Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
15:47 (GMT +7)

Bàn tiếp về tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng

Thúy Kiều đã phải lấy chồng 6 lần (Mã Giám Sinh, Thúc Sinh, Bạc Hạnh, Từ Hải, Thổ Quan và Kim Trọng) nhưng chỉ có 3 người yêu. Đó là Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải. Kim Trọng là người yêu đầu tiên và là người chồng cuối cùng của Thúy Kiều.

 

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa. Hình minh họa. Nguồn: Internet.

 

Hai người yêu nhau khi chưa ai qua vòng thơ bé. Thúy Kiều lúc đó mới “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” (đến tuổi lấy chồng). Như vậy lúc gặp và yêu Kim Trọng nàng mới 15 tuổi. Kim Trọng cũng chẳng hơn gì, “với Vương Quan, trước vốn là đồng thân” (bạn học với Vương Quan) mà Vương Quan là “một trai con thứ rốt lòng” của nhà họ Vương, tức là con trai út, em của “hai ả Tố Nga” Thúy Kiều và Thúy Vân. Như vậy Kim Trọng, có lớn tuổi hơn Vương Quan thì cũng chỉ là 16, 17 tuổi là cùng. Tâm, sinh lý của tuổi ấy chưa có điều kiện cho một tình yêu đầy đủ và bền chặt. Tình cảm chẳng qua chỉ là rung động đầu đời của tuổi trẻ.

Ở hội Đạp thanh, đi chơi tiết Thanh minh đám trẻ con ấy đã gặp nhau. Khi chị em Thúy Kiều :

Trông chừng thấy một văn nhân,

Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng.

Đề huề lưng túi gió trăng,

Sau chân theo một vài thằng con con.

Tuyết in sắc ngựa câu giòn,

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.

Cả hai chị em nhà Kiều đã xao xuyến, đã rung động trước chàng trai mới quen: “hai kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Hai kiều, hai người đẹp - chữ kiều ở đây với nghĩa là đẹp chứ không phải tên riêng. Rồi khi chia tay thì “khách đã lên ngựa, người còn ghé theo”. “Người” chứ không phải chỉ mình Kiều “ghé theo”. Đến đây ta biết là Kim Trọng được cả hai cô gái nhà họ Vương để ý. Nguyễn Du vốn tài chơi chữ, với giọng hài hước đã phán ngay: “Người quốc sắc, kẻ thiên tài/ Tình trong như đã, mặt ngoài còn e” (như sau này viết về Bạc Hạnh: “Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa”). Người quốc sắc là Thúy Kiều, nhưng kẻ thiên tài là Kim Trọng thì còn phải xem lại. Chính Nguyễn Du nói với Thúy Kiều về Kim Trọng:

Nguyên người quanh quất đâu xa,

Họ Kim tên Trọng, vốn nhà trâm anh.

Nền phú hậu, bậc tài danh,

Văn chương nết đất, thông minh tính trời.

Phong tư tài mạo tót vời,

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.

Xem “lý lịch trích ngang” của Kim Trọng ta thấy anh ta là con nhà gia thế (trâm anh), giàu có (phú hậu), đẹp mã (phong nhã, hào hoa) nhưng bất tài (văn chương là nhờ phát mồ mả (nết đất), thông minh là do trời cho (tính trời) mà có(1). Những đặc điểm đó, Thúy Kiều - một cô gái 16 tuổi, sống trong nhung lụa “êm đềm trướng phủ màn che. Tường đông ong bướm đi về mặc ai” làm sao mà biết được. Chỉ sau này khi đã yêu Kim Trọng, qua tiếp xúc, nàng mới dần nhận ra. Chính vì vậy mà Thúy Kiều mới có vai trò quan trọng và ứng xử khác lạ trong quan hệ tình cảm với Kim Trọng từ khi mới yêu cho đến tận 15 năm sau, khi gặp lại và thành hôn với chàng (nhưng chỉ “đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ”).

Tan hội Đạp thanh, lũ trẻ chia tay nhau trong tình cảm lưu luyến, hơn nữa “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, Kim Trọng lấy cớ thuê nhà Ngô -Việt thương gia, hàng xóm Vương ông để trọ học, nhưng thực chất là tìm cơ hội để gặp hai Kiều. Dù cụ Nguyễn Du đã ca ngợi Kim Trọng là “tài mạo tót vời” nhưng xét tất cả trong mối tình Kim - Kiều thì chỉ có mỗi cái sự thuê nhà trọ học của anh là thông minh thôi, còn tất cả mọi ứng xử của chàng chẳng có mảy may nào chứng tỏ anh ta có tài cả.

Một ngày Thúy Kiều dạo vườn hoa, vướng cái trâm cài tóc lên cành đào, Kim Trọng vô tình bắt được và gặp được Thúy Kiều, khi nàng đi tìm thoa. Gặp nhau, trai gái vui mừng, Kim - Kiều thỏa lòng mong nhớ nhưng Kim Trọng vẫn đứng bên tường nhà mình mà tán tỉnh:

Thoa này bắt được hư không,

Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về!

Và Thúy Kiều vẫn đứng bên nhà mình, nói vọng sang:

Ơn lòng quân tử sá gì của rơi.

Chiếc thoa nào của mấy mươi,

Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao.

Rồi Kim Trọng “vội về thêm lấy của nhà/ Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông” để tặng bạn gái. Bây giờ Kim Trọng mới: “thang mây rón bước ngọn tường”(trèo lên thang mây nhoài người nhìn qua tường) và thấy: “phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe?” (rõ ràng, đúng là người hôm nọ gặp ở hội Đạp thanh).

Giả sử cành thoa là của Thúy Vân thì sao? Thì làm gì có Truyện Kiều! Nhờ đó mới có chuyện tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng. Cũng từ đây ta thấy tất cả là do Thúy Kiều chủ động.

Khi Kim Trọng tỏ tình, Thúy Kiều như mọi người con gái nề nếp, có giáo dục trả lời:

Dù khi lá thắm chỉ hồng,

Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

Nặng lòng xót liễu vì hoa,

Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa.

Nàng chỉ nói cho phải phép thôi. Bởi vì ngay đó, khi Kim Trọng năn nỉ thì nàng đã nhận lời ngay:

Đã lòng quân tử đa mang,

Một lời vâng, tạc đá vàng thủy chung

Thời gian sau là dịp may ngẫu nhiên đến, gia đình Vương ông về quê mừng sinh nhật nhà ngoại. Nàng đã chủ động chuẩn bị hoa quả để đón người yêu:

Thì trân thức thức sẵn bày

rồi đi sang nhà Kim Trọng:

Gót sen thoăn thoát dạo ngay mé tường

Thúy Kiều phải:

Lần theo núi giả đi vòng,

Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.

Xắn tay mở khóa động đào,

Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai.

Rồi cùng Kim Trọng:

Sánh vai về chốn thư hiên,

Góp lời phong nguyệt, nặng nguyền non sông.

Thúy Kiều xem tranh và đề thơ, khen tranh Kim Trọng vẽ và chuyện trò về mình, về nhân duyên của hai người cho đến gần sáng:

Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,

Trông ra ác đã ngậm gương non đoài

thì Kiều mới ra về. Về nhà biết bố mẹ “còn dở tiệc hoa chưa về” nên nàng lại:

Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.

Lần nữa lại “cọc đi tìm trâu”:

Nàng rằng: khoảng vắng đêm trường,

Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.

Lưu ý ở đoạn trên: động đào, Thiên Thai trong văn hóa dân gian Trung Quốc và Việt Nam là chỉ nơi tiên ở. Hoa chỉ đàn bà con gái (Từ điển Truyện Kiều có 107 lần), duy nhất một lần này Nguyễn Du dùng hoa để chỉ Kim Trọng. Lần gặp gỡ này, ngay trong đêm đôi bạn trẻ say sưa trao gửi tình yêu. Họ “tiên thề cùng thảo một chương/ Tóc mây một món dao vàng chia hai”, rồi:

Chén hà sánh giọng quỳnh tương,

Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.

(Uống rượu, quấn quýt đến sổ cả dải áo, ôm nhau, bóng hai người lồng vào nhau trong gương thành một.)

Nhưng Kim Trọng chỉ dừng lại đó, bởi anh ta sợ, không dám làm gì xa hơn với lý do chưa dạm hỏi Thúy Kiều:

Chày sương chưa nện cầu Lam,

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?

Thúy Kiều lại phải động viên, khuyến khích người yêu:

Đừng điều nguyệt nọ hoa kia,

Ngoài ra ai có tiếc gì với ai.

Đến thế mà Kim Trọng lại đem chuyện âm nhạc cầm đài với Chung Kỳ ra để lảng tránh, rồi đưa đàn cho Thúy Kiều. Thúy Kiều đành phải đánh đàn. Tiếng đàn của Thúy Kiều gửi gắm và mời gọi tình yêu làm cho Kim Trọng say đắm và “có chiều lả lơi”. Tất nhiên, người con gái nào cũng phải tỏ ra “đứng đắn” mà ngăn lại, nhưng ngay đó nàng lại khuyến khích:

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

Nhưng Kim Trọng cũng chỉ đến đó là dừng lại. Kim Trọng là nho sĩ, vốn chỉ giỏi lý luận, không thực tế, không hiểu tâm lý, tình cảm của phụ nữ. Gặp người yêu mà chỉ toàn nói tranh vẽ, chuyện văn chương và âm nhạc với những điển tích, điển cố, ngồi nghe từ “Hán Sở chiến trường”, đến bản nhạc “Phượng Cầu” và “Kê Khang với khúc Quảng Lăng” thời Tần, rồi lại khúc “Quá quan” của Chiêu Quân đi cống Hồ… thì Thúy Kiều cũng đành chịu để rồi sau này, khi đã chia tay với Kim Trọng, nàng đã phải luyến tiếc ân hận và trách móc:

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.

Ngay hôm đó Kim Trọng phải về Liêu Dương hộ tang chú. Lúc chia tay, Thúy Kiều lại phải chủ động trong tình cảm. Cái bệnh của nho sĩ là nghi ngờ, Kim Trọng không tin người yêu “dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng” nên phải dặn dò:

Gìn vàng giữ ngọc cho hay,

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.

Để an ủi, động viên Kim Trọng, Thúy Kiều lại lần nữa khẳng định:

Đã nguyền hai chữ đồng tâm,

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.

Không hành động, mưu mẹo như Thúc Sinh, không quyết liệt như Từ Hải nên Kim Trọng đã không có được Thúy Kiều.

Thời gian xa cách, đi Liêu Dương chịu tang, Kim Trọng chỉ suy nghĩ, buồn cho bản thân mình, bồi hồi khổ não:

Ngại ngùng một bước một xa

Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.

Buộc yên quảy gánh vội vàng,

Mối sầu xẻ nữa bước đường chia hai.

Thúy Kiều xa người yêu, gặp cơn gia biến đã phải bán mình chuộc cha và vật vã với mối tình tan vỡ. Nàng dằn vặt, đau đớn, tự nhận mình phải chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ tình yêu với Kim Trọng. Nàng ít nghĩ cho mình mà tất cả chỉ nghĩ cho Kim Trọng:

Phận dầu, dầu vậy cũng dầu,

Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!

Công trình kể biết mấy mươi

Vì ta khăng khít cho người dở dang.

Thề hoa chưa ráo chén vàng,

Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa,

Trời Liêu non nước bao xa,

Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi.

Là người nặng tình nặng nghĩa và thông minh, hơn ai hết nàng biết em mình cũng có tình có ý với Kim Trọng. Nay duyên phận mình không giữ được nữa nên nàng đã chủ động xe duyên cho Kim Trọng với Thúy Vân. Cũng nhờ vậy mà Kim Trọng mới có một gia đình hạnh phúc, có đông con cái và học hành đỗ đạt về sau. Còn Thúy Kiều bắt đầu cuộc đời “gió táp mưa sa/ Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cùng tàn”. Trong cuộc đời gió bụi đau thương ấy, khi mới ra đi, nàng da diết nhớ Kim Trọng. Thậm chí khi mới bị bắt đến Lâm Tri, lần nhớ nhà đầu tiên, nàng còn nhớ Kim Trọng:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày mong mai chờ.

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

trước cả nhớ cha mẹ mình:

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.

Khi đã bị bán vào lầu xanh, sau những chống đối quyết liệt, bị Tú Bà hành hạ, nàng đã tự tử không thành, nàng lại bỏ trốn với Sở Khanh không thoát đành phải chấp nhận số phận:

Thân lươn bao quản lấm đầu,

Tấm lòng trinh bạch từ sau xin chừa.

Nơi đất khách quê người, một mình vò võ, Thúy Kiều lại nhớ nhà nhưng lần này, hình bóng của Kim Trọng chỉ còn thoáng qua sau khi nhớ cha mẹ. Thực ra là nàng chỉ băn khoăn, quan tâm đến việc Thúy Vân đã cưới Kim Trọng hay chưa chứ không phải nhớ Kim Trọng:

“Nhờ ơn chín chữ cao sâu,

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

Dặm nghìn nước thẳm non xa,

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này.

Sân hòe đôi chút thơ ngây,

Trân cam, ai kẻ đỡ thay việc mình.

Nhớ lời nguyện ước ba sinh,

Xa xôi ai có thấu tình chăng ai”?

“Tình sâu mong trả nghĩa dày,

Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?”

Thúy Kiều yêu Kim Trọng lúc mới bước vào tuổi yêu đương. Trong suốt 15 năm xa cách, Thúy Kiều 5 lần nhớ gia đình, người thân, chỉ có một lần nhớ Kim Trọng ở lầu Ngưng Bích và cũng là lần cuối cùng, bởi sau này cùng với thời gian và kinh nghiệm cuộc đời, nàng có thêm tình yêu với Thúc Sinh và Từ Hải, nàng mới nhận ra sự ngây thơ của tuổi trẻ để rồi sau 15 năm gặp lại, Kim Trọng như người xa lạ: “nọ chàng Kim đó, là người ngày xưa”.

Làm sao đến nỗi như thế? Kim Trọng sau mấy tháng hộ tang chú ở Liêu Dương trở về, biết chuyện người yêu của mình đã phải dấn thân vào nơi gió bụi nhưng anh ta đã làm gì? Dù là con nhà giàu có (nền phú hộ), nhưng anh ta đã không đi tìm để chuộc nàng về mà chỉ vật vã, khóc lóc:

Chàng càng nghe nói, càng dàu như dưa.

Vật mình vẫy gió, tuôn mưa,

Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai.

Đau đòi đoạn ngất đòi thôi,

Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê.

Truyện Kiều có 73 từ khóc. Trong đó Thúy Kiều khóc 24 lần nhưng phần nhiều là khóc thầm “một mình âm ỷ đêm chầy/ Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy năm canh”, chỉ có Kim Trọng là khóc to nhất, khóc “sụt sùi” trước mắt nhiều người, để cho Vương ông phải dỗ dành vỗ về (như dỗ trẻ con):

Thấy chàng đau nỗi biệt ly.

Nhẫn ngừng, ông mới vỗ về khuyên can.

Anh ta trót hứa “bao nhiêu của, mấy ngày đường/ Còn tôi, tôi một gặp nàng mới thôi” nên “đinh ninh mài lệ chép thơ/ Cắt người tìm tõi, đưa tờ nhắn nhe” để tìm Thúy Kiều.

Nhưng hỡi ôi, Vương Quan và Kim Trọng là người có học, Thúy Kiều mới bị bán chưa lâu. Khi Mã Giám Sinh mua nàng có làm lễ “nạp thái”, lại còn “cò kè bớt một thêm hai”, chắc Vương Quan có biết họ Mã từ đâu đến. Có xa lắm thì đi đường bộ đến nơi cũng chỉ mất một tháng:

Những là lạ nước lạ non,

Lâm Tri vừa một tháng tròn tới nơi.

Thế mà Kim Trọng không đi tìm mà lại mượn, thuê người đi tìm ở Lâm Thanh (Biết bao công mượn của thuê”). Sau 15 năm Thúy Vân còn biết nghi ngờ:

Nọ Lâm Thanh với Lâm Tri,

Khác nhau một chữ, hoặc khi có lầm.

Tại sao Kim Trọng không đi tìm Thúy Kiều mà lại cưới ngay Thúy Vân và chúi đầu vào sách vở để thi đỗ, làm quan? Đến nỗi khi gặp lại Thúy Kiều, Kim Trọng năn nỉ cưới nàng thì nàng vội gạt đi “sự muôn năm cũ, kể chi bây giờ”, “nói chi kết tóc xe tơ/ Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời”. Vì nể cả nhà thuyết phục mà Thúy Kiều nhận lời cưới Kim Trọng nhưng rồi đêm động phòng nàng mới nói thật lòng mình:

Nghĩ chàng nghĩa cũ, tình ghi.

Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may.

Và gay gắt hơn là nói với anh ta:

“Lại như những thói người ta,

Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa.

Khéo là giở nhuốc bày trò,

Còn tình đâu nữa, mà thù đấy thôi,

Người yêu ta xấu với người,

Yêu nhau, thì lại bằng mười phụ nhau”.

“Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi”.

Và cay đắng hơn là Thúy Kiều phủ nhận cái lý do con cái nối dõi tông đường mà mọi người muốn Thúy Kiều lấy Kim Trọng:

Cửa nhà dù tính về sau,

Thì đà em đó, lọ cầu chị đây.

Kim Trọng là chồng của Thúy Vân dù Thúy Vân là em gái của Thúy Kiều, quan hệ gia đình Thúy Kiều là chị. Nhưng Thúy Kiều đã là người yêu của Kim Trọng, lại là phụ nữ, bây giờ lại là vợ của Kim Trọng, theo lễ giáo, nàng phải nói “lọ cầu thiếp đây” chứ, sao lại xưng chị với Kim Trọng? Bởi qua tất cả, Thúy Kiều như đã tỏ thái độ coi thường Kim Trọng. Ta bỗng nhớ tới Hồ Xuân Hương: “Này này chị nói cho mà biết/ Chốn ấy hang hùm chớ mó tay”.

Cũng vì vậy mà hai người chỉ là bạn bè. Thúy Kiều có đám cưới thứ 6 trong đời nhưng nàng không làm vợ của Kim Trọng.

------------

(1) Xem Trần Quốc Quýnh, Thử tìm hiểu tâm sự Nguyễn Du qua Truyện Kiều, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010.

 

Lê Thị Hạnh Liên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy