Về thần Cao Sơn, Quý Minh và Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh ở tỉnh Thái Nguyên
VNTN - Ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên tục thờ Thần Thành Hoàng đã có từ rất lâu đời trong nhân dân. Hiện nay, tại các ngôi đình, đền, nghè, miếu đang duy trì về tục thờ các vị Thần Thành Hoàng hầu hết được nhân dân truyền tụng, khai báo thờ Cao Sơn Quý Minh. Vị thần Cao Sơn Quý Minh mà nhân dân đang thờ phổ biến ở các di tích đình, đền, miếu, nghè là Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người dân tộc Tày, quê tỉnh Thái Nguyên đã có công bảo vệ vùng biên giới nước Đại Việt dưới triều vua nhà Lý thế kỷ XII. Bên cạnh đó cũng tại các di tích đình, đền, miếu đó nhân dân còn thờ vị Cao Sơn, Quý Minh là 2 thuộc tướng thời Hùng Vương đã có công dẹp giặc Thục bảo vệ nhà Hùng thứ 18 nước Văn Lang.
Vậy hiểu như thế nào để cho chính xác các vị thần được thờ ở di tích nào là vị thần Cao Sơn, Quý Minh thuộc về thời Hùng Vương, còn di tích nào thờ Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh thời nhà Lý ở thế kỷ XII?
Một Sắc phong cho Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Vương thứ 18 còn được lưu tại đình Vân Dương (Phổ Yên). |
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 500 cơ sở tín ngưỡng, bao gồm 168 đình, 170 chùa, 70 đền, 65 miếu, 27 nghè, nhà thờ họ, phủ, điện. Hiện tại số đình, đền, chùa được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá có 11 di tích cấp Quốc gia; 97 di tích cấp tỉnh. Tổng số đình, đền, miếu, nghè được xếp hạng là 105 di tích, chiếm tỷ lệ 1/5 tổng số cơ sở tín ngưỡng của cả tỉnh. Huyện Phú Bình là huyện có khối lượng di tích tín ngưỡng nhiều nhất tỉnh gồm: 97 đình, 83 chùa, 13 đền, 20 nghè, 7 nhà thờ họ trong đó có 37 di tích đã được xếp hạng (07 di tích Quốc gia, 30 cấp tỉnh). Cũng theo kết quả khảo sát, trong số 200 di tích là đình, đền, nghè, miếu thuộc 2 huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên số ngôi đình thờ Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Vương chiếm một phần đáng kể, mặc dù các nhân chứng ở địa phương khai kể có thờ cả Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh thời nhà Lý. Số di tích là đình, đền, nghè, miếu thờ danh tướng Dương Tự Minh trên danh nghĩa quả thật theo khai báo chiếm tỷ lệ đến trên 60% tổng số đình, đền, nghè, miếu trong tỉnh.
Để giải thích cho hiện tượng này có cuộc Hội thảo Khoa học Danh nhân lịch sử Dương Tự Minh năm 2003 do Viện Sử học Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức. Trong nội dung các bản tham luận đã đề cập về những vấn đề xoay quanh nhân vật Dương Tự Minh và các di tích thờ ông ở tỉnh Thái Nguyên; Di tích và lễ hội về Dương Tự Minh... các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, quản lý văn hóa đã có lý giải một cách tương đối thỏa đáng.
Từ khi hội thảo đến nay đã gần 15 năm. Cho đến thời điểm hiện tại tác giả bài viết đã tham gia nghiên cứu, sưu tầm thực tế và thu được kết quả bước đầu đáng mừng. Đó là việc sưu tầm tài liệu Thần tích của cả tỉnh có 08 văn bản gốc, không kể bản sao đến chục đơn vị tài liệu Thần tích thần sắc lưu chủ yếu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm và Viện Thông tin Khoa học xã hội Hà Nội.
Cụ thể như: cuốn thần tích đình Thượng Vụ, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên; thần tích đình Xuân Trù, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên; thần tích đình Nam Đô, xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên; thần tích đình Úc Kỳ; đình Hộ Lệnh; đình Kha Sơn Thượng, xã Kha Sơn; thần tích đình Hộ Lệnh, xã Điềm Thụy; thần tích đình Lộng, xã Nhã Lộng và cuốn thần tích xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ. Thần tích Dương Tự Minh có lưu ở đình Xuân La (Xuân Phương); Thanh Lương (Tân Hòa); Phao Thanh (Thanh Ninh) đều thuộc huyện Phú Bình.
Thần tích về vị Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh thượng đẳng thần thời nhà Lý thế kỷ XII đều tìm được 5 bản gốc ở huyện Phú Bình, ở đền Đuổm, huyện Phú Lương, nơi thờ chính Dương Tự Minh. Ở Viện nghiên cứu Hán Nôm hiện không có văn bản thần tích về Dương Tự Minh, có lưu 01 thác bản Văn bia của đình Quang Vinh khắc về sự tích Dương Tự Minh được sưu tầm từ năm 1968, bia hiện ở địa phương không còn. Theo thần tích, thần Dương Tự Minh quê ở làng Quan Triều, phủ Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, là vị tướng tài ba của vương triều Lý, người có công bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của nước Đại Việt đầu thế kỷ thứ XII. Tương truyền ông được Tiên ở cầu Thấp Tân cho áo tàng hình. Đời vua Lý Anh Tông, nhà Tống sai Đàm Hữu Lượng đem quân sang xâm lược nước ta, ông dùng áo tàng hình đi vào doanh trại giặc bắt sống được tướng giặc. Ông được vua 2 lần gả công chúa là Diên Bình và Thiều Dung, phong làm Phò mã, cho cai quản đất từ Thông Nông Cao Bằng đến sông Lục Đầu, sau ông mất ở núi Thạch Long, vua Lý nhớ tiếc cho dân lập đền thờ. Các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên và các vùng lân cận đều có đình, đền, miếu thờ Dương Tự Minh và 2 bà vợ của ông, trong đó có các di tích tiêu biểu ở huyện Phú Bình như: đình Phương Độ, đình Xuân La, đình Hộ Lệnh, đình Thanh Lương, đình làng Hin, đình Diệm Dương…
Còn về thần tích Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Vương thì Cao Sơn và Quý Minh là hai anh em ruột. Cao Sơn tên thật là Hiển Công, Quý Minh tên thật là Dụ Công. Hai anh em đều là bộ tướng của Hùng Duệ Vương, vua Hùng Vương thứ 18. Do có công lao đánh giặc Thục mà Hùng Vương phong cho Hiển Công là Cao Sơn đại vương, Dụ Công là Quý Minh đại vương. Sau chiến thắng nhà Thục ngày 10/11, Cao Sơn đại vương tiến về chân núi Nộn, Hoa Nhâm động thuộc vùng Bạch Thông đất Thái Nguyên xưa; Quý Minh đại vương tiến về chân núi Lạng thuộc Thanh Xuyên, Hưng Hóa vào ngày 11/11. Sau khi hai ông mất, được vua Hùng lệnh cho 55 cung lập miếu thờ, khói hương không ngớt. Đình Vân Dương Thượng là một trong những nơi thờ Cao Sơn, Quý Minh đại vương là những người có công đánh giặc giữ nước được phong là những anh hùng. Tại tỉnh Thái Nguyên có nhiều ngôi đình cũng thờ hai vị thần nói trên còn lưu giữ được sắc phong và thần tích như: tại huyện Phú Bình có đình Thượng Đình, đình làng Thượng, đình Kha Sơn Thượng (xã Kha Sơn), đình Úc Kỳ (xã Úc Kỳ), đình Hộ Lệnh (xã Điềm Thụy), đình Thanh Đàm (xã Nhã Lộng)… Tại thị xã Phổ Yên như: đền Đan Hà (xã Thành Công), đình Xuân Trù (xã Tiên Phong), đình Thượng Giã, đình Kim Tỉnh (xã Trung Thành).
Về Sắc phong cho 2 vị Cao Sơn, Quý Minh, hiện ở địa bàn tỉnh Thái Nguyên không còn nhiều. Trong số 200 đạo sắc phong còn lại một phần sắc cho Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Vương, còn hai sắc phong cho Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh ở đình An Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình. Đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương nơi thờ chính Dương Tự Minh còn 6 đạo sắc cho Uy viễn đôn tĩnh Cao Sơn Quảng độ chi thần. Các sắc phong có niên đại cổ nhất vào thời Lê Cảnh Trị năm thứ 8 (1670), sau đó còn một số sắc cuối thời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1785), thời Nguyễn của thế kỷ XIX và XX. Các đạo sắc thời Lê nhiều chữ hơn, mỹ tự văn phong hay, nét chữ đẹp hơn thời nhà Nguyễn.
Đình An Châu (Phú Bình) di tích cấp tỉnh, nơi duy nhất còn hai Sắc phong cho Dương Tự Minh.
Việc “đồng hóa” những vị thần cùng tên như trên không có gì quá khó hiểu. Do nhân dân truyền miệng không còn văn bản, sách vở. Tình trạng “tam sao thất bản”, tương truyền, truyền miệng là điều khó tránh. Tất cả là vì thần thánh hóa, linh thiêng hóa công trạng của vị thần mà nhân dân yêu quý, tôn thờ mong các vị hiển linh phù hộ, độ trì, che chở cho mình gặp được nhiều điều tốt lành. Vị thần Dương Tự Minh thời Lý có thật trong lịch sử, có công chống giặc ngoại xâm đem lại bình yên cho người dân đã được nhân dân ca ngợi như công đức của thần Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Vương.
Thiết nghĩ, nhân dân chúng ta cần tìm hiểu công tích sự nghiệp đóng góp của các vị thần một cách tường tận để đi đến khẳng định ở các di tích thờ các ngài. Trên cơ sở đó để làm tốt việc bảo tồn, gìn giữ, khai thác và phát huy tốt giá trị của di tích thờ các vị anh hùng dân tộc của tỉnh nhà, xứng đáng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” một truyền thống đạo lý tốt đẹp của nhân dân ta.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...