Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
05:37 (GMT +7)

Ý nghĩa các bát hương trong tục thờ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng

VNTN - Cũng như một số tộc người khác, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng truyền thống quan trọng của người Tày, Nùng.

Do quan niệm con người chịu sự tác động của các lực lượng siêu nhiên; nên người Tày, Nùng xưa nay thờ nhiều loại ma gọi chung là (Phàng, Phi - Ma). Bàn thờ người Tày, Nùng thường được bố trí ở nơi trang trọng trong nhà. Tùy từng gia đình, dòng tộc mà đặt một, ba hoặc bốn bát hương thờ tổ tiên.

Bát hương thờ Đẳm

Bát hương này thờ tổ tiên cội nguồn, thường to hơn các bát khác. Ông bà Tổ tiên mất ngày nào con cháu phải ghi nhớ để làm giỗ hoặc tránh làm những việc trong đại như làm nhà cưới gả, trồng cấy… Người Tày, Nùng có câu thành ngữ để truyền bảo: “Tụm Đẳm bấu đảy lọa/ Tụm phạ bấu đảy kin” (Trùng Tổ tiên không được làm/ Trùng trời (trời sấm) không được ăn - “Tụm Đẳm” nghĩa là trùng vào ngày cha, mẹ, ông, bà mất thì con cháu làm việc gì lớn hay quan trọng nên tránh, nếu không sẽ gặp phải điều không hay. “Tụm Phạ” ám chỉ vào ngày trời sấm đầu năm mới mà tiến hành công việc trồng trọt thì không có hiệu quả, ngay cả việc cưới hỏi vào ngày trời sấm sẽ có điều gở đến với gia đình. Hoặc câu tục ngữ “Ruổi bân ruổi phạ ruổi mừa lăng/ Ruổi pỏ ruổi mẻ ruổi tha hăn” (Phạm trời phạm đất nạn về sau/ Phạm cha phạm mẹ nạn trước mặt) với quan niệm như vậy việc thờ cúng tổ tiên là một trong những vấn quan trọng của người Tày, Nùng.

 

Khi xây xong nhà mới, hay chuyển bát hương từ nhà nọ sang chỗ ở mới người ta chọn ngày tốt để đưa bát hương vào nhà. Việc di chuyển này nhất thiết phải nhờ đến người “Mắt sáng” (gần tha rủng) chỉ những người hành nghề Phựt, Tào, Mo, Then…Theo người Tày, Nùng những người này có khả năng giao tiếp được với người cõi âm để họ biết và làm theo.

Lễ lập bát hương thờ gia tiên được tiến hành như sau:

Phải chuẩn bị đồ lễ cúng gồm: Một con gà giò, đĩa xôi hoa quả bánh trái… hai tấm vải trắng đen tượng trưng là cầu âm dương đưa chuyển lễ sang cõi âm cho các vị tổ tiên và thần thánh.

Các bát hương được rửa lá bưởi sạch (lá bưởi tẩy uế) lau khô. Chuẩn bị ít tro bếp (tro được đốt từ rơm của bông lúa nếp) để cho vào bát hương. Bát hương vào nhà mới này thường được chuyển từ bát hương thờ tổ tiên ở nhà cũ sang. Trường hợp con cháu làm nhà mới thì lập bát hương mới, chỉ lấy ba chân hương từ bát hương thờ tổ tiên sang. Nếu nhà xa không đi lấy chân hương ở nơi bàn thờ tổ tiên thì viết họ tên ông bà đã khuất (cha mẹ thân sinh của con trai) vào tờ giấy rồi đặt vào trong đáy bát hương.

Cắt giấy điều và lá bưởi cắt hình tròn làm đồng tiền xu (tiền âm) đồng xu bằng lá bưởi. Lấy một đồng tiền dương thầy dùng bút viết họ tên ông, hoặc cha thân sinh (đã mất) của gia chủ vào tờ tiền rồi dùng cây hương cháy chấm thủng một lỗ vào tờ tiền (tiền âm có lỗ tròn), kế đó dùng dấu Ngọc Hoàng đóng vào.

Chồng và vợ ngồi quỳ trước mâm hương, thầy đặt tờ tiền âm và dương lên tay hai người, sau đó đặt tờ giấy và các đồng tiền âm vào đáy bát hương. Thầy cúng báo lên các vị thần thánh xin được lập bát hương mới cho gia chủ. Thầy niệm thần chú vào bát hương rồi gia chủ xúc tro bỏ vào bát hương, khi tro đầy thắp ba cây hương cắm vào bát.

Từ bát hương đặt bên cạnh mâm hương, thầy rải tấm vải đen trắng làm cây cầu âm dương lên bàn thờ tổ tiên. Một con gà giò, một con vịt sống (vịt đưa gà đi lấy vía) cùng chậu nước (tượng trưng là biển) đặt cạnh bát hương. Rồi thầy đọc bài ca dâng lễ vật lên tổ tiên và thánh thần. Một người cầm chiếc lồng nhốt gà, vịt sống từ từ di chuyển từ dưới mâm hương lên trên bàn thờ, người thứ hai nâng đĩa xôi con gà theo sau, tiếp đó là gia chủ cầm bát hương và ngọn đèn đặt lên bàn thờ. Bát hương và ngọn đèn này được liên tục thắp hương trong ba ngày bởi: các cụ mới nhập gia phải thắp sáng ba ngày để các cụ an định chỗ ở mới.

Bát hương thờ Phi Ham (ma chức sắc)

Nhà có tổ tiên hành nghề Pựt, Tào (người Tày, Nùng gọi là Phi Ham hay Phàng Ham). Nếu nhà đang có người hành nghề thì có bàn thờ Phi Ham đặt riêng biệt. Nếu hoặc để chung trên bàn thờ được ngăn cách với bát hương khác bởi tấm ván. Bên bàn thờ Phi Ham treo các đạo cụ hành nghề. Phía trên thì gác cây cầu Hào Quang treo các vật phẩm khi làm Lễ cấp sắc.

Nhà thờ Phi Ham khi nhà có lễ cúng hay tết tháng bảy và tết Nguyên Đán bao giờ cũng có hũ rượu ngọt để dâng Phi tổ sư của mình. Hũ rượu ngọt để cúng được ủ bằng gạo nếp. Trước khi xôi trộn men ủ rượu người nấu không được nếm hoặc để trẻ con ăn. Rượu được cho vào hũ nhỏ, miệng hũ được bịt bằng giấy hồng điều có cành lá bưởi gài ở miệng hũ .

Bên bàn thờ có dựng hai cây mía người ta gọi đó là “Tậu bà vương” (Gậy bà thánh) tượng trưng là cây gậy thần cho tổ sư đi về trong cõi âm. Khi mở hũ rượu dâng thánh, thầy cúng lấy phần ngọn mía dùng dao vót nhọn chọc vào hũ rượu rồi quết lấy rượu ra chén dâng lên bàn thờ mời tổ sư và các thánh thần hưởng rượu.

Đặc biệt, nhà có bàn thờ Phi Ham con cháu không được đem thịt chó, thịt trâu, thịt bò vào nhà nấu ăn. Nếu phạm phải điều này thì người hành nghề bị tổ sư quở, gia đình gặp nạn, nặng thì truất quyền hành nghề…

Cứ ba năm người hành nghề Phựt, Tào phải làm lễ “Lẩu khẩu slảo” (Lễ khao binh mã) cúng các lễ vật cho tổ sư Phi Ham để nuôi binh mã đồng thời người hành nghề được tăng thêm bậc.

Khi người hành nghề Phựt, Tào mất nếu nhà không có người kế nghiệp thì làm lễ “Quyển Đẳm” (thu hồi binh mã để thu hồi tổ sư Phi Ham) để mãi mãi tổ sư không về bắt con cháu dòng dõi hành nghề Phựt, Tào nữa. Nếu không Phi Ham sẽ về quấy quả, con cháu làm ăn thất bát nặng thì cho âm binh dẫm đạp khiến con cháu gặp nạn.

Bát hương thờ Mỉnh

“Mỉnh” Tức Mệnh của mọi người trong nhà do hai ông Nam Tào và Bắc Đẩu quản lý. Hai vị Nam Tào, Bắc Đẩu trông coi mọi thành viên trong gia đình. Nam Tào trông coi sổ tử, Bắc Đẩu trông coi sổ sinh. Ai đoản thọ hay trường thọ là do hai vị này định đoạt, nên khi trong nhà có người ốm đau, tai nạn người Tày, Nùng thường tiến hành Lễ Cầu yên, giải hạn cầu hai vị gia ân thêm cho thành viên trong gia đình sống thêm thời gian nữa ở dưới trần gian.

Bát hương thờ Mẻ Bioóc

Mẻ Bioóc (Mẹ Hoa) người Nùng còn gọi “Mẻ slam rẩu cẩu nồm” (Mẹ ba chôn chín vú), người Kinh gọi là Cô Chín tức là Bà Cửu Thiên Huyền nữ Hoa Vương Thánh Mẫu thường gọi là Bà Mụ). Mẹ Hoa có một vườn hoa đủ các thứ hoa, hàng ngày Mẹ trông nom chăm sóc vườn hoa và ban hoa xuống cho các cặp vợ chồng dưới dương gian. Hoa vàng tượng là con trai, hoa bạc tượng trưng là con gái. Ai được Mẹ ban cho hoa bông to đẹp thì con cái khỏe mạnh, ai được ban bông út nhỏ thì con cái yếu, đoản thọ...

Bát hương thờ Mẻ Bioóc thường được lập khi người phụ nữ sinh con đầu lòng, cũng có nơi bát hương được lập khi thai nhi còn trong bụng mẹ được ba tháng hoặc bảy tháng, gia đình đôi bên nội ngoại mời Thầy cúng đến nhà làm lễ Cầu Hoa. Nhưng đa số người Tày, Nùng thường lập bát hương này vào hôm tổ chức lễ đầy tháng tuổi của trẻ.

Thủ tục lập bát hương do bên nhà ngoại đảm nhiệm, lễ gồm con gà giò và đĩa xôi màu (gọi là Cáy Tuốn - Gà tuốn) cúng cho Mẹ Tuốn trông nom phần hồn trẻ.

Lập một bát hương thường dùng ống nhỏ bằng tre hoặc ống bơ đựng tro, dùng giấy màu dán xung quanh và làm xâu hoa tùy trẻ sinh đôi hay sinh một.

Bát hương thờ Mẹ Hoa có nơi đặt trong buồng trẻ nằm, có nơi đặt riêng tách biệt bên bàn thờ nhưng phần đa là đặt trên bàn thờ bên trái lui về phía trước không đặt ngang với các bát hương thờ Tổ tiên. Riêng đối với những trường hợp con trẻ là con phải cầu xin với bà Mẹ Hoa thì bát hương đặt ở bên phải bàn thờ.

Người Tày, Nùng quan niệm Mẹ Hoa đã ban Hoa (con) cho các cặp vợ chồng dưới trần gian. Được Mẹ Hoa ban rồi, cha, mẹ ông bà dưới dương gian chỉ nuôi dưỡng được phần thể xác của Hoa còn phần hồn vía vẫn nhờ Mẹ Hoa hộ trông nom. Mẹ Hoa trông coi phần hồn của trẻ thơ từ nhỏ đến khi trưởng thành. Nên nhất thiết khi gia đình có con thơ phải lập bàn thờ cúng Mẹ Hoa. Với quan niệm trẻ là con của Mẹ Hoa nên khi nuôi con nhỏ người ta rất chiều chuộng con thơ không mắng không đe vì nếu mắng trẻ Mẹ Hoa thấy cha mẹ không thương con mình ban cho sẽ thu hồn vía trẻ về đầu thai nơi khác, trẻ sẽ ốm yếu mà chết yểu. Cúng Mẹ Hoa chủ yếu là đồ chay. Riêng hôm lập bàn thờ cúng có con gà thịt chín gọi là “Cáy Tuốn” khi làm lông để lại chỏm đầu một ít lông và đuôi, cánh mấy sợi lông vũ - tượng trưng là gà sống để Mẹ Hoa đem về trời nuôi.

Bát hương thờ này đặt trên bàn thờ đến khi trẻ được 12 tuổi nghĩa là hết tuổi trẻ thơ thì Mẹ không trông nom phần hồn nữa, thì sẽ cất bỏ. Riêng đối với người Nùng An thì khi trẻ được 36 tuổi thì bát hương mới được cất. Khi cất thầy đến làm lễ cúng cất bỏ bát hương. Hương và tro được gói lại đưa lên hẻm đá để.

Thờ tổ tiên, người Tày, Nùng thắp hương ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng như người Kinh, ngoài ra các ngày có giỗ có lễ cúng việc gì họ cũng cúng tổ tiên trước sau mới tiến hành các lễ thức khác.

Gia đình nào thờ cúng tổ tiên chu đáo thì con cháu làm ăn thuận lợi, trái lại con cháu xem nhẹ, thậm chí bỏ bàn thờ không thờ cúng, tổ tiên giận, con cháu làm ăn gặp nhiều gian nan thậm chí tiệt họ. Từ quan niệm này, tục thờ cúng tổ tiên của tộc người Tày, Nùng được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Triệu Thị Mai

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy