Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
18:08 (GMT +7)

Vẽ tranh để tâm hồn được thư thái

VNTN - Những ngày cuối năm, nữ họa sĩ Nguyễn Thành đang tất bật hoàn thiện không gian tổ ấm và làm phòng tranh mới. Bên những bức tranh to, nhỏ đủ loại, đường nét táo bạo, phá cách và mạnh mẽ, Nguyễn Thành nói vui: “Cũng may với hội họa tôi chỉ “bị ảnh hưởng” nhẹ thôi, chứ suốt ngày nghệ thuật, đêm nào cũng ngồi vẽ thì chết…”


1. Nguyễn Thành là vậy, dù rất đam mê nhưng cũng biết tiết chế bản thân, biết lo toan để cân bằng giữa cuộc sống gia đình và việc sáng tác. Sinh ra trong gia đình không ai làm hội họa, nhưng nhờ năng khiếu và đam mê, con đường đến với mỹ thuật của chị tương đối thuận lợi.

Hồi Thành còn nhỏ, gia đình chưa có điều kiện cho đi học mỹ thuật nên hàng ngày chị cứ hí hoáy vẽ bằng phấn lên sân, lên tường nhà. Thấy con ham vẽ nên năm Thành học lớp 6, mẹ đã gửi chị theo học lớp năng khiếu mỹ thuật ở Nhà Thiếu nhi. Trong 2 năm Thành đã đạt được khá nhiều giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi của thành phố và của tỉnh; có cả những giải thưởng quốc tế như: Bằng khen tại cuộc trưng bày tác phẩm tại Eniki - Nhật bản và Shankar - Ấn Độ (1996); giải đồng hạng Cuộc thi vẽ tranh hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam (1997).

Nguyễn Thành tiếp tục theo học hội họa tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc (từ lớp 9), sau đó là Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, chị về giảng dạy mỹ thuật tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc cho đến nay. Chị vẽ nhiều và tham gia vào các hoạt động mỹ thuật khá sôi nổi, liên tục có tranh được chọn trưng bày tại Triển lãm khu vực miền núi phía Bắc từ 2006 đến 2012…; tham gia triển lãm nhóm họa sĩ trẻ tại Thái Nguyên (2009), triển lãm “Sắc màu cuộc sống” tại Thái Nguyên (năm 2011 - triển lãm nhóm họa sĩ trẻ). Chị đã đoạt giải Ba cuộc thi sáng tác “Đất và người Thái Nguyên” (2007); đạt giải Khuyến khích về văn học nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2017)…

Nguyễn Thành chủ yếu sáng tác về đề tài miền núi. Có lẽ do sống quen trong môi trường, con người và văn hóa nghệ thuật của vùng cao Việt Bắc, nên chất dân tộc đã ngấm vào chị không biết tự lúc nào. Mặc dù sau khi tốt nghiệp đại học, một số nơi ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mời chào nhưng chị quyết định về Thái Nguyên - mảnh đất quê hương đa dạng sắc màu văn hóa dân dộc vùng Việt Bắc để công tác. Thành tâm sự, mỗi khi đến những ngày lễ, ngày hội của trường, thấy các em học sinh xúng xính trang phục dân tộc là chị lại rạo rực như người lên cơn nghiện cà phê. Những lúc như thế lại thôi thúc chị cầm cọ vẽ Nguyễn Thành vẽ nhanh, ào ạt với những nhát cọ mạnh mẽ và quyết liệt. Nhiều người chưa gặp mà chỉ xem tranh thường lầm tưởng chị là… phái mạnh. Dù là những bức chân dung khổ lớn chị cũng chỉ vẽ trong vòng 2 - 3 tiếng liên tục rồi mới dừng lại ngắm và chỉnh. Sau mỗi lần hoàn thành một tác phẩm mà mình cảm thấy tâm đắc và đặt nét bút cuối cùng ký tên lên đó, Thành lặng lẽ đứng từ xa ngắm nghía, rồi cười. Cảm giác lâng lâng vui sướng ấy trào dâng suốt cả ngày.

2. Nguyễn Thành thường dùng chất liệu lụa và Acrylic để vẽ. Tranh lụa của chị được nhiều người thích và cảm giác như chị thành công ở chất liệu này hơn. Tuy nhiên, Acrylic mới là chất liệu chính để chị thể hiện. Bởi Acrylic có thể vẽ mỏng, vừa uyển chuyển được như lụa nhưng cũng có thể đắp dày, tạo được nét quằn quại như sơn dầu. Sở trường của Thành là vẽ chân dung, đặc biệt là chân dung phụ nữ và trẻ em vùng cao. Mặc dù mảng đề tài này đã có nhiều họa sĩ đi trước thành danh và thành công, tạo được phong cách riêng và gây được ấn tượng cho công chúng; nhưng chị vẫn chọn vì luôn thấy cảm hứng và đầy năng lượng với nó.

“Kết nối” Chất liệu Acrylic

Khi vẽ chân dung, Nguyễn Thành luôn cố gắng tìm ra cái thần của nhân vật. Tranh của chị theo trường phái ấn tượng, màu sắc, đường nét thể hiện chiều sâu cảm xúc là chính. Có thể là một vẻ mặt khắc khổ của người mẹ, hay cái lạnh lẽo hoang vắng của mùa đông, có khi là vẻ thơ ngây của em bé vùng cao… Điều quan trọng là Thành luôn biết khám phá và đang tìm ra được hướng đi mới. Trước đây chị thường làm việc và “chiến đấu” với những bức chân dung khổ lớn. Tuổi trẻ sôi nổi và đầy đam mê, chị thường vẽ những tranh lớn tới 1,5m và không mấy thành công vì chúng chỉ mới đạt được một góc thiên về cảm xúc. Nhưng nay thì khác, chị dường như đã có đủ nhiều vốn liếng trải nghiệm, rồi việc hạn chế không gian trưng bày… đã khiến Nguyễn Thành cảm thấy cần thu hẹp khổ tranh. Chị vẽ tinh hơn, đẩy sâu nội dung hơn, muốn dùng cảm xúc, bút pháp thể hiện để níu chân người xem lại lâu hơn.

Là phụ nữ nhưng gam màu sử dụng trong tranh của Nguyễn Thành lại tập trung vào 3 tông màu mạnh là đen, đỏ, trắng. Điều đó có lẽ cũng thể hiện đúng con người chị - cá tính và mạnh mẽ. Những tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: “Chợ Bắc Hà”. Tác phẩm vẽ phiên chợ vùng cao ở Bắc Hà (Lào Cai), bao trùm bức tranh là sắc đỏ rực rỡ với bạt ngàn thổ cẩm và gần một trăm người đủ các dáng vẻ. Điểm nhấn của tranh là những bộ váy áo thổ cẩm; đơn giản các mảng màu, tác giả chỉ nhấn mạnh vào nhịp điệu và hình khối, để màu đỏ tràn ngập trong tranh khiến những sắc màu rực rỡ của thổ cẩm như đang chuyển động. Hay như tác phẩm “Mùa đông” - Triển lãm khu vực tại Phú Thọ (2017) được giới thiệu và đạt giải Khuyến khích của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tác phẩm này Nguyễn Thành sử dụng chất liệu sơn dầu, tông màu trầm, lạnh, thể hiện phong cảnh mùa đông với hình ảnh các phụ nữ vùng cao đi chợ. Không gian hoàn toàn ước lệ, bố cục chính tạo ấn tượng cho người xem là những thanh liếp tre, nứa vùng cao, chắc khỏe và khá phiêu trong bố cục. Phía xa lấp ló những sắc chàm điểm xuyết tôn lên màu sắc thổ cẩm ở váy áo và vẻ đẹp mộc mạc của gương mặt, động tác uyển chuyển khỏe khoắn của các phụ nữ vùng cao.

3. Công việc với màu, toan tưởng nhẹ nhàng nhưng lại hết sức vất vả. Nhiều lúc vẽ không được như ý, họa sĩ cũng cảm thấy chán nản, dằn vặt. Dù vậy Thành vẫn không chững lại bởi cái vẻ mộc mạc, chân chất hồn nhiên của những người miền núi luôn hút và lôi cuốn chị. Đam mê thì nhiều nhưng Thành vẫn chưa dám sống hết mình với nghệ thuật. Ở tuổi 35, cuộc sống “cơm áo” cũng luôn nhắc nhở Thành phải nhìn vào thực tế, vì vậy chị luôn xác định mình không phải là một họa sĩ vẽ tranh chuyên nghiệp mà chỉ là người vẽ để “dạo chơi” và giải tỏa những cảm xúc tâm hồn. Thành nói về dự định sắp tới, về ấp ủ sẽ cho ra đời một xê - ri khoảng 15 bức tranh các sắc thái chân dung thiếu nữ và trẻ em vùng cao.

May mắn vì gia đình luôn ủng hộ, tôn trọng đam mê, tình yêu với hội họa giờ đây được Nguyễn Thành dồn cả cho các thế hệ học sinh. Hiện tại Thành đã hoàn thành khóa học thạc sĩ mỹ thuật. Ngoài công việc dạy học ở trường chị còn mở thêm lớp dạy mỹ thuật tại nhà để đào tạo cho những người có năng khiếu và đam mê hội họa ở nhiều lứa tuổi. Chị muốn mình sẽ là người truyền lửa, hi vọng trong tương lai Thái Nguyên sẽ có những thế hệ họa sĩ yêu nghề, một sân chơi hội họa chuyên nghiệp.

Bận rộn là vậy nhưng Nguyễn Thành vẫn ham việc, rảnh rỗi một chút là tranh thủ nhận vẽ trên áo dài để thêm thắt cho cuộc sống… Và khi đêm xuống, khi chồng con đã ngủ vùi trong chăn ấm, Nguyễn Thành lại dành thời gian cho những đam mê, dằn vặt, lại vung cọ, vạch những mảng màu lên tấm toan.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thương nhớ nhà thơ Hà Đức Toàn

Xem tin nổi bật 8 tháng trước

Thơ Đàm Thế Du

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước

Lặng lẽ và viết

Chân dung nghệ sĩ 1 năm trước