Văn bia tỉnh Thái Nguyên – nguồn tư liệu quý
VNTN - Văn bia Hán Nôm phân bố rải rác chủ yếu ở các di tích trên địa bàn tỉnh. Đây là loại văn tự có niên đại rõ ràng, chứa đựng những thông tin nhiều mặt về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Sưu tầm, tư liệu hóa hệ thống văn bia Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích của tỉnh”, trong 2 năm 2017 - 2019 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Thái Nguyên triển khai, thực hiện, đến nay đã hoàn thành, thu được kết quả đáng mừng.
Trong số 227 văn bia mới sưu tầm, in dập được, điều đáng quan tâm là văn bia Hán Nôm ở tỉnh Thái Nguyên có niên hiệu sớm, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Nội dung văn bia phản ánh nhiều mặt: ghi công đức của nhân vật lịch sử, văn hóa, việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích, việc mua bán Hậu Phật, Hậu thần, gửi giỗ, ca ngợi cảnh đẹp danh lam thắng cảnh, bia mộ… Hình thức văn bia rất đa dạng, đặc biệt ở huyện Phú Bình với đặc trưng của làng quê là “ngôi chùa cột đá”. Tại đây, trên các cột đá đều có văn khắc, niên đại xây dựng và họ tên người công đức; 24 cây hương đá có ở các di tích thuộc 5 huyện, thành phố, thị xã là nguồn di sản văn tự Hán Nôm có giá trị để tìm hiểu về lịch sử của di tích. Theo thời gian, di sản văn hóa quý giá này đang đứng trước nguy cơ mất mát, mai một cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Dựa vào kết quả sưu tầm được qua văn bia tỉnh Thái Nguyên, có thể chia văn bia ra làm hai thể loại chính đó là: bia ghi công đức, kỷ niệm; bia đình, đền, chùa... Bia ghi công đức, kỷ niệm, dùng để thuật ghi công lao sự nghiệp của một người nào đó. Loại bia này có thể hiểu là nhóm bia hành thuật ca tụng công đức của chủ nhân lúc đương thời. Một số văn bia thuộc loại này là: Cảm Ứng tự bi (Chùa Hà Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình), Kính như tại, Đức giả xương (Đình An Châu, xã Nga My, Phú Bình), Chúc Thánh cung vạn tuế thọ (Chùa Đồng Quan, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình), Thạch đài kính thiên (Chùa Cơ Phi, xã Vạn Phái, thị xã Phổ Yên), văn bia ở thành phố Thái Nguyên…
Đình, đền, chùa, thời xưa khi khởi công xây dựng việc lớn thường đục đá khắc bia. Đối với thể loại bia này, ngoài việc kiến dựng, sửa sang những miếu vũ, chùa quán thì theo đó mà lập bia. Ở Thái Nguyên loại bia này chiếm số lượng tương đối nhiều. Nội dung chủ yếu ghi chép công việc khởi lập sửa chữa đền, miếu, đình, chùa, văn bia xưng tụng công đức, ghi chép về miếu vũ thần linh, ca ngợi cảnh đẹp núi sông, thắng cảnh đồng thời ca tụng biểu dương chính tích đức nghiệp của một số người, nên trong đó thường có nét tài hoa văn chương. Những văn bia tiêu biểu loại này là: Kỵ hậu bi ký (Chùa Hà Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình), Lập hậu Phật thần vị (Chùa Nga My, xã Nga My, huyện Phú Bình), Hậu thần bi ký (Đền Đan Hà, xã Thành Công, thị xã Phổ Yên)…
Ngoài hai loại trên, ở xóm Bảo Nang, xã Tân Lợi huyện Đồng Hỷ còn phát hiện được một tấm bia mộ khắc trên bia dẹt hình bài vị của vị quan nhỏ ở địa phương thế kỷ XIX. Và duy nhất có một văn bia thuộc loại ma nhai khắc trên vách đá trong hang động di tích danh lam thắng cảnh Chùa Hang, trước đây thuộc thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, nay thuộc phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên. Đây là văn bia mang tên Du Tiên Lữ động tác của danh sĩ Đặng Nghiệm với niên đại Hồng Đức Đinh Tỵ niên (1497). Bia được khắc chữ to trên mặt đá sần sùi, chữ đọc rõ ràng, kích thước 60x60cm, không có diềm bia. Bia không trang trí hoa văn, không có chữ húy. Tính đến thời điểm hiện tại đây là tấm bia sớm nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo Trần Nghĩa, Francois Gros, 1993, Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội; Bia Tiên Lữ động lưu đề được chép trong Chùa Hang bi, kí hiệu A.1019; Viện Nghiên cứu Hán Nôm (EFEO) kí hiệu 48017, Sở VHTTDL Thái Nguyên kí hiệu 191/ĐTKH18/2017.
Thái Nguyên còn nhiều văn bia ở các đình, chùa làng thuộc huyện Phú Bình, Phổ Yên, Đồng Hỷ thời Lê Trung Hưng. Hình thức văn bia đa phần là hình dẹt, trán bia hình bán nguyệt trên chạm lưỡng long chầu mặt trời, trang trí tỷ mỷ cầu kỳ. Niên đại sớm có bia chùa Hà Châu (Phú Bình) lập năm 1672, bia chùa Đôi Cao (Tân Hương, Phổ Yên) lập năm 1698, nghè, chùa Hương Sơn (TP. Thái Nguyên) lập năm 1705. Vào thời này xuất hiện khá đầy đủ văn bia có niên hiệu thời Lê Trung Hưng như bia Chùa Nga My niên hiệu Chính Hòa 18 (1698), bia chùa Ha niên hiệu Vĩnh Thịnh 12 (1716), chùa Úc Kỳ niên hiệu Bảo Thái 7 (1728), bia chùa Vẽ niên hiệu Vĩnh Khánh nguyên niên (1732), Đình Hộ Lệnh niên hiệu Vĩnh Hựu 2 (1736), đình Kha Sơn Hạ niên hiệu Cảnh Hưng 26 (1767)... Do vậy khi sưu tầm nghiên cứu về niên đại văn bia tỉnh Thái Nguyên có thể khẳng định hầu hết các di tích thuộc loại hình Phật giáo như chùa chiền, am đến các ngôi đình lớn thờ Thành hoàng làng đều có niên đại về thời nhà Hậu Lê và thời nhà Nguyễn. Trong số các di tích có văn bia nổi bật một đặt trưng đó là cột đá, cây hương đá. Cột đá thường được người xưa chuyển từ vùng đá Hải Dương, nơi có nhiều thợ đá giỏi chuyên nghề tạo tác đá như ở huyện Kính Chủ, phủ Kinh Môn được mời tạo đá dựng chùa, chùa cột đá là đặc trưng của nhiều ngôi chùa ở huyện Phú Bình.
Cây hương cũng là một loại hình văn bia ở tỉnh Thái Nguyên; trong tỉnh còn 24 cây hương ở chùa, đền, am được lập vào thời Lê Trung Hưng, các đời Chính Hòa (1680 - 1704), Vĩnh Thịnh (1705 - 1719), Bảo Thái (1720 - 1729), Vĩnh Khánh (1729 - 1732), Vĩnh Hựu (1732 - 1740). Cây hương được tạo tác phong phú về hình thức như hình bát giác ở chùa Túc Duyên (Úc Kỳ, Phú Bình), hình lục giác chùa Úc Sơn (Hương Sơn, Phú Bình), hình tứ giác là hình thức phổ biến nhất ở các chùa làng.
Văn bia thời nhà Hậu Lê chiếm tới 30% tổng số văn bia tỉnh Thái Nguyên. Tiêu biểu như: Văn bia chùa Hà Châu (chùa Cả), xã Hà Châu, huyện Phú Bình. Thác bản 2 mặt, kích thước 58 x 87cm, trán bia mặt một hình lưỡng long chầu nhật, diềm bia 2 mặt hình dây leo tay mướp, đế bia hình 2 con thú đuổi nhau rất sinh động. Niên đại: Dương Đức thứ 1 (1672). Người soạn văn bia Giám sinh Nguyễn Phi Hiển người xã Hà Nhuyễn, tổng Hà Nhuyễn, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc (nay là xã Hà Châu). Đây là văn bia có văn phong hay, nội dung ca ngợi cảnh đẹp và người làm việc thiện, công đức xây dựng di tích. Những người hưng công chính thuộc xã Hà Nhuyễn, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, sau là thập phương Hội chủ công đức.
Bia khắc Thần phả danh nhân lịch sử Dương Tự Minh thời nhà Lý (thế kỷ XII). Văn bia gồm 2 mặt, khổ 45x86cm, không có hoa văn. Niên đại: Cảnh Hưng thứ 45 (1784). Người soạn, viết: Tiến sĩ Lê Duy Đản người huyện Yên Phong, xứ Kinh Bắc (soạn văn), Hiệu sinh Lê Hoàng Chung dựng bia. Văn bia ghi về sự tích vị Phúc thần xã Quang Vinh. Ông Lê Duy Đản (1743 - 1813) hiệu Đẩu Phong cư sĩ, Thời Lê, ông đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775), ông làm quan trải các chức như Hàn lâm viện Hiệu thảo, Hiệu lý, Thừa chỉ, quyền giám sát ngự sử đạo Nghệ An, Đốc đồng, Hiến sát Hải Dương... Khi quân Tây Sơn đánh ra Bắc, ông được cử đi sứ Trung Quốc cùng Trần Danh Án để cầu viện, là người trong đoàn đưa vua Lê Chiêu Thống và “Quốc mẫu” chạy sang nhà Thanh. Đến thời Tây Sơn, ông không hợp tác mà về ở ẩn tại quê nhà. Đời Gia Long, ông ra làm quan đến chức Hiệp trấn Lạng Sơn, thăng Hình bộ Tả Thị lang... Ông là tác giả của nhiều bài thơ và văn bia.
Các văn bia thời nhà Nguyễn xuất hiện ở di tích khá đều đặn với đầy đủ các niên vua nhà Nguyễn, ví dụ như ở huyện Phú Bình có cả một hệ thống đình, chùa có văn bia Hậu thần bi ký, Hậu Phật bi ký có niên hiệu suốt chiều dài thời nhà Nguyễn như: đình Nông Cúng, chùa Lũ Yên, xã Đào Xá là những di tích có nhiều văn bia như bia Hậu Thần bi ký niên hiệu Gia Long 14 (1815), Lũ Yên xã vạn cổ lưu phương, niên hiệu Minh Mệnh 12 (1831), bia Hậu Thần bi ký đình Cô Dạ (Bảo Lý) niên hiệu Thiệu Trị 5 (1846),... Văn bia thời nhà Nguyễn chiếm đến trên 70% tổng số văn bia tỉnh Thái Nguyên.
Một văn bia mang tên Phối hưởng bi, thuộc thị xã Phổ Yên được tìm thấy tại Trường THCS xã Nam Tiến, thị xã Phổ Yên (hiện bia đã được chuyển về Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên). Bia có khắc chữ một mặt, khổ 60 x 35cm, có 9 dòng chữ Hán, ước khoảng 60 chữ (mất trên 20 chữ), có hoa văn, niên đại Thành Thái thứ 3 (1891). Viện Nghiên cứu Hán Nôm chưa sưu tầm, Sở VHTTDL Thái Nguyên có thác bản kí hiệu 179/ĐTKH18/2017. Văn bia không khắc họ tên người soạn, viết. Nội dung văn bia ghi việc phối thờ Hoàng tiên sinh, tự Phúc Thuần (Các văn bia dẫn chứng trong bài của nhóm tác giả Đề tài: “Sưu tầm, tư liệu hóa hệ thống văn bia Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích của tỉnh” là do các chuyên gia ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm phiên dịch (Tiến sĩ Nguyễn Kim Măng làm đại diện) đều thuộc sản phẩm của Đề tài do Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên thực hiện trong 2 năm 2017 - 2019).
Đây là lần đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên tiến hành sưu tầm văn bia Hán Nôm trên diện rộng và Viện Nghiên cứu Hán Nôm đánh giá cao công trình khoa học này và đã đã tiến hành chọn lọc kỹ lưỡng, dịch thuật một cách công phu 107 thác bản văn bia với 1000 trang, vì vậy năm 2020 đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh xem xét đề xuất cho phép thực hiện biên tập để xuất bản thành sách “Văn bia xứ Thái” phục vụ công tác nghiên cứu và tuyên truyền để phát huy giá trị hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh.
Văn bia tỉnh Thái Nguyên là khối tư liệu lớn, là một tài sản quý giá phong phú về nội dung và hình thức, có giá trị lịch sử, văn hóa đã bổ sung cho kho tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Đó cũng là nguồn tư liệu rất quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học về địa lý, lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán nhất là nó đã góp phần phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...