Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
16:22 (GMT +7)

Yên Lãng (Đại Từ) - Nơi phát tích “Đội xung phong Lào Bắc”?

dưới phảiYên Lãng (Đại Từ) – Nơi phát tích “Đội xung phong Lào Bắc”? 1118
Toàn cảnh khu nhà cụ Bá Ngoan (căn nhà mái màu xanh là nhà cháu gái cụ). Ảnh: Âu Ngọc Ninh

Clip: Trò chuyện với anh Nông Văn Huấn, cháu nội cụ Bá Ngoan

Những căn cứ lịch sử

Trong cuốn Lịch sử quan hệ  đặc biệt Việt Nam – Lào,  Lào – Việt Nam (1930 – 2007) - Hồi Ký I của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2012 có đăng bài tham luận “Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hẳn – người bạn chí thiết của nhân dân Việt Nam” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Hội thảo tại Viêng Chăn nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hẳn. Từ trang 24 đến trang 29 có đoạn viết:

“Đầu năm 1948 tôi được phân công theo dõi chỉ đạo công việc phối hợp giúp đỡ cuộc kháng chiến ở Lào; trong đó có nhiệm vụ cấp bách là phải tổ chức lực lượng, giúp xây dựng Sầm Nưa thành khu căn cứ địa của Trung ương, để phát triển ra toàn vùng Thượng Lào, nối với Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, dựa vào vùng Tây Bắc của Việt Nam.

Công việc đầu tiên lúc bấy giờ là phải tìm cho được một số anh em, hình thành một đội xung phong công tác của người Lào để đưa vào hoạt động ở Sầm Nưa. Được biết sau Cách mạng Tháng Tám 1945, có một tổ chức thanh niên yêu nước Lào hình thành tại Hà Nội đang nghiên cứu tìm hiểu về chủ nghĩa Mác. Tổ chức này gồm những thanh niên Lào học tập, sinh sống ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận do đồng chí Cay xỏn Phôm vi hẳn phụ trách. Khi cuộc kháng chiến bùng nổ tại Hà Nội, số anh em này cùng anh em Việt Nam rút khỏi Hà Nội. Đồng chí Cay xỏn Phôm vi hẳn tham gia công tác tại cơ quan tuyên truyền Khu 12 (*).

Khu 12 giới thiệu, đồng chí Cay xỏn là một thanh niên yêu nước, thông minh, có nhiệt huyết cách mạng, ham học hỏi, luôn khao khát được về nước tham gia kháng chiến.

Lần đầu tiên, tôi đã được gặp đồng chí Cayxỏn tại Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên. Sau khi thăm hỏi về gia đình và bản thân, tôi hỏi đồng chí Cay xỏn là có muốn trở về Lào hoạt động không? Đồng chí trả lời: Rất muốn về. Tôi hứa sẽ hết sức giúp đỡ. Sau khi gặp, tôi đã báo cáo và được Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng đồng ý chọn đồng chí Cay xỏn phụ trách một đội công tác đưa về Lào”.

giữaYên Lãng (Đại Từ) – Nơi phát tích “Đội xung phong Lào Bắc”? 1119
Bìa và trang 25 cuốn sách

Chúng tôi tìm thấy tại trang 68 cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Yên Lãng xuất bản năm 2013 có đoạn viết:  “Là nơi tiếp giáp với Chiến khu Tân Trào, địa bàn xã Yên Lãng ngày nay có vinh dự được đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng như Hồ Chủ tịch, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Duy Trinh… Hồ Chủ tịch, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Võ Nguyên Giáp được phân công ở tại nhà ông Bá Ngoan (1)”.

Cuối trang có chú thích: (1) Trước ngày cơ quan Chính phủ rời Yên Lãng sang Tân Trào, Bác Hồ đã cho mời 3 ông (ông Bá Ngoan, ông Bá Tân, ông Tổng Dưỡng) đến ăn cơm với Bác, sau đó Bác căn dặn và kỷ niệm 3 ông mỗi người một Huy hiệu của Bác và một đồng tiền (gọi là đồng tiền vàng).

Được cán bộ xã Yên Lãng giúp đỡ, chúng tôi tìm đến nhà của cụ Ma Thị Lai sinh 1934 ở xóm Giữa, là con dâu cụ Ngoan. Anh Nguyễn Tiến Phúc, con rể cụ Lai, làm Bí thư chi bộ xóm Giữa, cho biết: Cụ tổ họ Nông là cụ Nông Bá Ngoan thuộc lớp người đến ở nơi đây đầu tiên. Cụ Ngoan có kể lại cho con cháu là trước đây nhà cụ đã giúp đỡ cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ hoạt động bí mật. Những năm 1996 – 1997, con trai cụ Ngoan là ông Nông Đình Phúc có đi làm thủ tục kê khai thành tích tham gia kháng chiến cho cụ Ngoan, nhưng không hiểu vì lí do gì, đến nay cụ Ngoan vẫn chưa được công nhận là người có công với cách mạng.

Gặp anh Nông Văn Huấn – cháu nội cụ Bá Ngoan, hiện làm Bí thư Chi bộ xóm Cây Hồng xã Yên Lãng, anh Huấn cho chúng tôi xem lại bộ hồ sơ kê khai năm 1996 của gia đình cụ Bá Ngoan. Bản báo cáo thành tích của cụ Ngoan do con trai là ông Nông Đình Phúc viết đã được một số cán bộ lão thành cách mạng của xã Yên Lãng xác nhận như đồng chí Lý Thanh, Lão thành cách mạng, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng chí Lương Văn Đổng nguyên Bí thư chi bộ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Yên Lãng, và đặc biệt có xác nhận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

dưới tráiYên Lãng (Đại Từ) – Nơi phát tích “Đội xung phong Lào Bắc”? 1120

Năm 1947, xóm Yên Cư có rừng cây kín đáo, có nhà cụ Bá Ngoan (Cao Thăng) rộng rãi vì vậy Bộ Tổng tư lệnh do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo đã đến đóng ở xóm này và đồng chí Văn đã ở nhà cụ Bá Ngoan, sau mới chuyển cơ quan đi nơi khác...

Gia đình cụ Bá Ngoan là gia đình có công với cách mạng”.

Hà Nội ngày 21/5/1996. Nhị Quý

Theo các tài liệu lịch sử, ngày 14/6/1948, Bộ Tổng chỉ huy, Bộ Chỉ huy Liên khu 10 ra chỉ thị thành lập “Ban xung phong Lào Bắc” gồm 14 người, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm Trưởng ban. Ban xung phong Lào Bắc đã hành quân qua các địa phương của Việt Nam như Mộc Hạ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phiêng Sa. Phiêng Sa là một bản của người Mông thuộc tỉnh Sơn La của Việt Nam. Khi đến Phiêng Sa, Ban dừng lại để xây dựng căn cứ và nắm tình hình trước khi hành quân vào đất Lào, riêng đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã được tổ chức bố trí đến ở nhà ông Lao Khô thuộc bản Phiêng Sa.

Từ đó Ban xung phong Lào Bắc đã xây dựng vùng căn cứ cách mạng mở rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La, hướng tiến sang đất nước Lào. Địa điểm bản Phiêng Sa (bản Lao Khô), xã Phiêng Khoài (xã Chiềng On trước đây) huyện Yên Châu đã trở thành khu căn cứ cách mạng Việt – Lào, chuẩn bị mọi điều kiện cho Ban xung phong Lào Bắc phát triển các căn cứ cách mạng trên đất nước Lào (giai đoạn 1948 - 1950). Ngày nay nơi đây đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử Cách mạng Việt Nam – Lào.

Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Cayxỏn Phômvihản (1920 - 1992) là nhà hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch nước nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ông sinh ngày 13/12/1920, tại bản Naxeng, huyện Khămthạbuni, tỉnh Xavẳnnakhệt, Lào. Năm 1935, Cayxỏn Phômvihản, với tên gọi Nguyễn Trí Mưu, rời quê hương Lào đi Hà Nội, Việt Nam để dự thi vào Trường Bưởi (nay là Trường Trung học phổ thông Quốc gia Chu Văn An, Hà Nội). Trong những ngày học tại Trường Bưởi, ông đã giác ngộ cách mạng, theo đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông học đại học luật khoa ở Hà Nội, đã từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên chống thực dân Pháp và phát xít Nhật ở Việt Nam. Mùa thu 1945, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Xavanakhet, sau đó trực tiếp xây dựng khu du kích Hủaphăn, thành lập đội vũ trang Latxavông đầu tiên. 

(Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Từ những thông tin nêu trên, bằng phương pháp suy luận lô – gic, chúng tôi cho rằng: nơi phát tích của “Đội xung phong Lào Bắc” hay “Ban xung phong Lào Bắc” là ở xã Yên Lãng huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên và có nhiểu khả năng là tại khu vực nhà ông Bá Ngoan (Cao Thăng) ở xóm Giữa.

Đi tìm lời giải

Những tài liệu trên cho thấy: Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, Trung ương Đảng và Bác Hồ rời Thủ đô Hà Nội, chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Trong thời gian các cơ quan của Trung ương Đảng đóng ở Đại Từ, tổ chức Thanh niên yêu nước của Lào cũng chuyển lên Chiến khu và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã gặp đồng chí Cay xỏn tại Yên Lãng, Đại Từ đồng thời chọn những cá nhân tiêu biểu nhất thành lập “Đội xung phong Lào Bắc” giao cho đồng chí Cay-xỏn phụ trách trở về Lào hoạt động. Sau đó, đồng chí Cay-xỏn đã xuất phát từ xã Yên Lãng huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên trở về nước Lào xây dựng phong trào cách mạng.

Nếu xác định được chính xác nơi phát tích của “Đội xung phong Lào Bắc” là ở khu vực nào của xã Yên Lãng thì không những chúng ta cung cấp thêm một “địa chỉ đỏ” cho cách mạng Lào, mà còn qua đó tăng cường xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa tỉnh Thái Nguyên với nước bạn.

dưới phảiYên Lãng (Đại Từ) – Nơi phát tích “Đội xung phong Lào Bắc”? 1121
Khu vườn cây phía sau nhà bà Ma Thị Lai là địa điểm nền nhà của cụ Bá Ngoan trước đây

Đến gặp gia đình cụ Bá Ngoan, chúng tôi được nghe kể lại về việc tham gia hoạt động cách mạng của cụ, có những chi tiết cụ thể hơn những gì đã được cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Yên Lãng đã ghi lại.

Anh Huấn cho chúng tôi xem một bức ảnh tư liệu của gia đình. Ảnh được chụp dưới gốc cây vải cổ thụ trong vườn nhà ông Bá Ngoan. Anh giới thiệu những người trong ảnh gồm: ông Lộc và ông Phúc (hai người con cụ Bá Ngoan), ông Lý Thanh (Lão thành cách mạng, nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính huyện Đại Từ, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam) và vợ chồng ông Nhị Quý (Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của Thái Nguyên).

Nhưng chúng tôi xác định, trong ảnh không phải là vợ chồng ông Nhị Quý, mà đó là vợ chồng ông Kim Sơn  (tức Nguyễn Huy Văn, chiến sĩ trung đội Phạm Hồng Thái năm xưa)!

dưới tráiYên Lãng (Đại Từ) – Nơi phát tích “Đội xung phong Lào Bắc”? 1122
Từ phải sang: ông Lộc và ông Phúc (hai người con cụ Bá Ngoan), ông Lý Thanh, ông Kim Sơn  (tức Nguyễn Huy Văn), vợ ông Kim Sơn, vợ ông Phúc và một người khách của gia đình.

Mọi người hơi ngạc nhiên vì trước nay cứ nghe kể lại chứ thật ra cũng không ai biết mặt các cụ tiền bối cách mạng này. Thật may mắn, chị Nông Thị Lạc, cháu gái cụ Ngoan (con gái ông Nông Đình Phúc) chạy về nhà (kế bên) cầm sang 3 bức ảnh khác. Và trong đó mới đúng là hình ảnh vợ chồng ông Nhị Quý chụp chung với ông Phúc và ông Lộc tại gia đình cụ Ngoan.

Như vậy, đúng là khi còn hoạt động, cụ Bá Ngoan có mối quan hệ với các bậc cán bộ lão thành nổi tiếng.

Những thông tin, tài liệu nêu trên cho thấy việc phán đoán nhà ông Bá Ngoan, xóm Giữa, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ là Nơi phát tích của “Đội xung phong Lào Bắc” là có cơ sở. Phán đoán này căn cứ vào việc phân tích các tài liệu lịch sử và dựa trên phương pháp lịch sử và lô-gic.

top phảiYên Lãng (Đại Từ) – Nơi phát tích “Đội xung phong Lào Bắc”? 1123
Từ phải sang: ông Phúc, ông Nhị Quý và vợ, ông Lý Thanh

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng ngàn lượt cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong từ Thái Nguyên đã sang công tác, chiến đấu cùng quân và dân các bộ tộc Lào anh em. Từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nhiều đồng chí cán bộ cách mạng của nước bạn Lào đã đến Thái Nguyên công tác, học tập, được nhân dân Thái Nguyên đùm bọc, giúp đỡ. Các trường đại học, cao đẳng, văn hóa ở Thái Nguyên đã và đang đào tạo cho nước bạn nhiều thế hệ cán bộ, trong đó có nhiều đồng chí đã trưởng thành, giữ các cương vị lãnh đạo ở Trung ương và các địa phương. Hiện tại, có hàng trăm lưu học sinh và sinh viên Lào học tập ở cả 4 hệ đào tạo: trung học phổ thông, cao đẳng, đại học và sau đại học. Một số doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên cũng đã và đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, dịch vụ trên đất nước Lào, hàng ngàn người Thái Nguyên đang làm ăn, sinh sống trên đất nước Lào anh em.

Ông Dương Mạnh Việt, Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện - Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hội đã đề đạt lên đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Ban Liên lạc Toàn quốc Quân tình nguyện - Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam để xin hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin, nhân chứng nhằm xác định rõ nơi ghi dấu sự kiện lịch sử này.

Clip: Phát biểu của ông Dương Mạnh Việt, Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện – Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thái Nguyên

Mong rằng, với sự vào cuộc tích cực của Ban liên lạc Quân tình nguyện – Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Thái Nguyên, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, địa điểm nơi phát tích của “Đội xung phong Lào Bắc” sẽ sớm được xác định đúng vị trí và nội dung sự kiện, từ đó được công nhận là Di tích lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và tăng cường tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Đại Từ ngày 26/9/2023

Văn Vượng – Trần Thép

---------------

(*) Theo chúng tôi, “Khu 12” là cách nói tắt của “Chiến khu 12” trong Kháng chiến chống Pháp. Chiến khu 12: gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Ninh. Lực lượng vũ trang có Trung đoàn 125 (Lạng Sơn), Trung đoàn 118 (Bắc Ninh - Bắc Giang), Trung đoàn 132 (Chũ) và hai tiểu đoàn 515, 517. (Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam).

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đón bạn về quê

Thơ 4 giờ trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 10 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 19 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 20 giờ trước

Mưa từ Ba Đình

Thơ 1 ngày trước