Về một số câu, từ, thành ngữ Hán Việt
Xuất xứ câu “Dân có thể nâng thuyền, dân cũng có thể lật thuyền”
Xin cho biết câu “dân có thể nâng thuyền, dân cũng có thể lật thuyền” là của tác giả Nguyễn Trãi có đúng không?
Gần đây thấy có người dựa vào câu “phúc chu thủy tín dân do thủy” (覆 舟 始 信 民 猶 水) trong bài Quan hải (關 海) của Nguyễn Trãi để từ đấy nói rằng: câu “Dân có thể nâng thuyền, dân cũng có thể lật thuyền” là của Nguyễn Trãi.
Thực ra, đọc sách thì thấy câu này đâu như có từ thời Chiến Quốc, tức quãng 2000 năm về trước, sau được Đường Thái Tông, tức Lý Thế Dân (599 - 649) nhắc lại, nguyên văn của nó là 水 能 載 舟 亦 能 覆 舟 (thủy năng tái chu diệc năng phúc chu).
Dẫu cho nó là của ai đi nữa thì câu này cũng là mượn hình tượng để nói rằng: vua mà ở ngôi được là nhờ dân, mà vua mất ngôi cũng bởi dân. Đó là nói theo kiểu tiêu cực, còn nếu theo kiểu tích cực thì e phải nói rằng: vua sở dĩ được ở ngôi là nhờ vua mà vua mất ngôi cũng chính bởi tại vua. Thử nghĩ xem, nếu vua là vị minh quân, bầy tôi là kẻ trung thần, không tham ô, tham nhũng, không bắt nạt, o ép dân; chính sách cai trị hợp với lòng dân, trên dưới một lòng, dân ủng hộ thì hà cớ gì vua lại dễ dàng bị dân truất ngôi được?
Chữ “táng” trong thành ngữ “táng tận lương tâm”
Có người nói chữ “táng” trong thành ngữ “táng tận lương tâm” phải viết là “tán” mới đúng chính tả. Lấy cớ rằng chữ “tán” này có nghĩa là “tan”. Có người lại nói rằng “táng” đây là “chôn” và hiểu “táng tận lương tâm” là “chôn hết lương tâm”. Xin hỏi nói và viết như vậy có đúng không?
Xin nói ngay rằng cả hai đều sai. Chữ “táng” trong thành ngữ “táng tận lương tâm”, chữ Hán viết là 喪, nghĩa là “mất”, không phải chữ “táng” là “chôn”, chữ Hán viết là 葬 như trong từ “mai táng”; cũng không phải chữ “tán” là “tan”, chữ Hán viết là 散 như trong từ “táng đởm” (散 膽) nghĩa là “sợ mất mật”.
Vì thế với thành ngữ này phải viết là “táng tận lương tâm” mà không thể viết là “tán tận lương tâm” mới đúng chính tả tiếng Việt, và “táng tận lương tâm có nghĩa là “mất hết lương tâm” chứ không phải là “chôn hết lương tâm”.
Cũng nên biết rằng người Trung Quốc không nói “táng tận lương tâm” như ta mà họ nói “táng tận thiên lương” (喪 尽 天 良), vắn tắt hơn là “táng tâm” (喪).
Xuất xứ của câu thành ngữ “ném chuột sợ vỡ bình”
Nghe nói câu thành ngữ “ném chuột sợ vỡ bình” có xuất xứ từ Trung Quốc. Xin hỏi điều đó có đúng không?
Câu thành ngữ “ném chuột sợ vỡ bình” có phải là xuất xứ từ Trung Quốc hay không thì không dám nói chắc. Có điều chắc chắn là người Trung Quốc cũng có một câu thành ngữ với ý nghĩa tương tự như vậy.
Câu đó là “đầu thử kỵ khí”, chữ Hán viết là 投 鼠 忌 器. Dịch ra tiếng ta là “ném chuột sợ vỡ đồ”.
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cho biết nghĩa bóng của thành ngữ này là “muốn trừ cái hại do một người nhưng lại sợ làm tổn thương tới người mà mình kiêng nể”.
Từ “quải quan” trong “Nhị độ mai”
Đọc truyện Nôm khuyết danh “Nhị độ mai” thấy có câu “Thoắt đà cởi áo quải quan lánh mình”. Xin cho biết “quải quan” nghĩa là gì, liên quan tới điển tích nào?
“Quải quan” là từ Hán Việt, chữ Hán viết là 掛 冠. Trong đó “quải” (掛) là “treo”, “quan” (冠) là “mũ”.
Vì vậy, “quải quan” 掛 冠 có nghĩa là “treo mũ”, chỉ những viên quan từ bỏ chính trường, quay về ở ẩn nơi thâm sơn cùng cốc hoặc là vui thú điền viên.
Từ “quải quan” có liên quan tới điển Vương Mãng giết Tử Vũ. Chứng kiến cảnh đó, Phùng Mạnh than rằng: “Thế là rối loạn tam cương rồi, nếu không bỏ đi thì thế nào cũng rước họa vào thân”.
Nói xong, liền cởi áo mũ treo ở cửa thành phía đông rồi cùng thuộc hạ bỏ ra khỏi thành.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Phan Nam Sinh (giải đáp)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...