Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:45 (GMT +7)

Vui buồn nghề truyền thống ở Thù Lâm

Là một ngôi làng cổ thuộc xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên (nay là phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên), làng Thù Lâm (còn gọi là Thùa Lâm) nổi tiếng không chỉ bởi có món Tôm cuốn độc đáo, lọt Top 100 món ăn tiêu biểu của cả nước, mà ở đây còn có nghề mây tre đan truyền thống nổi tiếng khắp trong, ngoài tỉnh. Dù không thể nằm ngoài quy luật “thoái trào” khi các ngành công nghiệp khác phát triển mạnh mẽ và lấn át các sản phẩm truyền thống, song điều đặc biệt ở Thù Lâm là dẫu nghề có thịnh, có suy thì người dân của làng vẫn luôn đau đáu với những gì cha ông truyền lại.

Những thăng trầm của làng

Không dễ để có thể bắt gặp khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập người chẻ nan, người đan thúng, người đan nia, người đan rổ rá,… trong mỗi khoảng sân lát gạch đỏ trước nhà. Cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề mây tre đan ở Thù Lâm cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức khi mà các đơn hàng ngày càng thưa vắng.

Vui buồn nghề truyền thống ở Thù Lâm
Vợ chồng ông Tạ Văn Vĩnh tranh thủ làm thêm lúc rảnh rỗi

Cũng phải thôi, giờ mấy ai còn gánh gồng thúng, mủng, mấy nhà còn dùng rổ rá bằng tre… Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá đã khiến cho các sản phẩm truyền thống khi xưa dần bị thay thế.

Thế nhưng ở đây có một điều đặc biệt, người làng nghề chưa bao giờ “quay lưng” với nghề. Trong mỗi góc sân của nhiều gia đình, vẫn luôn có vài bó nan, vài tấm phên đan dở chờ chủ nhân tranh thủ hoàn thiện nốt.

Thù Lâm khi xưa, nay gồm 4 xóm 1, 2, 3, 4. Không biết có phải những con số ấy khô khan và thiếu đi cái hồn của làng hay không mà người dân của làng giờ vẫn nhớ và thường gọi theo tên làng cũ trước đây. Xóm ở đầu làng, giáp đình có tên là Hương Lâm, kế đến là Trung Lâm, Đông Lâm và Ngọc Lâm. Và, tất nhiên người dân trong làng vẫn duy trì những nếp sinh hoạt cũ của những người “một nhà”.

Làng nghề truyền thống mây tre đan Thù Lâm đã có từ lâu đời. Năm 2009, làng được đón Bằng công nhận làng nghề truyền thống. Trước đó, vào năm 2007 hợp tác xã (HTX) mây tre đan của xã cũng đã ra đời.

Vui buồn nghề truyền thống ở Thù Lâm
Đình làng Thù Lâm, Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh

 Theo lời kể của ông Tạ Văn Vĩnh, nguyên Bí thư Chi bộ của xóm Trung Lâm, tức xóm 3 ngày nay, đồng thời ông cũng là Chủ nhiệm đầu tiên của HTX mây tre đan của xã. Trước đây ngoài làng Thù Lâm, các làng lân cận như Hảo Sơn, Nguyễn Hậu, Thủ Pháp, Xuân Trù cũng có nghề mây tre đan. Thế nhưng thường mỗi làng chỉ sản xuất chuyên một sản phẩm. Ví như ở làng Hảo Sơn chỉ chuyên đan thúng, người làng Xuân Trù thì chỉ chuyên đan rổ rá… riêng ở Thù Lâm, người dân đan đủ các mặt hàng như thúng, mủng, nong nia, rổ, rá, dần, xảo, sàng, gầu tát nước,…

Theo thời gian, dần dà người làm nghề ít dần vì có nhiều công việc khác cho thu nhập tốt hơn, nhất là khi các khu công nghiệp, các nhà máy mọc lên. Các làng khác lần lượt gần như ngưng làm nghề. Chỉ còn lại người làng Thù Lâm.

Vui buồn nghề truyền thống ở Thù Lâm
Những hộ gần nhau thường làm việc tập trung khi có đơn hàng

Năm 2015, khi huyện Phổ Yên lên thị xã, Ban Chủ nhiệm kiện toàn, thay đổi con dấu. Dịp đó, ông Vĩnh lui về làm Phó Chủ nhiệm HTX, chức danh Chủ nhiệm HTX do Bí thư Chi bộ mới đảm nhận. Tuy vậy, với tay nghề, kinh nghiệm và sự tâm huyết của mình, được bà con tin tưởng ông vẫn đảm nhận toàn bộ việc tổ chức sản xuất mỗi khi HTX có đơn hàng.

Kể về quá trình phát triển của nghề ở làng, ông Vĩnh trĩu nặng suy tư, vui có, buồn có, trăn trở có, song tựu chung lại vẫn luôn ăm ắp tự hào. Hồi mới thành lập HTX (năm 2007), các xã viên còn liên kết với một số công ty ở Hà Tây nhận làm hàng xuất khẩu. HTX mời giáo viên về dạy làm các sản phẩm theo yêu cầu của Công ty như giỏ đựng hoa quả, dụng cụ hấp bánh bao… Người dân trong làng rộn ràng cùng nhau làm việc đầy khí thế. Công việc thuận lợi và kéo dài đến năm 2010, do suy thoái kinh tế, các Công ty ở Hà Tây xuất hàng đi chậm dần rồi đột ngột ngưng hẳn khiến cho một lượng hàng lớn của HTX làm ra bị tồn đọng.

Để “giải nguy” cho HTX, chính quyền địa phương đã hỗ trợ để HTX có thể có kinh phí trang trải đủ công cho người dân khi đó. Không còn các đơn hàng đi xuất khẩu, người làng Thù Lâm tập trung làm các sản phẩm truyền thống.

Cũng cùng thời gian đó, HTX đang nhận cung ứng hàng cho một cơ sở sản xuất men vi sinh của tỉnh Cao Bằng. Số lượng hàng lúc bấy giờ là hàng chục nghìn chiếc nia mỗi năm. Với lượng hàng này, khí thế sản xuất ở bà con cũng không bị ảnh hưởng nhiều sau khi kết thúc hợp đồng làm sản phẩm xuất khẩu. Sản phẩm của làng được khách hàng đánh giá rất cao về cả mẫu mã và chất lượng. Đơn hàng đó cũng vì thế mà duy trì được hàng chục năm.

Nhớ lại những năm tháng đó, gương mặt, ánh mắt ông Vĩnh đều bừng lên niềm vui tựa như mọi thứ đang diễn ra trước mắt ông vậy. Ông chậm rãi kể: Thời ấy, cả xóm tập trung đan, nhà nào cũng góp vài người. Vì đường làng nhỏ hẹp, lượng nguyên liệu lại lớn nên hàng hóa được chúng tôi tập kết tại một hộ ở đầu xóm cho tiện việc vận chuyển. Ban Chủ nhiệm chúng tôi đứng ra lo phần nhập nguyên liệu rồi tổ chức cho bà con làm. Bà con có thể làm tập trung hoặc mang về nhà làm rồi mang thành phẩm đến HTX mua lại. Đó cũng là cách mà chúng tôi vẫn duy trì đối với các đơn hàng hiện nay.

 Thời điểm ấy, trong xóm lúc nào cũng tấp nập ngày đêm. Tối đến sân nhà nhà nào nhà nấy sáng trưng đèn. Đi đến đâu cũng nghe tiếng nói cười rôm rả. Ai cũng hào hứng và say sưa làm việc. Hàng luôn được giao đến tay khách đảm bảo thời gian, số lượng và mẫu mã nên khách hàng rất hài lòng. Đáng tiếc là đến năm 2016, cơ sở trên Cao Bằng chuyển ngành nghề kinh doanh, không sản xuất men nên không nhập hàng nữa. HTX từ đó cũng không liên hệ được với khách hàng lớn tương tự nào khác. Việc tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường cho các sản phẩm của HTX với những người lớn tuổi như chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Đó là điều tôi luôn trăn trở.

Cũng kể từ đó, bình quân mỗi năm đơn hàng mà HTX nhận được chỉ túc tắc vài trăm sản phẩm. Để duy trì nghề, người dân tự sản xuất rồi thương lái đến thu mua, có điều số lượng không được đáng là bao và giá cũng không cao. Nhưng cũng không vì thế mà người làng bỏ nghề, chỉ là hoạt động cầm chừng hơn, chờ cơ hội mới.

Hướng đi nào để người dân làng nghề “sống khoẻ”

Là nghề truyền thống, song cũng chung tình trạng như nhiều làng nghề khác, phần lớn người trẻ trong làng lựa chọn thoát ly, không mấy ai chọn gắn bó với nghề đan lát của làng. Thế nhưng, như một vòng tuần hoàn khép kín, với những người lao động phổ thông như đi làm thợ xây hoặc các công việc tự do khác ở bên ngoài, thường đến độ tuổi khoảng 50 lại quay về làm nghề.

Tôi bày tỏ chút băn khoăn của mình với ông Vĩnh khi biết được thông tin đó. 50 tuổi mới quay về làm nghề thì tay nghề họ thế nào. Ông Vĩnh cười hiền, cho tôi biết: Người ở làng, hầu như ai cũng biết đan lát từ nhỏ. Cứ như cái nghề nó ngấm vào máu họ vậy. Dù có nhiều năm không làm nghề thì cũng chỉ cần vài ngày làm quen lại là có thể làm thành thạo ngay.

Với ông Vĩnh và người dân làng Thù Lâm thì giữ gìn nghề mây tre đan không chỉ là giữ nghề truyền thống mà ông cha để lại mà đây còn là công việc giúp họ cải thiện kinh tế gia đình. Ông Vĩnh cho hay, khi không có đơn hàng lớn, vợ chồng ông túc tắc làm để bán ra thị trường tiền công mỗi ngày cũng đủ trang trải tiền thức ăn cho cả gia đình (khoảng 150 nghìn đồng tiền công/người/ngày sau khi trừ chi phí).

Vì là làng cổ nên nhà cửa ở Thù Lâm san sát nhau, đường làng cũng nhỏ, hẹp. Chính vì thế ở đây không phù hợp cho việc phát triển chăn nuôi. Ruộng cấy ở Thù Lâm cũng hạn chế. Bình quân mỗi khẩu chỉ được một sào ruộng. Riêng thế hệ sinh ra từ khoảng năm 1994 trở lại đây thì không có ruộng. Thế nên, làng có một nghề truyền thống là điều công dân của làng cảm thấy vô cùng may mắn. Việc đan lát vừa tạo ra thu nhập, lại không nặng nhọc, phù hợp với nhiều người, kể cả người cao tuổi, hơn nữa đây cũng là công việc có thể tranh thủ làm lúc nông nhàn, rảnh rỗi.

Hôm chúng tôi đến, HTX đang hoàn tất lô hàng đan những chiếc mẹt nhỏ để gửi đi. Ông Vĩnh dẫn chúng tôi đến nhà ông Tạ Văn Thọ ở phía đầu làng. Nhà ông Thọ có cái sân lát gạch rộng, vài người đang tập trung tại đây làm việc chuyện trò vui vẻ.

Ông Tạ Văn Thọ năm nay đã ngoài 70 tuổi, cũng là người có kỹ thuật đan có tiếng trong làng. Ông chia sẻ: Với cánh già chúng tôi, nếu không có nghề đan thì ngồi chơi không cả ngày. Đằng này, thi thoảng có đơn hàng, lại được tập trung làm, vừa chuyện trò vừa như được luyện mắt, luyện tay, tốt cho sức khoẻ mà lại vẫn ra tiền phụ giúp cho con cháu.

Ngồi kế bên ông Thọ là bà Hoàng Thị Sơn. Tay thoăn thoắt cài từng chiếc nan, dù nói chuyện song tốc độ làm việc của tay bà không hề bị giảm. Bà Sơn bảo: Chúng tôi chỉ mong sao có được đơn hàng đều, dù tiền công mỗi sản phẩm chỉ dăm, bảy đến chục nghìn nhưng tích tiểu thành đại, so với làm nông nghiệp thì vẫn hơn nhiều. Chẳng cần biết nắng hay mưa. Cứ chăm chỉ một ngày ngồi nhà cũng kiếm được một, đôi trăm nghìn, ai bảo nghề này không ra tiền chứ.

Vui buồn nghề truyền thống ở Thù Lâm
Vui buồn nghề truyền thống ở Thù Lâm
Bình quân một người có thể có thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/ngày nhờ việc làm nghề

Hiện nay, có được đơn hàng, có được đầu ra ổn định cho sản phẩm của làng nghề là mong mỏi của tất cả người dân Thù Lâm. Quay trở lại với trăn trở trong việc tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường, ông Vĩnh nặng lòng: Khách đặt hàng hầu hết đều do họ biết mà tự tìm đến. 2 năm trở lại đây, HTX nhận làm những đơn hàng, mỗi đơn có số lượng vài trăm đến vài nghìn cái khi là nia, khi là rổ cho các HTX sản xuất chè trên địa bàn tỉnh. Tôi cứ nghĩ, tỉnh mình có thế mạnh là chè với hàng trăm, hàng nghìn HTX, công ty, cơ sở sản xuất, giá mà phát triển được khách hàng trong lĩnh vực này để hợp tác thì tốt biết mấy. Có điều, chúng tôi đều đã có tuổi, không thông thạo công nghệ nên việc tìm kiếm thông tin, kết nối, chào hàng đều khó khăn.

Quả là vậy, nếu chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh, không chỉ các đơn vị sản xuất chè mà còn rất nhiều ngành, nghề, sản phẩm khác cũng đang ít nhiều sử dụng sản phẩm mây tre đan như của Thù Lâm. Trộm nghĩ, nếu các cơ quan, đơn vị liên quan có sự kết nối, định hướng và chỉ dẫn để bên cung cấp sản phẩm và bên có nhu cầu sử dụng sản phẩm gặp gỡ được nhau thì mong muốn của người làng nghề Thù Lâm không phải không có cơ hội thành hiện thực. Người làng nghề có thêm việc làm, thêm thu nhập, người có nhu cầu sử dụng sản phẩm được mua hàng tận gốc, với mẫu mã, kích thước, chất lượng như mong muốn. Đó cũng là cách “tiếp sức” để nghề truyền thống phát triển bền vững trong giai đoạn không ít khó khăn hiện nay.

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy