Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
11:50 (GMT +7)

Vua Duy Tân “Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ” Kỉ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa của Vua Duy Tân (5/1916 – 5/2016)

VNTN - Tháng 5 năm 1916, cuộc khởi nghĩa của Vua Duy Tân chống lại thực dân Pháp xâm lược thất bại.

Sau khi vua cha là Thành Thái bị ép thoái vị năm 1907 và đưa đi đày vì “tội” chống Pháp, thực dân Pháp đã chọn những người con của vua để đưa lên làm vua. Vì khi ấy vua còn nhỏ, mới 7 tuổi và đang ham chơi nên thực dân Pháp quyết định đưa vua lên ngai vàng với mong muốn sẽ dễ “nghe lời”. Ngay sau khi ngồi lên ngai vàng, nhà vua đã làm các quan và những kẻ cai trị phải giật mình bởi dù mới 7 tuổi, ngài đã tỏ rõ khí độ của một ông vua. Năm 1908, khi công cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Trung Kỳ bùng phát, nhà vua lúc ấy mới 8 tuổi rất thương dân, ngài phán với triều thần rằng nếu trong nước hay có loạn là vì dân thiếu thốn và đói. Ta phải có kế hoạch “tăng gia sản xuất” để có thêm lương thực. Nhà vua cũng đã quyết định chỉ nhận 200/500 đồng tiền lương mỗi tháng, còn lại 300 đồng giao lại cho các quan để giúp dân đói. Nhà vua thường tâm sự với những người tâm phúc về việc bị người Pháp cai trị.

Giai thoại kể rằng có lần vua hỏi viên thị vệ: tay bẩn lấy nước mà rửa vậy nước bẩn lấy gì mà rửa. Viên thị vệ lúng túng, nhà vua nói: nước bẩn lấy máu mà rửa. Có lần, vua cùng thượng thư Nguyễn Hữu Bài ra câu cá ở trước bến Phu Văn Lâu. Mãi không thấy con cá nào cắn câu, vua ra vế đối “Ngồi trên nước không ngăn được nước, trót buông câu nên lỡ phải lần”. Thượng thư Nguyễn Hữu Bài nghĩ ngợi một lúc rồi đối lại: “Nghĩ việc đời mà ngán cho đời, đành nhắm mắt đến đâu hay đó”. Nghe vậy, nhà vua rất buồn và nói với thượng thư Nguyễn Hữu Bài "Theo ý trẫm, sống như thế buồn lắm. Phải có ý chí vượt gian khó thì cuộc sống mới có ý nghĩa”. Sau khi khởi nghĩa của nhà vua thất bại, mọi người mới biết rằng ngài hay ra Phu Văn Lâu câu cá là để mưu sự khởi nghĩa. Một nhà thơ hoàng tộc là Ưng Bình Thúc Giạ Thị (thân sinh của thi sĩ Tôn Nữ Hỉ Khương) đã viết “Chiều chiều trước bến Văn Lâu,/  Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?/ Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông,/ Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non”.

Vua Duy Tân đang phát biểu trong cuộc mít tinh Mặt trận Bình dân ở đảo La Réunion, năm 1936.        Nguồn: Internet.

 Năm 1912, để tìm kiếm chiến phí cho chiến tranh bên Châu Âu, khâm sứ Trung Kỳ là Joseph Mahé mở chiến dịch tìm vàng, phá hoại chùa chiền, đào cả lăng tẩm các vị tiên vương, nhà vua đã cực lực phản đối và gửi cả thư cho chính phủ Pháp. Nhà vua luôn nung nấu và mong muốn sửa lại bản hiệp ước Patenôtre kí ngày 6 tháng 6 năm 1884 mà Ngài cho là bất công và Pháp đã vi phạm nhiều. Vào năm 15 tuổi, ngài triệu cả 6 đại thần phụ chánh đòi các vị kí vào biên bản về những sai phạm của Pháp để đem qua tòa Khâm. Tất nhiên không có vị nào dám kí. Từ đó trở đi ngài không những ác cảm với kẻ xâm lược mà còn ác cảm cả với triều thần của ngài. Năm 15 tuổi, dưới sự thúc ép của các bà mẹ, nhà vua đồng ý nạp phi (lấy vợ).

Người được nhà vua chọn là con của quan đại thần Hồ Đắc Trung. Sau đó, không hiểu lí do gì nhà vua trả lời không cưới bà. Sau này bà lại về làm vợ vua Khải Định, tức Ân Phi Hồ Thị Chỉ (phu nhân Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là cháu gọi bà là cô ruột). Trong hồi kí “Đường thiền sen nở”, Sư Bà Diệu Không, em gái của Ân Phi Hồ Thị Chỉ cho biết ngài có gọi riêng đại thần Hồ Đắc Trung nói lí do rằng ngài lo cho gia đình quan đại thần. Sau đó ngài nạp phi là Mai Thị Vàng, con gái thày dạy mình là cụ Mai Khắc Đôn, tuần vũ Quảng Trị. Sau khởi nghĩa thất bại, nhà vua bị đi đày, bà có đi theo. Sang nơi lưu đày, không hợp thủy thổ bà bị sảy thai và bệnh liên miên.

Nhà vua viết giấy gửi hoàng tộc để bà đi lấy chồng nhưng bà vẫn quyết ở vậy để trọn lời thề với ngài. Hàng ngày bà thường ngâm câu thơ: “Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ cho cụ Lê Văn Hiến mang mấy xấp lụa tặng bà. Bà sống ở Huế và mất năm 1980.

Khi ấy, từ sau thoái trào của phong trào Cần Vương, phong trào chống Pháp bắt đầu dâng cao khắp Việt Nam. Tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội do Phan Bội Châu thành lập từ 1912 tìm cách móc nối với nhà vua. Hai lãnh đạo của hội là Trần Cao Vân và Thái Phiên đã bỏ tiền vận động người tài xế riêng của vua Duy Tân xin thôi việc. Thay vào đó là Phạm Hữu Khánh, một thành viên của hội. Tháng 4 năm 1916, khi vua Duy Tân ra bãi tắm Cửa Tùng nghỉ mát, Phạm Hữu Khánh có đưa cho vua một bức thư của hai lãnh tụ Trần Cao Vân và Thái Phiên.

Duy Tân đọc thư và muốn gặp hai người này. Ngày hôm sau, ba người cùng đến câu cá ở Hậu hồ, vua Duy Tân đồng ý cùng tham gia khởi nghĩa. Khởi nghĩa dự định được tổ chức vào 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5. Cuối tháng 4, thông tin khởi nghĩa bị bại lộ nên thực dân Pháp đã ra lệnh phong tỏa, thu hết các súng của người Việt và cấm trại không cho một người lính Việt nào ra ngoài. Đêm 2-5, Trần Cao Vân và Thái Phiên đưa thuyền đến bến Thương Bạc đón vua. Nhà vua cải trang giống dân thường. Các lãnh tụ khởi nghĩa đưa vua tới làng Hà Trung, lên nhà một hội viên Việt Nam Quang Phục hội để chờ giờ phát lệnh bằng súng thần công ở Huế.

Chờ đến ba giờ sáng vẫn không nghe hiệu lệnh, biết đã thất bại, Trần Cao Vân và Thái Phiên định đưa vua Duy Tân tới vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi nhưng chưa kịp đi thì sáng ngày 6 tháng 5 năm 1916, họ bị bắt. Khi bị bắt, thực dân Pháp cố nài nhà vua trở lại ngai vàng nhưng vua không đồng ý và ra điều kiện nếu ngài làm vua phải cho ngài có toàn quyền. Thuyết phục không được nhà vua, thực dân Pháp bắt triều đình Huế phải xử vua và các lãnh tụ khởi nghĩa.

Oái oăm thay, người được giao thảo bản án lại là bố vợ hụt, thượng thư Hồ Đắc Trung. Trước tình cảnh của nhà vua, cụ thượng Hồ Đắc Trung đã giữ đúng lễ quân thần, thảo bản án đổ hết tội cho các cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân và giúp vua khỏi nặng tội. Khi ở trong ngục, các cụ Thái Phiên và Trần Cao Vân đã gửi cho thượng thư Hồ Đắc Trung một bức thư, trong đó có câu: Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt! Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho thánh thượng sinh toàn! Sau đó, thượng thư Hồ Đắc Trung đã làm án đổ hết tội cho 4 người Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu. Bốn người bị xử chém ở An Hòa. Vua Duy Tân bị đày đi đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với vua cha Thành Thái vào năm 1916.

Năm 1987, khi hài cốt của nhà vua được đưa từ đảo Réunion về cải táng ở Huế, nhà thơ Nguyễn Duy đã làm bài thơ tưởng niệm thật xúc động “Bao triều vua phế đi rồi/ Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ!”. Cùng với các vị yêu triều Nguyễn là Hàm Nghi, Thành Thái, vua Duy Tân sẽ mãi mãi sống trong lòng dân tộc Việt Nam bởi ngài đã từ bỏ ngai vàng để cùng chịu chung số phận cay đắng với dân tộc mình.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy