Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:49 (GMT +7)

Xem truyền hình không màn hình tivi

VNTN - Gần đây khái niệm OTT (Over The Top technology) tại Việt Nam được rất nhiều phương tiện truyền thông nhắc tới với sự nổi lên của những ứng dụng nhắn tin không mất phí như Line, Zalo, Viber, KaKao Talk,… tuy nhiên rất ít người biết đến những ứng dụng khác từ công nghệ truyền tải nội dung OTT, đang là xu hướng công nghệ toàn cầu và đầy tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam.


OTT(Over The Top technology), là giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet. Lĩnh vực được ứng dụng nhiều nhất là cung cấp các nội dung về truyền hình qua các giao thức Internet và các video theo yêu cầu (VOD) tới người dùng cuối cùng. Ưu điểm lớn nhất của công nghệ OTT là việc cho phép cung cấp nguồn có nội dung rất phong phú và đa dạng theo yêu cầu của người sử dụng vào bất kì những thời điểm nào và tại bất cứ ở nơi đâu chỉ với một thiết bị phù hợp đã có kết nối Internet. Ngoài ra, công nghệ này còn được cung cấp nhiều loại công cụ tiện ích khác, nó mang tính ứng dụng cao như: Mạng xã hội, Live Broad Casting. Với rất nhiều ứng dụng thiết thực, công nghệ OTT được dự báo sẽ còn phát triển mạnh hơn trong tương lai và trở nên là một trong nhiều xu thế công nghệ (Dragon Multimedia Technologies Jsc).

Truyền hình OTT có thể xem được dễ dàng trên smartphone, máy tính bảng, TV Internet, đầu thu kỹ thuật số (STB)... Ngoài ra, công nghệ này còn có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng kèm theo như phim, gameshow, clips xem theo yêu cầu, truyền hình xem lại, karaoke, ứng dụng giáo dục, ứng dụng giải trí... Truyền hình OTT phát sóng thông qua đường truyền Internet, không phụ thuộc mạng lưới, khả năng tương tác với người xem cao, hỗ trợ đa màn hình và không đòi hỏi đường truyền Internet cao như IPTV.

Khi OTT trở nên thông dụng và tiện lợi.

Cách đây 5 năm, khi nói đến truyền hình trả tiền (truyền hình kỹ thuật số) ở Việt Nam vẫn còn nhiều xa lạ và e dè, nhưng với sự phát triển chóng mặt của các loại thiết bị công nghệ thông minh chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây đã xoay chuyển tình thế. Theo báo cáo của comScore vào Quý II/2012, Việt Nam có tới 13 triệu người xem video trực tuyến, đã lọt vào top dẫn đầu về lượng truy cập video online trực tuyến tại châu Á. Trong số nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương được nghiên cứu, Việt Nam đã nằm trong số quốc gia có mật độ người xem video online cao nhất, trên 85% người sử dụng Internet truy cập xem video trực tuyến so với mức độ trung bình 83,1% của thế giới. Youtube vẫn đang là kênh được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, khả năng truyền dẫn tín hiệu truyền hình trên nền Internet sẽ khiến thị trường truyền hình OTT bùng nổ trong những năm tới đây. Bởi nếu để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp việc đầu tư xây dựng hạ tầng rất lớn, VTVcab hay SCTV trong gần 20 năm mới đạt con số gần 2 triệu thuê bao. Trong khi đó cộng đồng khách hàng Internet ở Việt Nam đã lên tới gần 30 triệu hộ gia đình, chưa kể đến các kết nối Internet không dây qua mạng 3G và sắp tới là 4G có xu thế phát triển rất mạnh. Nếu giữa các nhà cung cấp nội dung truyền hình và nhà mạng có thể bắt tay để đưa các nội dung đến với người dùng thì truyền hình OTT sẽ bùng nổ trong những năm tới.

Theo quan sát của nhiều “nhà”, từ những ngày đầu của năm 2012 đã thấy có sự chạy đua phát triển giữa nhiều dịch vụ IPTV và VOD khai thác các mảng phim HD với thời lượng dài tại VN. Không khó để chúng ta kể ra những cái tên tiêu biểu như Pub, Vivo, Clip.vn, HDViet,… và còn hàng ngàn các trang phim nhỏ lẻ khác (phần lớn “ký sinh” vào các nguồn khác nó cho phép nhúng nội dung của mình lên trang khác như Youtube, Clip.vn, Dailymotion)…

Không khó để thấy được các tiềm năng và các ứng dụng hấp dẫn mà OTT có thể mang lại và khai thác tại thị trường cạnh tranh ở Việt Nam. Đặc biệt khi tỉ lệ của các thiết bị thông minh như (smart devices bao gồm: smartphone, tablet, phablet, smart TV) đang ngày càng phổ biến trên thị trường.

Tuy nhiên, xu hướng xem truyền hình trên đa màn hình cũng đòi hỏi khác biệt về mặt nội dung so với truyền hình truyền thống. Người xem truyền hình không còn đơn thuần chỉ là xem các chương trình sẵn có trên truyền hình nữa, mà họ còn muốn tương tác nhiều hơn với nội dung mà họ yêu thích như like, share cho bạn bè, bình luận, mời bạn bè cùng xem, hoặc ở một mức độ cao hơn có thể nhúng các chương trình họ yêu thích vào một nội dung nào đó. Theo ý kiến của nhiều người, xu thế của truyền hình OTT sẽ là truyền hình tương tác, truyền hình đa phương tiện và cá thể hóa nội dung hiển thị, đây là một xu thế không thể đảo ngược.

Đây chính là lý do khiến các mạng chia sẻ video như Youtube đã rất thành công trong năm qua. Truyền hình OTT có xu hướng phát triển bởi cộng đồng khán giả ngày càng yêu thích những dịch vụ online hơn. Trên Internet, khách hàng sẽ tìm kiếm những nội dung mà họ yêu thích để xem theo ý mình, do đó, kỳ vọng phát triển dịch vụ video rất lớn. Hiện ở Việt Nam các nhà đài lớn như VTC, VTV đều đã có kênh chia sẻ nội dung riêng trên Youtube.

Các ông chủ cùng khai thác tiềm năng

Các đại gia truyền hình Việt Nam như VTVcab, SCTV, VNPT, FPT Telecom đã tham chiến thị trường truyền hình OTT. Về mặt công nghệ họ đã sẵn sàng cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu của từng khán giả với các tính năng của truyền hình tương tác, truyền hình trên đa màn hình. Dịch vụ truyền hình được truyền dẫn trên nền tảng Internet băng rộng hoặc 3G (truyền hình IPTV hay còn gọi là OTT) không còn là khái niệm xa lạ với người dùng Việt Nam. VTVcab là đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ OTT với thương hiệu VTV Plus từ đầu năm 2013, sau đó là tới FPT Telecom cũng tung ra dịch vụ FPT Play từ tháng 10/2013, kế đó VTC cũng chính thức cung cấp dịch vụ ZTV, MyTV tung ra dịch vụ MyTV Net, VNPT cũng cung cấp dịch vụ qua thiết bị Android TV Box từ cuối năm 2013. Cuối năm 2014, SCTV cũng chính thức tham chiến khiến cho thị trường truyền hình OTT sôi động.

Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, các đài truyền hình lớn cũng đã triển khai kế hoạch mở rộng thị trường, cung cấp dịch vụ OTT, Như SCTV đưa vào thử nghiệm 8.000 đầu thu Hybrid Box ở 12 tỉnh thành như: Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang… để cung cấp kho video theo yêu cầu với hàng ngàn bộ phim, MV ca nhạc, hài, cải lương, thiếu nhi, thể thao, thời trang, du lịch... đều có bản quyền, chất lượng cao và luôn cập nhật, VTVcap cũng ra mắt dịch vụ truyền hình OTT-VTVcap ON trên nhiều màn hình như thiết bị di động smartphone, laptop, máy tính bảng, PC… thông qua đầu thu Hybrid để khách hàng xem trực tuyến hay xem lại các chương trình. VTV Go là ứng dụng xem truyền hình trực tuyến chính thức của VTV, cho phép hàng chục triệu khán giả xem trực tiếp, xem lại, xem theo chủ đề, chuyên mục các kênh của VTV với chất lượng HD, cũng như có thể xem kho tư liệu khổng lồ của VTV ở các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, giải trí, quốc tế, thời sự, phim, ca nhạc…ngay trên smartphone hoàn toàn miễn phí.

Truyền hình số vệ tinh K Plus có ứng dụng myK+ dành cho khách hàng xem miễn phí tất cả các trận đấu thể thao quốc tế đang diễn ra, những bộ phim Việt mới nhất sau khi ra rạp, các phim truyền hình mới của Mỹ, Pháp và nhiều nội dung giải trí khác trực tiếp trên kênh K+1, K+PM, K+NS, K+PC… thông qua các thiết bị có kết nối Internet ở bất cứ đâu có Internet. HTVC có hai ứng dụng xem truyền hình hiện đại HTVOnline và Hplus trên các thiết bị thông minh có kết nối Internet tương thích với hệ điều hành iOS, Android và Windows…

Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nhìn thấy kết nối Internet là một cộng đồng rất lớn, băng thông ngày càng rộng, chất lượng ngày càng cao. Họ có thêm cơ hội kết nối với cộng đồng khán giả mới trên nền tảng đa màn hình, cùng một nội dung xem trên nhiều màn hình sẽ tăng lượng khán giả, vươn đến lượng khán giả rộng hơn trên cùng một kết nối băng rộng. Điều này chỉ còn phụ thuộc vào việc nhu cầu sử dụng của khách hàng thế nào và họ đã sẵn sàng trả phí để tải các video hay sử dụng dịch vụ truyền hình tương tác đến đâu? Câu trả lời lại nằm ở chỗ  nhà cung cấp hạ tầng phải cải tạo để tăng chất lượng truyền video, mới có khả năng thu tiền của khách hàng. Nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phải đối mặt với thói quen nghe xem, ai hiểu nhu cầu khách hàng, cung cấp những nội dung đúng thị hiếu khán giả người đó sẽ thắng.

Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung OTT đang chờ một hành lang pháp lý rõ ràng. Bởi nếu OTT không được kiểm soát chất lượng, không có những quy định về bản quyền các nhà cung cấp nội dung sẽ rất e ngại không dám đầu tư cung cấp nội dung lên Internet. Việc vi phạm bản quyền nội dung trên Internet quá dễ dàng, một video vừa đăng lên có khi đã bị mang link đi dán khắp nơi, trong khi các đầu tư bài bản có thể tốn nhiều triệu USD.

Giải pháp truyền hình trên nền OTT đang được nhiều chuyên gia đánh giá là phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế hiện nay, bởi có thể cung cấp các nội dung đa dạng, mang tính cá nhân cao, lại có thể xem được trên nhiều thiết bị, xem mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, một ưu điểm của giải pháp này là độ phủ dịch vụ rộng, triển khai nhanh, chi phí thấp...

OTT là xu hướng giàu tiềm năng nhưng hiện tại ở Việt Nam mới chỉ góp phần đa dạng hóa số lượng kênh truyền hình, lặp lại các chương trình đã có sẵn, nên vẫn đang trong thời gian cạnh tranh khách hàng xem tivi truyền thống - ngồi xem tại màn hình tivi. Khi OTT chưa có chương trình riêng để tạo khác biệt thì vẫn còn là thách thức để thật sự phát triển xu thế xem truyền hình không màn hình tivi.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy