Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
03:18 (GMT +7)

Xưa nay đình làng

VNTN - Nhịp sống hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại khiến chúng ta luôn khát khao được hòa mình vào thiên nhiên, được tận hưởng bầu không khí trong lành để giải tỏa những mỏi mệt, gạt bỏ những lo toan. Đình làng là một trong những địa điểm quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua trong hành trình tìm về cội nguồn, kết nối sâu hơn với bản thể, tĩnh tâm tĩnh trí, nạp năng lượng tích cực sẵn sàng tiếp tục hành trình dài đầy thách thức và cơ hội phía trước. Bởi, “mai sau dù có bao giờ”, đình làng mãi là nơi kết nối không gian xanh, yên bình, giao hòa giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, là nơi lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, khoa học, dân tộc học, văn hóa dân gian, kiến trúc…

Đình Trà Cổ được ví như “cột mốc văn hóa” nơi địa đầu Tổ quốc. Ảnh có tính chất minh hoạ, nguồn: mongcai.gov.vn
Đình Trà Cổ được ví như “cột mốc văn hóa” nơi địa đầu Tổ quốc. Ảnh có tính chất minh hoạ, nguồn: mongcai.gov.vn

Tìm về đình làng

Đình làng là một trong những biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của làng xã Việt Nam, có ba chức năng: hành chính, tôn giáo và văn hóa. Đình làng hiện diện từ lâu đời (cuối thời Lý - Trần), là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, giải quyết các vấn đề nội tại của làng, nơi thờ Thành hoàng làng và bách thần. Gần như mọi làng đều có một đình, vì đình là biểu tượng đặc trưng của làng quê Việt, minh chứng sự tồn tại và hiện hữu của cộng đồng làng xã. Và bất kỳ người dân nào cũng yêu quý, tự hào về đình làng của mình. Niềm tự hào này là một biểu hiện của tinh thần cố kết cộng đồng của người phương Đông.

Trong kho tàng văn học dân gian, rất nhiều câu ca dao đã phản ánh đời sống sinh hoạt, lề thói, tín ngưỡng gắn kết với đình làng của người dân. Đó là hình ảnh cậu học trò với thức quà quen thuộc, đang vui chơi quanh đình dịp làng có lễ hội: “Học trò thò lò mũi xanh/ Cầm miếng bánh đúc chạy quanh cột đình”. Đó là đời sống tinh thần sinh động của người dân quê được lưu giữ nơi đình làng: “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen"; "Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”. Sức sống đình làng và niềm kiêu hãnh của người dân đối với đình làng cũng được nhiều nhà văn tái hiện trong các tác phẩm của mình như đình làng Đông trong “Bến không chồng” của Dương Hướng, đình làng Giếng Chùa trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, đình làng Hạ Vị trong “Thời xa vắng” của Lê Lựu, đình làng Cổ Đình trong “Mẫu thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh, đình làng Phượng trong “Người giữ đình làng” của Dương Duy Ngữ,... Dù bằng góc nhìn hiện thực hay huyền thoại, các nhà văn đều mong muốn xác tín vẻ đẹp, giá trị nguyên sơ, thuần Việt của đình làng - nơi cất giấu bao nhiêu ký ức, vui buồn, hạnh phúc, khổ đau của người dân.

Đình làng được coi là sản phẩm đặc thù phản ánh rõ nét nhất về nguồn gốc, đời sống tâm linh, quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nên người dân rất coi trọng việc lựa chọn vị trí và kiến trúc công trình. Đình thường nằm ở vị trí trung tâm của làng, cao ráo, gần gũi với cây cối xanh tươi, ao hồ thoáng mát, vừa mang đến một không gian thanh bình, tĩnh lặng vừa tạo sự gần gũi với thần linh, tối ưu hóa vai trò kết nối tâm linh của cộng đồng. Đình có kết cấu vững chắc, kiến trúc độc đáo, chạm trổ hoa văn tinh xảo, điêu khắc thể hiện được tinh hoa nghệ thuật của người Việt. Chính sự đa dạng và phong phú về vị thế, kiến trúc, cách thức tổ chức lễ hội của đình làng từ Bắc vào Nam đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa riêng biệt của dân tộc ta.

Vang tiếng trống chiêng

Việt Nam, với nhiều lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách yêu thích văn hóa. Trong đó, Tết Nguyên đán, lễ hội lớn nhất và lâu đời nhất, là một nguồn du lịch quý giá góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong các lễ hội diễn ra ở đình làng, lễ hội Tết Nguyên đán được người dân bản địa và du khách háo hức đón chờ nhất. Tiếng trống hội giục giã, khuấy động khắp thôn xóm, nhà nhà người người hẹn nhau mang lễ vật ra đình tế thần. Sau khi các nghi thức rước thần/nghinh thần và tế lễ long trọng, trang nghiêm nhằm tạ ơn, tưởng nhớ công đức các vị thánh nhân, cầu mong một năm mới tốt lành, sung túc, bội thu kết thúc, phần hội với các hoạt động vui chơi, hát xướng góp phần thắt chặt tình nghĩa bà con làng xóm cũng được diễn ra sôi động, náo nhiệt.

Chúng ta có thể thấy rằng phần lễ Tết Nguyên Đán, dù diễn ra ở các vùng miền khác nhau, đều thể hiện những nét chung trong nghi lễ, cỗ thờ, trang phục,... nhằm tôn vinh tinh thần đoàn kết của người dân. Phần hội lại mang đậm bản sắc văn hóa của từng vùng với nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian, phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của người dân.

Đình làng là nơi thờ cúng thần linh, tổ tiên của làng xã nên tổ chức Tết Nguyên Đán ở đình làng có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để người dân thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân với tổ tiên, thần linh, ước nguyện, tin tưởng một năm mới bình an, hạnh phúc. Tết Nguyên đán ở đình làng còn là dịp để người dân bản địa cùng giao lưu, đoàn kết, thể hiện ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thích ứng thời hội nhập

Trong giai đoạn đô thị hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, các khâu quản lý, tổ chức, gìn giữ đình làng luôn bị đe dọa, vấp phải nhiều khó khăn. Người dân bị cuốn vào đời sống đô thị tấp nập, ồn ào không còn mặn mà với đình làng như trước đây. Lớp trẻ ít được thế hệ trước truyền lại một cách bài bản, thiếu tình yêu văn hóa truyền thống. Chưa kể, dân cư nhiều thành phần, nhiều nơi đến sinh sống lập nghiệp nên việc sinh hoạt tại đình làng không được tập trung.

Đình Mông Phụ nơi sinh hoạt văn hóa của làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Quang Khải
Đình Mông Phụ nơi sinh hoạt văn hóa của làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Quang Khải

Thứ nữa, dù đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, tổ chức hành chính, tín ngưỡng tâm linh, nhưng đình làng cũng không thể nằm ngoài quy luật thịnh suy của lịch sử. Nhiều đình làng cổ đã bị xuống cấp bởi thời gian, chiến tranh, bởi sự thờ ơ, vô cảm, thiếu tình yêu và kiến thức văn hóa khi trùng tu, bảo tồn của con người như: Đình làng Lương Xá 300 tuổi ở thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là một trong những kiến trúc có giá trị nghệ thuật đã bị bê tông hóa năm 2018; đình Dư Xá Thượng ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội hơn 100 tuổi đã bị trẻ hóa hoàn toàn năm 2021; đình Tây Đằng ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội khoảng 500 tuổi bị tu sửa ẩu, đánh mất vai trò quan trọng của văn hóa và tâm linh,...

Đình làng được xem như một địa chỉ gắn kết con người với lịch sử, văn hóa, nguồn cội song trước sự phát triển như vũ bão của đời sống, các nhà văn hóa mọc lên khắp nơi, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người, đặt ra một thách thức, đó là làm sao bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị đình làng trong cơ chế mới mà vẫn đảm bảo được những đòi hỏi của đời sống?

Đứng trước những thách thức và cơ hội mới của thời hội nhập, đình làng cần biết cách thích ứng, đổi mới, tiếp tục phát huy vai trò của mình trong đời sống tinh thần. Trước tiên, phải xem việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của đình làng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc. Hoạt động quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích, quy hoạch đình làng luôn được chú trọng, coi là nhiệm vụ cấp bách, cần được thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp, tránh làm qua loa, đại khái, dẫn đến “bức tử” công trình.

Một trong số những giải pháp cụ thể cần thực hiện để nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị đình làng là: duy trì tính vẹn nguyên, sửa chữa, tu bổ thường xuyên các công trình đã xuống cấp; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng và du khách về giá trị đình làng; khuyến khích, hỗ trợ người dân địa phương duy trì và phát triển nghệ thuật dân gian truyền thống; tăng cường hợp tác cộng đồng, sự liên kết giữa các cấp, ban, ngành trong việc quản lý, bảo tồn, phục hồi di tích và quy hoạch đình làng.

Đình làng trong nhà văn hóa

Hiện nay, một số đình làng đã có sự đổi thay, linh động trong khâu tổ chức lễ hội; bên cạnh những nghi thức, lễ hội truyền thống, còn đưa vào các hoạt động mang tính chất quần chúng nhằm hấp dẫn, thu hút người xem. Ngoài các phần lễ truyền thống, một số đình làng còn đưa vào các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ như tổ chức đua thuyền, chạy việt dã, thi đấu thể thao, hội thi ẩm thực...

Sự uyển chuyển hòa quyện giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại này đã góp phần rút ngắn mọi khoảng cách, kéo người gần người hơn. Đó là sức mạnh nhân văn, sức mạnh cố kết mà đình làng mang đến. Cho nên, việc đưa di tích lịch sử văn hóa đình làng vào hoạt động du lịch là một giải pháp hiệu quả. Giải pháp này giúp bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thông qua hoạt động kinh doanh du lịch, hoặc kết nối với các đơn vị, ban, ngành trong những dịp tham quan, thực tế, các lễ hội ở đình làng sẽ trở thành những sản phẩm du lịch đặc biệt, độc đáo.

Trên dải đất hình chữ S, một số đình làng vẫn duy trì sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, còn việc hành chính, vui chơi thư giãn cộng đồng đã giao lại cho nhà văn hóa. Thực tế cho thấy, đình làng là nơi thờ tự, linh thiêng, trang nghiêm nên khó có thể chấp nhận những hoạt động như thể dục thể thao, vui chơi giải trí thuần túy, trong khi nhà văn hóa tuy không có giá trị lịch sử, văn hóa như đình làng nhưng lại là mô hình đa năng, dung nạp được các hoạt động, phong trào.

Theo quy luật phát triển của đời sống, việc chia sẻ công năng giữa đình làng và nhà văn hóa là cần thiết. Sự va chạm, biến đổi giữa đình làng và nhà văn hóa đặt ra hai cách ứng xử: ứng xử văn hóa dân tộc và ứng xử đô thị. Hai cách ứng xử này là cơ sở để văn hóa Việt phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống nhưng vẫn đáp ứng được quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Kết hợp theo kiểu 2 trong 1, trong đình làng có nhà văn hóa thì đình làng sẽ phát huy được giá trị truyền thống, tình cảm cộng đồng và theo kịp cuộc sống hiện đại. Nếu xây dựng nhà văn hóa riêng lẻ, có thể bỏ lỡ cơ hội tận dụng sự tương tác và sự kết nối văn hóa truyền thống hết sức đặc biệt của đình làng. Do vậy, việc kết hợp uyển chuyển giữa đình làng và nhà văn hóa là một giải pháp hiệu quả, giúp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đình làng trong môi trường hiện đại.

Dù cuộc sống có biến chuyển thế nào, đình làng vẫn là một mái nhà chung gần gũi, quen thuộc, là nơi neo đậu, an trú tâm hồn của mỗi người con đất Việt.

Hoàng Thụy Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy