Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
01:43 (GMT +7)

Vi vu diều sáo Phú Bình

VNTN - Diều sáo là thú chơi dân dã có từ lâu đời ở Phú Bình. Ngày hè nông nhàn, người đam mê thú chơi ở huyện thuần nông này lại rủ nhau ra đồng bãi rộng để thả diều. Những con diều bay lượn trên bầu trời khiến làng quê thêm bình yên và người dân thêm sảng khoái sau những ngày lao động vất vả.

Trên địa bàn huyện hầu như xã nào cũng có người chơi diều. Nhiều nhất tập trung ở các xã Xuân Phương, Nga My, Hà Châu, Tân Hòa, Lương Phú… Thông thường, từ tháng 3 âm lịch, khi những cơn gió nồm nam thổi mạnh, trên những khoảng đất rộng tại các vùng quê của Phú Bình lại có cả trăm chiếc diều sáo trao lượn như những cánh chim, tiếng sáo hoà trong gió tạo nên một thứ âm thanh đặc biệt.

  Ông Lưu Quang Hợp(Người ngồi giữa) đang làm chiếc diều mới

Với địa thế có nhiều bãi đất rộng, đẹp xóm Cà, xã Tân Hòa huyện Phú Bình là một trong những nơi duy trì được phong trào thả diều từ nhiều năm nay. Cánh đồng xóm Cà rộng ngút ngát tầm mắt, trên bầu trời là hàng chục con diều đang thi nhau chao liệng. Ở làng Cà, người làm được diều thì ít nhưng người chơi diều thì rất nhiều. Những ngày trời trong xanh gió mát, đứng ở vị trí nào của xóm cũng dễ dàng bắt gặp hàng chục cánh diều bay trên không trung đua nhau phát ra âm thanh u u… du dương, êm ái. Ngoài Tân Hòa thì thì Nga My cũng là xã có nhiều người chơi diều của huyện. Những ngày thời tiết đẹp, trên những bãi soi có thể đếm được trên vài chục con diều thả dọc bờ sông Cầu.

Hàng trăm chiếc diều thả trên bầu trời của Phú Bình hầu như đều do bàn tay các nghệ nhân diều làm ra. Để làm diều quan trọng nhất là phải tìm được thứ tre tốt, loại tre già đanh, không cụt ngọn, đoạn, gióng đều nhau. Tre được chặt thành từng khúc rồi ngâm khoảng 20 - 30 ngày, tùy theo mùa. Không nên ngâm lâu quá, tre sẽ giòn, khó uốn. Từ những thanh tre đó, người làm diều sẽ vót ra 3 loại khung: khung cái, khung diều và khung đuôi. Khung diều và khung đuôi được vót theo kiểu thon đuôi chuột. Nan làm diều được vót mỏng dần về phía đầu để tăng tính đàn hồi cho diều khi bay.

Làm sáo diều đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, khéo léo đến từng chi tiết. Kích thước của sáo cũng phải phù hợp với diều, sáo lớn tiếng kêu trầm vang, sáo nhỏ lại có thanh âm cao vút. Thân sáo diều làm bằng tre được phơi qua nhiều nắng liên tục, sau đó cắt khoang, dọc bỏ phần cật, lấy lõi mỏng và làm nhẵn mặt trong của ống, rồi sấy khô, giúp sáo giảm tối đa trọng lượng. Tiếp đến, thân sáo lại được cho vào nồi luộc với nước muối 2 ngày 2 đêm liên tục. Làm như vậy sẽ giúp tiếng sáo ổn định trong mọi điều kiện thời tiết, chống chịu tốt với các loại mối mọt. Phần miệng sáo được làm bằng gỗ dổi, gỗ vàng tâm hoặc gỗ thực mực, vì các loại gỗ này có trọng lượng nhẹ, dễ khoét. Miệng sáo cũng được đục rất khéo léo, không quá mỏng cũng không quá dày để đảm bảo âm thanh trầm bổng của sáo khi bay.

Khi đã hoàn thiện các công đoạn nêu trên, thân diều được dán giấy, sáo buộc vào phần giữa diều, vuông góc với trục diều, lệch khoảng 30 độ so với mặt phẳng thân diều, rồi tiến hành buộc lèo và cho con diều bay lên bầu trời… Thường một chiếc diều sáo dài 2,5m phải mất vài ngày mới làm xong. Sau khi làm diều đến công đoạn làm sáo.

Ông Vi Văn Phình, 76 tuổi là nghệ nhân làm diều xóm Cà cho biết: “Chơi diều hay nhất là nghe tiếng sáo. Nửa đêm nằm trong nhà không nhìn thấy diều nhưng nghe tiếng sáo du dương thấy lòng thanh thản lắm, người ốm nghe tiếng sáo cũng mau khỏe hơn”. Ông Phình vốn đam mê diều từ nhỏ. Dường như ngày nào ông cũng cho diều bay lên. Nhiều năm chơi diều, ông Phình chỉ cần lắng nghe tiếng sáo biết diều của mình ở vị trí cao hay thấp, gió ít hay gió nhiều.

Làm diều sáo giỏi, nên ông Phình thường được nhiều người đến nhờ làm. Tuy nhiên, ông chỉ làm giúp chứ không lấy tiền công. Đã 76 tuổi, không muốn thú chơi diều mai một, ông đã viết toàn bộ kinh nghiệm làm diều và chơi diều mà ông đúc kết bao năm qua vào một cuốn sổ dày trên 30 trang, đem photo thành nhiều bản truyền cho con cháu và người thân.

Ông Phình cẩn thận làm sáo diều

Cũng có nhiều năm chơi diều sáo, ông Nguyễn Ngọc Trai ở xóm Trầm Hương xã Hà Châu huyện Phú Bình lại biết cách biến tình yêu ấy thành một nghề kiếm thêm thu nhập. Năm 2009, ông Trai chuyển hướng làm diều và sáo theo hướng kinh doanh. Với bàn tay khéo léo sẵn có, ông làm ra nhiều chiếc diều được người dân yêu thích và đến tìm mua. Giá bán từ 500 đến 1 triệu đồng/chiếc, tùy kích thước và chất lượng.

Những buổi chiều lộng gió nồm nam, đi dọc đê Hà Châu, không khó để bắt gặp hàng chục con diều đang chao liệng. Người già, trẻ nhỏ đều hăng say kéo dây diều. Dưới bụi tre làng, các bác nông dân ngồi nghỉ ngơi, uống cốc nước vối thơm nồng, mắt không ngừng nhìn ngắm cánh diều đang bay tít trên cao. Tâm hồn mỗi người đều cảm thấy thư thái, trong trẻo trước tiếng sáo diều vi vu, êm ái.

Ông Trai lên đê Hà Châu tìm khoảng đất rộng để thả diều

Ở Xóm Điếm, là một trong những người chơi diều “có tiếng”, ông Lưu Quang Hợp, năm 2016 đã từng làm con diều “khủng”, dài tới 9m. Sau 3 ngày làm, con diều cũng hoàn thành. Diều to nên phải cần đến chục người mới thả được. Trong đó, tới 3 người đâm diều, 7 người cầm dây kéo chạy và khi diều lên phải buộc vào gốc cây cho chắc chắn.

Làm được diều đã khó, đâm diều, thả diều đòi hỏi người chơi không những phải có sức khỏe mà cả sự nhanh nhạy, khéo léo của đôi bàn tay khi điều khiển để con diều bay như ý muốn. Đây cũng là lúc vui nhất, hạnh phúc nhất, khi người chơi được thả hồn theo những cánh diều bay cao, phóng khoáng, hàm chứa những ước vọng. Những chiếc diều chỉ tạm ngừng bay khi gió mùa đông bắc thổi mạnh mang theo cái giá lạnh của mùa đông. Chúng được những người chơi diều nâng niu, cất giữ cẩn thận, để rồi lại tung bay vào mùa thả năm sau.

Trải qua thời gian, nhờ những người có tình yêu và niềm đam mê mà trò chơi diều sáo ở Phú Bình không hề bị mai một. Tuy nhiên, trong tương lai để bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống này là điều không hề dễ, bởi hiện nay, thanh thiếu niên dành nhiều thời gian cho học hành hoặc công việc và các thú chơi mới. Bên cạnh đó, nhiều nơi, không gian thả diều ngày càng bị thu hẹp, những cánh đồng rộng dần được thay thế bởi nhà máy, khu công nghiệp hoặc khu dân cư đông đúc.

Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy