Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
10:48 (GMT +7)

Tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bài 2): Về nơi lưu dấu kỷ niệm

VNTN- “Những ngày ở Tràng Dương (Vạn Thọ - Đại Từ - Bắc Thái) là những ngày có biết bao sự kiện dội vào tâm hồn, ký ức của chúng tôi. Leo núi, luồn rừng, chặt cây, lấy nứa về làm nhà, dựng lán. Công việc thật mới mẻ và hấp dẫn, nhưng cũng đầy ắp những nguy hiểm và gian truân…” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng viết.

Bài 2: Về nơi lưu dấu kỷ niệm
Người dân Vạn Thọ kính cẩn thắp nén nhang tiễn biệt Tổng Bí thư

Tràng Dương - nơi ở của các sinh viên lớp Văn khoá VIII

Nơi các sinh viên lớp Văn khi ấy ở là xóm Tràng Dương, xã Vạn Thọ. Một trong những gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mấy sinh viên khác từng ở và ở lâu nhất là nhà cụ Nguyễn Đình Thoa.

Cụ Thoa về với tiên tổ đã lâu, người tiếp chuyện chúng tôi hôm nay là con trai cụ, ông Nguyễn Đình Tính. Năm Tổng Bí thư và 3 sinh viên khác về nhà mình ở ông Tính lên 10 tuổi.

Ông Tính còn nhớ: Nhà của bố mẹ tôi khi đó là ngôi nhà gỗ 5 gian. Ngày đó có 4 anh về ở nhà tôi là anh Trọng, anh Nhận, anh Trình và một anh nữa mà tôi quên mất tên rồi.

Bài 2: Về nơi lưu dấu kỷ niệm
Nghe tin Tổng Bí thư qua đời, ông Tính bùi ngùi ngắm nhìn tấm ảnh được chụp chung trong lần đón bác về thăm gia đình

Trong số 4 người thì anh Trọng là người gẫn gũi tôi nhất. Tối nào anh cũng dành thời gian dạy tôi học bài, viết chữ. Anh bảo tôi, sau này em muốn làm gì thì hôm nay cũng phải học tập thật chăm chỉ. Lúc đó tôi chưa hiểu gì đâu, nhưng lời dặn ấy cứ âm thầm dưỡng nuôi ý chí của tôi mà chính tôi cũng không hay biết.

Anh viết mẫu rất nhiều kiểu chữ khác nhau và dậy tôi viết theo. Hàng ngày, anh Trọng giao bài cho tôi rồi tối về kiểm tra, chữ nào viết chưa được anh lại kiên trì luyện cho viết bằng được mới thôi.

Nhờ được anh chỉ cho cách viết mà sau này chữ tôi khá đẹp. Sau này khi ở trong quân ngũ hay khi về công tác tại văn phòng UBND xã Vạn Thọ tôi đều đảm trách việc viết giấy khen.

Bài 2: Về nơi lưu dấu kỷ niệm
Bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các bạn học về thăm gia đình ông Tính vào năm 2005

Bố mẹ tôi khi đó quý anh Trọng lắm, vì việc gì anh cũng làm, từ đánh cá, bắt cua, đi rừng lấy củi, cuốc đất trồng rau. Các cụ nhà tôi vẫn bảo anh chị em chúng tôi nêu gương anh, phải biết yêu lao động.

Anh Trọng còn là người có trí nhớ siêu phàm. Nhà tôi có tới 7 anh em. Em út tôi sinh năm 1966 trước một năm trường anh Trọng chuyển về Hà Nội, vậy mà năm 2005 nghĩa là gần 40 năm sau, khi lớp anh trở lại thăm Vạn Thọ, thăm gia đình tôi, anh vẫn nhớ tên và hỏi thăm tình hình của từng người trong gia đình tôi, kể cả tên của chú út anh Trọng cũng không quên.

Lúc ấy tôi biết anh đã làm chức vụ rất cao nhưng anh vẫn tình cảm thế. Anh khoác vai tôi, gọi tôi là em xưng anh như một người anh trong gia đình đi xa về.

Bài 2: Về nơi lưu dấu kỷ niệm
Bộ bàn ghế được gia đình ông Tính gìn giữ như một kỷ niệm quý giá

Nói đoạn, ông Tính chỉ cho tôi bộ bàn ghế bằng gỗ nghiến đã cũ được kê gọn gàng trong một gian nhà, ông bảo:

Đây là bộ bàn ghế hồi trở lại Vạn Thọ, đến thăm gia đình tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng ngồi. Mặc dù gia đình tôi giờ ngồi sập và bộ bàn ghế khác tiện nghi hơn, bộ bàn ghế cũ này nhiều người hỏi mua lại nhưng tôi không bán vì nó gắn với kỷ niệm được đón Tổng Bí thư về thăm, người mà tôi vô cùng yêu kính. Tôi sẽ giữ lại làm kỷ niệm.

Lớn hơn ông Tính vài tuổi, năm lớp Văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Tràng Dương sơ tán ông Nguyễn Văn Ngọ chừng 13 - 14 tuổi. Lúc đó, ông đã nghỉ học, phải gánh vác việc gia đình.

Lớn trước tuổi nên ký ức của ông về các sinh viên năm đó còn khá nguyên vẹn: Các anh chị sinh viên năm đó, nhất là bác Trọng chịu khó lắm. Học cả tuần, được nghỉ ngày chủ nhật là lên rừng lấy củi, vác nứa về làm lớp học, bếp ăn. Ban đầu, bác Trọng và mấy bác nữa ở nhà ông Bân, cạnh nhà tôi.

Bài 2: Về nơi lưu dấu kỷ niệm
Ông Nguyễn Văn Ngọ xúc động khi nhớ lại chuyện năm xưa Tổng Bí thư về làng ông sơ tán

Trong trí nhớ của ông Ngọ, làng ông khi đó có con đập Vai Say. Toàn bộ nước tưới tiêu của bà con trong xã đều trông cả vào nguồn nước chảy ra từ đập. Mỗi lần mưa lớn, đập đều bị vỡ. Bởi thế, đến mùa mưa, các xã viên trong hợp tác xã phải lên rừng chặt cây, phải là cây to, vài chục người khiêng về chặn nước.

Biết chuyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó là Bí thư Chi đoàn của lớp đã có ý tưởng xây dựng con đập. Sinh viên cùng các xã viên hợp tác xã lên núi vần những tảng đá to xây kè chặn nước.

Ông Bùi Văn Tùng, Bí thư chi bộ xóm 1 (xóm Vai Say trước đây) bổ sung thông tin: Tôi nghe các cụ nói lại là khi đó đập được xây bằng 5 tạ xi măng, còn lại toàn vôi thôi. Đến nay, con đập đã được cải tạo đến lần thứ 3 và đã trở nên vững chãi.

Bài 2: Về nơi lưu dấu kỷ niệm
Đập Vai Say nơi vẫn còn những tảng đá năm xưa do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các sinh viên lớp Văn cùng xã viên hợp tác xã vần trên núi về để xây đập giữ nước giúp người dân

Ký ức về một thời thanh niên sôi nổi

Những hồi ức ấy cũng trùng với những dòng tâm tưởng của Tổng Bí thư khi nhớ về thời sinh viên sôi nổi. Tổng Bí thư từng viết: 

Ngày đi luồn rừng leo núi, nhưng tối về vẫn phải học rất khuya. Cái hồi ở Láng (ký túc xá gần chùa Láng – PV) chúng tôi cũng đã từng thức rất khuya, anh nào cũng ham học đến 1 - 2 giờ sáng… Nhưng lúc đó còn có điện, có bàn ghế đàng hoàng. Chứ những ngày ở Tràng Dương này chỉ có ngọn đèn dầu cải tiến và lấy giường làm bàn thôi.

Có lẽ vì thế mà đồng bào rất thương và quý chúng tôi, cưu mang, đùm bọc chúng tôi như con em trong nhà. Gia đình nào cũng nhượng cho chúng tôi cả gian buồng để vài ba anh em ở. Thỉnh thoảng lại mời cơm, mời sắn. Hợp tác xã có nhờ cắt lúa, gánh thóc đóng thuế, đắp đập, vác gỗ làm nhà… thì lại cho gạo, cho xôi.

Ngày lễ, ngày Tết, xã viên được chia gạo, chia thịt thế nào thì anh chị em lớp tôi cũng được Ban Chủ nhiệm hợp tác xã cho như thế. Có lần hợp tác xã cho chúng tôi cả một con trâu và hơn một tạ gạo để liên hoan lớp. Bốn thằng chúng tôi đánh vật suốt đêm mới thịt nổi một con trâu, sáng ra mệt quá, bỏ cả lòng, cả ong sách…

Chúng tôi xác định phải cố gắng vừa học tốt, vừa giúp đỡ đồng bào. Tối tối đi phát thanh thông báo tin thời sự; tổ chức triển lãm tranh ảnh tuyên truyền những chủ trương của Đảng và Nhà nước; biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con…

Bài 2: Về nơi lưu dấu kỷ niệm
Ông Lê Hùng Mạnh, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Vạn Thọ thắp nhang tiễn biệt Tổng Bí thư, người mà ông vô cùng kính trọng

Trong số những người đến thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nhà văn hoá xã Vạn Thọ mà chúng tôi được gặp hôm nay có ông Lê Hùng Mạnh, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã. Gỡ cặp kính lão xuống, ông khẽ lau giọt nước đọng nơi khoé mắt.

Ông kể: Khi lớp Văn của Tổng Bí thư sơ tán về địa phương, sinh viên thì ở tập trung tại xóm Tràng Dương, còn giảng viên thì ở chủ yếu tại xóm 5, xóm 6. Nhà tôi được đón thầy giáo Hoàng Xuân Nhị cùng vợ và con của thầy về ở.

Trong trí nhớ của ông Mạnh, lớp học khi đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng môn nằm ở chân núi mà bà con địa phương hay gọi là khu dốc Xuể thuộc xóm Hưng Đạo (nay là xóm 6). Sinh viên phải đào hào để ngồi thấp xuống dưới mặt đất chừng một mét, bên trên tường ken bằng nứa trát đất trộn rơm, lợp mái.

Sinh viên phải đi bộ khoảng hơn một cây số từ chỗ ở đến lớp học. Còn mỗi lần đi lấy gạo ăn, thì phải lội suối chừng 2 cây số sang núi Văn, núi Võ cõng gạo bằng ba lô về. Phần lớn diện tích trên địa bàn xã khi ấy là đồi núi, có rừng cây bao phủ, đường rất khó đi.

Ông Mạnh kể thêm: Năm 2005 khi lớp Văn của Tổng Bí thư trở về thăm lại Vạn Thọ, khi đó tôi đang làm Bí thư Đảng uỷ xã. Bác Trọng và các thành viên trong Đoàn có nhờ xã chuẩn bị giúp bữa cơm có các món ăn thời sinh viên thường ăn gồm: một đĩa sắn, một đĩa rau lang và một bát canh cua.

Chỉ mộc mạc thế thôi nhưng khiến những người có mặt như chúng tôi ai cũng xúc động. Tôi cùng bác Trọng và các bác đi thăm lại những gia đình năm xưa từng ở. Ai ở nhà nào thì tìm về thăm lại nhà đó, rồi mọi người qua thăm khu bếp ăn năm xưa ở xóm Chăn Nuôi. Bác Trọng thân tình, gần gũi lắm. Đi đường tôi còn được bác khoác vai, không một chút nào quan cách cả.

Lần đó bác có dặn đi dặn lại cán bộ xã chúng tôi là phải chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, phải tìm mọi cách để giúp kinh tế của người dân địa phương phát triển. Lần ấy các bác cựu sinh viên không tặng bà con bánh kẹo như giờ ta hay tặng cho bà con, mà quà là bột canh, mỳ chính, màn tuyn, quần áo…

Cũng trong lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng môn về thăm lại Vạn Thọ, ông Nguyễn Đình Tính được bác tặng một chiếc màn tuyn mà đến nay ông vẫn nâng niu cất giữ.

Ông rưng rưng: Khi ấy bác bảo tôi, anh tặng em chiếc màn này để mỗi khi ngủ, em nhìn lên đỉnh màn là sẽ thấy anh. Tình cảm lắm! Rồi ông bỗng nghẹn giọng:

Sau này, tôi có tha thiết được đón bác trở lại thăm Vạn Thọ, chơi với gia đình tôi một lần nữa. Bác hẹn nhất định khi được nghỉ hưu anh sẽ quay lại thăm em và bà con, còn bây giờ việc nước bận lắm anh không đi được. Tôi vẫn chờ đến ngày đó mà giờ không được nữa rồi.

Lặng đi một lát, dằn cơn xúc động lại, ngước đôi mắt đỏ hoe, ông Tính như chợt nhớ ra điều gì, ông kể tiếp:

Bác Trọng đặc biệt lắm. Hồi lớp bác trở lại thăm Vạn Thọ, mọi người trong đoàn nói chuyện với nhau chỗ này ngày xưa là gì, chỗ kia đã khác như thế nào, nhưng bác Trọng thì khác. Tôi thấy bác lặng lẽ quan sát, rồi bác có nói với tôi, anh thấy bà con mình vẫn chỉ trồng mỗi lúa thế này thì khó giàu lắm. Phải đưa thêm nhiều cây giống mới vào gieo trồng thì kinh tế mới khấm khá được. Nghe lời bác, gia đình tôi cũng phát triển thêm mô hình trồng nấm, cùng bà con trong xóm, trong xã  trồng thêm các loại rau màu.

Tràng Dương năm xưa nói riêng và Vạn Thọ hôm nay nói chung đã từng bước làm được những điều mà Tổng Bí thư mong muốn, những căn nhà lá, nhà tạm đã được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng, nhà mái Thái khang trang đẹp đẽ; cánh đồng Vạn Thọ đã có có nhiều cây màu xen canh cây lúa, là 1 trong 15 xã của huyện Đại Từ được lựa chọn xây dựng và “về đích” nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Bài 2: Về nơi lưu dấu kỷ niệm
Tràng Dương năm xừa và Vạn Thọ hôm nay đã mang một diện mạo mới, khang trang và sung túc hơn, như mong muốn của Tổng Bí thư lúc sinh thời

Những ngày này, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về với thế giới người hiền, lòng người nơi đây cũng đang quặn thắt. Những năm tháng cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, Tổng Bí thư khi đó đang là cậu sinh viên Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều bạn bè trong lớp đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng người dân Vạn Thọ.

Ngày Tổng Bí thư ra đi, người dân xã Vạn Thọ không khỏi bồi hồi nhớ lại những hình ảnh rất đỗi thân thương ấy. Những cụ ông, cụ bà tóc đã bạc, tuổi đã cao, dáng đi khom khom và cả những người thuộc thế hệ hậu sinh nghẹn ngào tìm đến Nhà văn hóa xã thắp nén hương tưởng nhớ Tổng Bí thư.

Từ tận sâu thẳm lòng mình, tôi biết mỗi người dân ở đây sẽ mãi nhớ về một nhà lãnh đạo gần dân, giản dị, nhân văn, một người lãnh đạo kiệt xuất, một tấm lòng kiên trung, một biểu tượng của sự bình dị mà vĩ đại.

Kim Ngân

Bài 1: Những ký ức không phai 

1 đã tặng

0

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy