Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
11:30 (GMT +7)

Vật cát tường trong văn hóa Tày, Nùng

VNTN - Tày và Nùng là 2 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Họ sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và tập trung đông nhất ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Vốn là chủ nhân của văn hóa vùng thung lũng, bằng đôi bàn tay và trí óc khéo léo của mình, người Tày, Nùng đã khai phá tự nhiên, tạo nên những cánh đồng rộng lớn và màu mỡ. Trong quá trình hình thành và phát triển, người Tày và Nùng luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Và theo văn hóa truyền thống, họ có nhiều nét tương đồng trong phong tục tập quán.

Bên cạnh hệ thống các nghi lễ và hiện vật tín ngưỡng mang tính linh thiêng thì trong văn hóa Tày, Nùng, có một vật mang biểu trưng về ý niệm cát tường rất đặc biệt, đó là “Co bjooc tèo hồng”. Vật này xuất hiện với tần suất khá lớn và song song với những dịp lễ vui với ý niệm cầu mong sự may mắn và sinh sôi.

“Co bjooc tèo hồng” gồm 2 bộ phận chính, mỗi một bộ phận lại mang một ý niệm riêng về sự cát tường.

Trong tiếng Tày, Nùng “co bjooc” nghĩa là cây hoa, là vật thể tượng trưng cho ý niệm tâm linh về sự thanh tao và sinh sôi. Sự sinh sôi nảy nở ấy bao gồm sự sinh sôi của con người, của muôn loài, của tài vật, phúc - lộc - thọ.

“Co bjooc” được cấu tạo gồm cái khung cao khoảng 15cm, có những miếng giấy trang kim sáng lấp lánh. Thông thường, “co bjooc” thường có 3 tầng và được dán 9 miếng giấy trang kim màu vàng. 9 miếng giấy vàng trên “co bjooc” tượng trưng cho 9 bông hoa, số 9 trong văn hóa Tày, Nùng cũng là con số của sự may mắn, viên mãn.

Người Tày, Nùng quan niệm, con người là hoa của đất, mỗi người sinh ra đều là một đóa hoa đẹp của trời đất, của tạo hóa. Đóa hoa ấy được kết tinh từ mạch nguồn của đất, mây khói tinh túy của trời, lớn lên từ mảnh đất thiêng liêng của vườn hoa trên mường trời và sự chăm sóc tận tình của mẹ hoa (mẻ bjooc). Mỗi ngày, mẹ hoa đều ra khu vườn ấy để hái hoa và ban xuống cho trần gian. Đôi vợ chồng nào được mẹ ban cho hoa vàng thì sinh con trai, còn đôi vợ chồng nào được mẹ ban hoa bạc thì sinh con gái. Đôi khi vì một lý do nào đó, mẹ hoa giận dỗi khiến cho đôi lứa đã nên duyên vợ chồng mà chưa con cái thì phải làm lễ để xin mẹ xá tội và ban cho hoa. Ai cũng đều là con cái mẹ nên mẹ đều yêu thương hết mực. Mẹ hoa không chỉ chăm bón cho cây trổ bông mà còn luôn luôn ở bên bông hoa ấy suốt 9 tháng 10 ngày người mẹ trần thế mang nặng đẻ đau và theo suốt cuộc đời “bông hoa”. Mẹ dạy bông hoa ấy biết nói, biết cười, biết làm người. Do vậy, trong tâm thức người Tày, Nùng, mẹ hoa có vai trò rất quan trọng. Kể từ khi sinh ra cho đến đủ 18 tuổi, bàn thờ mẹ hoa luôn được sáng đèn và nhang khói không dứt. Từ khi đứa trẻ sinh ra, cứ 3 năm người ta sẽ tổ chức tạ ơn bà mụ 1 lần cho đến khi đủ 3 lần. Cũng theo quan niệm dân gian, bông hoa nào trên ngọn thì sáng lạn, thông minh. Bông hoa nào dưới gốc thì mạnh khỏe phi thường. Bông hoa nào mẹ ban mà lỡ lìa cành héo khô (tức là chết yểu) thì phải làm lễ để trả về cho mẹ. Bông hoa ấy tương ứng với bản mệnh của mỗi người.

Bên cạnh đó, người Tày, Nùng cũng tin vào quan niệm “vạn vật hữu linh” - vạn vật đều có linh hồn. Từ quan niệm ấy họ cho rằng, tất cả mọi vật trên thế gian từ nhỏ nhất đến lớn nhất, từ vô tri vô giác đến có tri giác đều có linh hồn và những linh hồn ấy đều mang tính cách, sức mạnh như con người. Ví dụ: Hồn lúa được đồng bào rất coi trọng và được tôn xưng là mẹ - mẹ lúa. Người ta cho rằng, năm nào hồn lúa mạnh khỏe và sinh sôi mạnh mẽ thì năm đó lúa được mùa.

Từ những quan niệm ấy, “co bjooc” trở thành vật linh thiêng và mang ý niệm về sự sinh sôi, nảy nở. Sự sinh sôi nảy mở ấy không chỉ đối với con người mà còn là của đất trời, của mùa màng, cây cối và gia súc, gia cầm.

“Tèo hồng” là miếng vải đỏ vắt chéo qua “co bjooc”. Miếng vải đó tượng trưng cho sự may mắn, là vật dẫn những điều tốt đẹp đến với con người. Trong văn hóa các dân tộc ở Châu Á nói chung và Tày, Nùng nói riêng, màu đỏ là màu của sự cát tường, hạnh phúc. Do vậy trong những dịp lễ vui của gia đình như đám cưới, tân gia, chúc thọ, đầy tháng hay các dịp lễ, tết, luôn có màu đỏ hiện diện. Có thể đó là chữ hỷ dán trên cửa nhà, là tấm rèm che cửa buồng tân hôn có thêu hình loan phượng, là phong bao lì xì người lớn tặng trẻ con, người già hoặc miếng giấy đỏ dán lên cửa nhà, lên cây cối và nông cụ sản xuất ngày cuối năm,… Bên cạnh tượng trưng cho hạnh phúc, màu đỏ còn tượng trưng cho việc “đầy thuyền mãn quả”, trọn vẹn phúc đức ở đời nên trong tang lễ truyền thống của người Tày Nùng, quan tài bao giờ cũng được phủ một tấm vải đỏ hoặc dán giấy đỏ. Điều này đã khảo sát tại tang lễ của người Nùng ở thị trấn Thất Khê, Tràng Định, Lạng Sơn và người Tày ở huyện Phú Lương, Thái Nguyên.

Sự hiện diện của màu đỏ cát tường nhiều nhất chính là trong hình tượng “tèo hồng”. Miếng vải “tèo hồng” có thể dài 1m hoặc chỉ khoảng 10cm nhưng giá trị biểu tượng và niềm tin đều giống nhau. “Tèo hồng” xuất hiện nhiều trong các nghi lễ mang tính chất vui. Đặc biệt, nó còn giữ vai trò là món quà tặng ý nghĩa của khách đối với chủ. Trong các cuộc lễ gắn với sự nghiệp của các ông Tào, bà Then như lễ Lẩu Then, “tèo hồng” là món quà của dân làng và các bạn nghề vắt lên vai chủ nhà để cầu mong cho gia chủ luôn may mắn, đắc tài, sai lộc và trọn vẹn nghĩa vụ với tổ nghề. Hoặc như trong trò múa sư tử truyền thống, khi đội sư tử chủ nhà mời các đội sư tử bạn đến múa giao lưu (thường trong các dịp lễ hội lồng tồng) thì bao giờ lúc đội bạn đến, đội trưởng sư tử chủ nhà cũng đều buộc lên sừng các con sư tử đội bạn 1 miếng vải đỏ để chào mừng, cầu mong sự bình an và thể hiện sự tôn trọng đội bạn.

Ngoài ra, “tèo hồng” còn là vật mang tính chất hoán đổi. Tính chất hoán đổi này thể hiện rõ trong đám cưới truyền thống. Theo tập quán truyền thống trong gia đình thì bao giờ, anh/chị phải tổ chức cưới trước thì các em mới được phép lập gia thất, nếu em mà cưới trước anh/chị là điều không phù hợp với phong tục và gây ra nhiều điều không may mắn. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan nên không phải gia đình nào cũng thực hiện được tục lệ ấy. Chính vì vậy, “tèo hồng” trở thành vật hoán đổi và hóa giải đi những điều không may từ sự vi phạm tục lệ. Trong trường hợp em đi lấy chồng trước anh/chị, thì cần phải có một tấm vải đỏ “tèo hồng” vắt qua vai những anh/chị mà chưa lập gia thất để xin phép và cũng là lời chúc cho anh chị sớm tìm được đôi lứa.

Hai bộ phận “Co bjooc” và “tèo hồng” tuy là 2 bộ phận khác nhau và mang ý nghĩa cát tường khác nhau nhưng đều hiện diện trên cùng một thực thể để mang một niềm tin thống nhất đã được vật thể hóa về sự sinh sôi và may mắn. Hai vật này hiện diện trong đời sống văn hóa tinh thần người Tày, Nùng chính từ ý niệm và khát vọng ấy.

Có thể nói rằng, trong các cuộc lễ vui của người Tày, Nùng, bao giờ hai vật này cũng xuất hiện với tần suất liên tục. Đó được coi là một món quà rất quý giá về mặt tinh thần mà người ta dành tặng cho nhau. Tuy nhiên, nó không chỉ xuất hiện dưới nhiệm vụ là món quà tặng giữa người với người mà còn là lễ vật để dâng tặng các loại “phji”.

Trong tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng, khái niệm “Phji” rất rộng, nó ám chỉ tất cả các đấng siêu nhiên trong vũ trụ. Người Tày, Nùng phân ra 2 loại phji chính là phji lành và phji dữ. Phji lành là các vị phúc thần, gia tiên. Phji dữ là các loại ma quỷ như ma gà (phji cáy), ma thuồng luồng (phji ngược), ma lang thang (phji slương),… các loại ma này tuy dữ nhưng chỉ hại con người khi bị động chạm hoặc khi chúng có nhu cầu “đòi ăn, uống”. “Co bjooc tèo hồng” được người Tày, Nùng dâng các loại phji khi đón dâu qua những nơi như cầu, các ngã 3, cây cổ thụ, các đền, chùa và các miếu,… mang tính chất đánh đổi. Theo quan niệm thì những nơi linh thiêng này thường có rất nhiều các loại phji trú ngụ. Các loại phji ấy không chỉ là phúc thần (thần, phật, thổ công) mà còn có các loại hung thần, ma quỷ (phji slương),… Do vậy, nếu đoàn đưa dâu đi qua mà không xin phép, không có tiền mua đường (thường là tiền thật với mệnh giá thấp) và không có hai vật này để dâng tặng thì hồn vía của cô dâu, chú rể sẽ bị giữ lại và gia đình sẽ gặp nhiều bất lợi.

Như vậy ta có thể thấy rằng, “Co bjooc tèo hồng” không phải chỉ là vật mang tín niệm về sự cát tường trong cuộc sống, gửi gắm ước mơ về sự may mắn, thuận lợi mà còn mang nhiều biểu tượng về nhân sinh quan và văn hóa của người Tày Nùng, đó là một nét đẹp rất cần bảo lưu. Và ngày nay, hai vật đó vẫn được đồng bào Tày, Nùng trân trọng gìn giữ vì đó chính là ước mong, khát vọng hướng đến những điều tốt đẹp và chân - thiện - mỹ.

Nguyễn Văn Bách, Trịnh Thị Hiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy