Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
07:53 (GMT +7)

Về Đền Đô

Trong bề dày lịch sử của dân tộc, nhiều vùng đất trên dải đất hình chữ S đã góp phần tạo nên những trầm tích văn hoá đáng tự hào của người Việt. Trong đó không thể không kể đến mảnh đất “Kinh Bắc” (Bắc Ninh) địa linh nhân kiệt.

Cổng vào nội thành của Đền Đô còn được gọi là Ngũ Long môn. Cổng lớn (chính giữa) chỉ mở ra trong những dịp giỗ vua, những ngày lễ hội hoặc khi đón các vị nguyên thủ Quốc gia về thăm.

Trong chuyến công tác về Bắc Ninh lần này, chúng tôi đã có dịp đến thăm Đền Đô, nơi thờ 8 vị vua nhà Lý, ở làng Đình Bảng, thành phố Từ Sơn – quê phát tích của nhà Lý.

Đền Đô là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng được bảo tồn khá trọn vẹn, cung cấp nhiều tài liệu quý giúp chúng ta có thể hình dung được công lao, dấu ấn của các vị vua Lý trong từng giai đoạn, cũng như những thịnh, suy khó tránh của mỗi vương triều.

Tại đây, nhiều câu chuyện như hư mà thực giữa quá khứ cách đây hơn một nghìn năm và các câu chuyện có thật ở hiện tại được hé mở. Dù có thịnh, có suy thì công lao làm rực rỡ nền văn minh Đại Việt với Quốc hiệu Đại Việt, với kinh đô Thăng Long của các vị vua nhà Lý ngàn đời vẫn được người dân nhắc nhớ và thờ phụng.

Chiếu dời đô được dựng ngay bên trái cổng vào Đền Đô

Giọng nói đẹp, đầy cảm xúc của chị hướng dẫn viên giúp chúng tôi như được sống trong không gian của lịch sử.

Đền Đô được xây dựng từ năm 1019. Khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi được 10 năm ông đã về quê hương của mình lập một thái miếu để thờ tổ tiên. Năm 1028, vua Lý Thái Tổ băng hà, đức vua có viết di chiếu để lại dặn rằng, khi ông mất hãy đưa ông về an táng trên cánh đồng quê mình và lập đền thờ trên chính đất ông cha.

Sau đó, lần lượt các đức vua triều Lý khi băng hà đều được đưa về chôn cất trước cửa Đền Đô 1km (trong lòng rừng báng). Dần dần, các ngài được lập đền thờ ở đây. Ban đầu Đền có tên là Cổ Pháp điện.

Hình chạm khắc trên mái Đình, mái cổng vào nội thành đều vô cùng tinh xảo

Sau nhiều lần tôn tạo, cho đến lần tôn tạo lớn nhất vào 1605 thời vua Lê Kính Tông đền mới được tu bổ, xây dựng rộng để thờ 8 vị vua. Lúc ấy đền được đổi tên là Đền Lý Bát Đế. Thế nhưng, rất tiếc trong chiến  tranh, giặc Pháp đã phá hủy một phần đền Lý Bát Đế (1952). Từ năm 1989 Đền được tôn tạo, xây dựng lại theo đúng nguyên mẫu xưa.

Cùng với sự trợ giúp tận tình của Ban Quản lý Đền Đô, chúng tôi có thêm được nhiều thông tin về di tích Quốc gia đặc biệt này. Đền Đô gồm 21 hạng mục công trình độc đáo và được xây dựng theo lối kiến trúc “nội công, ngoại quốc” như một cung kinh thành thời vua.

Thuỷ đình nằm ở giữa hồ bán nguyệt

Không chỉ giàu giá trị lịch sử văn hoá, kiến trúc của quần thể, Đền Đô còn gợi cho du khách cảm giác đặc biệt ngay từ khu vực ngoài thành với hồ bán nguyệt. Giữa hồ là thủy đình.

Hình ảnh Nhà thủy đình xưa được chọn để in trên đồng tiền 5 đồng vàng Đông Dương. Từ 2003, nhà nước ta đã chọn hình ảnh Nhà thủy đình của Đền Đô để in trên đồng tiền kim loại 1 nghìn đồng khi hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Nhà thủy đình của Đền Đô cũng là nơi ngày xưa các đức vua từng về thăm, từng làm việc. Nhà thuỷ đình soi bóng nước, tán cây xanh in bóng xuống mặt hồ lấp loá như soi rọi về miền quá khứ, như kể cho du khách nghe về những lần các bậc đế vương ngự ở đây để làm việc và sau đó nghe hát quan họ từ những chiếc thuyền dưới hồ bán nguyệt.

Ngay sát cửa Đền là Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, được khắc bằng chữ nổi cùng bản dịch của Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam. Để vào Đền phải đi qua Ngũ Long môn (năm cửa rồng), được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ quý và trên mái lợp ngói mũi hài. Hai bên cánh cửa có chạm khắc hình rồng bay lên vô cùng tinh xảo.

Hướng dẫn viên giới thiệu những công đức to lớn của triều Lý trên bia đá

Theo như thuyết dân gian, xưa kia khi các đức vua về thăm quê, Đền sẽ mở cửa chính giữa là cửa đại quan để đón vua đi qua. Cửa bên tả dành cho quan văn đi, cửa bên hữu dành cho quan võ đi, còn dân và lính ngày xưa chỉ đi ở hai cửa tò vò, tức là cửa ngách của năm cửa rồng.

Nhưng ngày nay để phục vụ khách thăm quan và nhân dân địa phương, hàng ngày Ban Quản lý Di tích vẫn xin phép các vị vua mở rộng cửa quan văn, cửa quan võ để đón du khách từ mọi miền Tổ quốc về với Đền Đô. Riêng cửa đại quan (cửa chính giữa) thì chỉ mở ra trong những dịp giỗ vua, những ngày lễ hội hoặc khi đón các vị nguyên thủ Quốc gia về thăm.

Qua cửa rồng sẽ đến sân rồng của Đền Đô (chỉ có nơi nào thờ vua, các đức vua về thăm, về làm việc mới có cửa rng và sân rồng). Sân rồng là trung minh đường. Sân rồng ở đây có lát 8 ô đá theo chiều ngang và mỗi ô đá có một mặt vuông ở phía dưới tượng trưng cho đất, một mặt tròn ở phía trên tượng trưng cho trời. Đây là biểu hiện sự giao hòa giữa trời và đất, giữa thiên nhiên và con người, giữa xưa và nay.

Nhà Phương đình kiến trúc chồng diêm 8 mái

Tiếp đến là nhà phương đình của Đền Đô. Tại nơi này, 11 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại quảng trường Ba Đình, Người đã về đây cùng nhân dân tưởng niệm các đức Vua triều Lý đúng vào ngày giỗ vua Lý Thánh Tông, vị vua thứ 3. Khi đó, nhân dân Đình Bảng vẫn có một tục lệ rất lâu đời là trong mỗi dịp giỗ Vua dân làng lại thui một con trâu để tế lễ. Khi Bác về nhìn thấy nhiều người đang thui một con trâu ở giữa sân rồng của Đền Đô, Bác có căn dặn lại mọi người đại ý rằng, lễ cốt ở lòng thành cứ gì phải có mâm bạch ngọc mới là quý.

Những người dân ở đất quê Vua đã nghe lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, từ đó bỏ hẳn tục lệ thui trâu, thay vào đó làm 2 loại bánh tượng trưng cho trời và đất, đó là bánh chưng và bánh giầy để dâng lên trong mỗi dịp giỗ Vua.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh dâng lễ các vị vua triều Lý xong, Bác mới cùng Quốc hội, Chính phủ quyết định lấy Hà Nội (Thăng Long xưa) làm Thủ đô để mãi mãi kinh thành Thăng Long do vua Lý Thái Tổ khai sáng vẫn là trái tim trong lòng Tổ quốc Việt Nam.

Cạnh 2 bên hương án của nhà phương đình, người xưa có đặt tượng thờ 2 ông tướng, mà theo truyền thuyết là đây là những người miền trung đã giúp vua Lý Thánh Tông mở cõi ở phương Nam. Sau các ông được đưa về phục vụ triều đình. Khi mất được tạc thành tượng, mặc nguyên trang phục của người dân tộc đóng khố, cởi trần, để giữ nguyên bản sắc dân tộc và đều được mang họ Lý.

Bên trong Linh Cung đường với 7 gian thờ tạo thế cân xứng cho ngôi Đền

Trung tâm của Đền Đô là Linh Cung, nơi đặt tượng và bài vị của bát vị tiên vương triều Lý. Bên phải là nhà văn chỉ, thờ các quan văn của triều Lý để tôn vinh trí tuệ của dân tộc Việt Nam. Bên trái là nhà võ chỉ, thờ các quan võ của triều Lý để tôn vinh sức mạnh của dân tộc Việt.

Đền Đô thờ 8 vị vua nhưng kiến trúc cổ lại xây dựng Đền thờ với số gian lẻ để tạo ra thế cân xứng cho Đền. Vì vậy, Linh Cung chỉ có 7 gian. Gian giữa thờ 2 Vua là vị Vua khởi lập triều Lý và khai sáng Thăng Long là Vua Lý Thái Tổ tức Lý Công Uẩn. Ông được sinh ra và lớn lên tại chùa Cổ Pháp trên quê hương Đình Bảng. Được sự dạy dỗ của các vị thiền sư trong Chùa,ngay từ nhỏ Lý Công Uẩn đã thể hiên tư chất thông minh. Mới 7 tuổi ông đã đọc hết một thư viện sách của Nhà chùa, đến 20 tuổi văn võ song toàn.

Gian giữa thờ 2 Vua là vị Vua khởi lập triều Lý - Lý Thái Tổ tức Lý Công Uẩn và con trai là Vua Lý Thái Tông

Năm 1009 vua Lê Long Đĩnh băng hà, triều thần vô cùng oán giận về tội ác của Lê Long Đĩnh nên đã suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi mở ra một vương triều mới. Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn tức Vua Lý Thái Tổ đi khảo sát nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc và truyền rằng trong một lần Đức Vua về thăm quê nhà đã chọn được ra miền đất địa lợi, có thế rồng cuộn, hổ ngồi không phải chịu cảnh lụt lội đáng để đặt làm kinh sư cho muôn đời con cháu. Nơi ấy chính là Thủ đô Hà Nội (lúc ấy có tên là thành Đại La).

Khi công việc chuẩn bị xong, mùa thu năm Canh Tuất (1010) vua Lý Thái Tổ chính thức cho dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Khi thuyền rồng của Người chạm vào chân thành, Đức vua nhìn thấy một áng mây rực vàng hiện ra ở thuyền ngự bay lên. Với nhãn quan của một vĩ nhân Người đã đổi tên kinh thành là Thăng Long (tức rồng bay lên).

Làm Vua 18 năm, Vua Lý Thái Tổ băng hà và truyền ngôi cho con trai trưởng là Vua Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông được đặt ngồi cùng gian với vua cha trong Linh Cung thể hiện sự cha truyền, con nối.

Nhà Văn Chỉ nơi thờ các quan văn ở bên tay trái, đối diện là Võ Chỉ thờ các quan võ

Kế vị Vua Lý Thái Tông lần lượt là các đời Vua: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng.

Những việc làm dưới vương triều nhà Lý cho đến ngày nay vẫn được nhân dân ngưỡng mộ. Cùng với việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để xây dựng nên một trung tâm văn hoá của nước nhà, ban bố “Hình thư” pháp chế quốc gia đi vào quy củ, xây dựng Văn Miếu, lập Quốc Tử Giám, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước, ra chiếu Khuyến nông, đắp đê Cơ Xá, mở mang thương cảng Vân Đồn quan hệ buôn bán với nước ngoài…

Bài thơ “Nam quốc sơn hà” do Lý Thường Kiệt công bố trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (1077) đã vang lên trên chiến tuyến Như Nguyệt, được các nhà sử học coi như là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà…

Nhà ngựa của Đền Đô

Đền Đô thờ 8 vị vua triều Lý nên có người lầm tưởng vương triều Lý trải qua 8 đời vua trị vì đất nước. Nhưng không phải, vương triều nhà Lý có tất cả 9 vị Vua. Vị Vua thứ 9 là Lý Chiêu Hoàng. Bà là con gái thứ của Vua Lý Huệ Tông và lên ngôi khi mới 8 tuổi. Tuổi còn nhỏ, chưa kể khi ấy cơ đồ nhà Lý đã suy yếu, các vị trí trọng yếu trong triều đều mang họ Trần. Quyền lực lúc đó nằm trong tay vị Thái sư nổi tiếng Trần Thủ Độ. Dưới bàn tay sắp xếp của ông Trần Thủ Độ, 2 năm sau bà nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, đặt dấu kết thúc cho vương triều nhà Lý.

Người xưa không đặt bà ngồi chung với ông cha để thờ, theo kiến trúc của làng, Đền Lý bát đế nằm ở phía Đông của làng, nơi bình minh sáng toả, biểu hiện một vương triều phồn thịnh, thờ 8 vị Vua có quyền, trách nhiệm trị vì đất nước. Bà Lý Chiêu Hoàng được thờ riêng ở một ngôi đền nhỏ ở phía Tây của làng, cách Đền Đô 2 km. Đó là Đền Rồng. Có thể thế sự tài tình và hàm ý sâu sắc của người xưa qua sự sắp đặt này. Đền Rồng nằm ở phía Tây của làng Cổ Pháp, phía Tây là nơi chiều về, hoàng hôn xuống, mặt trời lặn. Kiến trúc này còn ngụ ý sâu sa biểu thị một vương triều đã kết thúc.

Du khách tìm hiểu về tổng thể khu Di tích qua sa bàn

Câu chuyện về những vầng mây kỳ lạ xuất hiện trên đỉnh Đền Đô càng khiến di tích này trở nên linh thiêng đặc biệt. Ở Phương đình, bên  cạnh bài thơ “Nam quốc sơn hà” là bức ảnh chụp được 8 vầng mây kỳ lạ có tên “Bát đế vân du” (8 vua đi mây về quê), do một nhà báo Quân đội chụp được vào ngày lễ hội cổ truyền diễn ra (ngày rằm tháng 3 năm 1997) cùng với sự chứng kiến của hàng nghìn người có mặt trong lễ hội.

Chuyện được kể lại rằng, đúng vào giờ phút thiêng liêng chính ngọ hơn 1000 năm trước, Vua Lý Thái Tổ đã chọn làm nghi lễ đăng quang. Cũng vào thời khắc ấy trong ngày giỗ Vua, các cụ Đền cho nổi trống chiêng tế lễ và xin rước linh vị của các vị Vua vào trong cung. Khi tiếng trống chiêng vang lên cũng là lúc mọi người thấy bầu trời bỗng nhiên rực sáng. 8 vầng mây như 8 rẻ quạt lần lượt hiện lên đan trên đỉnh Đền.

Ngoài lần đó, ở đây còn nhiều lần khác xuất hiện các vầng mây kỳ lạ tương tự nhưng chỉ vào dịp giỗ vua. Các bức ảnh ghi lại được các hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này đều đang được trưng bày tại Đền Đô.

Chúng tôi cũng đã lặng người đi khi biết được câu chuyện liên quan đến cổ vật quý là đỉnh và đôi hạc tìm thấy trong giếng cổ Đền Đô. Cổ vật này được tìm thấy lúc 11 giờ trưa ngày 25/11/1994 và đang được trưng bày tại Đền.

Lặng người đi bởi sự linh ứng, sự trùng hợp đến khó tin trong lời người xưa truyền lại. Khi khi giọt nước mắt đầu tiên của hậu duệ đời 31 của Lý Thái Tổ ở Hàn Quốc tìm được về đến Đền Đô, chính thức nhận cố hương Cổ Pháp cũng là lúc cổ vật xưa xuất hiện ngay giữa sân Đình, dù trước đó tìm hoài không thấy.

Cổ vật được tìm thấy khi hậu duệ đời 31 của Vua Lý Thái Tổ ở Hàn Quốc tìm được về đến Đền Đô

Ngoài ra, tại đây còn có chứa đựng rất nhiều sự kiện lịch sử, những câu chuyện linh thiêng khác khiến tôi chắc chắn rằng mình còn muốn trở lại đây thêm nhiều lần nữa.

Đã hơn 1.000 năm, nhưng Đền Đô vẫn là sợi dây kết nối giữa quá khứ và thực tại, để ta thêm tự hào về một một giai đoạn của lịch sử dân tộc. Tự hào về một Đại Việt trở thành quốc gia độc lập và cường thịnh ở Đông Nam Á từ nghìn năm trước.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy