Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
00:36 (GMT +7)

Tướng quân Phạm Cuống – vinh hiển và tri ân (Kỳ 2)

Tướng quân Phạm Cuống – vinh hiển và sự tri ân

Kỳ 2: Làm gì để tri ân?

Miếu thờ tướng quân Phạm Cuống ở Thái Nguyên quá sơ sài, chưa tương xứng với những công lao đóng góp của ông cho đất nước
Miếu thờ tướng quân Phạm Cuống ở Thái Nguyên quá sơ sài, chưa tương xứng với những công lao đóng góp của ông cho đất nước

Clip: Phát biểu của ông Phạm Ngọc Đường, xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ

 Dòng họ Phạm Cuống ở Yên Lãng

Theo Gia phả và bút tích để lại, cụ Phạm Cuống sinh ngày 6 tháng 8 năm Đinh Mùi niên hiệu Đại Tự thứ 10 (1367), mất ngày 11 tháng 9 năm Diên Ninh thứ nhất (1454).

Phạm Cuống được sinh ra tại xã Văn Lãng, huyện Văn Lãng, phủ Thái Nguyên, nay là xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Vợ cụ Phạm Cuống là bà Lưu Thị Ngọc Ngoan, được vua ban Công chúa, gọi là Công chúa Ngọc Ngoan.

Sau khi thắng giặc, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) tướng quân Phạm Cuống được giữ chức Đồng tổng quản trông coi các việc quân trấn Tuyên Quang, vệ Quy Hóa. Khi đó, ông có về quê (Yên Lãng, Đại Từ) lấy vợ hai, sinh ra những người con nhưng ít được sử sách ghi chép.

Tài liệu Lý lịch Di tích lịch sử đền thờ Phạm Cuống - Phạm Vấn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trong phần lược dịch gia phả họ Phạm có đoạn ghi về hai người vợ của Phạm Cuống, như sau: “Chính phối họ Nguyễn húy Ngoan từ người huyện Từ Liêm xã Thuận Thượng, bà mất 6/6 triều Lê tặng chính Quận phu nhân thụy Chiêu Hoa, mộ ở bản quán. Vợ thứ họ Nguyễn tên huý Ngọc Duyên ở xứ An Lãng, huyện An Lãng mất ngày 12/10 triều Lê tên thuỵ Tuỳ Minh phu nhân, mộ hương Lam Sơn”. Người vợ cả “họ Nguyễn húy Ngoan” đó chính là Lưu Thị Ngọc Ngoan, nhưng có lẽ sử sách ghi chép nhầm với họ Nguyễn của người vợ hai. Theo suy luận, người vợ hai (Ngọc Duyên) mà Phạm Cuống lấy ở quê chính là người đã sinh ra hậu duệ Phạm Cuống ở Yên Lãng hiện nay.

Ghi chép của dòng họ Phạm ở Yên Lãng cho biết: khi về quê hương lấy vợ hai, Phạm Cuống sinh ra Phạm Quý Hoa (sau đổi thành Ma Quý Hoa). Cụ Ma Quý Hoa có vợ là cụ Lương Thị Bài, sinh ra được 3 người con trai: Cụ Ma Trọng (ở xã Yên Thượng, Trung Yên, Sơn Dương, Tuyên Quang); cụ Phạm Tấn (ở xã Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên); cụ Phạm Thứ (ở Đồng Luộc, Sơn Dương, Tuyên Quang).

Cụ Phạm Tấn (ở xã Yên Lãng) có vợ (không rõ tên tuổi) và sinh được 3 người con trai, 2 người con gái, gồm: Phạm Bảo (sinh con một bề - không có con nối dõi); Phạm Thị Cún; Phạm Thị Ba; Phạm Y (cành không phát triển) và Phạm Đình Đăng.

Cụ Phạm Đình Đăng lấy vợ là bà Phạm Thị Út, sinh ra cụ Phạm Văn Bỉnh, lấy vợ là cụ Đồng Thị Thuộc. Phạm Văn Bỉnh sinh được 12 người con, 5 trai và 7 gái.

Trong 5 người con trai thì có 4 người cành không phát triển. Riêng cụ Phạm Văn Lũng sinh ra được 3 người con trai: Phạm Văn Viết; Phạm Văn Hợi và Phạm Văn Tình. Về sau thì chưa ai viết tiếp gia phả.

Sau khi cụ Phạm Cuống chết, cụ Phạm Đình Đăng là chắt nội của cụ Phạm Cuống và dân làng cho lập miếu thờ Đức Thành Hoàng Phạm Cuống theo sắc Phong vua ban tại cây đa thuộc xóm Đồng Dùm ngày nay. Dòng họ Phạm từ đó đã thờ cúng ở miếu thờ và Lễ miếu vào ngày mùng 3 tháng Giêng và 11 tháng 9 (âm lịch) hàng năm. Khi ấy, miếu có bia đá ghi “Miếu thờ thành hoàng Phạm Cuống – Lê Cuống”. Đến năm 1968, Xã đội cho phá bỏ miếu và xây dựng trên đó ngôi nhà năm gian làm Nhà Truyền thống của xã. Đến năm 1985, nhà nước xây dựng đường sắt đi ngang gần đó lại bị san gạt một phần đất và bị nhà dân lấn chiếm. Sau một thời gian dòng họ không có nơi thờ cúng, đến năm 2001, dòng họ Phạm lại lập lại miếu ra bên cạnh nền miếu cũ và duy trì thờ cúng đến ngày nay.

Công lao của 3 vị tướng lĩnh người Thái Nguyên thời Lê sơ theo Lê Lợi Khởi nghĩa Lam Sơn là Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống đã được sử sách ghi rõ. Đối với dòng họ Lưu, đã có Đền thờ Lưu Nhân Chú ở Khu di tích Núi Văn - Núi Võ thuộc xã Văn Yên, huyện Đại Từ (Di tích lịch sử Quốc gia) nhằm giáo dục truyền thống và tri ân công đức của tướng quânLưu Nhân Chú và cha là tướng quân Lưu Trung.

Nhưng đối với tướng quân Phạm Cuống, mặc dù dòng họ Phạm ở xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng quê hương ông có miếu thờ ông từ lâu đời, song qua biến đổi của xã hội, của thời gian nên đã bị hủy hoại.

Nhóm tác giả gặp lại đại diện dòng họ Phạm Cuống tại xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, ngày 15/8/2023.
Nhóm tác giả cùng đại diện lãnh đạo Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Đại Từ gặp gỡ đại diện dòng họ Phạm Cuống tại xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, ngày 15/8/2023.

Cho dù dòng họ Phạm Cuống ở đây đã xây lại miếu và duy trì thờ cúng đến nay, song cũng chỉ vỏn vẹn chừng 10 mét vuông và ít ai biết đến. Bởi thế, việc công nhận nơi thờ tướng quân Phạm Cuống ở Yên Lãng là di tích lịch sử để có sự đầu tư tôn tạo trong tương lai là việc cần làm.

Nhớ về Hang Nung

Những người có tuổi ở vùng Yên Lãng (Đại Từ) vẫn nhớ câu truyền tụng: “Đại Từ hang Sảng, Yên Lãng hang Nung”. Điều ấy cho thấy, hang Sảng, hang Nung vốn nổi tiếng ở vùng đất này. Đặc biệt, trong dẫn gian vẫn lưu truyền rằng: hang Nung là nơi Phạm Cuống cất giấu lương thực để mang vào Lam Sơn tiếp ứng cho cuộc Khởi nghĩa.

Sách “Từ điển Thái Nguyên” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên chủ trì biên soạn, Nxb. Văn học xuất bản năm 2016, mục từ “Hang Nung” cho biết: đây là tên gọi của núi, còn có tên khác là núi Thạch Động. Núi Hang Nung gồm nhóm 3 ngọn núi đá vôi trong dãy núi thuộc vành đai phía tây bắc huyện Đại Từ, phía bắc xã Yên Lãng và là ranh giới tự nhiên giữa 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang và Thái Nguyên.

Trang 368 ghi: “Từ xa xưa, 3 ngọn núi gắn với nhiều truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian từ đời này qua đời khác. Tương truyền, hang Nung là địa điểm tích trữ lương thực của nghĩa quân Lưu Nhân Chú, do Phạm Cuống (em rể Lưu Nhân Chú) cai quản.

Ngọn thứ nhất nổi tiếng vì “Kim ngân táng tại hang Nung tam thiên đảm” (Vàng bạc chôn tại hang Nung ba ngàn gánh). Ngọn thứ 2 có hình chiếc bút được gọi là Bút Thần - Thạch Động - Yên Nung; có hang rộng với nhiều nhũ đá như rèm thưa, nhiều hình rồng cuộn trước cửa hang, chuông đá âm thanh ngân nga, gió tự nhiên mát rượi, vạc nước tự nhiên trong vắt. Ghi nhớ công lao của danh nhân, nhân dân địa phương lập bàn thờ ngay tại trong lòng hang. Ngọn thứ 3 cũng có hang rộng nhưng cửa vào lại hẹp”.

Mặt phía sau (phía tây) của núi Thạch Động ngày nay, nơi có hang Nung. Ảnh: Âu Ngọc Ninh.
Mặt phía sau (phía tây) của núi Thạch Động ngày nay, nơi có hang Nung. Ảnh: Âu Ngọc Ninh.

Nếu thực tế hang Nung vẫn còn nguyên trạng như sách viết thì quả là điều tuyệt vời, vì vị trí núi Hang Nung chỉ cách miếu thờ Phạm Cuống ở xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng khoảng 3km (đứng ở Đồng Dùm nhìn thấy rõ), như vậy có thể kết nối với nơi thờ tướng quân Phạm Cuống để nâng cao giá trị văn hóa của di tích và phát triển du lịch trong tương lai.

Tuy nhiên, khi leo lên ngọn Bút Thần, chúng tôi không tìm thấy cửa hang đâu nữa mà chỉ thấy đất đá ngổn ngang, um tùm cỏ mọc. Ông Phạm Văn Thìn ở xóm Đồng Dùm cho biết: Hang Nung rộng nhưng cũng khó vào bên trong; cái hang ở ngọn núi phía sau thì hẹp hơn và khó leo nên hầu như không có ai vào. Hồi còn thanh niên, nghe nói trong hang có vàng nên không ít người đã chui vào tìm. “Tôi cũng đã chui vào hang cùng mấy người nữa. Không thấy vàng mà có thấy một chiếc chậu đồng han gỉ, gõ vào thì nó mủn ra” – ông Thìn cho biết.

Khoảng những năm 1980, ở khu này có thành lập Hợp tác xã làm vôi, nhiều nhà dân xung quanh cũng xây lò nung vôi, tạo thành một vùng sản xuất vôi bán đi các nơi để xây nhà. Họ đánh mìn và lấy đá vôi từ trên núi làm lấp mất cửa hang.

Cửa hang Nung đã bị vùi lấp. Ảnh: Nguyễn Văn Vượng
Cửa hang Nung đã bị vùi lấp. Ảnh: Nguyễn Văn Vượng

Những người dân ở đây cho hay: Cửa hang bị lấp, nhưng hang vẫn còn nguyên. Nếu có sự đầu tư của nhà nước, dùng máy móc để dọn lớp đá bên ngoài thì vẫn có thể tìm thấy cửa vào hang Nung. Tuy nhiên, nếu nơi thờ Phạm Cuống chưa được công nhận là di tích lịch sử, thì Hang Nung (di tích có liên quan) khó mà được quan tâm, đầu tư khai quật để bảo tồn, phát huy giá trị của nó.

Làm gì để tri ân công đức?

Trong bài viết đăng trên tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử ngày 4/5/2023, chúng tôi đã đề cập đến việc thu thập tài liệu giúp dòng họ Phạm Cuống ở Yên Lãng cung cấp cho chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận nơi thờ Phạm Cuống ở xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng là Di tích lịch sử hoặc đưa vào danh mục điểm di tích cần được bảo vệ.

Có thể nói những tài liệu mà dòng họ Phạm Cuống sưu tầm được là tương đối phong phú. Sử sách cũng đã ghi chép khá đầy đủ. Đặc biệt, hiện trạng đang còn cây đa cổ thụ và một ngôi miếu nhỏ nằm trên phần đất tương đối thoáng đãng. Cùng với đó là bản gốc cuốn gia phả dòng họ Phạm Cuống ở Đồng Dùm nói đến công trạng của Tướng quân hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên.

Đại diện dòng họ khi tiếp xúc với chúng tôi vẫn băn khoăn: Cụ Phạm Cuống là khai quốc công thần nhà Lê, sử sách đã ghi rõ. Ở xã Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), nơi Cụ tham gia khởi nghĩa và hiển vinh, ở lại sinh sống, lập nên dòng họ Phạm Cuống tại đó thì Đền thờ Phạm Cuống đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Vậy nhưng tại bản quán (quê gốc) là xã Yên Lãng, thì đền thờ Phạm Cuống đã bị mai một và chưa được công nhận là di tích để dòng họ và nhân dân tỉnh Thái Nguyên có nơi tri ân tương xứng với công đức của Tướng quân.

Ông Hoàng Công Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lãng, huyện Đại Từ cho biết: Dòng họ Phạm Cuống ở Yên Lãng đã có đơn đề nghị gửi UBND xã đề xuất tôn tạo miếu thờ Phạm Cuống. UBND xã Yên Lãng đã có văn bản gửi Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Từ để cùng phối hợp giải quyết đơn. Nếu đủ điều kiện thì địa phương sẽ cùng đồng hành với dòng họ để làm các hồ sơ, thủ tục.

Clip: Phát biểu của ông Hoàng Công Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lãng, huyện Đại Từ

Khi được hỏi ý kiến của cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Từ cho biết: Sau khi xã hoàn tất hồ sơ và gửi lên, Phòng sẽ xem xét. Nếu đủ điều kiện sẽ tham mưu UBND huyện thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Chúng tôi hy vọng, với sự vào cuộc có trách nhiệm của địa phương và các ngành chức năng, địa điểm nơi thờ tướng quân Phạm Cuống ở xã Đồng Dùm, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ (cũng là nơi duy nhất thờ riêng Phạm Cuống ở Thái Nguyên) sẽ sớm được quan tâm kiểm đếm, công nhận di tích và đầu tư, tôn tạo cho xứng với công lao của một vị tướng quốc nhà Lê có nhiều công lao với đất nước.

Trần Thép

Clip: Trần Thép – Văn Vượng

Kỳ 1: Hiển vinh nhưng ít ai nhắc đến

Xem thêm:

Đi tìm nơi thờ tướng quân Phạm Cuống ở Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy