Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:07 (GMT +7)

10 năm và một diện mạo của Điêu khắc Việt

VNTN - Mặc dù được đánh giá là Cuộc thi và Triển lãm có nhiều tác phẩm chứa đựng những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc sống đương đại; thể hiện những chuyển biến về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm… nhưng Cuộc thi và Triển lãm Điêu khắc Việt Nam lần thứ V (2013 - 2023) không khỏi khiến người xem nuối tiếc.

 Sự nuối tiếc đến từ số lượng tác phẩm, số lượng giải thưởng (không có giải Nhất) và tính ứng dụng của những tác phẩm có mặt tại Triển lãm. Mặc dù trước đó, triển lãm được kỳ vọng sẽ giúp công chúng trong nước và quốc tế nhận ra diện mạo mới của điêu khắc Việt Nam.

10 năm và một diện mạo của Điêu khắc Việt
Tác phẩm “Nghênh phong” của tác giả Nguyễn Trường Giang, giải Nhì 

Chưa có tác phẩm “đỉnh cao”

Lý do được họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đưa ra chính là đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự dịch chuyển (đi thực tế sáng tác) và ít nhiều đến tâm lý của các họa sĩ. Thực tế, đại dịch và những giải pháp trong phòng chống dịch bao gồm cả chiến dịch tiêm chủng diện rộng khiến cho hoạt động sáng tạo bị đình trệ nếu như không muốn nói là đã làm mất đi cảm hứng thăng hoa trong nghệ thuật vốn được xem là một trong những yếu tố then chốt quyết định gần như tuyệt đối sự thành công của người sáng tạo.

Do đó, sau hơn 5 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 536 tác phẩm của 285 tác giả gửi về tham dự. Hội đồng nghệ thuật đã chọn ra được 225 tác phẩm của 164 tác giả để trưng bày tại triển lãm. 16 tác phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao giải thưởng gồm: 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích. Trong đó, 3 giải Nhì được trao cho tác giả Châu Trâm Anh (Bình Dương) với tác phẩm “Tình ca phương Nam”, tác giả Nguyễn Trường Giang (Hà Nội) với tác phẩm “Nghênh phong”, tác giả Lê Văn Khuy (Hưng Yên) với tác phẩm “Trời tròn đất vuông”.

Việc không tìm được giải Nhất ở lĩnh vực điêu khắc trong 10 năm qua, không khỏi khiến người trong giới và công chúng yêu hội họa cảm thấy hụt hẫng, thậm chí đặt câu hỏi về “đời sống điêu khắc” hiện nay. Đồng thời, tính ứng dụng của các tác phẩm điêu khắc nói chung, đoạt giải nói riêng trong cuộc sống đương đại thế nào?.

Trong khi, từ trước đến nay, nghệ thuật điêu khắc luôn đi liền với không gian sống, không gian đô thị và có sự gắn kết giữa chính trị - kinh tế - văn hóa - nghệ thuật. Đồng thời, trở thành chuẩn mực để đánh giá đô thị văn minh hiện đại hay nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tuy nhiên, những lệch chuẩn trong điêu khắc không phải không có, thực tế cho thấy tại không ít không gian công cộng đã xuất hiện những tác phẩm nhân danh nghệ thuật điêu khắc để cổ xúy cho những suy nghĩ lệch lạc về văn hóa, giới tính (tượng 12 con giáp tại Hải Phòng; hay việc thay áo mới cho các bức tượng tại Công viên Thống Nhất nhiều năm trước đây) đã ít nhiều ảnh hưởng đến tình cảm của công chúng đối với nghệ thuật điêu khắc nói chung, từng cá nhân họa sĩ nói riêng. Vì vậy, tâm lý hồ nghi, lo lắng trước những thay đổi về chuẩn mực của nghệ thuật điêu khắc là điều dễ hiểu.

Đứng ở góc độ người làm nghề, nhà điêu khắc Phan Gia Hương cho rằng, nhiều tác phẩm đã mạng đậm hơi thở của thời đại và điêu khắc đã khẳng định tính độc lập của mình nhiều hơn trong đời sống hội họa nói riêng, nghệ thuật đương đại nói chung. Qua triển lãm đã ít nhiều nhận ra được điêu khắc Việt Nam với những bước tiến rõ rệt.

Còn theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm điêu khắc trong triển lãm lần này đánh dấu sự chuyển biến sâu sắc về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm. Sự phong phú về tư duy sáng tác, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách như hiện thực, trừu tượng, biểu hiện… Sự đa dạng về chất liệu với nhiều tìm tòi thể nghiệm, kết hợp giữa điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt. Mặt bằng chung của nghệ thuật điêu khắc đã được nâng lên cao về mọi phương diện, đánh dấu sự phát triển cả về nghệ thuật và lực lượng sáng tác. Tuy nhiên, chưa xuất hiện tác phẩm đỉnh cao là do ngoại cảnh tác động.

Để điêu khắc trở thành một phần của cuộc sống

Chỗ đứng của điêu khắc chính là không gian công cộng, nhưng để nghệ thuật điêu khắc đi vào cuộc sống, trở thành một phần của cuộc sống đương đại vẫn là bài toán khó. Cái khó trước hết ở nhu cầu sử dụng các tác phẩm điêu khắc tại các không gian công cộng chưa cao, và sau nữa còn do những hạn chế trong năng lực thẩm mỹ của công chúng đương đại. Để có lời giải cho bài toán nói trên, việc đầu tiền cần làm chính là tạo ra nhiều không gian sống cho các tác phẩm điêu khắc nhằm phát huy được hết vai trò giáo dục, cảm thụ thẩm mỹ của công chúng, từ đó giúp cho nghệ thuật điêu khắc có thể tự nuôi dưỡng mình.

Cũng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, các tác phẩm có tính ứng dụng hay không nhờ vào nhu cầu sử dụng của Nhà nước, của các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân. Xã hội ngày càng phát triển, những giá trị tinh thần ngày càng được chú trọng thì điêu khắc không bao giờ mất đi chỗ đứng tại Việt Nam. Từ các công trình lớn nhỏ của cộng đồng đến từng ngôi nhà, nơi làm việc... điêu khắc mang tới cái hồn và nguồn cảm hứng cho con người.

Như vậy, có thể thấy các tác phẩm điêu khắc hoàn toàn có cơ hội phát huy tối đa tính năng của nghệ thuật trang trí ứng dụng, đồng thời làm cho không gian, môi trường sống quanh ta trở nên phong phú và hấp dẫn. Hay nói một cách khác, việc trưng bày tác phẩm điêu khắc ứng dụng cũng chính là cách mà chúng ta bảo tồn, gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau.

10 năm và một diện mạo của Điêu khắc Việt
Tác phẩm “Trời  tròn đất vuông” của tác giả Lê Văn Khuy, giải Nhì

Quay trở lại với Cuộc thi và Triển lãm Điêu khắc lần thứ V, từ số lượng, chất lượng những tác phẩm tham dự lần này đã phần nào khắc họa được diện mạo của Điêu khắc Việt Nam. Đó là sự sáng tạo không giới hạn, chấp nhận cả những thử nghiệm cá nhân… để có được “quả ngọt” trong một tương lai không xa.

Còn theo bà Nguyễn Thùy Dương, giảng viên Khoa Điêu khắc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, qua Cuộc thi và Triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ V, có thể nhận thấy, điêu khắc Việt Nam vẫn đang theo xu hướng sáng tác hiện đại nhờ lực lượng trẻ “có nhiều điều kiện hội nhập, giao lưu, tiếp cận với thế giới, đồng thời luôn có ý thức học hỏi, phát huy thế mạnh của thế hệ đi trước”. Các tác giả đã gắn sáng tác của mình với không gian sống, thiên nhiên, môi trường, kiến trúc chung; tác phẩm có kết nối những sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội thời sự... Vậy, có thể kỳ vọng sự bứt phá của nghệ thuật điêu khắc trong lần hội tụ tới.

Trước đó, để góp thêm cái nhìn về nghệ thuật điêu khắc sau 10 năm (2013 - 2023), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức hội thảo “Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc lần thứ V (2013 - 2023) và Điêu khắc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, đã có chung nhận định, sự phát triển rõ nét của điêu khắc Việt Nam chính là sự xuất hiện của điêu khắc màu.  Đồng thời chỉ ra những hạn chế đã và đang xuất hiện trong đời sống điêu khắc như: sự “trùng lặp” và “sao chép” ý tưởng ở một số tác phẩm. Do đó, hội thảo cũng đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho công tác lựa chọn, thẩm định tác phẩm cần phải được thực hiện thận trọng kỹ lưỡng hơn. Đồng thời công tác phê bình tác phẩm nghệ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng cũng phải được thực hiện bài bản, nhằm định hướng cho sáng tác không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn là điêu khắc của nhiều năm tiếp theo.

10 năm và một diện mạo của Điêu khắc Việt
Tác phẩm “Tình ca Phương Nam” của tác giả Châu Trâm Anh, giải Nhì

Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, đời sống điêu khắc đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật nhất là sự phát triển của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo. Và để tác phẩm điêu khắc trở thành một phần của cuộc sống, ngoài nâng cao năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ và năng lực cảm thụ thẩm mỹ của công chúng, các cơ sở đào tạo cần tạo cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của người sáng tạo trước cộng đồng, không nhân danh sáng tạo để thỏa mãn những nhu cầu của bản thân, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phần công chúng. Và hơn cả là giáo dục ý thức về chân - thiện - mỹ để sáng tạo được hòa quện với bản sắc dân tộc. Điều này cần phải được coi là định hướng sáng tạo của điêu khắc trong 10 thậm chí 20 năm sau, để điêu khắc không chỉ tham gia vào cuộc sống đương đại, mà còn là một phần của đời sống, mang dấu ấn thời đại mà chúng ta đang sống. Đó chính là diện mạo của điêu khắc Việt đã được bồi đắp lên mỗi ngày, từ những cuộc thi, kỳ triển lãm…

Thảo Vy

1 đã tặng

0

1

1

-1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sân khấu độc lập: Những thách thức

Sân khấu - Múa 3 giờ trước

Ẩm thực Thái Nguyên - tinh hoa phong vị xứ Trà

Cuộc sống quanh ta 21 giờ trước

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 2 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước