Tướng quân Phạm Cuống – vinh hiển và tri ân (Kỳ 1)
Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử ngày 4/5/2023 đăng bài “Đi tìm nơi thờ tướng quân Phạm Cuống ở Thái Nguyên”. Sau khi đăng tải, bài viết nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả, ghi nhận, đánh giá cao về quá trình tìm tòi, nghiên cứu công phu của nhóm tác giả.
Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu thêm một số vấn đề có liên quan đến tướng quân Phạm Cuống mà bài viết trước chưa đề cập cùng một số thông tin liên quan đến việc đề nghị công nhận và tôn tạo di tích nơi thờ Phạm Cuống.
Kỳ 1: Hiển vinh nhưng ít ai nhắc đến
Vì sao trở thành những người đầu tiên tụ nghĩa?
Chúng ta đều biết rằng, năm 1418, từ đất Lam Sơn (Thanh Hoá), Lê Lợi cùng các tướng lĩnh Lê Thạch, Lê Liễu khởi binh, tự xưng là Bình Định vương, truyền hịch khắp nơi, kể tội giặc Minh, nêu cao mục đích đánh giặc cứu nước. Từ Thái Nguyên, Lưu Nhân Chú sớm cất gánh lên đường, cùng với cha là Lưu Trung và em rể là Phạm Cuống hội nhập thành những tướng lĩnh đầu tiên của Lê Lợi (1).
Câu hỏi đặt ra là, với điều kiện thời đó (đi bộ và đi theo những cung đường mòn ngoằn ngoèo, vượt khoảng cách hơn 300 km), vì sao ba cha con Lưu Trung lại tìm được đến Lam Sơn mà tụ nghĩa? Đó là do ngẫu nhiên hay có mối quan hệ nào từ trước?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải tìm đến các tài liệu lịch sử. Như bài viết trước đã đề cập, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được sử sách ghi chép khá đầy đủ, chi tiết, nhất là cuốn “Lam Sơn thực lục” do Nguyễn Trãi (công thần khai quốc, cùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn) ghi lại. Tại Thái Nguyên, các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được cuốn Gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú, xã Vân Yên, huyện Đại Từ (sau đây gọi tắt là Gia phả). Đặc biệt, tháng 9/2001, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học về Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú (sau đây gọi tắt là Hội thảo) với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam. Tham luận của Hội thảo được tập hợp lại trong cuốn kỷ yếu “Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú”. Tập hợp và giải mã những tài liệu này sẽ cho chúng ta biết rất nhiều điều thú vị.
Tác giả Phạm Văn Kính (Viện Sử học) trong tham luận “Gia đình Lưu Nhân Chú trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn” có dẫn ra từ sách Đại Nam nhất thống chí, viết: "Lưu Trung: Người Vân Yên (nay thuộc xã Văn Yên - tác giả chú thích), huyện Đại Từ. Cuối thời nhà Trần, Hồ Quý Ly cướp ngôi, quân Minh xâm lược. Lưu Trung cùng con là Chú gánh dầu đi bán, khi đến đền Cẩm xã Quan Ngoại, huyện Tam Dương tỉnh Sơn Tây, gặp mưa gió, phải vào ngủ đỡ trong đển. Đêm đến nửa trống canh một, nghe ở ngoài có tiếng hỏi rằng: Hôm nay bác có lên chầu trời không? Nghe trong đền có tiếng trả lời rằng: "Hôm nay tôi có khách, bác lên chầu trời nếu có việc gì, khi trở về, xin nói cho tôi biết”. Đến trống canh năm, chợt nghe có tiếng báo lại rằng: Hôm nay trên thiên đình yết bảng cho Lê Lợi, là dân thôn Như Áng sách Khả Lam, huyện Lương Giang, lộ Thanh Hóa làm vua". Cha con Lưu Trung lấy làm kỳ dị, bèn lén lút tìm vào Lam Sơn, thờ Lê Thái Tổ. Sau đánh giặc nhiều công, được liệt vào hàng công thần, phong tước quốc công, cho Quốc tính..." (2).
Trong Gia phả cũng chép lại câu chuyện này, nhưng còn thêm một số chi tiết huyền bí khác.
PGS. TS. Nguyễn Danh Phiệt (Viện Sử học) trong tham luận “Lưu Nhân Chú – Từ chọn hướng đúng đắn đến lập thân vinh quang” (tr.64, Kỷ yếu Hội thảo) cho rằng: Câu chuyện trên hẳn là của người đời thêu dệt nhằm thần thánh hóa, thuyết minh việc làm của họ Lưu là hành động theo ý trời, hợp lẽ trời do đó hợp với lòng người, tất yếu sẽ thành công theo minh triết phương Đông "Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong". Cũng tương tự như trường hợp Trần Nguyên Hãn, ông thấy thần núi Tản Viên mách bảo với thần Bạch Hạc về việc trời sai Lê Lợi làm vua nước An Nam để rồi vào Lam Sơn theo Lê Lợi. Nếu mọi sự khởi đầu lập nghiệp của họ Lưu, cũng như họ Trần đều theo sự chỉ dẫn, mách bảo của Trời thì còn gì phải bàn!
Theo tác giả Phạm Văn Kính (Viện Sử học) trong tham luận, thì có thể Lưu Trung và Lê Lợi có quan hệ họ hàng, do đó mới có mối lương duyên khiến ba cha con ông dù ở tận Vân Yên (Đại Từ, Thái Nguyên), một vùng rừng núi cách xa Lam Sơn, nhưng lại có mặt ở đây từ rất sớm (1409 như đã chú thích), trước cả Hội thề Lũng Nhai (1416) và thời điểm khởi binh (1418).
Tác giả phân tích: “…chúng tôi thấy rằng giữa 2 họ Lưu và Trịnh có mối quan hệ rất gần gũi, thân thiết. Sách Đại việt sử ký toàn thư ghi lại một sự kiện xảy ra vào năm Thiệu Bình thứ nhất (1434) đời vua Lê Thái Tông như sau: "Bãi hành khiển Nam đạo Lê Khắc Phục (tức Trịnh Khắc Phục, được ban Quốc tính - P.V.K) cho làm Phán đại tông chính. Bấy giờ Lê Sát đã giết Nhân Chú, ngờ Khắc Phục có lòng oán, tâu xin cách quyền coi quân, sai coi việc hình ngục. Khắc Phục là em (đúng ra phải là anh - P.V.K) cùng mẹ của Nhân Chú…" (3). Qua sự kiện này ta thấy mẹ Lưu Nhân Chú - bà Lê Thị Ngọc Chân - trước khi lấy Lưu Trung đã có con riêng là Trịnh Khắc Phục. Nói cách khác, trước khi làm dâu nhà họ Lưu thì bà Ngọc Chân đã có một đời chồng là người họ Trịnh, vậy người họ Trịnh ấy là ai? Thuộc dòng tộc nào? Về điểm này, Lê Quý Đôn đã cho chúng ta biết một điểu lý thú khi ông viết về nhân vật Đinh Liệt: “Tháng 7 năm Thái Hòa thứ 2 (1444) đời vua Nhân Tông, có kẻ vu cáo, thái hậu giam ông (Đinh Liệt - P.V.K) dưới hầm. Người trong họ vua (tác giả nhấn mạnh) là các ông Lê Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan vào tâu rất khẩn thiết, xin thái hậu rộng ơn, nới phép, đến tháng 6 năm thứ 6 (1448) ông mới được thả ra" (4).
Cháu họ của vua lại là người họ khác thì chỉ có thể hiểu được rằng đó là cháu về bên ngoại của vua. Tìm trong thế phổ của vua, chúng tôi thấy thân mẫu Lê Lợi là người họ Trịnh - bà Trịnh Thị Ngọc Thương quê ở xã Thủy Chú huyện Lôi Dương. Và một trong 3 người vợ của ông là Thần phi Trịnh Thị Lữ, người ở trang Bái Đê cũng huyện Lôi Dương. Trong danh sách tên tuổi các công thần được phong chức tước do Đàm Văn Lễ sao lục vào đời Hồng Đức, đã ghi quán chỉ của Lê Khắc Phục là xã Thủy Chú huyện Lôi Dương. Hơn nữa chính Lê Lợi cũng được sinh ra ở Thủy Chú. Do đó chúng tôi cho rằng Trịnh Khắc Phục thuộc về dòng tộc của bà Ngọc Thương. Rất có khả năng Trịnh Khắc Phục là con của anh hoặc em Trịnh Thị Ngọc Thương. Nếu đúng như vậy thì Trịnh Khắc Phục phải gọi Lê Lợi bằng bác hoặc chú. Vì Lưu Nhân Chú và Trịnh Khắc Phục là 2 anh em ruột cùng mẹ khác cha, nên Lưu Nhân Chú cũng phải gọi Lê Lợi bằng bác hoặc chú. Cả 2 người đều được Lê Lợi yêu quí, trọng dụng. Riêng Lưu Nhân Chú còn được Lê Lợi coi như con đẻ của mình. Trong bức thư gửi cho Vương Thông vào giai đoạn chót của cuộc Nghị hòa cuối năm 1427, Lê Lợi viết: "... vả lại Nhân Chú là con tôi" (5) đã chứng tỏ điều đó.
Những phân tích trên đây đã góp phần giải thích cho giả thuyết: Do Lưu Trung có quan hệ họ hàng với Lê Lợi nên dù ở cách xa và đều ở những vùng rừng núi heo hút, song vẫn sớm tề tựu, đồng lòng phất cờ tụ nghĩa. Vân Yên (Thái Nguyên) với Lam Sơn (Thanh Hóa) tuy rất xa về đường đất, nhưng lại rất gần về tình cảm. Sợi dây tình cảm ấy, suy cho đến cùng là do ông Trịnh Khắc Phục chắp nối. Do đó việc gia đình Lưu Trung tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là điều dễ hiểu.
Vì sao không vang danh nhưng được ban thưởng lớn?
Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ rất sớm và có những cống hiến quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Minh giải phóng đất nước đầu thế kỷ XV. Các ông là công thần khai quốc của vương triều Lê. Tuy nhiên so với một số nhân vật lịch sử cùng thời và so với Lưu Nhân Chú, tên tuổi của Lưu Trung và Phạm Cuống không được sử sách ghi chép một cách đầy đủ, thậm chí khá mờ nhạt (nhất là Phạm Cuống), trong khi đó nguồn tư liệu địa phương (cụ thể là bản gia phả nêu trên) lại chứa đựng rất nhiều thông tin, phản ánh đậm nét vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Theo nội dung bản Gia phả thì Phạm Cuống có tham dự một số trận đánh quan trọng, từ trận đầu tiên ở Lạc Thủy tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), tiếp theo đó là các trận đánh đồn Nga Lạc (1419), trận Ba Lẫm (1421), cùng nghĩa quân tiến công vào Nghệ An (1424), đánh thành Tây Đô (1425) và mai phục đánh Liễu Thăng ở Chi Lăng năm 1427 v.v..
Vấn đề đặt ra là tại sao trong chính sử lại không hề một lần ghi chép tên Phạm Cuống trong số rất nhiều tướng lĩnh tham gia các trận đánh? Liệu ông có trực tiếp cầm quân ra trận không?
Theo các nhà nghiên cứu, chắc chắn Phạm Cuống giữ một vai trò nhất định nào đó trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và ông có tham dự một số trận đánh nhưng không phải là tướng tiên phong trực tiếp đương đầu với mũi tên hòn đạn.
TS. Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học) trong tham luận “Lưu Trung và Phạm Cuống trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn” phân tích: Nếu Gia phả chép đúng về năm sinh của Phạm Cuống là năm Đại Trị thứ 10 (1367), thì khi đến với khởi nghĩa Lam Sơn, ông đã trên 50 tuổi, ở độ tuổi kinh nghiệm và mưu mô có thừa, nhưng không còn đủ sức khỏe để xông pha trận mạc như nhiều tướng lĩnh trẻ trung khác. Có lẽ vì vậy mà trong Gia phả chỉ ghi đậm nét tên ông trong những trận đầu. Càng về giai đoạn cuối thì sự ghi chép dè dặt hơn, tên ông thường được phụ thêm vào với Lưu Trung khi nói về các trận đánh. Theo chúng tôi, đúng ra là cả Lưu Trung và Phạm Cuống được người chép Gia phả cho gắn chung với những chiến công của Lưu Nhân Chú - một vị tướng trẻ tài năng dũng lược hơn người. Nhưng vì Lưu Trung là cha nên người chép Gia phả để tôn Lưu Trung làm trọng tâm mà gắn Phạm Cuống và Lưu Nhân Chú vào vừa hợp lễ, vừa hợp lý. Giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa, Phạm Cuống đã sắp bước vào tuổi 60, nên việc ông trực tiếp cầm quân đánh giặc là điều khó xảy ra. Do đó việc ghi chép về ông trong Gia phả như vừa nêu cũng là điều dễ hiểu.
Đội ngũ tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn phần đông ở độ tuổi tráng niên. Duy có một số trường hợp khi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn tuổi đã khá cao như Bùi Quốc Hưng, Lưu Trung, Phạm Cuống. Họ hơn chủ soái Lê Lợi trên dưới 20 tuổi, do đó, với truyền thống trọng sĩ dĩ nhiên họ luôn nhận được sự tôn trọng vị nể của Lê Lợi. Trong toàn bộ tiến trình của cuộc khởi nghĩa, có lẽ Lê Lợi sử dụng họ làm mưu thần nhiều hơn là làm tướng đánh trận.
Phạm Cuống hẳn đã được Lê Lợi bố trí chức nhiệm làm tham mưu quân sự là chính và ông đã có những đóng góp to lớn đối với sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Cống hiến ấy của ông đã được Lê Lợi và vương triều Lê ghi nhận qua các đợt phong thưởng, ban tước vị sau khi đất nước khải hoàn. Theo Gia phả, năm 1429, vua Lê Thái Tổ ban biểu công thần cho 93 người, Phạm Cuống được ban tước Quan phục hầu, tên ông xếp thứ nhất. Lưu Trung được ban 100 mẫu lộc điền, còn Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống mỗi người được ban 500 mẫu. Đây là bổng lộc rất lớn so với mức ban thưởng lúc bấy giờ…
(Còn nữa)
Trần Thép
Kỳ 2: Làm gì để tri ân?
Xem thêm: Đi tìm nơi thờ tướng quân Phạm Cuống ở Thái Nguyên
----------
(1) Theo Phạm Văn Kính (Viện Sử học), thời điểm gia đình Lưu Trung đến vùng đất Lam Sơn để cùng Lê Lợi mưu việc lớn là vào khoảng năm 1409. Nguồn: “Danh nhân lịch sử Lưu Nhân Chú”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Sở Văn hóa - Thông tin Thái Nguyên xuất bản năm 2001, tr.178.
(2) Đại Nam nhất thống chí. Nxb KHXH, H. 1971. Tập IV, tr.166 – 170.
(3) Toàn thư. Nxb KHXH. H. 1968. Tập III, tr. 82.
(4) Lê Quý Đôn toàn tập - Đại Việt thông sử. NXB KHXH, Hà Nội - 1978, tr. 170.
(5) Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb KHXH. H. 1968, tr. 161
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...