Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
15:50 (GMT +7)

Xây dựng văn hóa học đường bắt đầu từ: Đảm bảo công bằng, dân chủ trong giáo dục

VNTN - Ngày nay, bất cứ ai quan tâm đến giáo dục cũng có thể chỉ ngay ra được những biểu hiện của sự xuống cấp trong văn hóa học đường. Người ta nói nhiều đến những tác động tiêu cực đa chiều của xã hội; cách thức quản lí và giáo dục của các cấp; vấn đề đạo đức nhà giáo… Do tất cả những điều đó hay không chỉ là những cái đó? Câu trả lời ấy, xin được cùng tất cả mọi người suy ngẫm. Trong bài viết nhỏ này, chỉ xin nêu lên một số suy nghĩ từ những việc làm cụ thể mà chúng tôi đã quan sát được từ một số trường THPT trong tỉnh trong việc góp phần xây dựng văn hóa học đường, mà trọng tâm là việc đảm bảo công bằng, dân chủ trong giáo dục.

Thực sự quan tâm đến học trò, tìm mọi cách để các em được nói, được làm, được lắng nghe và chia sẻ

Một hạnh phúc của nghề làm thầy là hàng ngày hàng giờ được tiếp xúc với thế giới trong trẻo của tuổi đẹp nhất trong đời người. Vậy tại sao nhiều khi ta lại để rơi, đánh mất niềm vui đó? Học sinh có thể nói rất nhiều, vì trong lòng em luôn đầy ắp những điều muốn nói. “Thầy ơi, đừng  bao giờ thầy hát trước lớp nhé, thầy hát buồn cười lắm, nhưng các bạn thương thầy nên cứ gục mặt xuống không dám cười”; “Thầy tập thể dục đi thầy, nhà trường yêu cầu chúng em tập thể dục giữa giờ, sao thầy cô không tập nhỉ?”; “Thầy này, tại sao chúng em phải phạt hát quốc ca rất nhiều lần, hát quốc ca có phải là việc để đem ra phạt nhau đâu? Sao thầy cô và đại biểu không hát?”. “Cô ơi, cô đừng mắng em thì em mới dám nói với cô chuyện này, em có thai rồi cô ạ”; “Nhiều khi em không biết thế nào, lúc cần mắng thì bố mẹ bảo chúng em là lớn bằng từng này rồi mà không biết nghĩ; lúc em bày tỏ ý kiến thì lại bảo: Chúng mày trẻ con biết gì? Thế nào cũng nói được cô ạ”; “Người lớn hay nói dối lắm, suốt  ngày nói dối, nói dối nói bậy vi phạm quy chế ngay trước mặt chúng em luôn”... Hãy nghe trẻ con nói, bạn sẽ nhận ra chính mình.

Tôi đã từng tổ chức những tiết học đảo ngược. Ở đó, các em được lần lượt làm thầy A cô B, còn giáo viên chúng tôi làm học trò. Bạn không thể tưởng tượng được những giờ học đó sinh động và phong phú thế nào! Tất cả đều rõ mồn một như có một tấm gương trước mặt. Lúc thì nóng bừng vì xấu hổ, lúc thì khoái trá vì được giáo dục và giáo dục lại. Chúng tôi đã thấy các trò của mình dũng cảm hơn nhiều so với những gì mình dự đoán, bởi các em dám công khai bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc cá nhân, được rèn luyện tư duy, phát triển ngôn ngữ, điều chỉnh hành vi. Nhiều cái lợi như thế, có phải “phơi mặt” hay bị “bóc mẽ” một chút cũng chịu được. Vậy thì tại sao lại cấm các em bày tỏ ý kiến? Chỉ sợ các em im thin thít không nói, và chúng ta không biết trong đầu chúng đang nghĩ những gì, còn kể cả nói sai hay nói nhiều, nói chưa đúng lúc đúng chỗ, nói mà chưa nghĩ kĩ, ta cũng đừng vì đó mà quá phiền lòng.

Từ 20 năm trước, cố Vụ trưởng Vũ Quốc Anh cũng đã có một cái nhìn khá cởi mở về vấn đề này khi có dịp nói chuyện với giáo viên Thái Nguyên trong Hội nghị Đổi mới giáo dục: Đừng cấm các em nghịch, không nghịch không nên người đâu! Một đứa trẻ lúc nào cũng vâng lời là hỏng! Đúng vậy, nhìn các em hát quốc ca hay tập thể dục giữa giờ mà gương mặt buồn rầu, bạn có thấy chạnh lòng không? Ngồi dự một giờ mà học sinh cứ liếc nhìn đồng hồ mong cho nhanh nhanh chóng chóng hết giờ, bạn có cảm thấy buồn? Hãy để các em được sống thực với con người mình, tự nhiên, sôi động, đúng với lứa tuổi các em.

Ảnh minh họa    Nguồn: Internet

Qua Facebook, thư từ, qua bạn bè, người thân, đặc biệt là qua việc tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, ta sẽ hiểu học sinh của mình hơn ai hết. Người ta vẫn lo đạo thầy trò bây giờ có nguy cơ mất gốc, nhưng tôi lại thấy có nhiều tín hiệu đáng mừng khi đến một ngôi trường phía nam thành phố. Học trò cũ của cô giáo Tố Hoa thích thú kể với chúng tôi những kỷ niệm về cô. Các em bảo, trung bình, cứ mỗi tuần cô đến thăm gia đình 5 em học sinh, không báo trước. Không chỉ thăm theo nghĩa thông thường, bằng sự tự nhiên, thân tình, dí dỏm, cô còn nhập cuộc để có thể cùng trò dọn lại góc học tập, luộc khoai, thái sắn và nghe cha mẹ em kể lể hết chuyện này chuyện khác về con. Qua đó, cô biết chặng đường mà mỗi học trò của cô phải đi, biết hoàn cảnh gia đình từng bạn một. Cô Phương Lan lại có nhiều sáng kiến để tạo nên một tập thể gắn kết: cô dạy các em biết thả ước mơ lên trời, có kĩ năng giúp nhau mỗi khi gia đình bạn gặp khó khăn hoạn nạn, biết tổ chức làm việc theo dự án. Cô D.L, A.H có những nồi cơm Thạch Sanh đợi trò mỗi dịp Lễ, Tết và bao giờ cũng ở lại với trò đến cùng trong những sinh hoạt tập thể. Một số thầy cô có thể nhảy dây, tập Airobic cùng học trò, tổ chức cho các em tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ cộng đồng; thầy Phạm Công Đỉnh, thầy Trần Quốc Việt có thể chơi bóng đá, bóng bàn, cờ vua và từng cho học sinh ở cùng nhà trọ với mình khi cần thiết để giúp các em trong học tập và trong cuộc sống. Bao thầy cô ở các trường khác nữa đã coi học trò như con, sẵn lòng chia sẻ với các em từng bữa ăn trưa, đèo các em đi giữa những ngày nắng nóng, đưa các em về qua đoạn đường khó nhọc... Cao hơn cả là những bài học cuộc sống mà các thầy cô mang đến cho các em, khiến các em ngay cả khi đã ra trường nhiều năm vẫn còn nhớ mãi. Có thể nói, ở những con người mà tôi gặp đó, có bao nhiêu thầy cô là có bấy nhiêu cách để yêu thương.

Khi các cô thầy cũng vào cuộc, lặn lội vào xúc xi măng trong bụi mù mịt, tong tả thu gom quần áo rét, giặt là phơi khô ủi sấy ủng hộ trẻ em vùng cao; tham gia nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo, hơn mọi bài thuyết giảng, tôi thấy các em đã chảy nước mắt khóc và hì hục lao vào làm cùng thầy cô không biết mệt. Nếu chúng ta tạo được môi trường cho các em hành động và phải tự mình thực hành trước, bạn sẽ thấy hiệu quả giáo dục thật bất ngờ.

Chúng ta mong khắc phục bình quân và trung bình chủ nghĩa, tạo không khí đối thoại dân chủ, bớt độc thoại, độc quyền, nhưng cũng phải có chuẩn giá trị, đòi hỏi thầy cô phải vừa nghiêm khắc vừa khéo léo. Dân chủ không có nghĩa là cá mè một lứa, thầy không ra thầy, trò không ra trò. Nếu không giữ vững nguyên tắc nêu gương, thật khó có thể bắt học trò sống trung thực, nghiêm túc. Hãy làm một phép so sánh nhỏ về những lời của thầy với trò “Ngày xưa” với “Bây giờ” trong giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại để chúng ta thấy việc gì nên làm và việc nào chưa nên:

Coi học trò là trung tâm, nhìn học trò mà dạy, vì học trò mà làm… Vì thế, trong các bức ảnh chụp cùng học trò, chúng tôi muốn để mọi người nhìn thấy những gương mặt tươi tắn, thầy cô chỉ đứng cạnh các em như một người bạn đồng hành, chứ không ôm bó hoa to đùng đứng giữa. Trong các giờ học cũng vậy, chúng tôi nhắc nhau đứng từ phía bên phải, chỉ khẽ nghiêng mặt để mắt nhìn theo tay viết. Như khi bắt đầu một trang giấy trắng, viết hết mặt này đến mặt kia, giáo viên luôn đứng bên lề trang giấy đó, cả khuôn người phía trước vẫn hướng về phía học sinh chứ không úp mặt vào bảng hoặc đứng ở giữa “trang” đã viết, cản trở tầm mắt người nhìn. Khách dự giờ cũng không ngồi cuối lớp nhìn… lưng học trò và ngắm người dạy. Chúng tôi chỉ tập trung chú ý vào người học. Người dự có thể tự do di chuyển sang cạnh, lên trên, ghi hình…làm thế nào để quan sát các em nhiều nhất. Em nào hớn hở, em nào buồn rầu, em nào mỏi mệt không buồn nghe, em nào tích cực. Nhìn học trò mà dạy, đó là vấn đề cốt lõi của đổi mới dạy học. Vì thế, có thể chấp nhận “cháy giờ” để học sinh được làm việc chứ không biểu diễn một giờ “nét như Sony” để thỏa mãn người dự, dù thực hiện điều này chẳng thể dễ dàng.

Đổi mới về phương pháp giáo dục theo hướng đa dạng hóa hình thức học tập

Giảm bớt đáng kể giờ lên lớp nghe giảng, tăng giờ thực hành, dạy học theo phương pháp tương tác, dành thời gian cho việc tự học, tham khảo sách báo, tư liệu, thảo luận, thuyết trình, viết tiểu luận, làm dự án… là một hướng đi cụ thể nhất mà chúng tôi muốn làm. Nếu khéo tổ chức, bạn sẽ thấy một thế giới vô cùng phong phú, sinh động, học trò của bạn sẽ là những người được thỏa sức phát huy năng lực bản thân. Bạn sẽ thấy các em có thể chưa “ngoan”, nhưng lại rất giỏi ở một số lĩnh vực khác. Các em sẽ thấy tự hào, tự tin về bản thân, vì mỗi người là một giá trị riêng, không thể so sánh.

Trước đây chúng tôi hay than thở với phụ huynh rằng con em mình chỉ thích chơi hơn thích học. Giờ đây chúng tôi thấy chơi cũng là một cách học rất hiệu quả. Thông qua các trò chơi, các em sẽ học cách giao tiếp và hợp tác, biết làm việc, có tư duy cởi mở với cái mới, thích dấn thân, không ngại đương đầu với thách thức, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm vì mục đích lớn, và nhất là trung thực và có đầu óc sáng tạo. Những buổi được tự tay chặt tre làm khung làm đèn; tự tay rửa lá dong, chất củi, gói bánh chưng đem đến tận nơi cho nhà các bạn nghèo của lớp; được “quẩy” tưng bừng trong ngày Hội Haloween; thăm đồi chè Tân Cương, tham gia Lễ hội thơ Nguyên tiêu; hàng năm được đi tham quan du lịch biển… Hay đơn thuần là một vài buổi cô và trò cùng mang cặp lồng cơm đến lớp ăn trưa chung… Đó quả thực là những bài học thực tiễn luôn được các em rất ưa thích để gắn kết và tự trưởng thành.

Đó quả thực là những bài học thực tiễn luôn được các em rất ưa thích để gắn kết và tự trưởng thành.

Để hạn chế học thuộc lòng, sau mỗi bài học các bộ môn Ngữ văn, chúng tôi thống nhất cho các em phần “trải nghiệm sáng tạo”. Không xem nhẹ rèn luyện trí nhớ, nhưng chúng tôi đã giảm hoặc thay đổi hẳn nội dung và phương pháp dạy những kiến thức giáo điều để tăng thêm những nội dung thiết thực, đòi hỏi vận dụng tư duy nhiều hơn. Chẳng hạn, dạy bài Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm- Ngữ văn 10, chúng tôi đặt vấn đề: ngày xưa các nhà Nho đề cao chữ Nhàn, bây giờ em thấy điều đó có phù hợp không? Bản chất của chữ Nhàn ở đây là gì? Dạy bài Vĩnh biệt Cửu Trùng đài- Ngữ văn 11, chúng tôi tạo tình huống giả định: nếu em là Vũ Như Tô, em có nhận lời xây Cửu Trùng đài? Nếu em là Đan Thiềm, em có sẵn lòng chết vì Vũ Như Tô? Dạy Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu- Ngữ văn 12, chúng tôi cho các em viết lại đoạn kết. Chưa kể những giờ Toán, giờ Sinh bằng tiếng Anh, những buổi tập đóng kịch, làm phim tư liệu cho những bài học Văn; nghe cô Hiệu trưởng kể chuyện các sáng thứ hai hàng tuần, mỗi giờ là một bài học không “thuần” chữ nghĩa.

Phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục văn hóa học đường

Ai cũng biết gia đình là cái nôi sinh thành, dưỡng dục, là nơi định hướng các giá trị đạo đức, nhân cách của học sinh. Cần có sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong giáo dục, đó là tất yếu. Tuy nhiên, cần phải có quan niệm mới mẻ hơn về việc “kết hợp” này. Hiện nay, đa số các trường đều thực hiện việc thông báo kết quả học tập, văn hóa đạo đức của học sinh cho gia đình. Nhưng nếu không có sự phối kết hợp khéo léo giữa đôi bên thì mọi việc sẽ chỉ còn là hình thức.

Tôi được biết ở Học Viện Báo chí Tuyên truyền, có một cô giáo được sinh viên gọi là “cô giáo quốc dân”- cô Hoa VTK. Qua theo dõi trên trang Facebook, có thể thấy cô tận tụy với sinh viên như thế nào. Nhưng thực bất ngờ khi tôi có việc muốn hỏi và gặp thì đã bị cô từ chối. Hóa ra, cô luôn mong muốn sinh viên của cô phải tự giải quyết các vấn đề của mình chứ không muốn làm việc qua phụ huynh để các em ỷ lại, dựa dẫm. Ở một số trường THPT trong tỉnh, tôi cũng đã thấy những bài học về sự đồng lòng trong công tác giáo dục và tự giáo dục. Ở THPT Chuyên, có những phụ huynh tham gia vào các buổi hoạt động ngoại khóa, ngâm thơ, hát, hướng dẫn em phụ trách âm li loa đài chứ không “phục vụ” kiểu “hầu hạ” các con; ở THPT Chu Văn An cũng có nhiều buổi họp phụ huynh thú vị đến mức, các bố mẹ chỉ háo hức mong được đến họp để nghe cô nói. Cô Lê Ngân có sáng kiến mời cả bố mẹ và các con cùng họp, bố mẹ sẽ được xem các con thể hiện tài năng sau màn báo cáo kết quả học tập. Những giờ họp phụ huynh của cô Mai dạy Toán cũng có nhiều điều mới mẻ như vậy. Không báo cáo thành tích, không nhận xét phê bình, cô tìm mọi cách động viên để các con viết thư cho bố mẹ, bày tỏ những tâm nguyện của mình. Các em không đề tên, nhưng đọc bức thư nào lên là bố mẹ cũng nhận ngay ra mình ở đó. Buổi họp phụ huynh chất đầy những nỗi suy tư, những nụ cười mãn nguyện, hoặc chứa chan nước mắt vì ân hận, thấu hiểu. Cô trò như vậy nên dù còn ở lớp hay đã chuyển trường, các em đều nhớ về cô, về trường với đầy cảm xúc lưu luyến. Em Lương Mai Hương, lớp 12A4 lại có dự án để cô chủ nhiệm tổ chức cuộc họp cho bố mẹ và các con theo mô hình trò chơi. Bố mẹ ngồi một bên, các con ngồi một bên. Màn hình bên này nhấp nháy những mặt cười, hỏi bố mẹ đoán xem con mình thích món gì nhất? Ai là bạn thân nhất của con? Kết quả học kì I của con thế nào? Bên này các con cũng đoán bố mẹ thích điều gì nhất? Bố mẹ sinh nhật ngày nào?... Thật không thiếu những chuyện cười ra nước mắt! Bởi hóa ra, có khá nhiều bố mẹ chẳng hiểu gì về sở thích của con, và ngược lại. Vậy là có một buổi họp phụ huynh không thể quên được.

Vậy đó. Bạn sẽ hỏi, lấy đâu ra thời gian mà làm những việc đó? Thì trong trích đoạn “Romeo và Juliet” mà các em được học lớp 11 đã có câu nói hộ: “Cái gì tình yêu muốn làm thì tình yêu sẽ làm”. Mọi bí quyết chỉ có vậy: tình yêu sẽ đẻ ra năng lượng và sự thông minh. Thay vì viết kiểm điểm rồi mời phụ huynh, các thầy cô cũng phải nghĩ ra những hình phạt “sinh động”. Có khi là các bạn phải tự ghi lại quá trình mình đã tự rèn luyện, có lúc phải chọn cả “nhân vật” là bác hàng xóm, bác bảo vệ, cô lao công, ông tổ trưởng dân phố là người tham dự. Lúc này, việc giáo dục văn hóa đã gắn với nhiều hoạt động của đời sống xã hội và đạt được những mục đích “kép”. Chẳng hạn, em Chi không học bài môn Lịch sử, em chuộc lỗi bằng việc ghi lại cuộc phỏng vấn với ông Dương Mạnh Tinh (1), người có giọng nói sang sảng và như là pho sử sống về chiến dịch Điện Biên. Em mắc lỗi đi học muộn, em sẽ phạt mình bằng việc dậy sớm quét sân trường cùng cô Nhâm lao công. Tùy theo mức độ khuyết điểm, cá tính hoàn cảnh và điều kiện từng em, mỗi giáo viên sẽ gợi ý cho các em thực hiện những hình thức kỉ luật phù hợp.

Tất nhiên, mọi sự kết hợp phải là kết quả của một quá trình. Nếu mọi người đều nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của vấn đề văn hóa nhà trường, trên dưới đồng lòng; thầy cô mô phạm, mẫu mực, tận tụy, dũng cảm… thì tất nhiên, học trò cũng sẽ trung thực, cầu tiến bộ. Nếu từ môi trường cơ sở vật chất, môi trường quan hệ, môi trường công việc…đều tỏa ra vẻ đẹp của nỗ lực sống văn hóa, sáng tạo, thì khi ấy, chúng ta đã chẳng cần ngồi đây để nói mãi với nhau về câu chuyện “chấn hưng văn hóa học đường”.

----------------------------------------------

(1)Ông ở ngôi nhà số 300, tổ 4 phường Hương Sơn, T.P Thái Nguyên, đối diện với cổng trường THPT Chu Văn An, là đồng đội đã từng bế anh Tô Vĩnh Diện- người lấy thân mình chèn pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trọng Chính

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy