như thị trấn Chư Sê đô thị loại IV còn có tới 2 công viên rộng lớn (một 5ha, một 3ha), được chính quyền chú trọng đầu tư kỹ lưỡng.
Theo chân các cô bác, anh chị đi bộ, tập dưỡng sinh bên tượng đài Anh hùng Núp, dừng lại ngắm nhóm bạn trẻ tập văn nghệ trong lầu bát giác, hít hà bầu không khí thơm mát dưới vòm cây xanh, thấy hạnh phúc được gọi bằng một tên giản dị khác, ấy là: sự thảnh thơi.
Trở lại với những cánh bướm khiến tôi sửng sốt. Nhà thơ kiêm kỹ sư nông nghiệp Phạm Đức Long ở Gia Lai có cách lý giải của riêng anh, rằng gần đây có nông trường chè Bàu Cạn rộng 400ha trồng rất nhiều muồng hoa vàng xen lẫn chè, loài cây này thu hút côn trùng đến sinh nở. Khi sâu hóa bướm, bướm di thực theo gió ngang qua thành phố nên mới nhiều như vậy.
Đó cũng có thể là một lý do. Nhưng khắp các nẻo đường tôi qua, ở đâu cũng gặp màu xanh cây lá. Trong phố là công viên, lâm viên, hoa viên. Ra khỏi phố là ngút ngàn cà phê, cao su, tiêu, xanh mênh mông, xanh hút mắt. Tôi nghĩ đến cụm từ “thành phố nông nghiệp”, “thành phố sinh thái”. Có thể các đô thị ở Gia Lai còn xa mới đạt chuẩn “đô thị sinh thái”, nhưng những sắc xanh nối nhau choàng thân thương lên vai phố và những cánh bướm quấn quýt quanh chân người đi bộ hay vun vút theo dòng xe trên đường, như một chỉ dấu cho thấy sự an hòa tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên nơi này; cho thấy người Gia Lai đã kiến tạo không gian đô thị của họ văn minh và nhân văn như thế nào.
Mái ấm Chư Sê và phép màu có thật
Câu chuyện về tu sĩ Đinh Minh Nhật (thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cứu giúp và nuôi nấng hơn một trăm đứa trẻ vô thừa nhận, tôi đã đọc trên Facebook của nhà thơ Văn Công Hùng. Chuyến đi này, tôi may mắn được theo chân nhà thơ đến tận nơi, “thực mục sở thị” Mái ấm Chư Sê - một câu chuyện kỳ diệu giữa đời thường.
Chuyện rằng: 15 năm trước, có một ngày ông Nhật tình cờ bắt gặp người dân Gia Rai ở xã Ia H'la (huyện Chư Pưh) đang chuẩn bị chôn sống một bé sơ sinh theo người mẹ đã chết. Ông xông vào ngăn cản hủ tục này, xin cho đứa bé được sống. Bị dân làng đánh mắng nhưng ông nhẫn nhịn và quyết ngăn cản bằng được. Sau 3 giờ đồng hồ giằng co, già làng quyết định nếu ông Nhật muốn em bé không bị chôn thì phải mua một con heo cúng Yang và đem bé đi thật xa. Ông Nhật vét hết tiền cá nhân và vay mượn bạn bè được 1 triệu đồng mua con lợn 50kg nộp cho làng, rồi đem bé về nuôi.
Thành phố Pleiku. Ảnh Phan Nguyên.
Ông bế cậu bé đen thui nặng chưa đầy 1 kg đi khắp nơi xin sữa mẹ. Cũng chỉ xin được một thời gian, còn lại mình ông đêm ngày chăm chút như một người mẹ đơn thân. Ông đặt tên cho cậu là Đinh Hồng Phúc.
Đó là đứa trẻ đầu tiên về với vòng tay nhân ái của ông. Ngày cứu sống Phúc, ông không nghĩ rằng sau đó phần đời còn lại của ông gắn chặt như một định mệnh lạ lùng với những đứa trẻ bị vứt bỏ, để rồi ông tái sinh cuộc đời mới cho chúng. Khi tôi đến, cậu bé Phúc đã có 125 anh chị em chung một người cha không ruột thịt mà thương chúng như con đẻ. Tất cả đều từ đôi tay ông bế ẵm, cho bú mớm, thay bỉm tã, canh từng giấc ngủ... mà lớn lên.
15 năm Chúa thử thách sự chịu đựng của người tu sĩ đã thoát tu này. Ngày tháng vất vả nối tiếp nhau, chưa lo xong đứa này thì lại đến đứa khác, mỗi đứa là mỗi hoàn cảnh thương tâm. Về với ông hầu hết là những bé bị bỏ rơi, phát hiện khi chỉ còn thoi thóp nên chúng thường rất yếu ớt và bệnh tật. Có đứa vừa bị Down vừa không có hậu môn, có đứa bị thần kinh, chữa chạy mãi không khỏi. 15 năm, lúc nào cũng có vài đứa trẻ ở viện.
Ông Đinh Minh Nhật chăm sóc cháu bé 10 ngày tuổi vừa được ông đón về. Ảnh: N.T.Q
Rồi lo từng bữa ăn, giấc ngủ, manh quần tấm áo, hộp sữa,... Rồi thu vén danh tính hợp pháp cho tụi trẻ đặng để chúng còn học hành, làm việc, lấy vợ lấy chồng. Rồi thu vén nơi ăn chốn ở cho cả trăm con người. Rồi lo tiền đóng học, mỗi đầu năm học phải có gần 100 triệu để đóng từ tiểu học đến đại học (hiện tại Mái ấm có 13 cháu đang học Đại học). Để trang trải cuộc sống, ông Nhật dẫn đàn con lớn nhỏ đi làm thuê. Mùa vụ thì đi làm rẫy thuê, hái cà phê. Ngoài mùa vụ thì về thành phố, gặp việc gì làm việc ấy. Ông kể: đi trông người ốm ở bệnh viện có lúc bị họ hất nước vào mặt, nhưng vẫn phải chịu đựng không thể bỏ việc, vì cần tiền lo cho tụi trẻ.
Hai năm trước, ông được phát hiện có khối u trong não, phải xạ trị. Từ bấy tới giờ, tính mạng ông cũng mong manh như những đứa trẻ mà người đời cứ vô tư gửi đến cho ông, còn ông chưa bao giờ biết nói lời từ chối.
Chỉ có Chúa mới hiểu người đàn ông này đi qua 15 năm ấy và đang đi tiếp cuộc đời chênh chao này bằng cách nào, nghị lực hay phép màu.
Tôi thì tin là có phép màu. Phép màu đến từ trái tim người đàn ông lấy sự từ tâm làm lẽ sống, mà dâng hiến cả cuộc đời mình. Phép màu đến từ hàng nghìn người trong tỉnh, trong nước và ở nước ngoài, từ nhà thơ bạn tôi cùng các bạn gần bạn xa của anh. Họ đã lặng lẽ nhường cơm sẻ áo, góp công góp của, giúp ông Nhật nuôi nấng lũ trẻ từng ngày từng ngày lớn lên, từng ngày nên người. Họ cùng với ông và 126 đứa trẻ, ngày ngày viết lên dòng đời một câu chuyện cổ tích tên là Mái ấm Chư Sê.
Những người đi xa cùng nhau
Thật thú vị khi đến mỗi vùng đất lại được gặp bạn bè văn chương. Có khi bạn muốn đến một nơi vì muốn gặp gỡ, trò chuyện với một người ở nơi ấy. Nhà thơ Văn Công Hùng ở Gia Lai là một người như vậy, không chỉ với riêng tôi mà với bạn văn, cánh báo chí cả nước. Anh là nhà thơ, nhà báo, là người chơi Facebook có hàng chục ngàn người theo dõi, nổi tiếng và được hâm mộ, tới mức có những người đặt vé bay tới Pleiku chỉ để xin… được ngồi cafe với anh một cuộc rồi lại bay về. Với tôi, anh không chỉ là bạn thân thiết, mà còn là một cộng tác viên nhiệt thành của Văn nghệ Thái Nguyên, chưa bao giờ từ chối khi Tòa soạn đặt bài.
Các cây bút nữ trẻ Gia Lai và nhà thơ Văn Công Hùng.
Nhờ sự kết nối của nhà thơ Văn Công Hùng mà tôi có thêm một ấn tượng đẹp nữa về Gia Lai sau chuyến đi này, đó là một nhóm nữ tác giả trẻ Gia Lai.
Đã quen với tuổi tên của họ trên các báo chí văn chương. Những Ngô Thị Thanh Vân, Hoàng Thanh Hương, Lê Thị Kim Sơn, Lê Vy Thủy, Đào An Duyên, Trương Thị Chung… Nhưng khi gọi tên họ trong một danh sách thì mới ngỡ ngàng: Ôi, Gia Lai từ khi nào và bằng cách nào, có một đội ngũ nữ tác giả trẻ đông đảo làm vậy? Vì hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật địa phương nên chúng tôi hiểu, có được một cây bút trẻ ở địa phương luôn là chuyện khó khăn. Nữa là có cả một đội ngũ, lại là nữ thế kia, thì đáng nể lắm chứ.
Ngô Thị Thanh Vân, Lê Vy Thủy đã là những gương mặt quen trong cộng đồng văn chương trẻ nước nhà những năm qua. Lần này vào Gia Lai, tôi gặp những “người thân” của Văn nghệ Thái Nguyên. Đào An Duyên - cô giáo, thạc sĩ văn chương - vừa “rinh” giải Tư Cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ” do Hội VHNT Thái Nguyên và Quán Chiêu Văn phối hợp tổ chức. Thơ Đào An Duyên chững chạc về tứ, chân thành và tinh tế trong khám phá các cung bậc cảm xúc. Trương Thị Chung, cô kế toán có nghề tay trái là viết văn, rụt rè tặng tôi tập sách mới xuất bản với niềm tự hào “Truyện ngắn đầu tiên trong tập này là truyện được in ở Văn nghệ Thái Nguyên đấy chị ạ”. Đó là truyện “Bông lạc vàng”, kể về một gia đình khốn khó qua điểm nhìn của một đứa trẻ có người mẹ đẻ bỏ đi, người cha tật nguyền, người mẹ kế đêm đêm bán thân để nuôi cả gia đình. Chung đã xử lý rất khéo từng chi tiết đầy ám ảnh, từng diễn biến tâm lý của nhân vật để có một truyện ngắn hay, ấm áp tình người. Lê Thị Kim Sơn cũng là một cái tên quen của Văn nghệ Thái Nguyên, từ truyện ngắn, thơ đến tản văn. Cô được đào tạo ở chuyên ngành mỹ thuật nhưng lại bén duyên và đam mê với văn chương, đọc nhiều, viết khỏe và hay.
Thác K50 và đại ngàn hùng vĩ trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, Gia Lai). Ảnh Phan Nguyên.
Xuống Chư Sê, tôi gặp Phan Thị Chín, cô hiệu phó tiểu học chạy xe 20km từ vùng sâu về thị trấn để gặp khách xa. Chín cũng vừa dự thi “Tổ quốc và Mẹ”, cô không giấu giếm sự hào hứng khi đọc các bài thơ được giải. “Em thích cuộc thi này quá chị ạ, từ cách tổ chức đến kết quả. Những bài được giải quá hay, quá xứng đáng”.
Mỗi người mỗi nét, sự thành công trong nghề viết có khác nhau nhưng đồng điệu ở tình yêu, thái độ và cách thức họ sống với văn chương. Khi làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên tôi thường nhận được bài vở của Lê Thị Kim Sơn gửi về, nhưng là của các tác giả khác, kèm theo những lời nhắn như “Em có bài của bạn này, chị xem có dùng được không ạ”, “Em gửi chị xem giúp bài của bạn...”. Sau mới biết cô thường giúp đỡ nhóm bạn viết của mình, và những người khác trong nhóm cũng như vậy. Họ gắn bó với các nhà văn lớp trước để học hỏi bằng thái độ cầu thị chân thành. Họ chia sẻ các địa chỉ văn chương, họ giúp nhau tìm đến các nhà xuất bản để hợp tác phát hành, tìm đến các cuộc thi văn học có uy tín để thử sức. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, có một câu danh ngôn như vậy. Bằng sự gắn kết và chia sẻ đầy thương mến, các tác giả nữ trẻ Gia Lai đã cùng nhau vượt qua ranh giới vùng miền để đến với đời sống văn chương nước nhà.
Những ngày tôi ở Gia Lai, dư luận sôi lên nhiều chiều về dự án sân golf 36 lỗ Đak Đoa vừa được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án do tập đoàn FLC đầu tư, trên tổng diện tích khoảng 500ha. Điều mà người dân Gia Lai lo lắng nhất là sẽ có gần 200ha đất rừng phải chuyển đổi, trong đó chủ yếu là rừng thông với phần lớn là loài thông ba lá quý hiếm hơn 50 năm tuổi đời, đồng thời thảm thực vật rừng lớn ở đây sẽ biến mất.
Ngược lại, phía các cơ quan hữu quan cũng có những kiến giải về hiệu quả kinh tế xã hội của dự án và các phương án bảo tồn giá trị thiên nhiên hiện có, bao gồm cả phương án... di dời rừng thông sang vị trí khác (?).
Câu trả lời đúng đắn nhất về những tác động đa chiều của dự án gây tranh cãi này đến kinh tế, môi trường và xã hội, chắc cần nhiều thời gian nữa mới có. Hy vọng những chủ nhân đáng kính - từ các cấp lãnh đạo đến 1,2 triệu dân - của miền đất Gia Lai xanh tươi, trù phú sẽ luôn để lại cho con cháu những di sản tuyệt vời về môi trường, văn hóa và tình người, như những gì họ đang tạo dựng và gìn giữ hôm nay.
Ký sự. Nguyễn Thúy Quỳnh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...