Văn học Việt Nam và sự xác lập những giá trị văn hóa Việt mới
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ của nền văn hóa mới: “phải lấy sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc làm nội dung phản ánh, sự tự do và hạnh phúc của đồng bào làm mục tiêu hoạt động; phải tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của nền văn hóa xưa và nay để xây dựng một nền văn hóa có ba tính chất là dân tộc, khoa học và đại chúng''.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 (ngày 24/11/2021). Ảnh minh họa. Nguồn: vannghethainguyen.vn
Câu nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một chân lý vĩnh hằng. Chân lý đó đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng kể từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập. Qua mỗi kỳ Đại hội, các nghị quyết của Đảng về văn hóa, về con người lại làm sáng tỏ hơn, sâu sắc hơn, khoa học hơn và nhân văn hơn chân lý ấy.
Thế giới đã bước sang một chương mới vô cùng đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Con người đã sống trong một thế giới phẳng. Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã từng ngày xóa đi nhiều khoảng cách, ranh giới và hòa trộn rất nhiều sự khác biệt của các quốc gia vào một khối thống nhất. Điều đó tạo cho con người sự hiểu biết sâu sắc hơn, mối quan hệ rộng lớn hơn và sự công bằng hơn cho xã hội loài người. Nhưng nó lại chứa ẩn một nguy cơ mà con người bắt đầu cảm thấy lo sợ. Đó là nguy cơ biên giới của các nền văn hóa sẽ bị xóa nhòa. Khi một nền văn hóa bị xóa nhòa nghĩa là cái chết của một nền văn hóa đã xuất hiện.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, thế giới đã dự báo xu thế về một thế giới phẳng và cảnh báo về sự nguy hiểm đối với bản sắc văn hóa của các quốc gia. Mỗi một cá nhân con người và mỗi một dân tộc chỉ có ý nghĩa khi xác lập được căn cước văn hóa của mình. Căn cước văn hóa trong mỗi cá nhân con người và trong mỗi quốc gia là những yếu tố cơ bản hay có thể nói là sự sống còn để xác lập sự tồn tại độc lập của cá nhân và quốc gia đó để làm nên những vẻ đẹp cho nhân loại. Chính vậy mà đối với mọi quốc gia ở bất cứ hình thái xã hội nào, thể chế chính trị nào thì văn hóa phải là nền tảng hệ trọng nhất cho sự phát triển hay nói cách khác là cho ý nghĩa sống đích thực của cá nhân đó và quốc gia đó.
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên văn hóa là văn học ngay từ khi là văn học truyền miệng đến văn học chữ viết. Đặc biệt từ năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập thì giá trị văn hóa dân tộc đã trở thành một giá trị không thể đánh mất và sứ mệnh của trí thức và văn nghệ sỹ, đặc biệt là các nhà văn Việt Nam, càng trở nên rõ ràng, thực sự vẻ vang nhưng đầy thách thức.
Trong suốt lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, các nhà văn Việt Nam đã làm ra một lịch sử riêng biệt cho đời sống văn chương nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau năm 1975, người Mỹ đã tuyên bố: “Phát hiện lớn nhất của người Mỹ về Việt Nam qua cuộc chiến tranh là phát hiện về văn hóa”. Chính vì hiểu nền văn hóa của dân tộc Việt Nam mà người Mỹ đã đi tới thiết lập quan hệ ngoại giao và hợp tác với Việt Nam như ngày nay. Ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên với Việt Nam ở các cấp, các nhân vật quan trọng của Chính phủ Mỹ cho tới các Tổng thống Mỹ đã đến thăm Việt Nam đều dùng Truyện Kiều như một lời chào để mở những cánh cửa bước vào đất nước chúng ta.
Một trong những ví dụ vô cùng thuyết phục là trường hợp giáo sư, nhà thơ cựu binh Kevin Bowen, người đã tham chiến ở chiến trường Tây Ninh, ông tham gia phong trào phản chiến và đã bền bỉ nói với người Mỹ về đất nước Việt Nam bằng cách dịch và truyền bá những tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc của Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, của các vị vua anh minh trong lịch sử Việt Nam, của nhà cách mạng, nhà văn hóa vĩ đại Hồ Chí Minh, của các nhà văn, nhà thơ tham gia hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như Nam Cao, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn, Xuân Quỳnh, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Lê Văn Thảo, Thanh Thảo, Lê Minh Khuê…
Ngay sau khi từ chiến trường Việt Nam trở về, Kevin Bowen đã viết bài thơ nổi tiếng Chơi bóng rổ với Việt Cộng. Bài thơ này đã dựng lên chân dung những người lính Cụ Hồ, để từ đó dựng lên chân dung văn hóa Việt. Bài thơ có sức mạnh lạ thường đã thay đổi cách nhìn của rất nhiều người Mỹ về con người Việt Nam. Và nhà thơ Kevin Bowen đã bị tờ báo Boston Globe gọi là “bàn tay nối dài của Cộng sản Hà Nội”. Nhưng vào năm 2017, chính quyền Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ đã tôn vinh nhà thơ Kevin Bowen bằng cách có một “Ngày Kevin Bowen'' ở thành phố Boston. Một trong ba lý do để chính quyền Boston tôn vinh nhà thơ này được ghi rõ trong bản công trạng là: “Ông (Kevin Bowen) đã làm cho người Mỹ hiểu sâu sắc nền văn hóa của một kẻ thù cũ - Việt Nam”. Điều đó minh chứng cho tầm quan trọng hay chính xác là sự sống còn của một đất nước là văn hóa của dân tộc đó. Điều đó minh chứng một cách thuyết phục nhất sự đúng đắn của đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng ngay từ khi Đảng được thành lập và đặc biệt trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 cũng như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong thời đại mới.
Hiện nay, cũng như mọi quốc gia, Việt Nam đang sống trong một thế giới mà nhiều “biên giới” đã và đang bị xóa nhòa. Thế giới phẳng và đời sống dân chủ đã mở ra mọi cánh cửa, và mọi xu hướng chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa của thế giới có thể hiện diện ở mọi hình thức trong đời sống xã hội Việt Nam. Bởi thế, bản sắc văn hóa truyền thống phải trở nên rõ ràng nhất, sâu sắc nhất, khoa học nhất, nhân văn nhất và phù hợp với một tinh thần sống mới của đất nước thì mới trở thành năng lượng sống cho một dân tộc và trở thành thành trì bền vững nhất bảo vệ những giá trị Việt trước một xu thế hòa nhập không thể cưỡng lại được của thế giới. Chúng ta ai cũng hiểu rằng: khi một quốc gia đánh mất bản sắc văn hóa của mình, quốc gia đó sẽ bị các lối sống và tư tưởng khác xâm lược. Nhưng chúng ta phải thấu hiểu rằng: Truyền thống không phải là sự bất động mà luôn chuyển động để cộng vào những vẻ đẹp mới trong đời sống và làm cho nó trở nên phong phú và mở rộng chiều kích trí tuệ và tâm hồn Việt Nam.
Chưa bao giờ, người dân Việt Nam lại được sống trong một đời sống nhiều của cải vật chất như bây giờ. Trang phục, nhà cửa, giao thông, phương tiện, trường học, công sở… đã hoàn toàn khác và rất hiện đại và dần dần mang tính đồng nhất với thế giới. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn con người Việt Nam vẫn và phải chứa đựng những vẻ đẹp văn hóa truyền thống như sự chia sẻ, cảm thông, tôn trọng cá nhân, vị tha, dâng hiến và đầy khát vọng. Và văn học Việt Nam chính là một trong những người gieo những hạt giống tốt lành đó vào mỗi con người Việt Nam một cách bền bỉ hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Những người nông dân làng tôi từ hàng trăm năm trước đã viết lên tường ngôi đình cổ kính của mình dòng chữ: “Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường”. Phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng sống nhưng nếu không có văn hóa thì chất lượng sống ấy sẽ đẩy con người vào trong một nhà tù mang tên “hưởng thụ vật chất”. Còn chữ ở đây là văn hóa. Không có văn hóa, nhân loại không biết đường để đi tới những giá trị nhân văn cao cả nhất. Nói một cách hình tượng thì “không có văn hóa nhân loại sẽ trở thành một kẻ mù lòa”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam |
Sự đổi mới và chính sách dân chủ của Đảng đã mang lại cơ hội lớn cho con người Việt Nam trong đó có các nhà văn chân chính và một nền văn học chân chính. Nhưng dân chủ cũng đặt trước mặt các nhà văn Việt Nam những thách thức vô cùng ghê gớm. Tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X, đồng chí Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư đã nêu rõ: “Kẻ thù lớn nhất của dân tộc trong chiến tranh là những kẻ xâm lược được xác định rõ ràng, nhưng kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong hòa bình là kẻ thù không dễ nhận diện. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác. Nó chính là sự thoái hóa, biến chất về đạo đức trong mỗi con người. Nó ẩn náu trong đời sống thường nhật, nó có thể mang gương mặt lương thiện và đầy phép biến hình rất khó nhận biết như cách nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín”. Chính thế mà sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam lúc này lại càng lớn lao và càng phức tạp. Nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, của sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh này”.
Các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm là những cuộc chiến đấu với kẻ thù bên ngoài con người chúng ta. Nhưng cuộc đấu tranh chống lại cái ác và thói đạo đức giả, lợi dụng tên gọi “người cách mạng” là cuộc đấu tranh với chính cá nhân mình. Đây là cuộc đấu tranh khó khăn nhất và cuộc đấu tranh ấy kéo dài cho hết cả cuộc đời của mỗi con người ở bất cứ vị trí hay công việc gì. Cuộc đấu tranh ấy cần sự thấu hiểu, sự dũng cảm và tỉnh táo. Những sáng tác văn học từ ngày đổi mới tới nay đã và đang thực thi sứ mệnh của mình để lí giải, để gọi tên sự vật sự việc đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã minh chứng câu nói “đừng thấy đỏ mà tưởng đã chín”. Và nhà văn, bằng cách nhìn trực diện, sâu sắc và quả cảm phải nhận ra sự nhân danh cái đẹp, nhân danh lòng yêu nước và nhân danh người Cộng sản để trục lợi và nguy hiểm hơn là trở thành vật cản “vô hình dung” đối với sự phát triển của đất nước. Chúng ta phải thừa nhận rằng: chính sách đổi mới cũng như các Nghị quyết về văn hóa của Đảng đã tạo nền tảng tư tưởng, tạo cơ hội và điều kiện cho văn học Việt Nam đạt được những thành tựu không nhỏ. Các nhà văn đã phản ảnh hiện thực một cách phong phú và đa dạng với trách nhiệm cao nhất của mình cũng như dự báo về một đời sống đạo đức của con người Việt Nam trong sự hòa nhập với thế giới bên ngoài.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng văn hóa và con người mới đã đặt ra cho dân tộc trong đó có nhà văn sứ mệnh vô cùng to lớn mang tính sống còn cho tương lai đất nước. Một hiện thực mà chúng ta phải đối mặt là có không ít một bộ phận thanh thiếu niên đang sống một cách ích kỷ, vô cảm, thiếu lý tưởng và hoang mang đi tìm ý nghĩa sống. Với lý do đó, Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu đã thành lập Giải thưởng Tác giả trẻ dành cho các cây bút trẻ để từ đó nhận diện những gì đang diễn ra trong tâm hồn và tư tưởng của thế hệ trẻ Việt Nam, để hướng các nhà văn trẻ tới trách nhiệm của ngòi bút đối với con người và dân tộc. Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X dự kiến tiến hành vào cuối năm 2021 với khẩu hiệu của Hội nghị “Vì sao chúng ta viết”. Đấy là một câu hỏi quan trọng đặt ra cho những nhà văn trẻ khi cầm bút. Những người viết trẻ phải thấu hiểu rằng: một nhà văn chân chính phải viết vì những vẻ đẹp đời sống và văn hóa, phải viết vì lợi ích dân tộc, phải viết vì lương tâm của con người trước cái ác. Nếu không trả lời được câu hỏi đó thì nhà văn sẽ không mang lại điều gì cho con người và đất nước trong những trang viết của mình.
Cũng là lần đầu tiên, Hội Nhà văn Việt Nam lập ra Giải thưởng Văn học thiếu nhi và chuẩn bị phát động cuộc vận động viết về đề tài thiếu nhi. Các nhà văn phải viết những tác phẩm trong sáng nhất, đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhất và nhân văn nhất cho trẻ em. Hội Nhà văn có chiến lược hàng năm sẽ xuất bản những tác phẩm văn học thiếu nhi chất lượng từ cuộc vận động để mang sách tới cho các trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Thêm một đồng cho văn hóa thì bớt 100 đồng xây nhà tù”. Nếu chúng ta không chuẩn bị một cách kỹ lưỡng nhất, trách nhiệm nhất và với tình yêu thương nhất cho sự phát triển tâm hồn trẻ em lúc này, chúng ta sẽ phải đau đớn trong tương lai bởi các công dân của mình mà lúc này là những đứa trẻ. Chân dung của các công dân tương lai của dân tộc sẽ như thế nào? Đó là câu hỏi lớn và vô cùng quan trọng lúc này đối với những nhà văn chân chính. Vì lẽ đó, Hội Nhà văn Việt Nam đã đặt văn học thiếu nhi, văn học trẻ là một chiến lược lớn theo lời phát biểu chị đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng Thường trực Ban Bí thư tại Đại hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X: “Một trong những nhiệm vụ lớn của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ mới là phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là Con Người Việt Nam”.
Hòa hợp dân tộc chính là một trong những vẻ đẹp đặc biệt trong lịch sử và văn hóa của người Việt Nam. Ông cha ta đã nói: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Đấy chính là minh triết Việt và cũng là một trong những yếu tố cốt lõi của văn hóa Việt. Chiến tranh đã kết thúc gần một nửa thế kỷ. Nhiều người Việt Nam đã rời bỏ đất nước ra đi giờ đã và đang trở về. Nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng vẫn còn những khoảng cách nhất định giữa người Việt trong nước và người Việt ngoài nước mà đặc biệt là những nhà văn đang sống ở nước ngoài. Được sự chỉ đạo của Đảng, Hội Nhà văn đã tổ chức Hội nghị văn học và sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc mấy năm trước. Và bây giờ, nhiệm vụ của Hội Nhà văn phải thực thi sứ mệnh quan trọng nhưng vô cùng khó khăn này một cách cụ thể.
Chủ trương của Hội Nhà văn từng bước giới thiệu các tác phẩm viết bằng tiếng Việt về những vẻ đẹp trong văn hóa và đời sống của người Việt, về những khát vọng đẹp đẽ của người Việt của các nhà văn miền Nam trước năm 1975, của các nhà văn đang sinh sống ở nước ngoài và của cả những nhà văn từng có những bất đồng chính kiến. Trên các ấn phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam như Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà Văn & Cuộc Sống (trước kia là tạp chí Nhà Văn & Tác Phẩm), Tạp chí Thơ, Tạp chí Hồn Việt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, trang web: vanvn.vn trong nhiều năm trở lại đây đã thường xuyên giới thiệu tác phẩm của những nhà văn ở các tỉnh thành miền Nam trước 1975, các nhà văn đang sinh sống ở nước ngoài. Mấy năm trở lại đây, nhiều hơn những nhà văn Việt Nam ở nước ngoài và các nhà văn từng có những bất đồng chính kiến đã tự nguyện gửi tác phẩm của mình tới hệ thống báo chí và xuất bản của Hội Nhà văn với mong muốn được xuất hiện. Điều này minh chứng về sự phát triển và đổi thay của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã và đang tạo ra những ảnh hưởng vô cùng quan trọng.
Hội Nhà văn Việt Nam quan niệm: hận thù chỉ sinh ra hận thù, đối thoại chân thành vì lợi ích chung mới sinh ra sự hiểu biết và yêu thương. Lịch sử đã minh chứng một cách kỳ diệu là dân tộc Việt Nam đã biến những “kẻ thù không đội trời chung” thành những người bạn sống chung trong hòa bình và vì lợi ích của dân tộc tộc mình và vì một thế giới tốt đẹp hơn. Sứ mệnh của các nhà văn chân chính Việt Nam là bằng tác phẩm của mình đã và đang hóa giải thù hận thành sự chia sẻ, hiểu biết và yêu thương giữa con người với con người. Đấy là tầm vóc lớn lao của một nền văn học. Đấy là tinh thần cốt lõi của văn hóa truyền thống Việt Nam. Không có bất cứ một nền văn hóa nào trên thế gian này lại cho phép hận thù và chia rẽ bước vào vương quốc cái đẹp của mình. Chỉ khi văn học thấu hiểu được điều đó thì những trang viết mới có thể mang lại cho con người những cảm xúc tốt đẹp và những ý nghĩa sâu sắc. Một nền văn học chân chính không bao giờ có chủ trương nhấn chìm những cái khác mình vào bóng tối mà là tìm cách hóa giải và biến cải.
Để chống lại cái Ác thì cái Thiện phải trở nên mạnh mẽ, có tính thuyết phục và có sức lan tỏa lớn. Nếu nền văn học chúng ta không tràn ngập tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ, lòng vị tha và gieo trồng những giấc mơ đẹp đẽ và lớn lao thì nền văn học ấy trở nên vô nghĩa và thất bại. Một nền văn học như vậy sẽ không mở rộng được tâm hồn con người và đánh thức được lương tri con người. Một hiện thực trong đời sống đương đại được thể hiện trong thế giới mạng đang thách thức và cảnh báo các nhà văn. Đó là sự ích kỷ, hạ nhục con người, ngôn ngữ ngập tràn thái độ thù hận, bóp méo sự thật, vô cảm, độc ác… Chính lúc này, tiếng nói nhà văn Việt Nam mà quan trọng nhất là tác phẩm phải trở thành tiếng nói chính thống, bền bỉ và có tính phổ quát với những giá trị nhân văn cao cả. Nếu không thì nền văn học của chúng ta cũng chỉ là “một cực đoan mang màu sắc khác” mà thôi.
Càng ngày hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên thế giới lại càng có ảnh hưởng lớn. Một trong sự đóng góp vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới là văn học. Các nhà văn trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước đã hoàn thành sứ mệnh xuất sắc của một nhà văn. Tác phẩm của các nhà văn viết về hai cuộc kháng chiến vĩ đại ấy đã thay đổi cách nhìn của thế giới về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam một cách ngoạn mục. Phát huy thành tựu này, các nhà văn Việt Nam đương đại tiếp tục có những sáng tạo hiện đại đậm bản sắc dân tộc và đa dạng. Hội Nhà văn nhận thấy, việc quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới là một công việc không thể chậm trễ hơn. Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành bốn Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới trong những nhiệm kỳ qua. Và bây giờ, công việc của Hội Nhà văn Việt Nam là hiện thực hóa chiến lược quảng bá bằng việc chọn lựa, dịch thuật, in ấn và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới trong những năm tới một cách khoa học nhất. Trong nhiều năm trở lại đây, một số tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và phát hành trên thế giới bằng cách làm của một số cá nhân là dịch giả nước ngoài hoặc một số nhà văn trong nước. Đấy là một cách làm có một số hiệu quả nhưng cũng tạo ra một cách nhìn không đầy đủ, thiếu hụt, thậm chí méo mó về một nền văn học. Cái nhìn không đầy đủ và méo mó về một nền văn học là tạo ra cái nhìn không đầy đủ và méo mó về đời sống chính trị, văn hóa, xã hội… Việt Nam. Thực tế đã cho thấy có những tác phẩm được dịch và truyền bá trên thế giới trong thời gian qua nhằm bôi nhọ đời sống chính trị Việt Nam. Vì vậy, chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.
Một số vấn đề cơ bản mà tôi trình bày ở trên chứa đựng những vấn đề của đời sống xã hội Việt Nam đương đại và những vấn đề của văn học Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác lập bản chất và đường đi của một nền văn hóa mới. Việc vô cùng quan trọng lúc này là các tầng lớp trí thức, văn nghệ sỹ phải có khả năng hiện thực hóa Nghị quyết để tất cả ý nghĩa và tư tưởng của Nghị quyết trở thành hơi thở đời sống trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn đất nước. Hội Nhà văn khóa X đã và đang thực thi sứ mệnh của mình với một niềm tin sâu sắc, một lộ trình rành mạch và một ý chí mạnh mẽ cho dù không ít khó khăn và thách thức trên con đường của mình.
Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 2021
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...