Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:56 (GMT +7)

Vì sao Nga quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng?

VNTN - Ngày 7/3/2016, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Tatiana Shevtsova thông báo, Nga sẽ cắt giảm 5% ngân sách quốc phòng trong năm 2016. Đề xuất này nếu được Tổng thống V. Putin chấp thuận, sẽ là lần cắt giảm chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ khi ông Putin cầm quyền năm 2000. Dự kiến ngân sách quốc phòng Nga năm 2016 khoảng 3,14 nghìn tỉ rúp (khoảng 43,6 tỉ USD), hoặc 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo đó, việc cắt giảm 5% ngân sách quốc phòng tương đương với khoảng 160 tỉ rúp (2,19 tỉ USD). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng của Nga năm 2016, song chủ yếu là hai nguyên nhân sau:

Khó khăn của nền kinh tế

Quyết định cắt giảm 5% ngân sách quốc phòng năm 2016 của Nga cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm do giá dầu giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, hoạt động của lực lượng vũ trang cũng không tránh khỏi những tác động của nền kinh tế. Trước đó, Bộ Tài chính Nga đã từng thông báo Nga không đủ khả năng tài chính đáp ứng chương trình cải tổ quân đội và kêu gọi giảm chi tiêu 10% tại các bộ.

Hơn một năm trôi qua kể từ “ngày thứ ba đen tối”, khi đồng rúp mất gần 1/4 giá trị chỉ trong vòng 24 giờ, nền kinh tế Nga vẫn chưa ổn định. Trong 12 tháng qua, GDP của Nga đã giảm 3,9%. Chính phủ Nga đang phải tìm cách để kìm giữ lạm phát dưới 13%. Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế Nga năm 2015 giảm 3,7% so với năm 2014 và dự kiến tiếp tục giảm thêm 1% năm 2016. Bộ Kinh tế Nga nhận định nền kinh tế Nga sẽ không thể tăng trưởng trong năm 2016. Tháng 12/2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo kinh tế Nga sẽ sụt giảm 0,6%, trong khi chính phủ Nga cho rằng, con số này có thể là 0,8%.

Binh sĩ Nga tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm

Ngày Chiến thắng ở thủ đô Moskva         Nguồn: Internet

Theo chuyên gia phân tích Vladislav Inozemtsev thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington, Mỹ, tình trạng kinh tế Nga hiện nay ảm đạm hơn nhiều so với năm 2009. Thu nhập thực tế giảm đáng kể; tiền lương danh nghĩa thậm chí còn thấp hơn năm 2005. Doanh số bán lẻ giảm một nửa so với 6 năm trước. Thu ngân sách liên bang đứng ở mức của năm 2006. Giá trung bình để mua một căn hộ mới ở thủ đô Matxcơva giảm 16% so với năm 2014 nếu tính bằng đồng rúp, tương đương hơn 50% nếu tính bằng USD.

Từ năm 2000 đến nay, kinh tế Nga trải qua hai giai đoạn phát triển. Giai đoạn 2000-2007: Kinh tế tăng trưởng với tốc độ khoảng 7%/năm, thị trường chứng khoán bùng nổ và thu nhập bình quân tăng gấp hơn ba lần; giai đoạn 2008-2015: Kinh tế Nga rơi vào bế tắc. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gần như bằng không. Các doanh nghiệp nước ngoài rút vốn hoặc không có ý định tăng thêm đầu tư. Môi trường kinh doanh xuống cấp với hàng loạt loại thuế mới được ban hành trong khi chi tiêu quân sự lại tăng gấp đôi khi Tổng thống Nga V. Putin tăng cường triển khai các chiến dịch ở nước ngoài như ở Grudia, Ukraine hay Syria. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã từng thừa nhận, trong khi vẫn chưa thật sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng cũ thì nay Nga lại vướng phải một cơn biến động mới. Sức khỏe nền kinh tế Nga hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào các động thái chính trị và với những gì đang diễn ra thì khả năng phục hồi là tương đối mong manh, ngay cả khi các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ và giá dầu quay đầu trở về mức bình thường.

Trong lịch sử, nước Nga đã từng trải qua không ít cuộc khủng hoảng, nhưng chưa bao giờ lại xuất hiện tình trạng các công ty nước ngoài từ bỏ những khoản đầu tư vào Nga nhiều như hiện nay. Thực trạng căng thẳng gia tăng với Thổ Nhĩ Kỳ cùng các chính sách chống trừng phạt nhằm vào Liên minh châu Âu (EU) mà Nga áp dụng đang khiến các nhà đầu tư cả ở trong nước lẫn nước ngoài từ chối tăng thêm đầu tư. Năm 2015, có hơn 20 tập đoàn phương Tây quyết định chấm dứt kinh doanh tại Nga. Ngoài ra, khoảng 30 cơ sở sản xuất do người nước ngoài làm chủ ở Nga cũng bị đóng cửa. Theo ước tính, số người di cư từ Nga ra nước ngoài tăng từ 35.000 người/năm trong giai đoạn 2008-2010 lên trên 400.000 người năm 2015. Tất cả những dấu hiệu kể trên đều cho thấy đà lao dốc của nền kinh tế Nga khó có thể dừng lại trong một sớm một chiều. Các nhà phân tích cho rằng, nếu năm 2016, Nga vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách như trước đây thì nước Nga có nguy cơ sẽ phải đối diện với một cuộc suy thoái kéo dài, giống với những gì xảy ra tại Venezuela hồi giữa những năm 2000.

Trong khi đó, từ năm 2011, khi giữ chức Thủ tướng Nga, ông Putin đã công bố kế hoạch khôi phục sức mạnh của quân đội bằng việc chi 23.000 tỉ rúp (khoảng 320 tỉ USD) đến năm 2020. Theo đó, Nga đặt mục tiêu hiện đại hóa quân đội với khoảng 70% vũ khí trang bị được mua mới hoặc hiện đại hóa trước năm 2020, rút ngắn khoảng cách công nghệ với phương Tây.

Giới chức Nga nói cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây sẽ gây hậu quả tiêu cực

đối với nền kinh tế.               Nguồn: Internet

Việc Nga can dự vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cuộc chiến ở Syria đã khiến cho mục tiêu tăng cường sức mạnh quân sự Nga càng trở thành ưu tiên ngày càng cao trong chính sách của Nga. Trong năm 2015, Nga đã tăng 20% chi tiêu ngân sách quốc phòng dành cho các đơn đặt hàng vũ khí, trang bị. Ngân sách năm 2015 mà Nga xây dựng được dựa trên giả định giá dầu sẽ giữ ở mức 100 USD/thùng, với mức tăng trưởng GDP và lạm phát hàng năm lần lượt ở mức khoảng 2% và 5%. Nhưng trên thực tế, giá dầu đã giảm mạnh, nền kinh tế giảm sút và lạm phát đạt mức hai con số. Do đó, chính phủ Nga đã yêu cầu các bộ thực hiện cắt giảm chi tiêu nhằm giảm bớt khó khăn của nền kinh tế. Việc Bộ Quốc phòng Nga đưa ra quyết định cắt giảm 5% ngân sách quốc phòng năm 2016, tiếp sau việc đưa ra quyết định rút lực lượng quân sự khỏi Syria trước đó, cũng không nằm ngoài mục đích trên.

Sức mạnh quân sự của Nga đã được khôi phục

Bên cạnh lý do kinh tế khiến Nga quyết định cắt giảm chi tiêu quốc phòng, một nguyên nhân khác là do quân đội Nga đã khôi phục được sức mạnh khiến các nước phương Tây nể sợ. Kể từ khi thực hiện kế hoạch khôi phục sức mạnh của quân đội, khả năng tác chiến của quân đội Nga đã được tăng cường; nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại đã được đưa vào sử dụng; vị thế quân sự của Nga đã được củng cố và có xu hướng gia tăng. Quân đội Nga đã đánh dấu sự trở lại ấn tượng trong thời gian qua bằng các nỗ lực hiện đại hóa và hành động can thiệp quân sự ở nước ngoài. Ngày 30/9/2015, đáp lại đề xuất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga đã phát động chiến dịch không kích chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Đây là hoạt động quân sự đầu tiên chống khủng bố ở nước ngoài trong những năm gần đây của Nga. Theo giới phân tích, chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria đã chứng tỏ được khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh thực sự của quân đội Nga. Quân đội Nga đang trải qua giai đoạn hiện đại hóa nhanh chóng, hiện nay đã có 47% lực lượng được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại. Các đơn vị không quân chiến lược Nga đã được bổ sung 10 máy bay ném bom hạt nhân mới gồm 2 chiếc Tu-160, 3 chiếc Tu-95MS và 5 chiếc Tu-22M3. Đây là những máy bay ném bom chiến lược được Nga điều động tham gia chiến dịch không kích IS tại Syria. Hải quân Nga cũng được bổ sung 2 tàu ngầm chiến lược mới mang tên Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh, trong khi các lực lượng hạt nhân chiến lược mặt đất cũng được tăng cường với 5 trung đoàn tên lửa liên lục địa (ICMB) RS-24 Yar.

Lễ duyệt binh mừng ngày chiến thắng phát xít diễn ra tại Quảng trường Đỏ, Matxcơva ngày 9/5/2015 cũng là dịp phô trương những vũ khí, khí tài quân sự mới nhất trong kho vũ khí quân đội Nga, gồm siêu xe tăng T-14 Armata, xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25, các loại xe bọc thép Tigr và Typhoon cùng nhiều vũ khí, khí tài hiện đại khác. Quân đội Nga cũng tiếp tục tăng cường hoạt động ở khu vực Bắc Cực, thành lập căn cứ quân sự mới và cải tạo, mở rộng sân bay hiện có. Hiện nay, việc phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở Bắc Cực vẫn là một trong số các ưu tiên hàng đầu của Nga.

Trong thời gian qua, quân đội Nga cũng tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự, có cuộc diễn tập với quy mô hàng chục nghìn binh sĩ, hàng trăm xe tăng, máy bay và tàu chiến, một mặt nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của các quân, binh chủng, mặt khác tiến hành huấn luyện binh sĩ, đồng thời phô trương sức mạnh quân sự với thế giới. Sức mạnh của quân đội Nga, nhất là hải quân Nga cũng được thể hiện qua việc sử dụng các tàu khu trục cỡ nhỏ phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian, vượt khoảng cách 1.500 km để tiến công các mục tiêu IS ở Syria, điều mà chỉ có các tàu chiến cỡ trung trở lên của Mỹ và phương Tây mới có thể thực hiện được. Các nỗ lực hiện đại hóa vũ khí, trang bị cùng những chiến dịch can thiệp quân sự hiệu quả ở nước ngoài đã giúp quân đội Nga lấy lại được vị thế của mình trong khu vực và trên trường quốc tế.

 

Thông tin cắt giảm ngân sách quốc phòng của Nga được đưa ra cho thấy một điều, trước những khó khăn của nền kinh tế, quân đội cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với những khó khăn chung của quốc gia. Tuy nhiên, việc cắt giảm ngân sách quốc phòng năm 2016 của Nga chỉ tác động đến công tác bảo đảm hậu cần, nhất là đối với xây dựng cơ sở hạ tầng, chứ không ảnh hưởng đến các chương trình mua sắm vũ khí, trang bị, hiện đại hóa quân đội.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước