Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
17:41 (GMT +7)

Xuân về trên bản người Mông

Khi trên cành khẳng khiu của những cây đào già ở triền núi cụ cựa tách vỏ, hé mắt lá xanh mơn mởn, bật vô vàn “đốm lửa hồng” kỳ diệu, là bản Mông nhộn nhịp đón xuân.

Người Mông chuẩn bị ngày tết chu đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của tộc người non cao. Các cô, các chị miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để người lớn, trẻ con kịp diện. Người già lo sắm vuông vải đỏ treo ngang cửa chính, cắt giấy đỏ điều dán vào gian giữa cột nhà và vào các dụng cụ cối xay, cày, cuốc, dao rựa… để năm mới các thần phù hộ cho gia chủ nhiều bắp ngô to, hạt lúa chắc.

Ngoài thịt lợn, thịt gà, nhà nào trong bản cũng có rượu ngô và bánh dày. Rượu ngô ủ men lá nấu từ trước tết hàng tháng. Rượu nấu xong đựng vào chum lớn, chum bé đậy bằng lá chuối rừng khô để giữ mùi thơm. Khắp bản gần, bản xa men rượu ngô thơm nồng là lúc mùa xuân về với bản người Mông.

Vào những ngày giáp Tết, bản Mông nhộn nhịp làm bánh dày đón năm mới. Khi tiếng chày giã bánh dày “Kinh koong… Kinh koong…” dội vào vách đá, lan trên cây rừng, chạy dài theo gió… báo hiệu niềm vui náo nức, tưng bừng, dâng tràn khắp nẻo đường mòn trên sườn núi mẹ, núi con, là Xuân về.

Thiếu nữ Mông trong ngày xuân. Ảnh: Quang Khải

Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Bánh dày dùng để cúng trời và cúng ma nhà. Bánh dày làm từ gạo nếp cái, cho vào chõ gỗ đồ xôi. Khi hương nếp thơm tràn khắp không gian thì cho xôi vào máng gỗ, giã bằng nhịp chày đôi, đến lúc nhuyễn mềm thành bột dẻo dính là mang ra nặn bánh. Từng chiếc bánh tròn trắng, lót dưới lá chuối xanh, bày trên mâm gỗ. Những chiếc bánh dày quây quần bên nhau trong mâm đầm ấm, sum vầy như gia đình của người Mông.

Ngày cuối cùng trong năm, âm dương giao hòa, đất trời mở ra chu trình mới là ngày người đi xa về sum họp cùng người thân. Trong những ngôi nhà, ở cửa ra vào, miếng vải đỏ được người chủ gia đình treo lên để trừ tà, trừ ma và mong muốn nhiều điều may đến với gia chủ.

Vải đỏ treo lên là mổ lợn, mổ gà đón Tết. Con gà trống cúng trời, cúng tổ tiên được làm riêng. Lòng gà thắp hương luộc chín đính sợi lanh hồng, treo giấy đỏ điều để nơi ban thờ làm bài vị cúng. Bản Mông gọi ăn Tết ngày Ba mươi là “Nò pê chấu” (ăn ba mươi). Vào ngày này, hương rượu ngô thơm lừng thấm đẫm đất trời. Nhà nhà trong bản uống rượu từ sáng qua đêm ba mươi, đến ngày mùng một Tết. Uống được bao nhiêu thì uống. Vừa uống vừa tâm sự, cùng nhau nói chuyện mùa màng, làm ăn trong năm mới và ôn lại những chuyện đã qua.

Rạng sáng mùng một Tết, người Mông có tục rước nước về nhà. Từng đoàn nam, nữ đến ngọn nước đầu nguồn, hứng đầy ống bương, rước nước tinh khiết về nhà, mong cầu năm mới người bản khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, nhà cửa sáng sủa, sạch sẽ...

Mùng một, mùng hai Tết, người trong bản đến nhà nhau chúc tết, uống với nhau bát rượu, ăn với nhau miếng bánh dày, chúc nhau những điều tốt lành.

Tới ngày mùng ba Tết, các bản Mông tưng bừng mở hội Gầu tào vui xuân. Cây nêu (làm bằng cây mai vút ngọn) dựng nơi đất trống ven rừng thưa. Trên ngọn cây nêu treo dải lanh đỏ, một dây giấy bản màu vàng và nậm rượu vỏ là quả bầu khô vàng óng.

Sáng sớm, sương giăng trắng rừng. Người bản chuẩn bị mâm cúng có con gà trống, đĩa bánh dày trắng, đĩa bánh dày đỏ và ba chén vại đựng rượu, một bát nước. Mâm cúng trịnh trọng đặt dưới gốc nêu. Thầy cúng “sa man” mở đầu hội Gầu tào bằng bài cúng thần rừng, thần núi, cầu cho dân bản người yên, vật thịnh.

Khi lời thầy cúng vừa dứt thì tiếng sáo, tiếng khèn réo rắt bay bổng vang lên. Điệu múa khèn do các chàng trai biểu diễn. Ai cũng muốn mình là người trai tài giỏi. Những thanh niên người Mông vừa thổi khèn, vừa nhảy múa xoay nửa vòng tròn sang phải, sang trái và cao hứng lên xoay tít vòng tròn trong vũ điệu đắm say. Tiếng khèn réo rắt, âm vang, hòa trong tiếng sáo bay bổng gọi người người đến trẩy hội. Trong lễ hội, có nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa, đó là trò chơi “nẩy pao” và đánh yến. Quả pao mềm mại, cái yến thanh mảnh, người đánh đi, kẻ trao lại, tựa đối thoại bằng hơi ấm bàn tay, gửi gắm bao lời hò hẹn.

Ngày hội Xuân tưng bừng, náo nức, rộn ràng bởi hội hát “Gầu plềnh”. Hát “Gầu plềnh” là hát giao duyên. Những lời hát mượt mà, đằm thắm hòa quyện giữa thanh âm lời khèn, tiếng sáo bay bổng, ngân vang cùng ngàn ngàn ngọn gió phiêu lãng dưới nắng xuân: “… Hát không hát lời nặng/ Hát chẳng hát lời đau/ Bài hát không để người già ghét/ Hát không để người trẻ nhiếc/ Đã hát thì hát đến nơi…”

Từng đôi, từng cặp thanh niên nam nữ mắt chìm trong mắt, đắm say đi trong hương thơm man mác của rừng đào rực rỡ, rừng mơ trắng ngần… để lời yêu thương vang vọng, da diết, thúc giục: “… Ta lấy được mình, ta quý mình như bóng chiều hôm/ Ta lấy được mình, ta yêu mình như bóng chiều tà…”.

Thanh âm trữ tình của hội “Gầu plềnh” lan xa, cho tới lúc trên núi, trong rừng rộn vang tiếng hót của chim kỷ giàng (còn gọi là chim cứ cư) da diết, ấm áp, lảnh lót trong trời xuân, gọi hoa đào rực thắm, hoa mơ, hoa mận trắng ngần tỏa hương, nước suối reo vui, má các cô gái hồng phấn, trong bụng các chàng trai phấn chấn, là lúc lời hát nồng cháy, xao xuyến vang xa: “Tình yêu đôi ta đẹp đẽ thay/ Buổi sáng mùa xuân, đôi ta cầm tay nhau trên bờ suối/ E rằng chim kỷ giàng ung dung bay qua uống phải trong ngần sẽ rung động lá gan/ Tình yêu đôi ta đẹp đẽ thay/ Sớm xuân, đôi ta cầm tay nhau soi bóng nước đầu nguồn/ E rằng chim kỷ giàng ung dung bay tới uống vào sẽ rung động trái tim…”. Những chàng trai, cô gái Mông tựa như bầy chim kỷ giàng, từng đôi dệt lên ước mơ mùa xuân sau hội Gầu tào bằng tập tục “bắt vợ, kéo vợ” (tập tục này ngày nay đã dần mai một), để rồi hát tiếp lời hát Gầu plềnh trong lễ mừng đám cưới sang xuân.

Người Mông gọi chim kỷ giàng là chim của tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Chim kỷ giàng cất tiếng hót rộn ràng, là lúc lễ hội xuân “Gầu tào” tưng bừng tươi vui cùng cái Tết đầm ấm, thuận hòa, đậm đà bản sắc văn hóa độc đáo khép lại, mở ra chu trình hy vọng mới của tộc người non cao.

Bùi Như Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy