Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
13:16 (GMT +7)

Tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (bài 1): Vẻ bình dị trong một nhân cách lớn

VNTN- Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời tôi không muốn tin đó là sự thật. Suốt mấy ngày nay, nước mắt tôi lặng lẽ rơi mỗi khi đọc được tin tức hay những mẩu chuyện về cuộc đời Tổng Bí thư. Vẫn biết “sinh hữu hạn, tử bất kỳ” nhưng sao cái tin Tổng Bí thư đã về thế giới người hiền lại khiến nhiều trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế đau đến thắt nghẹn như vậy. Chúng ta không chỉ mất đi một người cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo lỗi lạc, tận trung với nước tận hiến với dân đến những hơi thở cuối cùng, mà đó còn là một nhân cách lớn, một tâm hồn vĩ đại và một tượng đài của lòng yêu nước.

Sự giản dị của một nhân cách lớn

Tôi may mắn được có mặt trong chuyến công tác do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn công tác của Trung ương đến thăm và làm việc tại Thái Nguyên ngày 10/1/2023. Bước chân như vô định, tôi tìm lại những nơi dấu chân Tổng Bí thư từng in trong lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên.

Bài 1: Vẻ bình dị trong một nhân cách lớn
Vợ chồng ông Dương Tiến Bình, bà Nguyễn Thị Hồng Hải bên bức ảnh được chụp chung với Tổng Bí thư

Vợ chồng ông Dương Tiến Bình, bà Nguyễn Thị Hồng Hải (tổ dân phố Đầu Cầu, phường Ba Hàng, TP. Phổ Yên) lặng lẽ ngồi dưới phòng khách ngắm nhìn lại bức ảnh gia đình được chụp chung với Tổng Bí thư.

Không giấu được sự xúc động, giọng ông Bình nghẹn nghào, mới hôm nào gia đình tôi vinh dự được Tổng Bí thư đến thăm hỏi sức khoẻ của cụ thân sinh ra vợ tôi, vậy mà giờ người đã không còn (bố vợ ông Bình là cụ Nguyễn Trung Lựu, sinh năm 1927. Cụ Nguyễn Trung Lựu là cán bộ Tiền khởi nghĩa, thương binh, đã tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cụ đã được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng).

Ngồi bên cạnh chồng, bà Hải đỡ lời: Dù vẫn thường xuyên thấy Tổng Bí thư trên báo, đài, nhìn thấy cụ hiền từ, đôn hậu nhưng khi được gặp, sự gần gũi và giản dị của Tổng Bí thư vẫn khiến chúng tôi phải bất ngờ. Ngoài hỏi thăm sức khoẻ của ông bà tôi, hôm đó Tổng Bí thư còn ân cần thăm hỏi từng thành viên trong gia đình. Giọng Tổng Bí thư ấm áp, hiền hậu và thân tình lắm, không có chút nào là xã giao cả. Mỗi khi nghĩ lại ngày hôm đó chúng tôi vẫn còn xúc động.

Ông Bình tiếp lời vợ: Tôi vẫn nhớ lúc tôi báo cáo với Tổng Bí thư rằng cụ nhà tôi chỉ sinh được 2 người con gái. Tôi là con rể và vợ chồng tôi sống với 2 cụ từ khi chúng tôi lập gia đình. Tổng Bí thư đã cười hiền hậu bảo tôi, anh phải vừa là con rể vừa là con dâu.

Chúng tôi hiểu ý Tổng Bí thư căn dặn. Vì xưa các cụ ta thường dạy “dâu là con, rể là khách”, nên ý Tổng Bí thư dặn tôi như thế là không được coi mình là khách mà phải thực sự như một người con trong gia đình để phụng dưỡng các cụ. Tổng Bí thư là người tinh tế nên ý nghĩa hàm chứa trong mỗi câu nói đều vô cùng sâu sắc!

Sau khi thăm gia đình cụ Lựu, Tổng Bí thư và đoàn công tác đã về thăm người lao động tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên. Dừng xe tại nương chè hôm nào, hình bóng Tổng Bí thư tươi cười trên nương chè, tự tay ngắt búp chè thơm vẫn như hiển hiện trước mắt tôi.

Cách Tổng Bí thư hái vài búp chè, nhón vài cọng chè đang sao dở đưa vào miệng bình dị như cách người nông dân làm chè quê tôi vẫn làm. Điều đó cũng cho thấy, bác tin người làm chè, tin vào chất lượng sản phẩm của chè quê tôi. Bên tai tôi vẫn văng vẳng những lời nói ân cần, mộc mạc khi Tổng Bí thư hỏi thăm đời sống và động viên các xã viên Hợp tác xã cùng lời căn dặn phải làm sao để trà Tân Cương mãi mãi là trà Tân Cương.

Mắt tôi nhoè nước. Tôi nhớ trong buổi nói chuyện tại trụ sở Tỉnh uỷ Thái Nguyên hôm ấy, Tổng Bí thư đã chia sẻ mối “lương duyên” của mình với đất và người Thái Nguyên. Khi còn nhỏ, Tổng Bí thư cùng gia đình lên tản cư ở Thái Nguyên (tại huyện Phổ Yên, nay là TP. Phổ Yên). Tiếp đó, khi đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nội, Tổng Bí thư khi đó đang là sinh viên Đại học Tổng hợp đã sơ tán về xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ và gắn bó với mảnh đất này trong khoảng thời gian 2 năm.

Thái Nguyên – một mối duyên lành

Hội trường Nhà văn hoá xã Vạn Thọ hôm nay trang nghiêm, tĩnh lặng. Trên di ảnh, nụ cười của Tổng Bí thư vẫn thật hiền từ, ánh mắt trìu mến. Những bông cúc vàng tươi nằm lặng lẽ trên bàn thờ, dưới dòng chữ trang trọng “Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Bài 1: Vẻ bình dị trong một nhân cách lớn
Dù chưa đến ngày tổ chức quốc tang nhưng nhiều cán bộ và người dân xã Vạn Thọ đã về nhà văn hoá xã, nơi đặt bàn thờ viếng Tổng Bí thư để được tự tay thắp nén nhang tiễn biệt

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vạn Thọ chia sẻ: Khi biết tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, chúng tôi đã lập bàn thờ để cán bộ, đảng viên và nhân dân, những người mong muốn nhưng không có điều kiện về Hà Nội có thể đến đây thắp nén nhang tưởng nhớ và tiễn biệt Tổng Bí thư mà nhân dân chúng tôi nhất mực tôn kính.

Hiện nay, địa điểm Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 - 1969) tại xã Vạn Thọ đã được cấp Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, tuy nhiên chưa được xây dựng, tôn tạo.

Chúng tôi lập bàn thờ Tổng Bí thư tại xã và thông báo rộng rãi cho toàn thể đảng viên và nhân dân được biết. Chúng tôi sẽ tổ chức lễ viếng Tổng Bí thư trong ngày 25 và sáng ngày 26/7.

Những ngày sau khi Tổng Bí thư mất, dù chưa đến ngày tổ chức Quốc tang, nhưng nhiều cán bộ và người dân trên địa bàn xã năm xưa từng được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ngay cả những người chưa từng một lần được gặp bác đã đến sớm. Ai cũng nghẹn ngào mong được tự tay thắp nén nhang tiễn biệt một tượng đài tận hiến vì nước, vì dân. Để nơi tưởng nhớ Tổng Bí thư được thật trang nghiêm, trong những ngày này, chúng tôi có bố trí lực lượng trực, giữ nhang thơm 24/24 giờ trên bàn thờ bác, bày tỏ lòng thành kính.

Bài 1: Vẻ bình dị trong một nhân cách lớn
Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vạn Thọ giới thiệu về những bức ảnh lưu dấu kỷ niệm Tổng Bí thư về thăm Vạn Thọ

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Vạn Thọ (1946 - 2014) còn ghi: Năm 1966, xã đón sinh viên khoa Văn, khoa Sử trường Đại học Tổng hợp (nay là các khoa Văn, Sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) về sơ tán.

Về Vạn Thọ, sinh viên trường Đại học Tổng hợp sinh sống rải rác trong các hộ gia đình, mỗi gia đình đón nhận từ 3 - 4 sinh viên. Tại đây, cán bộ, sinh viên trường đã kết nghĩa với Đoàn Thanh niên xã làm lực lượng xung kích trên mặt trận sản xuất nông nghiệp.

Một số người sau này đã trở thành người thành đạt, giữ nhiều chức vụ cao trong bộ máy Nhà nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Vinh; các nhà thơ, nhà văn: Trúc Thông, Ý Nhi, Trần Mạnh Thường, Lê Xuân Đố, Thanh Thảo, Nguyễn Ngọc Ký,…

Còn cuốn hồi ký có tựa đề “Từ mái trường này” do Nhà Xuất bản Khoa học xã hội phát hành 2023 bao gồm nhiều bài viết của các cựu sinh viên lớp Văn khoá VIII của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa có bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tôi may mắn được đọc.

Tôi đã vô cùng xúc động khi được nâng niu bài viết của Tổng Bí thư trên tay, bởi lẽ khi ấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khoá XI, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Công việc bận trăm bề song đồng chí vẫn dành thời gian viết hồi ký với các thành viên trong lớp. Tình cảm này thật đáng trân quý biết bao!

Tôi còn nhớ, câu đầu tiên trong bài viết Tổng Bí thư nói ngay rằng “Lớp tôi (lớp Văn, niên khoá 1963 – 1967) là một lớp đặc biệt”. Đặc biệt bởi nhiều lẽ, trong đó có việc được lệnh đi sơ tán ở Thái Nguyên.

Trong hồi ức của mình Tổng Bí thư viết: “Trong không khí cả nước sục sôi đánh Mỹ, thanh niên học sinh sục sôi khí thế “Ba sẵn sàng”, chúng tôi đua nhau viết đơn bằng máu tình nguyện xin vào Nam chiến đấu, hối hả luyện tập, tập trận giả, tập hành quân, báo động, đào hào, đào hầm… Đến hè năm 1965, cuộc chiến phá hoại của Mỹ ra tới Hà Nội đã rất ác liệt. Chúng tôi được lệnh đi sơ tán. Lớp tôi là lớp đầu tiên lên đường để chuẩn bị cơ sở trường lớp nơi sơ tán…

Đơn giản và gọn nhẹ, mỗi người một chiếc ba lô hoặc túi xách, chúng tôi đi tàu lên ga Quán Triều (Thái Nguyên). Có cái gì oai vệ, thơ mộng; có cái gì bí hiểm, háo hức. Xuống tàu rồi đi bộ suốt đêm 35 cây số, qua suối, qua rừng. Tôi nhớ hôm đó sáng trăng, trời vào thu se se lạnh. Ai nấy đều bươn bả. Tôi lẩm nhẩm đọc thơ và tưởng tượng ra người chiến binh trong thơ Chính Hữu:

Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa

Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Phơi nắng gió với hoa ngàn cỏ nội…”

Ôi, một tâm hồn thi sĩ đẹp làm sao, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ! Tôi khẽ thốt lên khi đọc đến những dòng này.

Bài 1: Vẻ bình dị trong một nhân cách lớn
Ông Lê Hùng Mạnh (bên phải), nguyên Bí thư Đảng uỷ xã kể với lãnh đạo xã đương nhiệm kỷ niệm với Tổng Bí thư bên Cây lưu niệm Tổng Bí thư trồng năm 2005 trong khuôn viên trụ sở UBND xã 

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều nỗi tiếc thương và những kỷ niệm không phai. Nhưng chính từ sự mất mát này, những câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng thêm tỏa sáng, khắc sâu trong lòng mỗi người dân Thái Nguyên và khắp nơi trên cả nước. Trong đó có những câu chuyện đã được khắc ghi sâu đậm trong lòng những người dân ở mảnh đất nơi Tổng Bí thư và các bạn đồng môn lớp Văn, khoá VIII về sơ tán tại xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên).

(còn nữa)
Kim Ngân

Bài 2: Về nơi lưu dấu kỷ niệm

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục